e magazine
17/08/2023 17:49
Chuyển đổi ngạch cho viên chức dân số - nói dễ hơn làm!

17/08/2023 17:49

Bạn đọc là viên chức dân số còn nhiều băn khoăn về quy trình, thủ tục cũng như tính khả thi của việc chuyển đổi ngạch dân số sang y tế theo nội dung câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trong chương trình “Cử tri hỏi, đại biểu Quốc hội trả lời” do Truyền hình Quốc hội tổ chức ngày 6/8 vừa qua.

Chuyển đổi ngạch cho viên chức dân số - nói dễ hơn làm!

Bạn đọc là viên chức dân số còn nhiều băn khoăn về quy trình, thủ tục, cũng như tính khả thi của việc chuyển đổi ngạch dân số sang y tế theo nội dung câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trong chương trình “Cử tri hỏi, đại biểu Quốc hội trả lời” do Truyền hình Quốc hội tổ chức ngày 6/8 vừa qua.

Chuyển đổi ngạch cho viên chức dân số - nói dễ hơn làm!

Nghị định 05 không phải phụ cấp phòng chống dịch

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định, Nghị định 05 quy định phụ cấp ưu đãi nghề chứ không phải phụ cấp phòng chống dịch. Hiện nay cán bộ dân số phải làm rất nhiều công việc khác ngoài chuyên môn dân số, như: tiêm chủng, dinh dưỡng học đường, truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng…, nhưng lại không được hưởng phụ cấp nghề. Lý do là họ không được bổ nhiệm chức danh nghề y tế, mặc dù làm nhiệm vụ chuyên môn y tế.

Từ việc bổ nhiệm không đúng chức danh nghề, dẫn đến không được hưởng phụ cấp đúng theo công việc thực tế họ đang làm. Chính vì vậy, bà Hương đề nghị UBND các tỉnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, xác định lại vị trí việc làm theo các hướng sau:

Thứ nhất, nếu cán bộ dân số có trình độ chuyên môn y tế, do yêu cầu nhiệm vụ được bố trí các công việc về chuyên môn y tế (chẳng hạn như y tế dự phòng) thì phải khẩn trương xem xét bổ nhiệm chức danh nghề cho họ; để từ đó, giúp họ được hưởng phụ cấp chức danh nghề từ 40% trở lên. Khi đó, họ trở thành những đối tượng thuộc Nghị định 05.

Thứ hai, đối với viên chức dân số không có trình độ chuyên môn y tế, nhưng do điều kiện thiếu nguồn nhân lực để bố trí việc làm tại y tế cơ sở, nếu đơn vị có vị trí việc làm phù hợp và có nhu cầu bổ nhiệm thì phải cử cán bộ dân số đi đào tạo sau đó bổ nhiệm cán bộ dân số đó đúng vị trí việc làm để được hưởng phụ cấp phù hợp.

Còn tại cơ sở y tế, không có yêu cầu làm chuyên môn y tế, không có nhu cầu đào tạo để sắp xếp vị trí việc làm thì đề nghị không phân công nhiệm vụ khác cho các cán bộ dân số.

Chuyển đổi ngạch cho viên chức dân số - nói dễ hơn làm!

Cán bộ dân số quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) tham gia truy vết và hỗ trợ xét nghiệm xuyên đêm giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 năm 2021.

Chuyển ngạch sang y tế không đơn giản

Trước phát biểu này, quan điểm của bà Trần Nhị Hà - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa 15, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lại cho rằng, việc các địa phương sắp xếp lại vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp cho cán bộ dân số không hề đơn giản. Ngoài ra, bà Hà cũng nêu quan điểm, chúng ta đang rất cần ổn định đội ngũ viên chức y tế cũng như viên chức dân số.

Theo ý kiến của độc giả phản ánh với Tòa soạn Tạp chí Lao động và Công đoàn: Hiện nay, nhiều cán bộ dân số tại y tế cơ sở đang cảm thấy hoang mang, muốn chuyển đổi sang y tế nhưng lại không biết thủ tục ra sao.

Chuyển đổi ngạch cho viên chức dân số - nói dễ hơn làm!

Cán bộ dân số Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đang chuẩn bị đi test Covid cho F0, F1 vào tháng 6/2021.

Anh Võ Thành Nghĩa, cán bộ dân số, Trạm y tế Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết: "Tôi cũng trình bày mong muốn của cá nhân và hỏi cán bộ phòng Tổ chức cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo về thủ tục chuyển đổi sang ngạch y tế nhưng câu trả lời là rất khó, không được. Thứ nhất, cho đến hiện tại, Bộ Y tế cũng chưa có bất cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nào về việc này. Thứ hai, không thể giải quyết cho mình tôi, còn cán bộ dân số khác thì sao?".

Trên quan điểm này, dù có mong muốn chuyển đổi sang ngạch y tế, anh Nghĩa cũng không nhận được hướng dẫn cụ thể về thủ tục, giấy tờ cần chuẩn bị. "Giờ em cứ làm đơn gửi Ban Giám đốc Trung tâm y tế, coi Ban Giám đốc giải quyết ra sao, nói chị mới trả lời được", anh Nghĩa kể lại với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn về câu trả lời của cán bộ Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo.

Nhớ lại thời điểm tham gia phòng, chống dịch Covid-19, anh Nghĩa cho biết: "Ở huyện Chợ Gạo, đa số cán bộ dân số có chuyên môn y, nhưng đều là cán bộ kiêm nhiệm y tế, làm các nhiệm vụ y tế như: Trực khám bệnh, nhập máy Bảo hiểm y tế, cấp cứu, sơ cấp ban đầu cho bệnh nhân, phát thuốc BHYT... Thậm chí, thời điểm chống dịch Covid-19, chỉ mình tôi trong Trạm y tế là trực liên tục, bất kể ngày hay đêm, không có ca nghỉ, ngày nghỉ. Trong khi đó, những người khác, hết ca trực còn được nghỉ bù buổi sau".

Thời điểm đó, nhiều hôm kết thúc công việc lúc 1 - 2 giờ sáng, công việc triền miên không được nghỉ ngơi, anh Nghĩa bị sút hơn chục kí, cho đến nay vẫn chưa hồi phục. Chưa kể, hồi đó, vợ sinh con, anh cũng không chăm sóc được vợ con mà ở miết cơ quan, mệt quá chỉ ngủ chứ cũng không ăn uống nổi nên mất sức nhanh...

"Thứ trưởng Bộ Y tế có nói, cán bộ dân số được hưởng chế độ phòng chống dịch. Nhưng trên thực tế, tại Trạm tôi, tiền hỗ trợ được chia đều cho mọi người như nhau, kể cả người không tham gia phòng, chống dịch", anh Nghĩa bức xúc.

Anh Võ Thành Nghĩa, cán bộ dân số, Trạm y tế Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang mong muốn được ghi nhận và đối xử công bằng.

Cần chỉ đạo cụ thể từ Bộ Y tế

Cũng chung ý kiến với anh Nghĩa, độc giả Nguyễn Thị Thư là viên chức dân số tỉnh Vĩnh Phúc nêu quan điểm: "Mong Bộ Y tế có hướng dẫn về các sở y tế để viên chức dân số có chuyên môn y được chuyển ngạch sang nhân viên y tế vì trên thực tế chúng tôi đã phải kiêm nghiệm rất nhiều công việc của Trạm y tế kể cả trực chuyên môn. Viên chức dân số tỉnh Vĩnh Phúc chúng tôi 100% đều có bằng chuyên môn y tế, kiêm nghiệm công việc như cán bộ y tế mà vẫn phải hưởng 30% phụ cấp chức vụ. Thực sự rất thiệt thòi!".

"Sau buổi tọa đàm ngày 6/8/2023 do Truyền hình Quốc hội sản xuất, những vấn đề mà Thứ Trưởng Bộ Y tế đã nêu để giải quyết bức xúc của hàng chục nghìn viên chức dân số trên cả nước, chúng tôi khẩn đề nghị Bộ có văn bản chỉ đạo ngay các tỉnh triển khai việc tháo gỡ các vướng mắc, để anh chị em dân số yên tâm công tác", độc giả Vũ Hường nêu đề xuất.

Chuyển đổi ngạch cho viên chức dân số - nói dễ hơn làm!

Giấy khen của Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang dành cho anh Võ Thành Nghĩa, nhân viên Trạm y tế xã Song Bình, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với việc chuyển đổi dân số sang ngạch y tế, độc giả ở địa chỉ email Vuthanhthao19822016@gmail.com nhìn nhận: "Bộ biết, Bộ hiểu (Bộ Y tế - PV) nhưng Bộ đưa ra giải pháp không khả thi, mang tính chất "cho có" chứ giờ dân số chuyển được hết qua chức danh y tế không? Dân số có 11.000 viên chức đó, Bộ Y tế vẽ đâu ra 11.000 chức danh y tế nữa? Rồi dân số ai làm, lại tuyển, lại đào tạo từ đầu ư? Rồi việc đi học của viên chức dân số không phải ngành y thì kinh phí ở đâu? Ngay từ đầu Bộ cần nhìn nhận đúng những bất cập khi sáp nhập dân số vào y tế, nhưng bao năm nay dân số chúng tôi bị "giao trách nhiệm" sai, rồi lại bị ghẻ lạnh, bỏ rơi trong Nghị định 05 thì bây giờ rất cần động thái chỉ đạo thỏa đáng từ Bộ Y tế".

"Mong Bộ Y tế sớm có công văn chỉ đạo về các tỉnh, địa phương nếu không chuyển cho dân số sang ngạch y tế được thì để cán bộ dân số làm đúng vị trí việc làm của dân số tránh gây thêm những bức xúc, mất đoàn kết trong đơn vị", đó là quan điểm của độc giả Thu Hà.

Tinh thần chung trong nhiều chia sẻ của độc giả với Tạp chí Lao động và Công đoàn là: Câu trả lời của lãnh đạo Bộ chưa thỏa đáng và gây thêm nhiều băn khoăn trăn trở cho hệ thống y tế cơ sở: vấn đề nguồn nhân lực, tận dụng nhân lực sẵn sẽ không phát huy được nếu viên chức dân số chỉ làm lĩnh vực dân số; Nếu là đi đào tạo bổ nhiệm chức danh khác sẽ chỗ thừa, chỗ thiếu không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, mất rất nhiều kinh phí và tốn rất nhiều thời gian. Độc giả cũng bày tỏ, có một giải pháp đơn giản là tận dụng nguồn lực sẵn có là Dân số, bổ sung tăng phụ cấp ưu đãi nghề để động viên tinh thần làm việc và cống hiến của đội ngũ Dân số vì bình thường họ đã và đang làm chuyên môn y.

Chuyển đổi ngạch cho viên chức dân số - nói dễ hơn làm!

Cán bộ dân số (áo xanh) phụ trách tiêm chủng Covid tại Trạm y tế xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tháng 1/2022.

Bài viết: HỒNG NHUNG

Ảnh: Nhân vật, bạn đọc cung cấp

Xem phiên bản di động