e magazine
24/12/2020 11:16
Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tại Việt Nam

24/12/2020 11:16

Với trên 639 ngành nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng và 871 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, tập trung trong nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, xã hội, công nghệ, sản xuất đến an ninh quốc phòng… Việt Nam hiện đang có những bước phát triển mạnh về nguồn nhân lực có kỹ năng, song cần có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp FDI đặt hàng giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo nhu cầu, thay vì tình trạng sử dụng lao động chưa qua đào tạo như hiện nay.

Chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tại Việt Nam

Với trên 639 ngành nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng và 871 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, tập trung trong nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, xã hội, công nghệ, sản xuất đến an ninh quốc phòng… Việt Nam hiện đang có những bước phát triển mạnh về nguồn nhân lực có kỹ năng, song cần có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp FDI đặt hàng giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo nhu cầu, thay vì tình trạng sử dụng lao động chưa qua đào tạo như hiện nay.

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tại Việt Nam
Việt Nam hiện đang có những bước phát triển mạnh về nguồn nhân lực có kỹ năng.

Xu hướng chuyển dịch làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam

Từ năm 2018 có sự dịch chuyển mạnh giữa các khu vực và quốc gia về dòng vốn đầu tư. Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về thu hút đầu tư do môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện; thị trường nội địa lớn; mức sống người dân ngày càng tăng; sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam về kinh tế, thương mại, đối ngoại, văn hóa, giáo dục, KHKT…

Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Nhiều thành phố cũng đang có ý định xây dựng thành phố thông minh với các nền tảng công nghệ mới... Công nghệ thông tin ICT Việt Nam tiếp tục đạt được mức tăng trưởng với doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn.

Với những chính sách phát triển công nghệ, hạ tầng số của Việt Nam cũng là nền tảng mà các doanh nghiệp FDI từ nước ngoài quan tâm khi muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2018 đến tháng 8/2019 đã có 56 doanh nghiệp quốc tế rời Trung Quốc sang sản xuất tại các nước khác; trong đó, có 26 doanh nghiệp chọn Việt Nam, 11 sang Đài Loan, 11 sang Thái Lan, 3 sang Ấn Độ...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD (bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019). Đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; dẫn đầu là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan…

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tại Việt Nam

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI đã và đang góp phần tích cực giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt, Khu Công nghiệp Cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh).

Làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam đã có tác động không nhỏ tới dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới làn sóng dịch chuyển FDI vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến; Công nghiệp chế tạo, khuôn mẫu; Lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Nhiều công ty Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ gần đây cũng đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư để đa dạng hoá chuỗi cung ứng của họ.

Xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI đã và đang diễn ra từ trước khi có đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dịch Covid-19 là chất xúc tác khiến quá trình dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Phát triển nhân lực có kỹ năng (giáo dục nghề nghiệp) đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài

Trong việc chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp tốt vừa là mong muốn của các nhà đầu tư, vừa là sự chuẩn bị của Việt Nam.

Nguồn cung nhân lực lao động có kỹ năng đang có bước phát triển mạnh, trước hết về mặt mạng lưới các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực. Tính đến cuối năm 2019, trên cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2016, cả nước tuyển sinh được 2.047.667 người, trong đó, trình độ cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng nghề và cao đẳng) đạt 91.559 người; trình độ trung cấp đạt 147.096 người.

Cả nước có trên 630 ngành, nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng và trên 871 ngành, nghề đào tạo ở trình độ trung cấp, rất đa dạng, tập trung vào 21 lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, máy tính và công nghệ thông tin, sản xuất chế biến, nông nghiệp, kiến trúc, xây dựng, vận tải, môi trường, lĩnh vực dịch vụ, sức khỏe...

Theo số liệu báo cáo của các địa phương trên cả nước, những ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt tập trung ở các lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật cơ khí, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghệ thông tin như: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, Công nghệ ô tô, Quản trị mạng, Thiết kế trang web, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng... Những ngành, nghề này cũng phù hợp với xu hướng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp của đầu tư nước ngoài.

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tại Việt Nam

Những ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt tập trung ở các lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật cơ khí, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghệ thông tin.

Ngày 23/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 (Quyết định số 761/QĐ-TTg). Theo đó, từ năm 2014, cả nước đã có 45 trường được lựa chọn để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ thành trường chất lượng cao vào năm 2020.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quy hoạch nghề trọng điểm (Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017) bao gồm 62 ngành, nghề được quy hoạch trọng điểm cấp độ quốc tế, 93 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN và 134 nghề cấp độ quốc gia, làm cơ sở để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Bộ ngành, địa phương đầu tư, tổ chức tuyển sinh đào tạo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc và Đức cho khoảng 2.000 sinh viên, để khi tốt nghiệp ra trường sinh viên sẽ được cấp 02 bằng (bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Úc hoặc của Đức).

Người học ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 đến B2 theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế hoặc có thể học liên thông lên trình độ đại học tại hệ thống các trường đại học của Úc, CHLB Đức.

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tại Việt Nam
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang có nhiều giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh việc chuyển giao chương trình và đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc, Đức, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với chuyên gia, các tổ chức quốc tế thí điểm xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận năng lực theo tiêu chuẩn của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc; thí điểm đào tạo theo mô hình “đào tạo nghề kép” của Đức, Thụy Sỹ… Các ngành, nghề chất lượng cao sẽ là một nguồn cung cấp nhân lực thực sự có chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.

Nguồn nhân lực lao động có kỹ năng, nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi tất yếu của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang có nhiều giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, để đáp ứng yêu cầu cho làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI vào Việt Nam, Chính phủ nên xem xét việc yêu cầu các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam cần nêu rõ yêu cầu cụ thể nguồn nhân lực lao động của doanh nghiệp (số lượng, chất lượng nhân lực theo từng ngành nghề, từng trình độ).

Các doanh nghiệp cần tích cực đẩy mạnh trách nhiệm xã hội, tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo với các nhà trường; huấn luyện giáo viên thực tập nghề nghiệp; tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập, tài trợ học bổng cho các em học sinh, sinh viên xuất sắc…; hỗ trợ các nhà trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập; áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống (nhà trường, doanh nghiệp, sinh viên) để giải quyết được cung - cầu lao động, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp FDI để kịp thời cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp này.

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tại Việt Nam
Nguồn nhân lực lao động có kỹ năng, nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi tất yếu của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam.

TS. TRƯƠNG ANH DŨNG

Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Trưởng Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội

Xem phiên bản di động