e magazine
26/06/2022 21:58
Con đường sóng gió đến với con chữ của thầy giáo ở đảo Song Tử Tây

26/06/2022 21:58

Sinh ra trong cảnh nghèo khó, hơn ai hết, thầy Nguyễn Hữu Phú (giáo viên Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) hiểu hành trình học tập bị gián đoạn sẽ khó khăn như thế nào. Thầy đã quyết tâm tìm lại con chữ, bước đến giảng đường từ những chông gai, gập ghềnh. Ước muốn trở thành giáo viên nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc được thực hiện, đối với thầy Phú là hạnh phúc lớn lao trong đời.
Con đường sóng gió đến với con chữ của thầy giáo ở đảo Song Tử Tây

10 năm gián đoạn học hành

"Lời khuyên của ba đã giúp tôi có ngày được nắn từng nét viết của học trò ở Trường Sa hôm nay” - thầy Nguyễn Hữu Phú bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Là con út trong gia đình có 9 anh chị em, thầy Phú từng bị ba đắn đo cho nghỉ học vì nhà quá nghèo, các anh chị đều phải nghỉ học từ rất sớm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Biết mình phải nghỉ học, thầy Phú đã khóc đến nỗi ba má không đành lòng, nên tiếp tục cho thầy đến trường.

Tốt nghiệp lớp 12, thầy Phú ôn thi cao đẳng, đại học nhưng không đỗ. Thầy đành quyết định đi làm phụ hồ, xỉa trầm hương, công nhân vệ sinh khu sửa chữa tàu... để có tiền chữa bệnh cho ba má. Sau khi má qua đời, ba của thầy cũng bị tai biến và to tim, chân tay tê cứng, đi lại khó khăn. Với hoàn cảnh đó, thầy Phú phải gác lại học hành để lo cho ba.

Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ
Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ
Học sinh trên xã đảo Song Tử Tây. Ảnh: V.SỰ Thầy Phú trong giờ giảng. Ảnh: TRẦN QUANG VINH

Có giai đoạn, thầy Phú bị trầm cảm nặng vì ước mơ học hành dở dang. Ba đau đáu nhìn Thầy và nói: "Ba không thể sống mãi với con được. Tự con phải cố gắng học hành lại và lo cho bản thân. Ở bên kia, ba má cũng vui khi thấy đời con không phải khổ...". Lời khuyên đó khiến thầy Phú bừng tỉnh.

"Tôi hiểu mình thương má, yêu ba thì mình phải tự đứng thẳng lên với đời..." - thầy Phú tâm sự.

Sau khi ba mất, thầy Phú đến nhà thầy cô giáo cũ xin được ôn lại ba môn Toán, Lý, Hóa. Ban đầu, các giáo viên ái ngại vì thầy Phú bỏ học đã gần 10 năm. Nhưng thấy quyết tâm của thầy, các giáo viên đã đồng ý hướng dẫn, không thu học phí chỉ mong thầy trả bằng kết quả học tập. 2 năm sau, thầy Phú làm hồ sơ dự thi. Đúng ngày giỗ ba, thầy Phú nhận được tin báo trúng tuyển Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Thầy vui không tả xiết vì thực hiện được lời hứa với ba và trả được "học phí" cho thầy cô. Năm ấy, thầy Phú đã gần 30 tuổi.

Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ
Đôi mắt của thầy Phú bị ảnh hưởng nặng nề sau lần bị tai biến. Ảnh: THC

nhận chạy bàn đám cưới để có tiền đóng học phí

Vừa nộp tiền nhập học, trong túi thầy Phú chỉ còn 200.000 đồng. Để được ở trong kí túc xá, thầy Phú phải vay mượn bạn thêm 100.000 đồng đóng cọc. Vừa học, vừa làm, nhiều lúc thầy Phú chỉ ăn cơm trắng với nước mắm. Có những ngày, thầy đi làm thêm đến 1, 2 giờ sáng mới về, ngoài ra, thầy còn nhận trông giữ xe, dạy kèm, phát tờ rơi, chạy bàn đám cưới để được 1 bữa ăn và tiền công khoảng 50.000 đồng đến 100.000 đồng/buổi.

Biến cố đã ập đến vào đúng dịp Tết Dương lịch năm 2012, khi chuẩn bị cho kì thực tập, thầy Phú bị đột quỵ sau khi làm ca đêm. Ngày hôm đó, kí túc xá vắng vẻ, sinh viên về nhà hết, thầy cố gắng trèo xuống giường nhưng không được, một nửa người tê liệt. Thầy muốn trở mình cũng không được, muốn ăn cơm cũng không xong.

Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ
Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ
Thầy Phú những ngày ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: VTV4

Dùng hết sức lực của một nửa thân còn bình thường, thầy Phú leo lên xe đạp, đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Bác sĩ nói thầy có nguy cơ bị bại liệt nửa người và cho địa chỉ châm cứu. Thật may mắn, thầy thuốc phòng châm cứu biết được gia cảnh nên không tính phí điều trị, còn cho thầy Phú thêm thuốc để uống. Sợ gia đình, thầy cô, bạn bè lo lắng, thầy thường xuyên đeo khẩu trang để giấu bệnh. Chỉ đến khi, cô giáo tiếng Anh phát hiện ra, thương cảm và giới thiệu cho thầy Phú một bác sĩ vật lí trị liệu - chính là chồng cô.

Nhờ hai người thầy thuốc trên mà thầy Phú không bị liệt, có thể đi dạy được. Nhưng sau cơn tai biến đó, đôi mắt của thầy yếu dần. Nếu không can thiệp kịp thời, mí mắt bị kéo xuống sẽ không nhìn thấy nữa. Mới đây, thầy Phú phải tạm xa đảo, đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chữa trị.

Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ

Đồng chí Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và thầy Nguyễn Hữu Phú trong chương trình do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Ảnh: THC

Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ

TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam thăm hỏi, động viên thầy Phú tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: NGÔ CHUYÊN

đảo là gia đình lớn

Dẫu biết cuộc sống nơi đảo tiền tiêu gặp không ít khó khăn nhưng thầy Phú vẫn viết đơn tình nguyện ra đảo. Năm 2018, thầy Phú trúng tuyển, là một trong 6 giáo viên đặc biệt công tác ở 3 huyện đảo Trường Sa. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, thầy Phú cũng như các thầy giáo khác đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều so với các thầy cô ở đất liền.

"Ban đầu rất khó khăn vì tôi chưa có kinh nghiệm giảng dạy "lớp ghép". Trước khi ra Trường Sa, tôi đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tập huấn nhưng thực tế, dạy "lớp ghép" với học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau không dễ dàng. Giáo viên phải biết phân chia thời gian, phân chia bài giảng linh hoạt.

Trên lớp, tôi nói liên tục từ sáng tới chiều. Tôi muốn dạy bạn lớp 3 thì phải giao bài cho các bạn còn lại đọc trước. Hết giảng Toán cho bạn này rồi lại quay sang hướng dẫn bạn khác tô màu. Sau đó, tôi quay lại cho một bạn tập đọc. Cứ chạy tới, chạy lui. Những ngày đầu thấy cực, sau lại thấy vui" - thầy Phú cho biết.

Để "chạy" cùng lúc nhiều giáo án, giúp học sinh nắm được kiến thức, thời khóa biểu không sắp xếp theo thứ tự tiết Toán hay Tiếng Việt, Âm nhạc… thầy Phú phải linh hoạt mới hoàn thành nội dung chương trình.

Ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy Phú chỉ được học cách dạy học sinh tiểu học, đến khi ra đảo thì Thầy dạy cả lớp... mẫu giáo. Vì yêu trẻ như con cháu trong nhà, thầy Phú luôn dỗ dành, chỉ bảo học sinh từng chút một.

"Ở trên đảo, cháu bé 3 tuổi đã đến trường để làm quen. Mấy cháu mẫu giáo không ngồi học liền mạch mà chạy tới, chạy lui. Nhiều lúc thấy mệt và tức cười nhưng rất đáng yêu. Với học sinh lớp 1 trở lên, tôi nghiêm khắc. Không phải muốn là về được, các cháu phải học cho đúng" - thầy Phú kể.

Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ
Thầy Phú ngoài giờ đứng lớp. Ảnh: NVCC

Theo thầy Phú, lớp học ngoài đảo khác với đất liền. Học sinh ở gần trường, coi trường gần gũi như nhà. Các cháu thường được trò chuyện với các chú bộ đội nên rất ngoan và lễ phép, chăm học. Đó là niềm động viên lớn lao để thầy quên nỗi nhớ đất liền.

Ngoài cương vị của một giáo viên, thầy Phú còn là Chủ tịch Công đoàn xã Song Tử Tây. Vào thời gian rảnh, thầy tham gia trồng rau xanh, trồng cây, đào hố trồng cột điện, phụ làm công việc với làng xóm, quét dọn chùa. Thầy mong Trường Tiểu học xã Song Tử Tây có máy tính tốt hơn, có mạng internet để các thầy giáo cập nhật thêm phương pháp mới, bài giảng tốt để dạy cho học sinh.

Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ
Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữ
Thầy Phú đã coi đảo Song Tử Tây là ngôi nhà thứ hai của mình. Ảnh: VTV4
Chiều ngày 12/6, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến thăm hỏi và động viên thầy Phú ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ngoài số tiền ủng hộ là 5 triệu đồng, Công đoàn Giáo dục Việt Nam còn gửi sữa, thuốc bổ của giáo viên cả nước gửi đến thầy Phú, mong thầy sớm bình phục, trở về với học sinh của mình.

Thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây và hành trình gập ghềnh đến với con chữThầy Phú và học trò phơi khô sách sau cơn bão. Ảnh: CTV

“Các thầy cô đang công tác tại vùng núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo khó khăn luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đặc biệt quan tâm, thầy Phú cũng vậy.

Thầy Phú đang công tác ở huyện đảo Trường Sa bị bệnh và ra Hà Nội khám, chữa bệnh. Chúng tôi đến thăm, giúp đỡ thầy về mặt tinh thần và vật chất để thầy cảm thấy ấm áp.

Mặc dù thầy và các đồng nghiệp công tác ở hải đảo xa nhưng vẫn nhận được sự dõi theo, đồng hành của đội ngũ giáo viên trong cả nước”

TS. Nguyễn Ngọc Ân

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

THU CHINH

Xem phiên bản di động