Vào cuối tháng 11 năm nay, nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung đồng loạt tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển đất nước vào những thập niên cuối của thế kỷ XX với các quyết sách táo bạo: Kéo đường dây điện 500Kv Bắc Nam, xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), đê biển, đê sông Sóc Trăng, Bạc Liêu, kênh xả lũ biển Tây (An Giang, Kiên Giang), ngọt hóa bán đảo Cà Mau… |
Từ khu tưởng niệm trên quê hương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long mà người dân Nam Bộ quen gọi thân mật là chú Sáu Dân, tôi theo “dấu chân” ông với hành trình vòng vèo hơn 700 cây số đi qua miệt đầm lầy “rốn phèn” Đồng Tháp Mười đến các con kênh xả lũ của tỉnh An Giang, Kiên Giang, rồi vòng về căn cứ vàm Chắc Băng, xuống rừng U Minh (Cà Mau), ngược lên Bạc Liêu và Sóc Trăng... Mỗi địa phương tôi qua đều có những “công trình thế kỷ” mang đậm dấu Võ Văn Kiệt. Mỗi công trình đó đều mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, nâng cao đời sống người dân và còn giá trị đến hôm nay. Ghé thăm bất cứ vùng đất nào, tôi cũng được nghe người dân địa phương thổ lộ tấm chân tình của mình bằng lời cảm ơn tấm lòng của ông dành cho vùng đất Tây Nam Bộ. Nhờ đó, đất được xổ phèn, lũ được xả ra biển, đê biển ngăn bão; đê sông vượt lũ, ruộng lúa xanh um cò bay thẳng cánh, đất vườn cây trái sum suê, những cánh đồng tôm, ruộng muối bạt ngàn; đời sống người nông dân vươn lên thấy rõ, trường học, trạm xá, nhà cửa mới xây mọc lên như nấm sau cơn mưa… |
Kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5) nhìn từ trên cao. |
Ấn tượng với tôi nhất trong suốt chuyến hành trình đó có lẽ là được thực địa từ đầu nguồn dòng kênh Vĩnh Tế qua thị xã Châu Đốc sầm uất rồi đến dãy núi Thất Sơn huyền bí chạy về tận Hà Tiên để đến xã Lạc Quới thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nơi đây là tuyến đường chạy dọc theo kênh Vĩnh Tế giáp biên giới với Vương quốc Campuchia. Người dân tứ xứ đã tụ tập về đây để khẩn hoang, lập ấp từ khi Thoại Ngọc Hầu cho đào kênh Vĩnh Tế hơn 200 năm qua. Những chiếc cầu bê tông kiên cố ven biên giới như thêm mờ ảo trong mưa. Cánh đồng lúa xanh rì ven kênh Vĩnh Tế, xa xa phía trong là biên giới. Gió thổi thốc rất mạnh khiến các ghe tàu đang ngược xuôi dòng kênh phải dạt vào bờ. Suốt gần 50 cây số từ đầu kênh Võ Văn Kiệt giáp biên giới đến cửa biển Tây của Kiên Giang nhiều đoạn đường trơn trợt, dân cư thưa thớt, chủ yếu là ruộng đồng bao la. Cầu T5 trên tuyến đường ven biên giới. Ghé quán nước đầu kênh T5, tại nơi đặt tượng lưu niệm chú Sáu Dân ngay cạnh trụ sở UBND xã Lạc Quới, khi tôi hỏi thăm về con kênh Võ Văn Kiệt, dì Ba Thắm ở vùng này đã trên 50 năm vui vẻ chỉ đường: “Về đây chú mày cứ gọi là kênh ông Kiệt ai cũng biết. Nếu không có những con kênh dẫn nước ngọt, rửa phèn và thoát lũ này thì không thể nào đánh thức được miệt bưng biền hoang vu này đâu”. Rồi dì dẫn tôi ra đầu vàm, nơi kênh Vĩnh Tế nối vào kênh trên con đường biên giới từ Châu Đốc về Hà Tiên. Sau cơn mưa bất chợt, ánh mặt trời lại nhuộm vàng dòng kênh, nước kênh đục ngầu, sóng sánh chở nặng phù sa. Kênh Võ Văn Kiệt dài 48km, rộng gần 40m, sâu khoảng 5 - 6m như mũi tên vàng lấp lánh xuyên thẳng cánh đồng xanh bao la để ra biển Tây nhấp nhô con sóng bạc đầu. Mặc dù đã hết mùa mưa nhưng kênh vẫn hứng phèn từ trên các cánh đồng đổ xuống nước kênh đục ngầu, cuồn cuộn phù sa. Anh Trần Văn Bảy, cháu dì Ba Thắm cùng tôi đi một đoạn kênh để về huyện Hòn Đất (Kiên Giang) hé lộ kinh nghiệm: “Khi nào thấy màu nước trên kênh như vầy là tụi tui chuẩn bị gieo sạ cho một mùa vụ tươi tốt, lúa sẽ trúng lắm. Hồi chưa có kênh này, rầu lắm, thất mùa liên miên, năm nào giáp hạt cũng đói”. |
Đường T5 trên địa bàn tỉnh An Giang. |
Dòng nước mang sức sống mới thông với kênh Vĩnh Tế vào mùa khô năm 1997 đã đánh thức được vùng đất hoang hóa ngập phèn này. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhớ mãi cảm xúc của mình khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó quyết định cho đào hệ thống kênh thoát lũ T4, T5, T6; dân địa phương mừng lắm, có người lại không tin là sẽ làm được, vì bao đời nay có “trị thủy” được vùng Tứ giác Long Xuyên đâu, cứ để mặc cho ông trời ban gì hưởng nấy. Tháng 4 năm đó, đoạn kênh trên phần đất An Giang được động thổ. Ông Nhị động viên: “Vui thì vui thiệt nhưng thử thách cũng nặng nề dữ lắm. Đừng làm không ra gì để dân quở trách thì có tội lắm”. Tấp nập các phương tiện vận tải trên kênh Võ Văn Kiệt. Mùa mưa vùng Tứ giác Long Xuyên chìm sâu trong nước lũ nhưng lại khô khốc khô khan trong mùa nắng nóng. Những vùng có nước lại bị nhiễm phèn nặng. “Nước phèn đỏ quạch, đặc sệt như màu nước mắm, không có con cá nào sống được, tắm giặt cũng không nổi chứ đừng nói chi tới nước uống, nấu ăn. Chỉ trông trời mưa hứng trữ lại mà xài”, anh Nguyễn Thanh Tứ về vùng đất này từ những năm 80 của thế kỷ trước nhớ lại nỗi vất vả lớn nhất mà anh đã trải qua. Lau sậy, tràm hoang, năn lác um tùm che kín khỏi đầu đến mức mất cả phương hướng. Lúc đó, đường sá để đưa phương tiện thi công vào vùng bưng biền này cũng rất khó khăn. Những chiếc xáng cạp, xáng thổi lớn lừng lững phải đi vòng các kênh Cái Sắn, Tám Ngàn, Vĩnh Thành 1, Vĩnh Thành 2, Vĩnh Thành 3 mất rất nhiều thời gian để vào được nơi thi công các con kênh này. Chỉ 4 tháng sau, tuyến kênh dài 48km, rộng 40m, sâu 5 - 6m, trải dài từ An Giang qua Kiên Giang được đào xong. Một “đại công trình” thủy lợi nhanh nhất từ xưa đến nay trên vùng đất này. Ngày mở đập tạm ngăn kênh Vĩnh Tế với kênh T5 mới đào, mọi người vừa náo nức vừa hồi hộp chờ đợi. Ông Nhị không quên cảm xúc hớn hở, vui mừng khi dòng nước lũ đầu tiên từ kênh Vĩnh Tế cuồn cuộn đổ vào kênh mới đào để chảy ra biển Tây. Những con cá linh lấp lánh quẫy mình trong nước lũ để vào dòng kênh mới, bưng biền hoang hóa, đầy phèn chua đã được đánh thức để sức sống bừng lên mảnh đất này. Từ đó, kênh T5 đã được người dân địa phương tự gọi là kênh ông Kiệt hay kênh ông sáu Dân như thay cho lời cảm ơn về tâm huyết và quyết sách hợp lòng dân của vị cố Thủ tướng. Tầm nhìn chiến lược khẩn hoang của các bậc tiền nhân đã được con cháu đời sau tiếp bước mở mang, phát triển đến tận hôm nay. |
Nhờ có kênh T5, cánh đồng lúa vùng Tứ giác Long Xuyên xanh rờn, bát ngát. |
Tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tạo ra hệ thống kênh T4, T5, T6 thoát lũ ra biển Tây làm thay đổi, thức tỉnh cả một vùng đất hoang hóa rộng đến hàng trăm ngàn hécta của vùng Tứ giác Long Xuyên. Từ cuộc sống bấp bênh, thiếu trước hụt sau, giờ đây hàng triệu cư dân vùng đất này đã an cư lạc nghiệp. Ông Lương Sáu, ngụ huyện Tri Tôn là một trong những người đầu tiên đến khai phá vùng đất này, hiện ông đang sở hữu và canh tác hơn 150ha đất ruộng cặp 2 kênh T5 và T6. Ông Sáu sản xuất theo mô hình trang trại khép kín, trồng chuối, nuôi bò, sản xuất lúa giống, nuôi cá… ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp nên mỗi năm thu lợi hàng tỉ đồng. |
Theo người dân địa phương, trước kia Tứ giác Long Xuyên là một vùng đất trũng bị nhiễm phèn nặng từ bao đời; với 6 tháng đồng khô cỏ cháy, 6 tháng nước ngập trắng đồng, một năm chỉ sản xuất được một vụ mùa. Từ khi có tuyến kênh T5, nhờ nước ngọt của dòng kênh mà màu vàng úa của đồng phèn, màu xám xịt của cỏ lác, cỏ năn ngày nào, nay đã được thay bằng cánh đồng lúa xanh um bát ngát đầy sức sống, giúp người dân nơi đây an cư lạc nghiệp, đất đai thêm trù phú. Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang rất tâm đắc khi đến khảo sát một số mô hình sản xuất nông nghiệp tại vùng Tứ giác Long Xuyên. Sau khi hệ thống kênh này đưa vào hoạt động, nó không chỉ tháo chua, rửa phèn, thoát lũ… mà còn có vai trò đưa nước ngọt, phù sa về vùng Tứ giác Long Xuyên để cải tạo đất. Từ đó đã hình thành vùng sản xuất lúa năng suất cao, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người dân. Đồng thời, tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo ở 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Từ công trình rửa phèn, thoát lũ này, các địa phương đã phát triển thêm hệ thống giao thông, hạ tầng điện nước… Từ đó, dân cư bắt đầu phát triển; hình thành nhiều vùng quê mới; phân bố dân cư khu vực biên giới, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực biên giới Tứ giác Long Xuyên. GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng chính quyết sách táo bạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn vùng Tứ giác Long Xuyên, giúp người dân mở rộng sản xuất nông nghiệp, đưa Kiên Giang, An Giang trở thành địa phương đứng đầu về sản xuất lương thực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao sản lượng xuất khẩu gạo lên hàng thứ nhất, nhì trên thế giới. GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: "Lúc đó, có rất nhiều bàn luận của các chuyên gia và các vị lãnh đạo. Một nhóm trong đó có tôi nói bây giờ phải “khui” vùng phèn này ra thẳng biển Tây thì mới đưa được phèn ra. Sau khi đi xem, khảo sát vùng này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định rất táo bạo, chấp thuận cấp kinh phí cho đào kênh này, khui vùng phèn ra thẳng biển Tây". |
Từ quyết sách đúng đắn, kịp thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 1997 đến năm 1999, 3 tuyến kênh T4, T5, T6 đã hoàn thành, nối liền từ kênh Vĩnh Tế băng qua vùng Tứ giác Long Xuyên, xuyên qua 2 tỉnh là An Giang và Kiên Giang đổ thẳng ra biển Tây. Trong 3 tuyến kênh đó, kênh T5 là kênh dài nhất cũng là con kênh có ý nghĩa quan trọng nhất. Để ghi nhớ công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tỉnh An Giang và sau đó là tỉnh Kiên Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt theo cách gọi của người dân lâu nay; đồng thời, dựng bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu tuyến kênh này, thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh đối với cố Thủ tướng. Hàng năm, vào ngày 11/6, ngày mất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một số người dân nơi đây và chính quyền địa phương thường làm giỗ để tưởng nhớ, tri ân công lao của ông. Theo người dân nơi đây, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là một người lãnh đạo có tầm nhìn xa, quyết đoán, mà ông còn là một cán bộ lãnh đạo luôn gần dân và lo cho dân, không quản nắng mưa, bùn phèn đã đánh thức vùng đất bưng biền. Nhờ những tuyến kênh này mà những người dân nơi đây đã vững tâm bám ruộng, cần cù, sáng tạo trong việc tăng gia sản xuất. Từ những người dân sản xuất mỗi năm chỉ 1 vụ bấp bênh, cuộc sống bấp bênh, giờ đây hàng triệu người dân vùng lũ này đã an cư, lạc nghiệp. |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng đoàn công tác đi khảo sát dòng kênh. |
Hiện nay, “dấu ấn” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn được khắc ghi trong cuộc sống của mỗi người dân An Giang, Kiên Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Ông không chỉ là một Thủ tướng, mà còn là ông Sáu Dân với tính cách thân tình, gần gũi đối với mỗi gia đình và người dân vùng đất này. Tại Hội thảo An Giang 190 năm hình thành và phát triển, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất An Giang, trong đó có công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên để biến vùng đất được ví như "túi phèn" này thành vựa lúa của cả nước. Kênh T5 hoàn thành và đưa vào sử dụng, nó đã biến đổi nơi đây thành vùng đất trù phú. Người dân khắp nơi đổ xô về đây lập nên cơ nghiệp. Hiện nay, nhiều con đường, trường học, công viên khắp các nơi trên cả nước được mang tên ông, thể hiện tình cảm, nguyện vọng của nhân dân luôn ghi nhớ, tri ân và biết ơn đối với công lao to lớn của ông hết lòng chăm lo đến đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, phù hợp với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Việc chọn dòng kênh mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên địa bàn cả 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang thể hiện lòng biết ơn, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho nhân dân trong vùng, nhất là thế hệ trẻ. |
Đầu tuyến kênh T5 nối liền kênh Vĩnh Tế tại xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang)
HOÀNG LIÊN PHƯƠNG Ảnh: H.L.P - T.L Đồ họa: TRƯỜNG SƠN |