e magazine
18/08/2022 11:51
Công đoàn đóng góp giải pháp nâng cao năng suất lao động: Những “điểm sáng” từ cơ sở

18/08/2022 11:51

Những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Nam Định có nhiều giải pháp để góp phần cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, thu nhập, cải thiện đời sống đoàn viên, công nhân lao động.
Công đoàn đóng góp giải pháp nâng cao năng suất lao động: Những “điểm sáng” từ cơ sở

Những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Nam Định có nhiều giải pháp để góp phần cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, thu nhập, cải thiện đời sống đoàn viên, công nhân lao động.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nam Định hiện đang quản lý 1.677 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 155.498 đoàn viên, trong đó có 397 CĐCS doanh nghiệp (107.113 đoàn viên).

Xác định việc nâng cao năng suất lao động là yếu tố quan trọng gắn kết lâu dài giữa người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho NLĐ, LĐLĐ tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều Kế hoạch, Chương trình về triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia với người sử dụng lao động (NSDLĐ) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động. Chủ trương của LĐLĐ tỉnh Nam Định đã được triển khai đến từng CĐCS với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Cải tiến, sáng tạo để tăng thu nhập

Gắn bó với Công ty TNHH Smart Shirt Garment Bảo Minh từ ngày đầu thành lập, chị Phạm Thị Dịu - Quản lý bộ phận chất lượng QA/QC chứng kiến nhiều công nhân phải nghỉ việc vì áp lực đơn hàng, rồi có những lúc hàng bị lỗi nhiều, khách hàng khiếu nại, phản ánh. Chị luôn trăn trở làm sao để bộ phận mình cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.

“Nếu bộ phận chất lượng không cải tiến, đổi mới thì đơn hàng của nhà máy sẽ ngày càng giảm sút vì không lấy lại được niềm tin của khách hàng, chưa kể số tiền phạt đơn hàng kém chất lượng là rất lớn”, chị chia sẻ.

Nữ công nhân nói rằng, giữa lúc ấy, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do CĐCS phối hợp với Ban Giám đốc Công ty tổ chức đã tạo ra một nguồn cảm hứng mới mẻ, được đông đảo đoàn viên, NLĐ hưởng ứng. Bản thân chị cũng đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi những vấn đề mới để cải tiến quy trình sản xuất, hạn chế những sai sót xảy ra, giảm thời gian và giá thành cho sản phẩm.

Công đoàn đóng góp giải pháp nâng cao năng suất lao động: Những “điểm sáng” từ cơ sở
Chị Phạm Thị Dịu - Quản lý bộ phận chất lượng QA/QC, Công ty TNHH Smart Shirt Garment Bảo Minh. Ảnh: NVCC

Sáng kiến “Cải tiến quy trình kiểm áo, quản lý nâng cao chất lượng áo sơ mi” của chị Dịu đã thay đổi quy trình làm việc, chia QC kiểm theo từng công đoạn sản phẩm, giúp phát hiện sớm nhất các lỗi để khắc phục, đồng thời xác định chính xác công đoạn nào đang mắc lỗi. Đặc biệt, chị còn xin ý kiến và được lãnh đạo Công ty chấp thuận cho bộ phận QC tách độc lập với bộ phận sản xuất.

Cách làm này đã giảm số lượng công nhân QA/QC từ 232 người xuống còn 90 người. Tỷ lệ lỗi giảm từ 25,8% xuống 14%; tăng tỷ lệ xuất hàng từ 99% lên 99.5%. Điều đặc biệt, không cần thuê chuyên gia quản lý QA người nước ngoài và Tổ trưởng QA/QC giảm từ 09 người xuống còn 05 người.

“Chúng tôi đã lấy lại niềm tin từ khách hàng, bằng chứng là họ đã không còn chỉ định phải thuê đơn vị thứ 3 kiểm hàng. Chúng tôi còn chinh phục thêm được khách hàng mới khó tính, yêu cầu chất lượng cao”, chị Dịu cho biết.

Công đoàn đóng góp giải pháp nâng cao năng suất lao động: Những “điểm sáng” từ cơ sở

Chị Phạm Thị Dịu tham gia Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp công đoàn trong nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) tại doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay". Ảnh: NGỌC TIẾN

Sáng kiến của chị Dịu đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm được nhân công và làm lợi về cho công ty trên 12,8 tỷ mỗi năm. Chị phấn khởi chia sẻ: “Nhìn lại những thành quả đó, tôi càng hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Công đoàn Công ty phát động. Không có sáng tạo, không có cải tiến kỹ thuật sẽ không cải thiện được năng suất lao động, thu nhập của NLĐ sẽ không cao. Ngược lại, khi NLĐ có công ăn việc làm ổn định, thu nhập tương xứng sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, ổn định kinh tế của mỗi gia đình và địa phương”.

Khen thưởng kịp thời các sáng kiến

Công ty TNHH Padmac Việt Nam (KCN Bảo Minh, huyện Vụ Bản) là một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Đức, chuyên sản xuất các mặt hàng quần Jeans xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu , Nhật Bản, … đòi hỏi chất lượng cao khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhằm nâng cao năng suất lao động, CĐCS đã chủ động tham mưu, phối hợp với lãnh đạo Công ty đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất tại đơn vị theo hướng tự động hóa; đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ; …

Đồng chí Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Padmac Việt Nam cho biết, khó khăn là khi áp dụng công nghệ mới, phải mất thời gian đào tạo công nhân. Do chưa thành thạo nên ban đầu năng suất lao động giảm. Nhưng khi họ đã thành thục thì năng suất lao động tăng lên rất nhanh.

Công đoàn đóng góp giải pháp nâng cao năng suất lao động: Những “điểm sáng” từ cơ sở

Đồng chí Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Padmac Việt Nam (bên phải) - Ảnh: NVCC

“Người lao động vui khi tiền lương tăng lên. CĐCS còn thường xuyên trao đổi với Ban lãnh đạo và phòng Hành chính nhân sự có chế độ thưởng, động viên CNLĐ cho những sáng kiến dù là nhỏ nhất”, đồng chí Toàn nói thêm.

Bên cạnh đó, CĐCS còn phối hợp với NSDLĐ phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo và có chế độ khen thưởng kịp thời. Điều này được đưa vào thoả ước lao động tập thể, qua đó tạo động lực cho NLĐ tham gia, đóng góp nhiều sáng kiến nâng cao năng suất lao động.

Công đoàn đóng góp giải pháp nâng cao năng suất lao động: Những “điểm sáng” từ cơ sở

Đồng chí Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Padmac Việt Nam. Ảnh: Ý YÊN

Đồng chí Toàn cho biết, sau mấy năm thành lập, Công ty đã có 25 sáng kiến góp phần làm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho NLĐ và đáp ứng kịp thời đơn hàng xuất khẩu. “Trong 6 năm qua – kể từ khi thành lập Công ty, năng suất lao động tăng 2.5 lần. Một sản phẩm trước đây đòi hỏi 2 công nhân làm trong ngày, thì nay chỉ cần 1 công nhân làm trong nửa ngày. Sản lượng tăng kéo theo lương công nhân cũng tăng trung bình từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/người. Chính vì vậy công nhân phấn khởi, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp”, Chủ tịch CĐCS Công ty Padmac Việt Nam phấn khởi nói.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Đồng chí Ngô Chí Thục, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định cho rằng, để công đoàn tham gia hiệu quả nâng cao năng suất lao động, thời gian tới các cấp công đoàn cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp, gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp Công đoàn trong tỉnh và xã hội về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chủ động phối hợp với NSDLĐ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn, bồi dưỡng kiến thức về thị trường lao động, chính sách pháp luật liên quan; Tiếp tục phát động các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tổ chức sản xuất hợp lý nhằm tăng năng suất lao động; Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí công việc; Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp thực hiện tốt công tác chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và NLĐ.

Đồng chí Ngô Chí Thục nhấn mạnh: “Các cấp công đoàn thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cùng với việc ổn định sản xuất sẽ là cơ hội đẩy mạnh năng suất lao động của doanh nghiệp, góp phần quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, có sự định hướng của Nhà nước”.

Thực hiện: Ý YÊN

Ảnh: Ý YÊN, NVCC

Xem phiên bản di động