Công đoàn làm chủ hôn trong lễ cưới công nhân
Các cặp đôi công nhân được Công đoàn Thái Nguyên làm chủ hôn trong lễ cưới tập thể miễn phí. Trong ngày vui, họ còn được tặng nhẫn vàng lấy may.
Đồng chí Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên chúc phúc các cặp đôi. Ảnh: CĐCC |
Đám cưới sau nhiều lần lỡ hẹn Chiều ngày 26/11, tại Trung tâm Tổ chức sự kiện tiệc cưới Việt Phượng Royal Palace, phường Quang Trung (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), 17 cặp đôi công nhân hạnh phúc khoác tay nhau bước vào lễ đường. Một lễ cưới đầm ấm, đầy đủ mà trong mơ họ cũng không nghĩ đến. Công đoàn tỉnh Thái Nguyên đứng ra làm chủ hôn, kêu gọi các nhà tài trợ cùng tổ chức lễ cưới tập thể. Cùng dự và chia vui với họ có lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và người thân, bạn bè. Đôi mắt đỏ hoe, cô dâu Phạm Như Phương - công nhân Công ty TNHH Electronic Samsung Thái Nguyên vẫn chưa hết xúc động vì giây phút mình mong đợi nhiều năm trời đã thành sự thật. Bên cạnh cô là chú rể Nguyễn Thanh Hùng thanh lịch trong một bộ comple kẻ sọc. Anh Hùng chia sẻ: “Vợ đến với tôi phải chịu nhiều thiệt thòi. Thiệt thòi nhất là chưa từng được mặc áo cô dâu, chụp ảnh cưới và được tổ chức đám cưới có sự chứng kiến của người thân, bạn bè. Hôm nay là ngày đẹp nhất của vợ tôi, cũng là ngày đẹp nhất của tôi. Chúng tôi rất vui vì được Công đoàn tổ chức đám cưới long trọng, đầy đủ khách mời”. |
Đồng chí Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Lễ cưới tập thể công nhân năm 2023. Ảnh: CĐCC |
Cô dâu Phạm Như Phương cho biết, hai vợ chồng đăng ký kết hôn vào khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Do quy định về giãn cách xã hội và phòng, chống dịch mà hai người chưa thể tổ chức đám cưới. Khi dịch qua đi thì gia đình liên tiếp có tin buồn. Chính vì thế đám cưới chưa thể thực hiện được. "Em chưa lúc nào nghĩ mình được mặc chiếc váy cưới lộng lẫy như vậy vì cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chúng em rất cảm động vì được lựa chọn là một trong 17 cặp đôi có mặt tại đây hôm nay”, cô chia sẻ. Có mặt tại lễ cưới, cô dâu Dương Thị Oanh và chú rể Nguyễn Văn Toản - công nhân Công ty TNHH Samsung Electronic Thái Nguyên dắt theo cô con gái gần 2 tuổi. Lễ cưới của họ lẽ ra được tổ chức năm 2021 song vừa lúc dịch bệnh căng thẳng. Đầu năm 2022, chị Oanh sinh con đầu lòng. Chuyện buồn liên tiếp xảy đến khi gia đình chồng liên tục có người qua đời. “Từ đó đến nay hai vợ chồng nó chưa tổ chức đám cưới, sống cùng tôi. Thu nhập hai đứa chưa phải ổn định. Nếu không có Công đoàn đứng ra lo lắng thì chưa biết bao giờ mới cưới được", bà Nhẫn - mẹ cô dâu chia sẻ. |
Đồng chí Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (mặc áo dài xanh) cùng lãnh đạo Công đoàn, lãnh đạo sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên chúc phúc các cặp đôi. Ảnh: CĐCC |
Nhiều tặng phẩm cho các cặp đôi công nhân Theo đồng chí Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên, văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay, dù bất cứ ở thời đại nào, việc dựng vợ gả chồng luôn là một việc thiêng liêng của đời người, đánh dấu bước khởi đầu cho sự gắn bó bền chặt về tình, về nghĩa. Lễ cưới chính là minh chứng rõ ràng nhất cho một tình yêu đẹp. Đặc biệt, trong văn hóa Á Đông lễ cưới còn mang một thông điệp quan trọng như một điều lành, một lời chúc phúc bình an từ người thân, bạn bè đến cặp đôi trẻ. Một lễ cưới được diễn ra là thể hiện ước vọng về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn bởi nhiều lời chúc tốt đẹp. Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào cũng có may mắn và điều kiện để tổ chức một đám cưới đủ đầy, đặc biệt là đối với những anh chị em công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà, không có đủ điều kiện để tổ chức đám cưới trọn vẹn riêng cho mình. Trước những nhu cầu thực tế đó của đoàn viên, với tinh thần sẻ chia và thực hiện chức năng của tổ chức Công đoàn là chăm lo cho người lao động, trong thời gian qua LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ cưới tập thể công nhân lao động. Lễ cưới không chỉ là cầu nối hạnh phúc cho những đoàn viên công đoàn này mà còn động viên họ tiếp tục cố gắng vươn lên trong khó khăn, tiếp tục giữ lửa hạnh phúc trong gia đình. Thông qua việc tổ chức Lễ cưới tập thể lần này, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên còn mong muốn tạo sự lan tỏa trong đoàn viên, người lao động và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh về một mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm và tôn vinh những nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc. Được biết, số lượng các cặp đôi đăng ký tham gia vào lễ cưới tập thể ngày một nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở đối tượng khó khăn, chưa một lần được tổ chức lễ cưới, mà với nhiều cặp đôi mong muốn được thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, tiết kiệm... Trong số các cặp đôi chưa tổ chức đám cưới có nhiều hoàn cảnh éo le. Đơn cử, trường hợp cặp đôi Hoàng Thị Ưu - Hà Anh Tuấn chưa có đám cưới vì trước đây gia đình nhà trai không đồng ý việc kết hôn. Hiện tại, hai vợ chồng đã có con, được gia đình chấp thuận thì người chồng lại bị u tuyến giáp. Hằng tháng, chi phí thuốc thang cao, cộng thêm phải đi thăm khám thường xuyên, nuôi 2 con nhỏ nên kinh tế gia đình bị ảnh hưởng, không đủ điều kiện để tổ chức lễ cưới hay báo hỉ. Còn cặp đôi Nông Thị Xuân và Hoàng Thanh Tuấn thuộc hộ cận nghèo, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, không đủ điều kiện tổ chức lễ cưới. Được lựa chọn tham gia Lễ cưới tập thể công nhân năm 2023, các cặp đôi được tặng nhẫn vàng, được trang điểm, quay phim, chụp ảnh cưới… miễn phí. Với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, việc nghĩ đến một lễ cưới là đã là điều xa xôi, nay còn được tạo điều kiện tổ chức lễ cưới trang trọng, ai nấy đều mừng rỡ, xúc động nghẹn ngào. Được tổ chức lần đầu vào năm 2019, Lễ cưới tập thể công nhân do LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên tổ chức thường niên, đến nay là năm thứ tư. Các cặp đôi ngoài được tặng nhẫn vàng, còn được tặng 1 bộ chăn, ga, gối, đệm và nhiều tặng phẩm khác. "Chúng em không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến công đoàn, các nhà tài trợ" - cô dâu Ngô Thị Lan cho biết. |
Các cặp đôi uống rượu giao bôi. Ảnh: CĐCC |
Các cặp đôi được tặng ảnh cưới miễn phí. Ảnh: CĐCC |
Thực hiện: HÀ VY |