''Tăng ca lúc này là điều xa xỉ" |
“Cơn khát” tăng ca của công nhân dịp Cận tết |
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm hàng ngàn doanh nghiệp lao đao, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập, việc làm của công nhân. Để bù đắp lại phần nào trong những tháng khó khăn qua, nhiều công nhân ở các công ty, khu công nghiệp (KCN)… mong muốn được tăng ca dịp cuối năm, để có tiền tàu xe về quê và chi tiêu cho Tết Nguyên đán đang đến gần.
“Chỉ cần có đủ tiền để mua vé về quê với gia đình”
Trước đây, đã có những thời điểm, việc bị ép tăng ca quá nhiều, khiến hàng loạt công nhân ở các công ty phải bỏ việc, đình công. Thì nay nhiều người lại mong muốn được công ty, doanh nghiệp nơi mình làm việc tổ chức tăng ca để công nhân có thêm thu nhập. Theo số liệu thống kê của LĐLĐ TP Hà Nội tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn thành phố có hơn 30.000 người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành như dịch vụ, du lịch, dệt may, da giày. Bởi vậy, nguyện vọng lớn nhất của công nhân, người lao động hiện giờ là được tăng ca, để bù đắp lại giai đoạn khó khăn vừa qua và để có tiền chi tiêu cho Tết. Nguyện vọng lúc này của công nhân là được tăng ca dịp Tết. Ảnh: Tùng Nguyễn Anh Nguyễn Văn Thịnh - công nhân của một công ty dệt may tại tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Thu nhập lúc trước của cả 2 vợ chồng mình cũng được hơn 10 triệu đồng/ tháng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ mấy tháng trước, công ty ít tổ chức cho công nhân tăng ca nên thu nhập của bọn mình giảm hẳn, có lúc tiền lương chỉ đủ trả tiền điện, nước, chi phí sinh hoạt là hết rồi, không gửi về cho ông bà ở quê được đồng nào”. Tuy cuộc sống nhiều khó khăn, chật vật là vậy, nhưng khi được hỏi mong muốn điều gì lúc này, anh Thịnh chỉ cười và nói: “tăng ca”. “Mấy tháng nay, tình hình đang dần phục hồi, nên mọi người hy vọng chờ đợi vào dịp cuối năm được tăng ca lắm. Giờ cũng chỉ mong kiếm đủ tiền, để 2 vợ chồng mua vé tàu xe về quê ăn Tết với các con và gia đình thôi”. "Giờ cũng chỉ mong được tăng ca, để có đủ tiền 2 vợ chồng mua vé tàu xe về quê ăn Tết với các con và gia đình" - anh Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ. Phóng viên của Cuộc sống an toàn ghé thăm phòng trọ của anh Nguyễn Vinh Quang và anh Hoàng Văn Tâm (quê Bắc Giang, làm công nhân cho một công ty tại KCN Vân Trung) đúng vào giờ cơm tối của hai anh, mới cảm nhận hết được cái "chật vật" khi không được tăng ca, thể hiện ngay trong bữa ăn hàng ngày. |
"Bây giờ nghĩ tới tăng ca là một điều gì đó xa xỉ đối với anh em công nhân chúng tôi" - Anh Nguyễn Vinh Quang tâm sự.
Anh Quang chia sẻ: “Lương cơ bản của hai anh em chỉ được 5 triệu đồng/ tháng. Cùng thời điểm này năm ngoái, công ty có nhiều việc tăng ca đều đặn thì thu nhập mỗi người, mỗi tháng cũng được khoảng gần 10 triệu đồng/ người. Giờ công ty ít việc, nghĩ đến tăng ca là một điều gì đó xa xỉ. Còn lương thì không đủ chi tiêu nên anh em chúng tôi cũng phải tiết kiệm để còn có cái lo Tết". Cùng chung hoàn cảnh, chị Bùi Thị Loan, công nhân làm việc tại Hưng Yên tâm sự: “Do không tăng ca tại xưởng nên cứ sau giờ tan ca chiều là tôi lại tranh thủ xin làm phục vụ tại quán ăn gần đây để có thêm thu nhập. Làm cả ngày trong xưởng cũng mệt lắm, nhưng còn có 2 - 3 tháng nữa là Tết rồi, giờ mà không đi làm thêm bên ngoài thì lấy gì mà sắm Tết”. Do công ty ít tổ chức tăng ca nên nhiều công nhân sau ca làm việc trong xưởng vẫn phải đi tìm công việc làm thêm bên ngoài để có thu nhập cho những tháng cuối năm đang cận kề. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Hiểu được tâm tư nguyện vọng của công nhân, LĐLĐ TP Hà Nội đã chủ trương thực hiện gói hỗ trợ 10 tỷ đồng cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Tân Sửu sắp tới. Trong đó, hơn 5 tỷ đồng tiền mặt sẽ được chọn trao cho 5.000 công nhân và đồng thời tổ chức các chuyến xe đưa công nhân khó khăn về quê ăn Tết. |
Các công nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tiếp cận gói hỗ trợ 10 tỷ đồng của LĐLĐ TP Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh |
Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội cho biết: "Trong gói hỗ trợ này, chúng tôi sẽ ưu tiên lựa chọn hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19... Cũng thông qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn mang lại cho công nhân lao động một cái Tết trọn vẹn và no đủ, đúng với chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam là "không để người lao động nào bị bỏ lại phía sau trong dịp Tết". |
Bài & Ảnh: Tùng Nguyễn