e magazine
10/09/2022 11:55
Công đoàn và người lao động cần tiến tới “mặc cả” để có tiền lương tốt nhất

10/09/2022 11:55

Trong bối cảnh “Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp”, Công đoàn cần hỗ trợ đoàn viên, NLĐ “mặc cả” với NSDLĐ, hiện thực “giá cả sức lao động” để có tiền lương tốt nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và NSDLĐ.
Công đoàn và người lao động cần tiến tới “mặc cả” để có tiền lương tốt nhất

Trong bối cảnh “Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp”, Công đoàn cần hỗ trợ đoàn viên, NLĐ thương lượng (nói một cách dân dã là “mặc cả”) với NSDLĐ, hiện thực “giá cả sức lao động” để có tiền lương tốt nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và NSDLĐ.

"Quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách tiền lương đã có sự đổi mới rất rõ. Theo đó, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao nâng cao năng suất lao động. Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là “giá cả sức lao động”, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp" - đồng chí Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn.

TIỀN LƯƠNG PHẢI ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG

PV: Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về chính sách tiền lương trong giai đoạn hiện nay là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Đình Quảng: Quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề tiền lương thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/218 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương.

Theo đó, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính đảm bảo đời sống của NLĐ và gia đình người hưởng lương. Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

Đối với khu vực doanh nghiệp, Nghị quyết 27-NQ/TW nhấn mạnh “tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ NLĐ yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động”.

Công đoàn và người lao động cần tiến tới “mặc cả” để có tiền lương tốt nhất
NLĐ làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mong muốn có tiền lương tốt. Ảnh: HẢI NGUYỄN

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về sự thay đổi của chính sách - pháp luật về tiền lương trong khu vực doanh nghiệp?

Đồng chí Lê Đình Quảng: Một trong những dấu ấn nổi bật và nhất quán của việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách - pháp luật về lao động (trong đó có tiền lương) thời gian qua, là việc giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào quan hệ lao động, đồng thời khuyến khích các bên trong quan hệ lao động thương lượng, thỏa thuận trên cơ sở “sàn” điều kiện lao động tối thiểu hoặc tối đa do Nhà nước quy định.

Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định rõ, từ năm 2021: “Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa NSDLĐ với NLĐ và đại diện tập thể NLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp”.

Trước đây, theo Bộ luật Lao động năm 2012, NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động dựa trên “các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động do Chính phủ quy định” như: khoảng cách giữa các bậc lương không được thấp hơn 5%; Mức lương của NLĐ qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu; Mức lương của công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; của công việc lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc lao động bình thường.

Bộ luật Lao động 2019 đã bỏ quy định Chính phủ quy định nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, mức lao động và quy định theo hướng giao quyền chủ động cho NSDLĐ trong xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động trên cơ sở đối thoại với tổ chức đại diện NLĐ.

Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 xác định: “NSDLĐ phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho NLĐ” và “NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động”.

TIỀN LƯƠNG VÀ TIỀN LƯƠNG TỐI THIỂU

PV: Vậy tiền lương và tiền lương tối thiểu có sự khác biệt như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Đình Quảng: Mức lương tối thiểu (thường gọi là tiền lương tối thiểu) là mức lương thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (Điều 91 Bộ luật Lao động 2019). Mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động.

Công đoàn và người lao động cần tiến tới “mặc cả” để có tiền lương tốt nhất

Nghị định 38/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu trước đó.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng (hiện có 4 vùng), ấn định theo tháng (mức lương tối thiểu tháng), theo giờ (mức lương tối thiểu giờ). Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên 7 yếu tố: (1) Mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; (2) Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; (3) Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; (4) Quan hệ cung cầu lao động; (5) Việc làm và thất nghiệp; (6) Năng suất lao động; (7) Khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Còn tiền lương là số tiền mà NSDLĐ trả cho NLĐ theo thỏa thuận để thực hiện các công việc, là giá cả sức lao động mà NLĐ “mặc cả” được. Giá cả sức lao động phụ thuộc vào chất lượng lao động, cung cầu lao động, vị thế của NLĐ trong quan hệ lao động và cả kỹ năng “mặc cả”…

Hiện nay, phần lớn NLĐ và Công đoàn chưa dám “mặc cả” mà thường để cho NSDLĐ ấn định tiền lương. NLĐ chưa thực sự chủ động “ra giá” sức lao động của mình. Do thương lượng, “mặc cả” về tiền lương chưa tốt, nên việc tăng lương cho NLĐ phụ thuộc rất nhiều vào việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu hằng năm của Nhà nước.

Công đoàn và người lao động cần tiến tới “mặc cả” để có tiền lương tốt nhất

Đồng chí Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam hỏi thăm tình hình đời sống công nhân lao động.

PV: Trong bối cảnh mới, Công đoàn cần làm gì để hỗ trợ NLĐ có tiền lương tốt nhất?

Đồng chí Lê Đình Quảng: Trong bối cảnh “Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp” và doanh nghiệp được quyền chủ động thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận với NLĐ và đại diện tập thể NLĐ, thì vai trò của Công đoàn về tiền lương có sự thay đổi.

Muốn làm tốt vai trò của mình về tiền lương, Công đoàn phải đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động; chú trọng và nâng cao chất lượng thương lượng, thỏa thuận về tiền lương trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Tăng cường công tác tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách - pháp luật về tiền lương. Làm tốt vai trò đại diện cho NLĐ trong Hội đồng tiền lương Quốc gia. Tích cực tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương theo quy định của pháp luật, kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm.

Công đoàn và người lao động cần tiến tới “mặc cả” để có tiền lương tốt nhất

Hiện nay, phần lớn NLĐ và Công đoàn chưa dám “mặc cả” mà thường để cho NSDLĐ ấn định tiền lương.

Công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở bên cạnh phải tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiền lương thì còn phải đặc biệt quan tâm đến việc trực tiếp thương lượng, tham gia xây dựng thang bảng lương, bảng lương, quy chế trả lương, quy chế thưởng, định mức lao động. Công đoàn thương lượng tốt sẽ đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và ngược lại.

Công đoàn phải sử dụng các biện pháp và quyền hạn theo luật định, kể cả tổ chức và lãnh đạo đình công để có những bản thỏa ước lao động, các quy định về thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế lương, thưởng có lợi và tốt hơn cho NLĐ.

Ngoài ra, Công đoàn phải hỗ trợ, tư vấn để NLĐ, đoàn viên công đoàn thương lượng, “mặc cả” với NSDLĐ, hiện thực “giá cả sức lao động” một cách tốt nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và NSDLĐ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THU CHINH

Ảnh: TL

Đồ họa: NAM TRÂN

Xem phiên bản di động