e magazine
25/12/2020 17:22
Còn khó khăn để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

25/12/2020 17:22

Khi cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, manh nha cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ năm, vẫn còn những lao động vùng dân tộc thiểu số cần được quan tâm thúc đẩy đào tạo kỹ năng nghề để họ có thể bắt kịp với yêu cầu của lao động thời đại mới.

Đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số:

Còn khó khăn để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Khi cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, manh nha cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ năm, vẫn còn những lao động vùng dân tộc thiểu số cần được quan tâm thúc đẩy đào tạo kỹ năng nghề để họ có thể bắt kịp với yêu cầu của lao động thời đại mới.

Còn khó khăn để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chung vui ngày hội đến trường với học sinh các dân tộc Tây Nguyên.

Nhiều chính sách song chưa hiệu quả

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân vùng dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số, đưa họ vào thị trường lao động. Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 cũng khẳng định, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Cụ thể tại Điều 6 quy định Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp thì có 2/8 nội dung đề cập đến việc ưu tiên và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số.

Nhưng hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực, việc làm và năng suất lao động của người dân vùng dân tộc thiểu số còn thấp. Theo số liệu khảo sát mức sống dân cư (Bộ dữ liệu Điều tra mức sống dân cư VHLSS) năm 2018, có tới 84,4% người dân vùng dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật.

Còn theo số liệu điều tra thu nhập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, chỉ có 10,2% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) được đào tạo nghề từ sơ cấp trở lên. 74,3% lao động dân tộc thiểu số có việc làm là công việc tự làm hoặc lao động gia đình. Chỉ có 25,6% lao động là chủ cơ sở hoặc làm công hưởng lương.

Còn khó khăn để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Người dân tộc thiểu số có nhiều đặc điểm hạn chế, có thể là rào cản đối với việc học nghề.

Do điều kiện môi trường kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn nên người dân tộc thiểu số có nhiều đặc điểm hạn chế, có thể là rào cản đối với việc học nghề. Đó là vấn đề ngôn ngữ, giao tiếp xã hội và tâm lý tự ti về khả năng làm thành công ở một công việc mới…

Nghiên cứu khảo sát của nhóm tác giả Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại 8 tỉnh vùng dân tộc thiểu số gồm Điện Biên, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Kon Tum, An Giang, Sóc Trăng cho thấy: Số lao động vùng dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không có bằng cấp là 3,86 triệu người. Trong đó phần lớn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Năm 2018, tổng số người vùng dân tộc thiểu số đang theo học các cấp đào tạo nghề (sơ cấp, trung cấp nghề và cao đẳng nghề) là 26.600 người. Con số này có xu hướng giảm mạnh so với năm 2010 (là 52.200 người).

Đa số người học nghề là nam giới (chiếm 93%). Số lượng người từ 35 tuổi trở lên theo học các lớp đào tạo nghề gần như không có. Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số ít quan tâm đến đào tạo nghề.

Những năm gần đây, các chính sách dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số đã góp phần giúp người lao động được học nghề, có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Nhưng lao động dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp. Những ngành sử dụng lao động trình độ cao như hoạt động tài chính, ngân hàng, khoa học và công nghệ có rất ít người dân tộc thiểu số theo học và làm việc.

Còn khó khăn để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú có chế độ đãi ngộ đối với giáo viên và học sinh nhằm thu hút con em đồng bào các dân tộc đi học.

Nhà nước tăng cường vốn đầu tư cho các trường đào tạo nghề, xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, có chế độ đãi ngộ đối với giáo viên và học sinh nhằm thu hút con em đồng bào các dân tộc đi học cũng như thu hút giáo viên tham gia đào tạo nghề tại các khu vực miền núi và khu vực đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số còn tản mạn. Có quá nhiều chương trình, dự án chưa thống nhất dẫn đến chồng chéo, kém hiệu quả trong thực hiện. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khá, song chủ yếu thuộc nhóm ngành nông nghiệp - lâm nghiệp với hình thức tự tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động…

Tại vùng dân tộc thiểu số, các nghề cơ khí, điện lạnh, hàn, sửa chữa điện thoại đối với nam giới và may mặc, uốn tóc đối với nữ giới được các cơ sở giáo dục đưa vào giảng dạy nhưng khó có thể phát triển do người lao động không có vốn mua thiết bị, không có mặt bằng hoặc tiền để thuê cửa hàng…

Với những điều kiện khách quan và chủ quan trong hiện tại, sẽ còn nhiều khó khăn để lao động dân tộc thiểu số tiệm cận với những ngành nghề thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Còn khó khăn để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số chủ yếu dưới 3 tháng, với hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Để người dân tộc thiểu số tiếp cận được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch... Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Nhiều thành phố cũng đang có ý định xây dựng thành phố thông minh với các nền tảng công nghệ mới... Trong thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp lớn trong nước đã và đang chuyển hướng sang tự chủ nghiên cứu, chế tạo và sản xuất.

Với những chính sách phát triển công nghệ, hạ tầng số của Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Điều đó sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Trước đại dịch Covid-19, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực là: công nghiệp chế biến - chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn - bán lẻ - sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (chiếm 81% tổng vốn đăng ký năm 2019). Từ khi Covid-19 xảy ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới làn sóng dịch chuyển FDI vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến; Công nghiệp chế tạo, khuôn mẫu; Lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

Trong việc chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp tốt là mong muốn của các nhà đầu tư. Chính vì vậy, lao động dân tộc thiểu số nếu không có chương trình đào tạo phù hợp sẽ có thể trở nên lạc hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Do đó, trong thời gian tới, để tăng cường nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho lao động dân tộc thiểu số, Chính phủ cần xem xét có các gói hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để đặt hàng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu của doanh nghiệp cho lao động dân tộc thiểu số.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu hỗ trợ đào tạo lao động dân tộc thiểu số theo các ngành nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo đảm chất lượng đào tạo ở các ngành nghề mà doanh nghiệp cần. Đồng thời, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo với các nhà trường; huấn luyện giáo viên thực tập nghề nghiệp; phát triển sàn giao dịch việc làm - dạy nghề và áp dụng công nghệ để kết nối lao động dân tộc thiểu số với doanh nghiệp.

Còn khó khăn để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0
Lao động dân tộc thiểu số nếu không có chương trình đào tạo phù hợp sẽ có thể trở nên lạc hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

TS. MAI NGỌC CƯỜNG

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Xem phiên bản di động