e magazine
26/10/2020 19:25
Còn thiếu những hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân

26/10/2020 19:25

Những khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp tại Đà Nẵng là nơi tâp trung phần lớn người lao động ngoại tỉnh sinh sống. Vậy nhưng, một điều dễ nhận thấy ở đây lại thiếu nhiều khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng khiến phần lớn công nhân ít có cơ hội tham gia hoạt động vui chơi, giải trí. Do vậy, bài toán nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động ở các khu công nghiệp trong thành phố Đà Nẵng vẫn khó tìm lời giải.

Còn thiếu những hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân

Những khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp tại Đà Nẵng là nơi tâp trung phần lớn người lao động ngoại tỉnh sinh sống. Vậy nhưng, một điều dễ nhận thấy ở đây lại thiếu nhiều khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng khiến phần lớn công nhân ít có cơ hội tham gia hoạt động vui chơi, giải trí. Do vậy, bài toán nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động ở các khu công nghiệp trong thành phố Đà Nẵng vẫn khó tìm lời giải.

Còn thiếu những hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân
Những dãy nhà trọ vắng lặng khi về chiều tối.

Chỉ có điện thoại để giải trí

Dọc tuyến đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng vào lúc trời nhá nhem tối, chúng tôi chứng kiến không khí ồn ã, tấp nập bởi nơi đây tập trung nhiều xóm trọ công nhân nhất trên địa bàn các khu công nghiệp của thành phố. Giờ tan ca, lưu lượng người và xe trên tuyến đường cũng tăng đột biến khiến việc di chuyển rất vất vả.

Ngỏ ý làm quen, chúng tôi nhận được cái gật đầu và nụ cười thân thiện của nữ công nhân quê Quảng Trị, Lê Thị Thanh (SN 1997). Mở cửa căn phòng trọ chỉ vẻn vẹn 10m2 mời khách vào chơi, Thanh có vẻ ái ngại vì trong phòng chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc nồi cơm điện cũ, một bếp gas mini và vài quyển sách, báo ở đầu giường. Từ quê ra làm công nhân tại một doanh nghiệp lắp ráp điện tử ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, chị cùng cô bạn đồng hương đã gắn bó với phòng trọ chật hẹp này hơn 3 năm.

Vừa tiếp chuyện chúng tôi, Thanh cũng tranh thủ chuẩn bị bữa cơm tối để đợi cô bạn cùng phòng tan làm về. Khi chúng tôi hỏi cảm nhận của Thanh về cuộc sống của 3 năm xa quê vào Đà Nẵng lập nghiệp thì chị tâm sự về những lịch trình hàng ngày được lặp lại giống nhau, không nhiều màu sắc và khá đơn điệu với cô gái trẻ như Thanh.

Còn thiếu những hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân
Còn thiếu những hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân
Cuộc sống đơn giản của chị Thanh.

“Hàng ngày, mình dậy sớm đi làm. Hôm nào ca đêm thì buổi sáng sẽ tranh thủ ngủ nướng, cuối chiều tan ca đi chợ, nấu cơm, ăn uống. Giải trí thì cũng chủ yếu trên chiếc điện thoại, xem các chương trình vui trước khi đi ngủ. Thỉnh thoảng mình lại gọi điện về cho gia đình để làm chia sẻ cuộc sống. Ba năm qua vẫn luôn vậy”, Thanh tâm sự.

Để minh chứng cho việc bản thân thường xuyên xem các chương trình qua điện thoại, Thanh liệt kê cho chúng tôi hàng loạt các chương trình giải trí đang được phát chiếu và khung giờ cụ thể của từng chương trình.

“Sao mọi người trong khu trọ không mua tivi, sách, báo hoặc thỉnh thoảng rủ nhau đi xem phim, hát hò để bản thân không cảm thấy nhàm chán, bí bách?”, chúng tôi hỏi Thanh.

Thanh lắc đầu phân bua: “Bọn mình mỗi đứa một quê, đều khó khăn như nhau nên mới phải lên đây kiếm sống. Đến ăn uống, sinh hoạt còn phải dè xẻn thì đâu dám nghĩ đến những việc góp tiền mua tivi, loa âm thanh để đàn hát. Giải trí thì ai cũng có nhu cầu nhưng phần vì nó xa quá, thỉnh thoảng muốn đổi gió đến những khu vui chơi thì phải vào trung tâm thành phố chứ quanh khu công nghiệp này không có gì”.

Khảo sát tại nhiều xóm trọ quanh khu công nghiệp, đa phần công nhân đều ở tỉnh khác đến, không có người thân, họ hàng nên phương tiện giải trí sau giờ tan ca của người lao động chỉ chủ yếu là điện thoại di động. Ngoài ra, các nữ công nhân còn lựa chọn việc cùng nhau ra chợ vỉa hè mua sắm vài món đồ, cũng có khi chỉ là để ngắm nghía đường phố cho vui mắt, vui tai, bớt đi cái bí bách, đơn điệu của cuộc sống ca kíp thường ngày.

Còn với nam công nhân, chơi thể thao là một nhu cầu thiết yếu cũng khó được đáp ứng. Ông Đặng Văn Dũng, chủ nhà trọ ở Hòa Khánh Bắc cho biết, gia đình có 17 phòng, chủ yếu là công nhân nam thuê. Thông thường cứ cơm nước xong là họ lại ngủ hoặc chơi game và các trò giải trí thông thường trên điện thoại di động. “Sang” hơn thì tụ tập uống trà đá ngoài đầu ngõ. Chẳng mấy bạn trẻ để ý tham gia các hoạt động thể thao bởi cơ sở vật chất không thể đáp ứng.

Còn thiếu những hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân

Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức lễ khai mạc Giải bóng đá truyền thống công nhân lao động lần thứ XIV năm 2020 với 43 đội bóng tham gia.

Còn thiếu những hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân
Lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan liên quan tại sự kiện đưa công trình nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp Hoà Cầm vào hoạt động.

Mong muốn nhiều hơn cho thế hệ sau

Có thể nói, công nhân chưa được hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần tương xứng với thành quả lao động mà họ đang từng ngày cần mẫn tạo ra. Nhiều khu công nghiệp trong cả nước hiện nay chưa có hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ công nhân như hội trường, nhà văn hóa, sân chơi hoặc phòng tập thể thao. Ở khu dân cư xung quanh thì các thiết chế này còn thiếu nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Do vậy, sau giờ làm việc, người lao động chỉ quanh quẩn với việc nấu nướng, kết nối thông tin qua chiếc điện thoại.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, đang có trên dưới 16.000 lao động ngoại tỉnh (đến từ các địa phương miền Trung). Nếu kể cả công nhân tại các khu công nghiệp thì số lao động ngoại tỉnh ở Đà Nẵng thời điểm này là trên dưới 100.000 người. Phần lớn họ thuê trọ gần các khu công nghiệp, nhiều người gắn bó lâu năm và xây dựng tổ ấm.

Với những đứa trẻ lớn lên ở các dãy nhà trọ, mong muốn có được những khu vui chơi, sân bóng hay khu sinh hoạt chung để trẻ phát triển tốt hơn là điều mà rất nhiều bậc phụ huynh là công nhân nghĩ đến.

Còn thiếu những hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân

Đó cũng là nỗi lòng của anh Trần Thanh Bình (quê Quảng Trị, công nhân Công ty TNHH MTV Blues) có con nhỏ 6 tuổi, theo ba mẹ đến Đà Nẵng. Anh chia sẻ, trước đây, anh thường chỉ ở trọ bởi việc tìm một nơi để vui chơi, giải trí là rất khó. Vậy nhưng, bây giờ, khi đã xây dựng tổ ấm nhỏ của mình, mỗi ngày, hai vợ chồng phải dậy sớm để đưa con đi học cách xa nhà trọ.

Những ngày cuối tuần, gia đình lại dắt nhau vào trung tâm thành phố mới có được khu vui chơi cho cậu con trai nên mong muốn lớn nhất là có được một khu thiết chế văn hóa không chỉ phục vụ nhu cầu giải trí của những người lao động mà còn dành cho những thế hệ sau của họ.

“Ngày xưa, khi còn trẻ, ở phòng trọ tôi cảm thấy mình không sao. Nhưng có gia đình rồi thì cũng mong có một sân chơi cho con trẻ gần khu vực đông công nhân này vì không chỉ có tôi mà còn rất nhiều gia đình công nhân khác quanh đây, cuối tuần chúng tôi có thể dắt gia đình ra chơi. Chỉ cho con ở nhà, suốt ngày cháu lại đòi điện thoại của bố mẹ, tôi lo lắm”, anh Bình tâm sự.

Có lẽ với những người lao động như chị Thanh, anh Bình, hình thức giải trí không cần thiết phải cao sang, hiện đại. Đôi khi, chỉ cần là sân bóng đá, bóng chuyền, khu vui chơi cho trẻ con… những công trình này phải ở gần các con đường trong khu công nghiệp để những công nhân như họ có thể tranh thủ “giải khuây” khi hết giờ làm việc.

Bài: Xuân Hậu
Đồ họa: Hoàng Hà

Xem phiên bản di động