|
Bắt đầu năm học mới tại khu cách ly, cậu bé Nghĩa (sinh năm 2011) là F1 của gia đình có bố mẹ và chị gái đều là F0, đã cứng cỏi, chăm ngoan để gia đình yên tâm điều trị bệnh. |
“Con sẽ học ngoan, ba mẹ đừng lo”, Nghĩa hứa chắc nịch với bố mẹ khi nhận điện thoại hỏi thăm của gia đình. Những ngày qua, tại khu cách ly Trung tâm Huấn luyện cảnh sát cơ động (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), mọi người lại nghe tiếng phát biểu, đọc bài của cậu bé Lê Văn Thành Nghĩa. Hoàn cảnh của Nghĩa rất đặc biệt khi bố mẹ và chị gái đều là F0 nên chỉ mình em khăn gói đi cách ly. Để em bớt cảm giác lạ lẫm và nhớ nhà, các chiến sĩ biên phòng đã trở thành những người bạn của Nghĩa. Sau mỗi lần làm nhiệm vụ, thay vì về phòng nghỉ ngơi, Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm (Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng) lại tranh thủ đến nhắc nhở em ăn uống đầy đủ, dạy Nghĩa tự giặt quần áo hoặc có khi đứng từ xa trò chuyện cùng em. |
Ngày 5/9, từ khu cách ly, Nghĩa đã có buổi khai giảng của riêng mình. Niềm vui của năm học mới, gặp bạn bè, thầy cô cũng là động lực cho em tiếp tục hoàn thành tốt cách ly và hào hứng với trang sách vở. “Được gặp các bạn cháu rất vui, cô giáo và các bạn thường xuyên hỏi thăm sức khỏe cháu. Năm học mới này cháu sẽ cố gắng để học tốt”, Nghĩa chia sẻ. Sắm vai người “chú thân thương” của Nghĩa, anh Khiêm thường xuyên động viên em chăm học. Bất kể lúc nào cậu bé 10 tuổi cần, Khiêm luôn có mặt, từ hỏi bài tập khó, đến tâm sự nỗi nhớ nhà, sợ ma,… của Nghĩa. “Theo lịch thì con bắt đầu học trực tuyến từ 7/9, tuần 3 buổi. Trước ngày khai giảng, Nghĩa cũng đã có buổi làm quen với cô giáo và các bạn. Nó vui lắm, cô giáo vừa gửi link lớp học là gọi điện hí hửng khoe: “Cháu chuẩn bị vào học rồi chú bộ đội nha”, anh Khiêm kể. |
Anh Lê Xuân Lộc (cha em Nghĩa, sinh năm 1978) cho biết, cả gia đình anh là F1 và đi cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện cảnh sát cơ động (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) từ ngày 24/8. Sau khi vợ và con gái anh mắc Covid-19, sáng 31/8, anh được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Không đành lòng để con nhỏ ở lại một mình, anh Lộc chần chừ không chịu đi điều trị. Biết chuyện, anh Khiêm đã lên phòng chia sẻ, động viên và hứa sẽ thay anh quan tâm, chăm sóc Nghĩa như con của mình. “Nghĩa chưa bao giờ ở một mình, lúc ở nhà ngay cả đi tắt điện cũng phải có người đi cùng. Con còn hay sốt về đêm nên thực sự là rất lo lắng. Nhưng tôi đã khóc khi thấy sự chân thành của Khiêm. Tôi để lại chiếc điện thoại rồi chuyển sang điều trị tại bệnh viện dã chiến. Tôi thường xuyên gọi điện và biết con được các chú bộ đội quan tâm nên cũng đỡ lo. Cảm ơn mọi người rất nhiều”, anh Lộc chia sẻ. |
Các chiến sĩ mang cơm đến cho Nghĩa. |
Theo Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng, cho biết từ khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã lên đường làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch trên đường, cửa ngõ ra vào TP, cảng cá, phục vụ tại các khu cách ly tập trung. Trong đó nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ đau ốm, vợ mới sinh em bé, có anh lính trẻ sẵn sàng hoãn cưới để nhận lệnh làm nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất. “Về hoàn cảnh của bé Nghĩa, tôi cũng đã chỉ đạo, động viên anh em trong khu cách ly thường xuyên quan tâm, giúp đỡ cháu như con của mình để cháu vững tâm trong thời gian xa cha mẹ”- ông nói. Theo Đại tá Đông, trong khu cách ly thì mỗi người mỗi hoàn cảnh. Bởi vậy, ngoài chăm lo điều kiện ăn ở, bộ đội cũng luôn chủ động làm công tác tư tưởng để người dân yên tâm. Mỗi khi thấy ai quá khó khăn, những người lính lại cùng nhau góp một chút tiền để hỗ trợ sau khi họ hoàn thành cách ly. Hàng trăm suất quà cũng được các anh gửi đến những trường hợp khốn khó trong lúc dịch bệnh. “Có những F0, F1 nhưng không tự đi được, anh em sẵn sàng bế họ lên xe đi điều trị hoặc vào phòng cách ly. Có những mảnh đời khó khăn như vợ chồng đều là lao động phổ thông, nhà cửa thì xập xệ, anh em nắm được đã đến tận nơi chia sẻ, có khi chỉ là vài cân gạo, ít nhu yếu phẩm thiết yếu thôi, nhưng đó là tấm lòng của những người lính cụ Hồ với nhân dân”, Đại tá Đông cho hay. |