e magazine
27/11/2020 10:15
Công đoàn Việt Nam: Đổi mới thế nào khi không là đại diện duy nhất của người lao động

27/11/2020 10:15

Đó là nội dung trọng tâm được các nhà khoa học tập trung thảo luận tại Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động tổ chức.
Công đoàn Việt Nam: Đổi mới thế nào khi không là đại diện duy nhất của người lao động

Đó là nội dung trọng tâm được các nhà khoa học tập trung thảo luận tại Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động tổ chức.

Hội thảo nhằm xác định quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ công đoàn và vận dụng quan điểm đó khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đồng thời phân tích và làm rõ các khái niệm mới về đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; làm rõ vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Các tiêu chuẩn và cam kết về lao động, công đoàn, thuận lợi, thời cơ, thách thức.

Thách thức đối với Công đoàn Việt Nam khi có sự ra đời và hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

nhiều thách thức

Theo TS. Đỗ Trần Hải – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động: “Việc nội luật hóa trong Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam là vấn đề rất mới.

Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) như: Công ước về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước 98), Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, cho phép tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp được liên kết, được gia nhập và liên kết với các tổ chức quốc tế của NLĐ.

Khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) cùng với việc phê chuẩn công ước quốc tế về lao động đã tạo ra “cạnh tranh công đoàn”. Công đoàn Việt Nam không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho NLĐ.

Công đoàn Việt Nam: Đổi mới thế nào khi không là đại diện duy nhất của người lao động
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TT

Tính đến ngày 30/6/2020, cả nước có 126.669 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, trong đó có 72.445 công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước. Khu vực doanh nghiệp có 54.224 công đoàn cơ sở. Cả nước có 7.274 cán bộ công đoàn chuyên trách; trên 920.000 cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Trao đổi về những vướng mắc từ thực tiễn, TS. Vũ Anh Đức - Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Việc đổi mới tổ chức, hoạt động phải đảm bảo nguyên tắc công đoàn là thành viên của hệ thống chính trị. Công đoàn Việt Nam là tổ chức lớn mạnh nhất mang tính bao trùm, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân, công đoàn.

Trên thực tế, đổi mới đối với công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về thể chế, về công tác liên thông cán bộ trong hệ thống, công tác tuyển dụng cán bộ công đoàn để thực hiện tốt nhất chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ. Do đó, việc đổi mới cần có trọng tâm và có lộ trình”.

Công đoàn Việt Nam: Đổi mới thế nào khi không là đại diện duy nhất của người lao động
Đồng chí Vũ Anh Đức - Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: TT

Tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng là tất yếu và đúng đắn. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, trong đó có công đoàn phải đổi mới. Đặc biệt khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì đổi mới hoạt động Công đoàn Việt Nam càng trở nên cấp thiết để thích ứng với tiến trình hội nhập.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đề cập đến nội dung, phương thức đổi mới của Công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thời cơ là có thêm tổ chức đại diện NLĐ sẽ tăng cường đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; đảm bảo quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp. Từ đó góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Công đoàn Việt Nam: Đổi mới thế nào khi không là đại diện duy nhất của người lao động

TS. Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động. Ảnh: TT

Đó cũng là thách thức vì tạo ra sự cạnh tranh giữa các tổ chức Công đoàn. Điều này có thể dẫn đến sự xung đột tại doanh nghiệp, gây mất ổn định chính trị, bãi công, kìm hãm phát triển kinh tế. Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động công đoàn cần lường trước và ngăn chặn tác động tiêu cực đến Công đoàn Việt Nam và thể chế chính trị.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị: “Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam để công đoàn giữ vai trò chủ đạo nòng cốt trong quá trình này".

Công đoàn Việt Nam: Đổi mới thế nào khi không là đại diện duy nhất của người lao động

Đại diện Bộ Công Thương trao đổi về rào cản "phi thương mại" khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Duy Minh

Đồ họa: Duy Minh

Xem phiên bản di động