e magazine
09/10/2020 17:50
Công đoàn Khối 9 tập đoàn, tổng công ty kiến nghị chính sách đối với lao động đặc thù

09/10/2020 17:50

Công đoàn Khối thi đua 9 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đã tổ chức Tọa đàm “Tình hình thực hiện các chế độ đặc thù đối với người lao động trong các công ty nhà nước”. Tọa đàm nhằm tháo gỡ khó khăn về chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) làm việc trong các lĩnh vực đặc thù như điện lực, hàng hải, hàng không, dầu khí…
Công đoàn Khối 9 tập đoàn, tổng công ty kiến nghị chính sách đối với lao động đặc thù

Công đoàn Khối thi đua 9 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đã tổ chức Tọa đàm “Tình hình thực hiện các chế độ đặc thù đối với người lao động trong các công ty Nhà nước”. Tọa đàm nhằm tháo gỡ khó khăn về chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) làm việc trong các lĩnh vực đặc thù như điện lực, hàng hải, hàng không, dầu khí…

Công đoàn Khối 9 tập đoàn, tổng công ty kiến nghị chính sách đối với lao động đặc thù

Chế độ đặc thù đối với NLĐ trong các công ty Nhà nước là chính sách của Nhà nước quan tâm, động viên dành cho nhóm NLĐ làm việc trong các ngành, nghề có tính đặc thù để phân biệt với các ngành nghề khác, đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động, đồng thời là công cụ quản lý trong doanh nghiệp.

Trước năm 2005, các chế độ đặc thù được quy định trong nhiều văn bản khác nhau. Đến ngày 3/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg về việc bãi bỏ 71 văn bản pháp luật do Thủ tướng ban hành. Theo đó, tại khoản 29 và khoản 56 Điều 1 bãi bỏ Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg và Quyết định 43/2012/QĐ-TTg về chế độ đặc thù đối với công nhân, viên chức, lao động một số ngành, nghề trong các công ty Nhà nước. Trong đó chủ yếu là quy định về thưởng an toàn, suất ăn định lượng, danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, phụ cấp trên biển…

Tọa đàm tập trung bàn luận về tình hình thực hiện các chế độ đặc thù cho NLĐ (nhất là thợ điện, thuyền viên, lao động trên biển trong ngành Dầu khí, thợ mỏ, lái tàu…); các vướng mắc trong thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ; các kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương để đảm bảo thực hiện chế độ đặc thù cho NLĐ và chế độ chính sách liên quan.

Công đoàn Khối 9 tập đoàn, tổng công ty kiến nghị chính sách đối với lao động đặc thù

Theo đồng chí Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: “Việc kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các ngành chức năng duy trì và sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ đặc thù cho NLĐ là cần thiết để NLĐ yên tâm công tác, gắn bó xây dựng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Những quy định tại Quyết định 01/2020/QĐ-TTg có tác động đến hàng nghìn NLĐ ngành Dầu khí. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Kha - Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam: “Khái niệm Luật Doanh nghiệp hiện nay đã mở rộng đối tượng, từ việc quy định doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước đến 51% vốn Nhà nước. Ngoài ra có một số doanh nghiệp liên doanh nước ngoài có 35% vốn Nhà nước nhưng lại chi phối hoạt động và có tổ chức Công đoàn hoạt động.

Thưởng an toàn là động lực cho NLĐ ngành Dầu khí tham gia bảo toàn tài sản và tạo lợi ích cho doanh nghiệp. Do vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ quyết định không có duy trì chế độ này thì tổ chức Công đoàn nên có kiến nghị với chính quyền thông qua thỏa thuận để tiếp tục đề xuất duy trì thưởng an toàn cho NLĐ”.

Hiện nay, ngành Dầu khí đã mở rộng nhiều ngành nghề, dịch vụ nhưng danh mục các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa cập nhật được hết, dẫn đến ảnh hưởng tới quyền lợi NLĐ không được nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ ưu đãi với nghề. Tâm tư, nguyện vọng của NLĐ dầu khí mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo cơ chế để các doanh nghiệp Nhà nước duy trì phụ cấp đi biển đối với NLĐ…

Công đoàn Khối 9 tập đoàn, tổng công ty kiến nghị chính sách đối với lao động đặc thù
Đồng chí Khuất Thị Lê - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn

Đồng chí Khuất Thị Lê - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn nêu thực tế: “Tiền lương tại đơn vị được tính theo lợi nhuận và năng suất lao động. Lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khách quan. Trong 5 năm gần đây, lợi nhuận của công ty theo biểu đồ hình “sin”, luôn biến đổi. Trong khi đó, năng suất lao động vẫn giữ nguyên và ngày càng tăng lên. Cụ thể, năm 2020, từ đầu năm đến nay, Bình Sơn ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến giá dầu giảm sâu. Có thời điểm, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn phải tính phương án dừng sản xuất. Tuy nhiên, năng suất lao động không giảm. Do vậy, Công đoàn Lọc hóa dầu Bình Sơn mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét cơ chế quỹ lương của công ty cổ phần, trong đó giữ nguyên quỹ lương đặc thù tính theo năng suất lao động cho NLĐ”.

Theo đồng chí Khuất Thị Lê, Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg về thưởng an toàn và phụ cấp đi biển cần được tiếp tục xem xét với các nhà máy lọc dầu bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng của nhà máy. Quá trình tổng thể bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đạt 28.000.000 giờ công an toàn là mốc ít nhà máy trên thế giới đạt được. Thưởng an toàn có ý nghĩa động viên rất lớn với NLĐ. Nó mang lại hiệu quả vô cùng to lớn nhưng lại chiếm chi phí rất nhỏ (0,05%) trong chi phí sản xuất kinh doanh. Phụ cấp trên biển cũng nhỏ chỉ chiếm 0,01% trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Khen thưởng động viên kịp thời là động lực cho NLĐ. Động lực nằm ở đâu?” - đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bày tỏ.

“Đối với Tập đoàn, từ Đảng ủy, Tập đoàn, công đoàn luôn trăn trở nghiên cứu nhiều chế độ chính sách chăm lo NLĐ. Trong thỏa ước lao động tập thể cấp ngành đã đưa nhiều nội dung liên quan đến chế độ chính sách cho NLĐ, bổ sung các chế độ đặc thù để thu hút thợ mỏ. Thực tế hiện nay, lượng thợ mỏ nghỉ việc rất lớn. Chúng tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng công nghệ máy móc chưa thay đổi được tỷ lệ lao động “sống”. Để thu hút được thợ về cần nhiều chế độ. Nếu không có chế độ này thì thợ mỏ không làm” - đồng chí Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Công đoàn Khối 9 tập đoàn, tổng công ty kiến nghị chính sách đối với lao động đặc thù

Đối với ngành Điện, theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg, chế độ thưởng an toàn theo hai mức 15% và 20% lương cấp bậc, chức vụ áp dụng với công nhân, viên chức, lao động thuộc một số ngành nghề điều kiện lao động đặc thù. Thực hiện Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng lại và ban hành Quy chế thưởng an toàn điện, rà soát các đối tượng được hưởng theo đúng quy định và áp dụng cho tất cả các đơn vị liên quan trực tiếp đến quản lý vận hành trong Tập đoàn. Quỹ thưởng an toàn điện được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và không nằm trong quỹ tiền lương của công ty. Sau 21 năm thực hiện, chế độ thưởng an toàn điện đã khuyến khích NLĐ trực tiếp quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia. Đây là chế độ đặc thù phân biệt về thu nhập giữa NLĐ tham gia vận hành hệ thống điện và NLĐ quản lý gián tiếp. Điều đó có ý nghĩa động viên rất lớn với NLĐ chịu nhiều áp lực khi làm việc trong môi trường nguy hiểm, phấn đấu bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện.

Nhìn chung, qua chia sẻ của công đoàn 9 tập đoàn, tổng công ty, việc bãi bỏ chế độ cho NLĐ như suất ăn định lượng, thưởng an toàn, phụ cấp trên biển… là chưa phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp và tâm tư NLĐ.

Đồng chí Vũ Văn Quang - Phó trưởng Ban Chính sách, Kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) góp ý kiến: “Để giúp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có những đề nghị xác đáng đến Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đề nghị công đoàn Khối 9 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục bổ sung các căn cứ, dữ liệu về các nội dung đã nêu. Đó là, phân tích rõ thưởng an toàn trong doanh nghiệp Nhà nước hiện quy định là bao nhiêu và sự cần thiết phải duy trì chế độ đó. Cần chỉ rõ số lao động đặc thù trong các doanh nghiệp cùng ngành nghề nói chung và trong khối nói riêng chịu tác động bởi quy định này chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số lao động… Nếu không có chế độ này thì ảnh hưởng như thế nào đến tài sản doanh nghiệp và tính mạng con người, uy tín doanh nghiệp như thế nào… Đó sẽ là căn cứ để Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, kiến nghị trong cuộc làm việc với Chính phủ tới đây”.

Thời gian qua, công đoàn Khối 9 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm có ý nghĩa thiết thực với công đoàn, doanh nghiệp và NLĐ. Tất cả các ý kiến về các nội dung kiến nghị chính sách đặc thù như danh mục công việc độc hại, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phụ cấp đi biển… đã được Khối thi đua thống nhất. Sau Tọa đàm, công đoàn các đơn vị phối hợp với chuyên môn có căn cứ dẫn chứng, số liệu minh họa các vấn đề kiến nghị về mặt khoa học, thực tiễn; đánh giá tác động của chế độ đặc thù đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống, thu nhập của NLĐ. Từ đó, có đủ cơ sở thực tiễn và pháp lý báo cáo Tổng Liên đoàn kiến nghị với cơ quan chức năng.

Bài: Thu Chinh
Ảnh: Thu Chinh
Đồ họa: Thu Chinh

Xem phiên bản di động