e magazine
30/06/2023 11:24
"Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ"

30/06/2023 11:24

“Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”. Nhiều lần, tôi nghĩ phải trả lời thế nào cho đầy đủ về câu hỏi này của con....Hơn 10 năm làm báo công đoàn, gắn bó với các hoạt động của Công đoàn Nghệ An
“Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”

“Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”

Nhiều lần, tôi nghĩ phải trả lời thế nào cho đầy đủ về câu hỏi này của con.

Hơn 13 năm làm báo công đoàn, gắn bó với các hoạt động của Công đoàn Nghệ An, không thể kể hết những trường hợp, những số phận, những câu chuyện công đoàn chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. Bao nhiêu năm rồi, việc thăm hỏi, động viên, trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, xảy ra hoạn nạn đã gắn với tên gọi Công đoàn. Trên hành trình rất dài làm nhiệm vụ đó, "công đoàn" luôn lắng lòng để thấu hiểu, sẻ chia, và rồi "công đoàn" phải cầm lòng để động viên, an ủi.

“Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”

Ba năm qua, trải qua những biến cố chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19, chứng kiến những khó khăn, thách thức của người lao động ở các ngành nghề, chứng kiến sự chăm lo, trăn trở, đau đáu, hướng về người lao động của tổ chức Công đoàn, tôi càng cảm nhận sâu sắc sự thương yêu, thân tình, gắn bó của tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động.

Có một điều khiến tôi thực sự xúc động, để lại trong tôi nhiều ký ức về những năm tháng đi qua dịch bệnh, đó là sự chăm lo, động viên của công đoàn đối với con đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, những đứa trẻ vốn chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn.

“Con đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn” – điều này tôi đã viết nhiều lần, về nhiều câu chuyện và mỗi lần đều gợi lại, hình dung về những nỗi buồn, những day dứt, những nụ cười, những ánh mắt hy vọng của người lao động. Tôi hiểu rẳng, bố mẹ nào cũng đau đáu thương con.

“Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”

Tôi nhớ, dịp tết Trung thu năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An tổ chức chuỗi Chương trình “Chia sẻ yêu thương – Cùng em đến trường” cho các cháu con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của Liên đoàn Lao động huyện Nghi Lộc và Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam. Đêm 31/8/2022, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức chương trình này tại Khu công nghiệp Bắc Vinh. Trong lúc chờ chương trình bắt đầu, cậu con trai của chị Phương, công nhân Công ty TNHH Matrix Vinh kéo tay tôi lại hỏi: “Trên sân khấu có hoa quả, bánh Trung thu, lát nữa có được ăn không ạ, cháu đói quá”.

Mẹ cháu liền ngoảnh lại giải thích, Công ty tan ca muộn, chị vội về nhà cách 13 cây số, chở cả 3 con nhỏ đi cùng, trong đó có một cháu tay đang phải bó bột, các cháu chưa kịp ăn tối. Rồi chị bật khóc nức nở khi kể, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chồng mất do dịch bệnh Covid-19, để lại cho chị 3 con nhỏ và mẹ chồng già yếu.

Tối đó, 4 mẹ con chị Phương đã nhận được những cái ôm, những lời động viên, an ủi, những phần quà là tiền hỗ trợ, những chiếc cặp, những chiếc đèn bàn. Nhìn theo những đứa con của chị Phương, nhìn ánh mắt lấp lánh của các cháu khi xem đánh trống, múa lân, ăn cỗ Trung thu, khi được các cô chú công đoàn phát bánh kẹo, đèn ông sao, được hoà mình vào không khí rộn ràng, được reo vui cùng các bạn nhỏ khác, tôi cảm giác yêu thương được lan toả ngập tràn và tin rằng những khoảnh khắc rạng ngời ấy sẽ mãi ở trong ký ức của các cháu.

“Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”

Cũng ánh mắt của những đứa trẻ nhưng thật lặng lẽ, đó là những đứa trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19 mà tôi gặp trong chương trình trao hỗ trợ của Công đoàn ngành Giáo dục. Hôm đó, nhìn danh sách ghi hoàn cảnh của 48 học sinh mồ côi được hỗ trợ, đọc thông tin trên các cột xen kẽ nhau: Bố mất, mẹ mất, học sinh lớp 1, học sinh lớp 3, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở với ông bà già yếu,… mỗi người đều thấy nhói lòng. Nhiều cháu ở các huyện xa nên được cán bộ công đoàn nhà trường đưa về Sở tham dự chương trình, cháu nào cũng đượm buồn, ngồi lặng lẽ nhìn nhau. Các cháu được thầy, cô ở Công đoàn ngành, Sở GD & ĐT ân cần thăm hỏi, động viên và trao phần quà gồm 2,5 triệu đồng, một chiếc cặp, sữa và bánh trung thu.

Cháu Võ Thị Bình Yên (cái tên thật nghịch cảnh với tuổi thơ đầy giông bão) đại diện lên phát biểu đã nghẹn ngào bật khóc từ những câu đầu tiên: Vì hoàn cảnh khó khăn, bố con đi làm ăn xa, con sống với ông bà nội, và rồi bố mất….

Còn hai cháu bé đến từ huyện miền núi Quỳ Châu là anh em trong gia đình có bố mất vì Covid-19 thì nhắc nhau cầm chặt túi quà, ngồi mân mê, ngắm nghía chiếc cặp mới và chiếc bánh trung thu. Hai cháu chia sẻ, lần đầu tiên được tặng bánh trung thu, sẽ đưa về cho mẹ cùng ăn, mẹ biết hai con được hỗ trợ tiền để mua sách vở cho năm học mới, mẹ mừng lắm.

Hôm đó, thầy Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành đã động viên, dặn dò các cháu ngắn gọn nhưng thật ấm lòng. Thầy nói, ngành Giáo dục rất thương và thấu hiểu những mất mát, thiệt thòi không thể bù đắp của các con. Sở, Công đoàn ngành, các thầy cô sẽ luôn đồng hành, giúp đỡ các con. Các con phải luôn khoẻ mạnh, an toàn, phấn đấu vươn lên, trong cuộc sống, trong học tập, khi gặp điều gì khó khăn, khúc mắc, buồn tủi, các con hãy chia sẻ với bạn bè, với thầy cô, với công đoàn nhà trường, ở trường, các thầy cô làm công đoàn sẽ luôn lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ các con.

“Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”

Cũng là Công đoàn ngành Giáo dục, trong 6 tháng nay, đơn vị này miệt mài kêu gọi các cấp công đoàn, các tổ chức, các nhà hảo tâm tham gia chương trình “Mẹ đỡ đầu” – nhận nuôi dưỡng các trẻ mồ côi con đoàn viên, người lao động trong ngành.

Đến nay, đã có 66 cháu được nhận đỡ đầu trong 3 năm với số tiền 1,2 tỷ đồng. Đây là sự nỗ lực, là tình thương, là sự trách nhiệm rất lớn của Công đoàn ngành. Tôi thực sự xúc động khi nghe cháu Lê Thị Phương Thảo chia sẻ: “Bố cháu làm việc ở Trường THPT Cửa Lò, bố ra đi đột ngột, bây giờ nhà chỉ còn bốn mẹ con, bà nội suốt ngày khóc nhớ bố. Nếu bố biết con được giúp đỡ thế này, chắc bố cũng sẽ khóc”.

Và, cũng trong thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục đã kêu gọi hỗ trợ hàng trăm máy tính, điện thoại cho học sinh vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm động lực cho các cháu vươn lên.

Đó là ba trong rất nhiều câu chuyện về sự chăm lo của công đoàn đối với con của người lao động. Để các cháu đỡ buồn tủi, để các cháu vui, công đoàn đã luôn gần gũi, thân tình và chuẩn bị các chương trình chu đáo, trách nhiệm. Chuỗi hoạt động chăm lo cho con của đoàn viên, người lao động, công đoàn luôn trăn trở để làm sao thiết thực, ý nghĩa và bền vững nhất. Cũng như trong chuỗi hoạt động chăm lo cho người lao động, công đoàn luôn hướng đến con của họ, các phần quà hỗ trợ ngoài tiền mặt, thường có thêm bánh kẹo, sữa, đồ đồ dùng học tập cho các cháu; người lao động đông con cũng được ưu tiên khi hỗ trợ.

Công đoàn không quản ngại vất vả, chỉ mong người lao động và con của họ vơi bớt khó khăn, có được niềm vui trong cuộc sống.

“Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”

Tôi từng ướt đẫm mồ hôi khi theo các công đoàn cấp trên cơ sở đi trao quà cho con công nhân lao động nhân dịp tết Thiếu nhi 1/6; như lần cùng Liên đoàn Lao động huyện Nghi Lộc đến trao quà cho con công nhân tại một công ty gạch ngói ở xã vùng núi lúc gần trưa nắng nóng, ai cũng mệt nhưng nhìn thấy đoàn viên ra tận cổng đón mình thì niềm vui như phả vào người mát lạnh.

Tôi cũng từng rất thương khi nhìn những đứa trẻ con công nhân lao động ở dãy trọ chật chội, nóng bức, thích thú nhìn chiếc quạt mới do công đoàn trao tặng để thay thế những chiếc quạt cóc. Tôi cũng từng rất vui khi nhìn những đứa trẻ con công nhân lao động háo hức nhận túi quà xinh xắn đựng những cuốn sách do Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam trao tặng. Và, tôi cũng từng hồi hộp, chờ đợi cảm xúc của các cháu khi cùng Liên đoàn Lao động huyện Quỳnh Lưu đến trao tặng những chiếc bàn học, tủ sách được lựa chọn công phu từ màu sắc, kiểu dáng cho năm học mới.

Công đoàn vẫn thế, vẫn hằng năm chăm lo cho con đoàn viên, người lao động bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Từ gặp mặt, tặng quà các dịp lễ, Tết; biểu dương, khen thưởng cho các cháu vượt khó, vươn lên, có kết quả học tập tốt; tổ chức cho gia đình người lao động đi tham quan, nghỉ mát; thăm hỏi, hỗ trợ các cháu khi bị ốm đau, bệnh tật; tổ chức các đoạ đàm, các chương trình truyền thông cho người lao động về nuôi dạy con cái; trong các thoả thuận hợp tác Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” cũng dành nhiều ưu đãi giám giá cho con người lao động, như học bơi, vào vui chơi ở các khu sinh thái, khám chữa bệnh,…

“Cháu rất vui khi nhận được quà của công đoàn”, câu nói này tôi đã được nghe rất nhiều, và mỗi lần nghe, lại thấy thương, thấy vui, thấy công đoàn đã góp phần bồi đắp cho các cháu về sự thấu hiểu, tình yêu thương, chia sẻ với những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

“Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”

Con gái nhỏ của tôi cũng nhiều lần theo mẹ đi các chương trình tặng quà của Công đoàn Nghệ An, lúc 3 tuổi, mỗi lần đi, cháu hỏi “Đi với các dì áo xanh hả mẹ”, rồi “Đi với công đoàn hả mẹ” và đến nay 5 tuổi, thì cháu hỏi: “Công đoàn làm chi mà đi nhiều rứa mẹ”.

Nhiều lần, tôi nghĩ phải trả lời thế nào cho đầy đủ về câu hỏi này của con... Tôi tin rằng, con tôi cũng sẽ có những ký ức tốt đẹp về công đoàn, công nhân, về những đứa trẻ con công nhân lao động, để hiểu và nhớ rằng, công đoàn đã đi thật nhiều, đã trao thật nhiều những yêu thương như thế!

Bài viết: Mai Liễu

Xem phiên bản di động