e magazine
21/08/2022 06:13
Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa

21/08/2022 06:13

Tôi về Bến Tre trong những ngày cuối tháng 8. Những cơn mưa bất chợt ập đến rồi vội vã tan nhanh làm xua đi cái nóng cuối hè như đổ lửa của xứ dừa miền Tây.
Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa
Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa

Cô Ba Định, tên thật là Nguyễn Thị Định, sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm ngày nay và mất vào ngày 26/8/1992 tại TP. HCM. Cô vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nhưng tham gia phong trào chống Pháp.

Cô còn có các bí danh: Bích Vân, Ba Tấn, Ba Nhất và Ba Hận, là nữ Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam đầu tiên và nữ chính trị gia Việt Nam. Nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Uỷ viên Trung ương Đảng khoá IV, V, VI. Đại biểu Quốc hội khoá VI, VII, VIII.

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa

Tôi về Bến Tre trong những ngày cuối tháng 8. Những cơn mưa bất chợt ập đến rồi vội vã tan nhanh làm xua đi cái nóng cuối hè như đổ lửa của xứ dừa miền Tây. Với tôi, Bến Tre không chỉ là quê ngoại êm đềm với tiếng lá xạc xào, tiếng võng đưa kẻo kẹt giữa đêm trăng thanh gió mát đã gắn bó lâu đời mà còn rất nhiều kỷ niệm khó quên của thời tung tăng tắm mưa, mò cua, bắt ốc.

Người dân Bến Tre mộc mạc, chất phác, kiên cường và đầy hào sảng như bao con người vùng đất phương Nam trong thời mở cõi của cha ông thuở trước. Những ngày này, không chỉ người dân của xã Lương Hòa, của huyện Giồng Trôm mà cả tỉnh Bến Tre đang hối hả chuẩn bị các nghi thức, các phần hội để kỷ niệm ngày mất lần thứ 30 của nữ tướng Nguyễn Thị Định tại Khu tưởng niệm cô Ba mà chúng tôi quen gọi thân thương là cô Ba Định.

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa

Thế hệ chúng tôi vốn sinh ra trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ gần kết thúc nên không có may mắn chứng kiến những chiến tích đi vào huyền thoại trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà cô trực tiếp làm nên nhưng chúng tôi cũng đã gặp được cô vài lần sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Những nhân chứng sống vẫn còn đây và những huyền thoại ấy vẫn còn trường tồn với thời gian trong ký ức mỗi người dân xứ dừa và cả miền Tây sông nước. Nào là Đồng Khởi 1960, nào là đội quân tóc dài khiến kẻ thù khiếp vía, sợ hãi mỗi khi nhắc đến…

Đây còn là niềm tự hào, là tấm gương của những nữ lưu hào kiệt mà không chỉ thế hệ chúng tôi, cả các thế hệ tiếp theo học hỏi, phát huy dù trong bất cứ tình huống nào.

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa
Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa

Từ truyền thống của gia đình, nhất là ảnh hưởng và sự dìu dắt từ người anh ruột, cô Ba Định tham gia phong trào Đông Dương đại hội bằng cách rải truyền đơn, đi làm liên lạc, vận động bà con chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn cường hào tại địa phương.

Năm 1938, cô Ba được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Có lúc bị giặc bắt tù đày nhưng cô Ba vẫn kiên cường tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Bến Tre vào năm 1945.

Tháng 3/1946, cô tham gia đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc và được gặp Bác Hồ, xin chi viện vũ khí và cuối năm đó, cô làm trưởng đoàn của đoàn thuyền chở vũ khí về Nam.

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, có lẽ phong trào Đồng Khởi 1960 đã tạo nên một huyền thoại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Bởi cô Ba là người chỉ đạo trực tiếp tại huyện Mỏ Cày Nam hiện nay và sau đó, phong trào này lan tỏa cả miền Nam với đội quân tóc dài rộng khắp mà mỗi lần nhắc đến quân thù nhiều phen mất ăn mất ngủ.

Sau đó, cô Ba được phong danh hiệu Thiếu tướng, Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam, là vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cô Ba còn đảm trách nhiều chức vụ quan trọng khác trong Chính phủ và các đoàn thể khác, tạo mối quan hệ quốc tế rộng khắp mà các nguyên thủ nhiều quốc gia đương thời kính nể.

Với những cống hiến ấy, cô được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh (1990), Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Hiron (Cu Ba), Giải thưởng Hòa bình Lênin, Anh hùng lực lượng vũ trang, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Sau khi cô mất, khu tưởng niệm được lập tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Trong đền thờ chính có tượng đồng chân dung cô do Bộ Quốc phòng tặng. Nhân dân Hát Môn (Hà Nội) cũng rước bát hương cô về thờ trong khu Đền Hai Bà Trưng.

Tên của cô cũng được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học tại nhiều địa phương. Ở Cuba, có một làng mang tên Nguyễn Thị Định. Tên của cô được nhiều phụ nữ trên thế giới hâm mộ đặt tên cho con mình. Hình ảnh cô khi xuất hiện ở nước ngoài làm nổi bật vị thế Việt Nam.

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa

Về Bến Tre trong những ngày này, tôi thấy mình như sống lại những ký ức về một thời hào hùng, về những chiến tích lẫy lừng của đội quân tóc dài mà gắn liền với đó là tên tuổi của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Hàng năm, ngày giỗ của cô do huyện và xã tổ chức.

Năm nay kỷ niệm lần thứ 30 ngày mất là năm chẵn nên tỉnh sẽ tổ chức lớn hơn với nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú, như tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt về nữ tướng Nguyễn Thị Định với chủ đề “Có phải người còn đó”, sau đó là lễ kỷ niệm ngày mất của cô có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương toàn tỉnh về dự.

Trong khuôn viên khu tưởng niệm, các hoạt động phục dựng, bày trí đang được tiến hành khẩn trương. Mỗi người một việc, ai cũng sốt sắng hoàn thành phần việc của mình để phục vụ lễ kỷ niệm đúng thời gian, yêu cầu của trên.

Những bờ dừa, lán trại, bó đuốc dừa, súng ống, cờ hoa… đang được dựng lên trước khu đền chính như minh chứng cho phong trào Đồng Khởi 1960 và các hoạt động cách mạng của người dân xứ dừa này qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chỉ hình dung thực cảnh từ sân khấu đang hình thành mà lòng tôi như nghe sống lại không khí khởi nghĩa giành chính quyền, nhổ phăng, bứt rút nhiều đồn bót địch với các chiến dịch bình định, trực thăng vận… mà cô Ba là người trực tiếp chỉ huy.

Những bậc tiền bối từng tham gia các trận đành năm nào, người còn người mất, dù có đôi lúc quên chuyện này chuyện kia trong cuộc sống nhưng ký ức về Đồng Khởi, về đội quân tóc dài, về những trận đánh đồn bót thì nhớ như in, không thể phai mờ.

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừaBàn thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Trước đây, tôi may mắn có dịp trò chuyện và nhắc nhớ lại phong trào Đồng Khởi, nhắc đến nữ tướng Nguyễn Thị Định, bà Út Thắng lúc đó đã ngoại bát thập cổ lai hy - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo đấu tranh chính trị tỉnh Bến Tre vẫn nhớ rõ về những ký ức hào hùng năm xưa.

Đó là vào năm 1959, bà được cấp trên điều chuyển từ huyện Châu Thành qua Mỏ Cày để tiếp tục đấu tranh. "Tôi gặp bà Ba Định tại nhà bà Năm "khùng". Nhớ có lần bị giặc càn, tôi cùng bà Ba Định phải xuống hầm. Khi xuống thì phát hiện hầm không có lỗ thông hơi, rất nguy hiểm. Khi đó, bà Ba Định và tôi đã nhanh trí lấy chiếc khăn mùi xoa kê nắp hầm, may mắn là địch không phát hiện ra", bà Út Thắng kể rành mạch.

Đêm 17/1/1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, Nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cô Ba Định vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh địch chống càn, vừa huy động lực lượng quần chúng đấu tranh binh vận, đấu tranh chính trị với phương châm "Ba mũi giáp công" và thành lập nên "Đội quân tóc dài". Tên tuổi của cô gắn với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với "Đội quân tóc dài" kể từ đó.

Bà Út Thắng luôn nhấn mạnh khi trò chuyện cùng chúng tôi, bà Ba Định là một người phụ nữ bình dị, kiên cường, giàu tình cảm và rất quyết liệt. "Sự quyết liệt thể hiện ở phương châm đấu tranh "một tấc không đi, một ly không rời". Bà Ba Định ăn mặc thì rất đơn giản, chỉ luôn vận bộ bà ba, quấn khăn rằn, không cầu kỳ. Dù ở cương vị nào thì bà cũng hết sức chăm lo, hướng dẫn cho phụ nữ, cán bộ nữ.

Đặc biệt là cuộc đấu tranh đồng loạt và mạnh mẽ trở thành phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre. Ngày 17/1/1960, phụ nữ Bến Tre dưới sự lãnh đạo của cô Ba Định đã tổ chức thành từng đoàn tiến vào trụ sở của chính quyền Sài Gòn ở xã Định Thủy (Mỏ Cày) để biểu tình, dự mít tinh. Cùng lúc, ở hai xã Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày) chị em phụ nữ cũng vùng lên đấu tranh. Trong các ngày từ 17 đến 19/1/1960, Nhân dân 3 xã đã giành được quyền làm chủ.

Từ huyện Mỏ Cày, cuộc nổi dậy lan rộng ra 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, Thạnh Phú. Sau 1 tuần, quân và dân Bến Tre giải phóng hoàn toàn 22 xã, diệt ác, bao vây đồn bốt, giải phóng nhiều ấp trong 25 xã, 300 tề điệp bị bắt, 37 đồn bốt bị bức hàng, bứt rút.

Thắng lợi ban đầu của phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre đã nhanh chóng lan rộng khắp các địa phương lân cận, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của Nhân dân miền Nam. Thắng lợi này chẳng những khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam, sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ, mà còn đánh dấu bước trưởng thành về phương pháp và nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng của các cấp ủy Đảng cũng như trình độ giác ngộ của quần chúng Nhân dân miền Nam.

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa

Đội quân tóc dài tỉnh Bến Tre ra đời trong phong trào Đồng Khởi đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương mở ra con đường đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Những người cộng sản miền Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng đã cùng với quần chúng nổi dậy thành cao trào Đồng Khởi do nữ tướng Nguyễn Thị Định lãnh đạo.

Ngoại tôi khi còn sống cũng thường kể cho con cháu nghe những giai thoại về đội quân tóc dài mà ngoại và mấy dì cũng là người trực tiếp tham gia dưới sự chỉ huy của cô Ba Định. Lúc đó, đội quân tóc dài đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận, và vũ trang để tấn công quân Mỹ – Ngụy.

Các má, các cô, các chị trong “Đội quân tóc dài” ngày ấy tuy là những người phụ nữ chân quê, lam lũ với ruộng đồng, nhưng lại là những con người trung kiên, ưu tú, dũng cảm và mưu trí. Nhiều lần thất bại trước đội quân toàn phụ nữ, địch càng dùng nhiều thủ đoạn thâm độc để đối phó. Chúng lấy kéo xông vào cắt tóc của các cô, bắt bớ, giam cầm; dùng những đòn tra tấn dã man nhưng các cô, các chị vẫn nhất quyết không khai ra các cơ sở cách mạng, không khai đồng đội của mình. Những hành động tàn độc trên vẫn không khuất phục được ý chí gan dạ đấu tranh chống lại bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tai sai của chế độ Việt Nam cộng hòa.

Còn tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm có đội lân nữ đã từng phục vụ cho kháng chiến. Đội lân ra đời để nhờ tiếng đàn hát, tiếng trống lân rộn ràng nhằm che mắt địch trong lúc có thể tập hợp lực lượng để đấu tranh chính trị.

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừaThiếu tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, trong phong trào “Đồng Khởi Bến Tre”. Ảnh tư liệu: TTXVN

Bà Võ Thị Kiển, thành viên của đội lân xã Lương Hòa bị địch phát hiện đã tra tấn dã man, đứa con 8 tháng trong bụng mẹ phải tử vong. Dù vậy, bà vẫn nén nỗi đau gia đình tiếp tục đi tuyên truyền chính trị. Đây là ba trong số hàng nghìn phụ nữ bị địch bắt bớ, giam cầm, khảo tra ở miền Nam trong những năm Đồng Khởi.

Cùng với phong trào Đồng khởi năm 1960, sự phát triển của Đội quân tóc dài tỉnh Bến Tre là hiện tượng độc đáo của phong trào chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Đội quân tóc dài của tỉnh Bến Tre đã vang danh và nhân rộng khắp miền Nam, đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu năm xưa.

Nhớ lại những năm tháng đấu tranh ấy, bà Năm Đời ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết, hai lần bị giặc bắt khi tham gia đấu tranh chính trị trực diện nhưng bà vẫn làm kẻ địch phải kiếp sợ trước sự kiên trung của mình. Khi bị địch bắt, chúng tra tấn bắt bà phải dẫn đi tìm cơ sở cách mạng.

Bằng sự khéo léo và chấp nhận hy sinh để bảo vệ đồng đội, bà Năm Đời đã dẫn bọn địch vào bãi mìn. Bị mìn nổ, địch tổn thất nặng còn bà chỉ bị thương. Kế hoạch tìm cơ sở cách mạng thất bại, chúng tức tối túm tóc bà lôi đi khoảng 5 cây số khiến da đầu rách toạc, máu chảy đầm đìa, đến nay chỗ bị thương tóc vẫn không mọc trở lại.

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừa

Cô Ba Định - huyền thoại xứ dừaCó lẽ biết tôi từ hàng trăm cây số về đây thăm lại quê ngoại, thăm khu tưởng niệm cô Ba Định nên “ông trời” cũng chiều lòng nên hửng nắng lên để tôi vào đền thắp hương cho cô Ba và xem các hạng mục chuẩn bị kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 30 của cô.

Cô Huyền Trang – thuyết minh viên khu tưởng niệm lưu loát giới thiệu về cô Ba, về phong trào Đồng Khởi, về Đội quân tóc dài tỉnh Bến Tre… và dẫn tôi tham quan toàn khu tưởng niệm một cách rất nhiệt thành, giới thiệu chi tiết về chương trình thực cảnh của ngày lễ. Đến khi biết tôi là người về thăm quê hương, thăm cô Ba mà tôi luôn kính nể mới vỡ lẽ, cười xòa.

Tôi biết, trong lòng mọi người dân bến Tre, hình ảnh Đội quân tóc dài là niềm hãnh diện của người con gái Bến Tre, của một dáng đứng Bến Tre làm nên huyền thoại mà không nơi nào có được. Dẫu sao, tôi vẫn cảm ơn cô thuyết minh viên bằng cả tấm lòng và sự trân trọng, với tình cảm nồng nàn dành cho cô Ba truyền đạt đến du khách gần xa.

Thời gian đang trôi qua nhanh, dù 30 năm hay trăm năm sau nữa, huyền thoại về một nữ tướng xứ dừa, về đội quân tóc dài vẫn còn đó trong lòng mọi người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đây là niềm hãnh diện của cả một dân tộc không khuất phục trước bất cứ quân xâm lược dù hùng mạnh cỡ nào trên quả địa cầu này.

Thắp 3 nén hương trước vong linh cô Ba mà tôi nghe như hào khí năm nào đang vọng về nơi đây. Tấm gương của cô Ba Định luôn được các thế hệ mai sau học tập và phát huy linh hoạt trong bất cứ tình huống nào. Tôi tin vào điều đó.

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Đồ họa: NAM TRÂN

Xem phiên bản di động