Chú trọng bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” trong quá trình làm việc |
Người làm công việc như luyện cán thép, sử dụng laser, thợ hàn... thường xuyên tiếp xúc với bức xạ ion hóa, bức xạ nhiệt,... có nguy cơ cao mắc bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp. |
Người lao động nghề hàn là lực lượng đóng vai trò quan trọng làm nên thành công của nhiều công trình xây dựng. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nhiều bạn trẻ đang lựa chọn học nghề này, bởi đây là một nghề “khát” nhân lực và có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, song song với mức lương cao là những vất vả, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Họ phải đối mặt với các tác nhân độc hại có thể kể đến là tia lửa nhiệt, kim loại nóng, tia cực tím, khói độc từ xỉ hàn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. |
Khi hàn, ánh sáng cường độ cao tác động vào mắt. |
Nêu cảm nhận về nghề, ông Nam Hùng (55 tuổi, sinh sống tại quận 5, TP HCM, một người đã gắn bó hơn 20 năm với nghề hàn) tâm sự: “Đây là công việc đòi hỏi tính chuyên môn và kỹ năng cao, không phải ai cũng có thể trở thành một người thợ giỏi. Bên cạnh đó, tai nạn luôn xảy ra có thể do điện giật, ngọn lửa hàn hoặc tia lửa văng bắn; vật bay vào mắt…”. Các chuyên gia còn cho biết, bức xạ trong nghề hàn là yếu tố độc hại gây ảnh hưởng nguy hiểm nhất đến đôi mắt của người thợ. Hàn hồ quang và hàn khí gas có thể sinh ra các tia sáng nhìn thấy được (VIS), tia cực tím (UV) và tia hồng ngoại (IR). Tia gamma hay tia X có thể sinh ra từ các thiết bị kiểm tra mối hàn hoặc hàn bằng máy. Da và mắt có thể bị tổn thương, một số thuật ngữ gọi đây là bệnh "mắt thợ hàn" hoặc đục thể thủy tinh nghề nghiệp. |
Đối với thợ hàn thì bị đau mắt, bỏng tay, chân là chuyện không hiếm gặp. |
Vậy bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp là gì? Bộ Y tế cho biết, bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp là bệnh do tiếp xúc với bức xạ ion hóa hoặc bức xạ không ion hóa trong môi trường lao động. Ngoài nghề thợ hàn thì các công việc khác có nguy cơ như: Luyện cán thép, sử dụng laser; làm việc tại trạm radar, trạm thu phát sóng phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin liên lạc, dây tải điện cao áp, lò đốt sóng cao tần, đèn khử trùng. Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, biểu hiện lâm sàng của bệnh này có thể xuất hiện các triệu chứng: Thị lực bình thường hoặc giảm; lóa mắt; nhìn thấy chấm đen trước mắt di động theo vận động nhãn cầu; nhìn thấy hai hình. Quá trình hàn tạo ra các tia lửa từ xỉ hàn, khói độc, ánh sáng có tia cực tím. Đục thể thủy tinh nghề nghiệp thường đục ở 2 mắt nhưng có thể biểu hiện ở các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu, có thể xuất hiện những vẩn đục nhỏ ở phần vỏ xung quanh thủy tinh thể, các chấm đục có thể kết lại thành đám vẩn đục hình vành khăn, hình nêm, chiều rộng của vòng đục lớn nhất < 1/3 bán kính. Những điểm vẩn đục nhỏ nằm ở dưới bao sau, cực sau; thị lực không bị ảnh hưởng. Giai đoạn hai, những tổn thương thủy tinh thể ở giai đoạn đầu tiến triển hơn, có thể có những biểu hiện sau: Những vẩn đục nhỏ ở phần vỏ xung quanh thủy tinh thể kết lại với nhau thành hình vành khăn, hình tròn, phạm vi đục từ 1/3 đến < 2/3 bán kính thủy tinh thể hoặc tổng phần đục vỏ từ 1/4 đến 1/2 chu vi thủy tinh thể; khu vực nhân phôi hoặc nhân trưởng thành có thể vẩn đục không hoàn toàn hoặc hoàn toàn; những vẩn đục nhỏ dưới bao sau phát triển thành đục hình đĩa, đan xen vào phần vỏ. Có thể kèm theo những chấm đục ở vùng dưới bao trước; thị lực bình thường hoặc giảm ít. Giai đoạn ba, có thể phạm vi vẩn đục của vùng vỏ xung quanh thủy tinh thể ≥ 2/3 bán kính thủy tinh thể hoặc tổng phần đục vỏ lớn hơn 1/2 chu vi của thủy tinh thể; bên trong nhân phôi hoặc nhân trưởng thành có thể xuất hiện những vẩn đục kết thành hình cánh hoa hoặc hình đĩa; những vẩn đục ở dưới bao sau hình đĩa phát triển lớn hơn và mỏng dần hướng về xích đạo thủy tinh thể; thị lực giảm nhiều. Việc xác định bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp dựa trên cơ sở tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp. Ảnh minh họa. Người lao động nếu nghi ngờ có thể khám chuyên khoa mắt xác định hình thái và giai đoạn bệnh, sau đó kết hợp với bác sĩ bệnh nghề nghiệp để chẩn đoán xác định nhằm có hướng điều trị phù hợp. Anh Lê Vũ (30 tuổi, quê ở Long An, người có trình độ tay nghề hàn 3G) chia sẻ: “Hồi mới vào nghề, tôi thường xuyên bị đau mắt. Nặng nhất là lần đau mắt kéo dài 3 ngày, 2 ngày đầu mắt sưng vù, nhức không mở ra được, chỉ nằm nhà và đắp khăn mặt ướt lên, ngày thứ 3 mắt mở được nhưng nhìn bầu trời toàn thấy khói, phải chớp mắt liên tục”. Đồ bảo hộ là trang bị cần thiết, giúp tăng hiệu quả và năng suất lao động. Anh Vũ Văn Thành (Chủ cơ sở Cửa sắt nghệ thuật Nhật Vũ, quận 12, TP HCM) cho biết: "Nghề hàn có mức độ nguy hiểm và rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người thợ. Để hạn chế được sự tác động đó, mỗi thợ hàn phải được trang bị đồ bảo hộ lao động đạt chuẩn, chất lượng. Đặc biệt chú trọng đầu tư các loại mặt nạ bảo vệ phần đầu cho anh em. Mặt nạ hàn có tác dụng ngăn chặn các tia lửa từ xỉ hàn văng vào mặt, khói độc, bảo vệ mắt trước ánh sáng có tia cực tím”. Được biết, Bộ Y tế đã ban hành danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là căn cứ để người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành. Căn cứ Thông tư 15/2016/TT-BYT, có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó bao gồm bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp. |
|