e magazine
04/06/2022 10:01
Cô giáo vượt nghịch cảnh tiếp sức mạnh cho bệnh nhân ung thư

04/06/2022 10:01

“Tôi mong We Can có thể góp một phần nào đó thay đổi suy nghĩ của mọi người dành cho bệnh nhân K (tên gọi tắt của bệnh ung thư)”, đó là lời tâm sự của cô giáo trẻ Lê Hoàng Ngân (33 tuổi, Đà Nẵng) khi sáng lập We Can - một tổ chức đồng hành, hỗ trợ bệnh nhân ung thư.
Cô giáo nỗ lực vượt nghịch cảnh tiếp sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư

“Tôi mong We Can có thể góp một phần nào đó thay đổi suy nghĩ của mọi người dành cho bệnh nhân K (tên gọi tắt của bệnh ung thư)”, đó là lời tâm sự của cô giáo trẻ Lê Hoàng Ngân (33 tuổi, Đà Nẵng) khi sáng lập We Can - một tổ chức đồng hành, hỗ trợ bệnh nhân ung thư.

Cô giáo nỗ lực vượt nghịch cảnh tiếp sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư

“Tôi đã từng nghĩ mình sẽ có một cuộc sống bình dị, gắn bó với sự nghiệp giáo dục, với phấn trắng, bảng đen. Nhưng,…”, chị Ngân ngập ngừng khi nhắc về những ngày tháng bản thân nỗ lực để bước qua bóng tối tâm lý.

Đón chúng tôi tại sảnh chờ tái khám của Khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng, chị Ngân căn dặn: "Đừng chụp hình mình lúc này nhé, hãy để mình với hình ảnh chỉn chu hơn. Tại sao nói đến bệnh nhân ung thư thì phải là những hình ảnh đau đớn, tiều tụy".

Từ những điều nhỏ nhất, chị Ngân luôn mong muốn mọi người sẽ có được những cách nhìn khác về cộng đồng bệnh nhân K.

Cách đây 3 năm, trong lúc đi khám thai, chị Ngân nhận tin sét đánh ngang tai khi nghe bác sĩ thông báo bản thân mắc ung thư phổi. Nhiều dự định tương lai như đóng sầm lại trước mắt, chị chới với giữa bộn bề những nghĩ suy.

“Tôi đã suy sụp rất nhiều. Chỉ trong một buổi chiều, những suy nghĩ tiêu cực bủa vây, tôi không biết liệu có thể duy trì sự sống trong ba tháng tới, chứ chưa nói đến trở lại bục giảng hay chăm lo tốt cho con cái, gia đình”, chị Ngân nhớ lại

Cô giáo nỗ lực vượt nghịch cảnh tiếp sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư

Sau buổi chiều hôm đó, cuộc sống của chị Ngân bị xáo trộn hoàn toàn. Những giờ lên lớp của cô giáo trẻ dần được thay thế bằng các đợt hóa trị, thuốc men và một trong những di chứng để lại là chị dần mất đi thị lực.

Gánh nặng tâm lý khiến chị Ngân chán nản và rơi vào trầm cảm. Gần một năm, chị khép lòng với mọi người xung quanh, e sợ trước ánh mắt mọi người dành cho mình.

Tưởng chừng như mọi thứ ngày càng lún sâu không vực dậy được thì gia đình là động lực giúp cô giáo trẻ dần lấy lại niềm tin.

“Khi nhìn con, tôi biết cháu cũng cảm nhận được những điều tiêu cực của mẹ. Gia đình vẫn luôn ở cạnh động viên. Dù sao ngày đó vẫn chưa tới, vì vậy tôi quyết định thay đổi, bắt đầu suy nghĩ về những việc có thể làm, lăn lộn, tìm tòi thông tin về bệnh ung thư. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy bệnh nhân ung thư còn thiếu rất nhiều tài liệu để tham khảo. Ý định thành lập tổ chức hỗ trợ, đồng hành cùng bệnh nhân ung thư cũng từ đó được nhen nhóm”, chị Ngân chia sẻ.

Cô giáo nỗ lực vượt nghịch cảnh tiếp sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư
Chị Lê Hoàng Ngân đón nhận danh hiệu công dân truyền cảm hứng năm 2021 của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Từ những điều ấp ủ, tháng 4/2020, chị Ngân cho ra đời We Can với dự án đầu tiên “Chúng ta cần biết”, dịch và biên soạn tài liệu nước ngoài sang tiếng Việt để giúp bệnh nhân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin đáng tin cậy về bệnh ung thư. Chị Ngân mạnh mẽ bước qua bóng tối tâm lý để bắt đầu những trang mới của cuộc đời.

Cô giáo nỗ lực vượt nghịch cảnh tiếp sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư

Bắt tay vào công tác dịch thuật, những ngày đầu chị gặp không ít khó khăn. Như một cơ duyên, khi chia sẻ dự định của mình, chị Ngân vui mừng nhận được những sự hỗ trợ từ các bác sĩ để hiệu đính thông tin kỹ càng trước khi chuyển đến tay bệnh nhân.

Mỗi cuốn sách giúp các bệnh nhân có thêm kiến thức, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư, những lời khuyên về cách đương đầu với bất ổn về tâm lý cũng như các vấn đề trong cuộc sống mà họ gặp phải. Dự định của chị Ngân là sẽ dịch thuật và biên soạn bộ sách với 50 cuốn về bệnh ung thư.

“Hiện We Can đã ký kết với một tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư để dịch thuật, biên soạn một bộ sách 50 cuốn về bệnh ung thư. Cuốn đầu tiên sẽ được gửi tặng các bệnh nhân ung thư bằng bản cứng và bản mềm”, chị Ngân cho biết.

Bác sĩ Lê Quốc Tuấn – Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi và một số bác sĩ trong khoa có tham gia hỗ trợ chuyên môn đối với các dự án dịch sách của chị Ngân. Tôi cũng có trao đổi với We Can về việc hỗ trợ sách cho khoa vì thông tin cho người bệnh rất quan trọng. Hiện trên mạng có nhiều thông tin về ung thư chưa được kiểm chứng, tam sao thất bản gây hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh nhân. Bởi vậy, điều họ cần nhất là được tiếp cận với người và nguồn thông tin chính thống, có sàng lọc tin cậy. Đó cũng là lý do chúng tôi sẵn sàng hợp tác với We Can”.

Từ dự án đầu tiên, We Can tổ chức thêm nhiều hoạt động cộng đồng dành cho những bệnh nhân K như: “Cùng nhau, chúng ta có thể”, “Chúng ta hát ca”, “Chúng ta sẻ chia”, “Chúng ta tỏa sáng” và quỹ học bổng “Cùng em dệt ước mơ”.

Mới đây, đêm nhạc “Chúng ta hát ca” lần thứ 2 với thông điệp “Ươm mầm hy vọng” đã được tổ chức thành công tại Đà Nẵng, giúp kết nối những bệnh nhân K với nhau. Đồng thời thay đổi suy nghĩ, thái độ của nhiều người về bệnh ung thư khi lắng nghe những chia sẻ và thưởng thức các tiết mục được trình diễn bởi những “chiến binh” K.

Cô giáo nỗ lực vượt nghịch cảnh tiếp sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư

Toàn bộ số tiền quyên góp trong đêm nhạc được đóng góp vào việc xây dựng quỹ học bổng “Cùng em dệt ước mơ" dành cho con em bệnh nhân K từ 12 đến 18 tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

“We Can mong muốn trở thành người bạn đồng hành, nơi các em có thể nương tựa về tinh thần để tiếp tục học hành, theo đuổi ước mơ của mình. Ngoài hỗ trợ về vật chất, định hướng nghề nghiệp, quỹ còn tạo điều kiện cho các em tiếp xúc, lắng nghe chia sẻ của diễn giả ở các lĩnh vực khác nhau để tạo động lực, hoặc kết nối cho các em đi du học nếu duy trì quyết tâm”, chị Ngân cho biết.

Hiện quỹ học bổng hỗ trợ 12 triệu đồng/năm học cho con của bệnh nhân K, từ 12 đến 18 tuổi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Năm 2021, quỹ đã đồng hành với 19 em ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Năm 2022, mục tiêu của We Can là có thể đồng hành với khoảng 50 học sinh.

Bởi bản thân đang phải đối mặt với bệnh tật nên hơn ai hết, chị Ngân hiểu được nỗi đau giấu kín của một bệnh nhân K. Vì vậy, ngay từ khi ấp ủ xây dựng We Can trở thành cộng đồng, chị Ngân luôn hướng đến sự tử tế, tình người để lan tỏa năng lượng tích cực.

“Trong mỗi dự án mà chúng tôi thực hiện, sự tử tế, thấu hiểu được đặt lên hàng đầu, nó chứa đựng trong từng câu nói, ánh mắt, thông điệp chuyển tải để mọi người có sự chia sẻ, gắn kết với nhau. Đến với We Can các bệnh nhân K sẽ có được những giây phút vui vẻ, yêu đời”, chị Ngân tâm sự.

Không chỉ tạo nên những giá trị cộng đồng, We Can còn mang đến cho chị Ngân niềm vui, động lực sống, nhất là trong thời điểm bệnh diễn biến xấu.

“Đôi khi, quá trình điều trị có lúc mệt mỏi, đau đớn, tôi vẫn cho phép bản thân mình được nuông chiều cảm xúc, bỏ một bữa ăn nếu ói nhiều hay nằm nguyên ngày trên giường nếu mệt. Nhưng chỉ một ngày thôi, sau đó tôi lại tiếp tục chiến đấu vì những dự định còn đang ấp ủ, chính We Can đã cho mình những động lực lớn như vậy”, chị Ngân chia sẻ.

Hơn 2 năm đồng hành cùng cộng đồng bệnh nhân K, We Can từng bước lan tỏa đến nhiều địa phương khác như Hà Nội, Lai Châu, Quảng Bình và tạo được những dấn ấn riêng qua từng chương trình.

"Nếu điều tồi tệ xảy ra thì tôi sẽ như cái cây, nương theo gió bão, gió nghiêng chiều nào thì nương theo chiều đó, nhưng tôi sẽ kiên cường cùng ngọn gió chứ không để nó đánh gục", chị Ngân tâm sự.

Cô giáo nỗ lực vượt nghịch cảnh tiếp sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư

We Can với nhiều hoạt động cộng đồng dành cho những bệnh nhân K và gia đình. Ảnh: NVCC

Cô giáo nỗ lực vượt nghịch cảnh tiếp sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư

XUÂN HẬU

Xem phiên bản di động