Chủ động nguồn nhân lực phi công trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt
Đào tạo phi công là lĩnh vực không còn mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành Hàng không ngày càng phát triển, thị trường phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 cùng với sự canh tranh gay gắt, vấn đề chủ động nguồn nhân lực phi công trở nên đặc biệt cấp thiết. Nhằm tìm hiểu thực tế đào tạo phi công của Trung tâm Huấn luyện Bay - VietnamAirlines cũng như khó khăn, giải pháp chủ động nguồn nhân lực phi công trong thời gian tới, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lâm Quang Nam - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Bay (viết tắt là TTHL) về nội dung này. |
Ông Lâm Quang Nam - Giám đốc TTHL. Ảnh: FTC |
PV: Xin ông khái quát kết quả nổi bật trong công tác đào tạo nguồn nhân lực khai thác bay nói chung, đào tạo phi công nói riêng của Trung tâm những năm qua? Ông Lâm Quang Nam: Trước tiên, tôi xin khái quát một số thông tin về Trung tâm Huấn luyện Bay. Năm 2003, TTHL được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn là Tổ chức Huấn luyện hàng không (ATO), cấp năng định loại người lái máy bay tại Việt Nam. TTHL được Vietnam Airlines đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị huấn luyện bay chuyên dụng gồm 4 Buồng lái máy bay mô phỏng của nhà sản xuất CAE. Cùng với đó là mô hình khoang khách giả định, mô hình cửa huấn luyện của các loại máy bay, hồ bơi tạo sóng, các phòng học chuyên dụng, thiết bị hiện đại khác và đội ngũ giáo viên, kỹ thuật viên chuyên nghiệp. TTHL tổ chức huấn luyện định kì hằng năm cho phi công, tiếp viên… Từ đó đảm bảo đáp ứng nguồn lực khai thác bay cho Vietnam Airlines cũng như thực hiện cung cấp dịch vụ huấn luyện, đào tạo cho các hãng hàng không trong khu vực, dịch vụ khách hàng. |
Buồng lái máy bay mô phỏng đặt tại TTHL. Ảnh: FTC |
Đối với hoạt động đào tạo phi công: TTHL tạo nguồn phi công khai thác bằng cách tuyển dụng học viên phi công cơ bản (PCCB) định kì hằng tháng, quản lý, theo dõi quá trình huấn luyện của học viên PCCB tại các trường bay ở nước ngoài được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn và Vietnam Airlines chấp thuận. Các học viên sau khi trúng tuyển sẽ được cử đi học tập chương trình huấn luyện dự khóa bay tại Trường Sĩ quan Không quân (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Học viên có quyền lựa chọn và nộp đơn vào trường bay mình mong muốn gồm: Các trường bay ở New Zealand (như IAANZ, Ardmore Flying school, Eagle Flight training), trường bay của Úc (AAPA); trường bay của Nam Phi (43 Airschool); trường bay tại Mỹ (Air Ben Aviator, Inc, Aviator College of Aeronautical Science and Technology). Các học viên được miễn toàn bộ chi phí quản lý trong suốt quá trình huấn luyện tại các trường bay và được kí cam kết tuyển dụng sau đào tạo với Vietnam Airlines. Sau khi hoàn thành huấn luyện tại các trường bay, các học viên PCCB được huấn luyện chuyển loại tại TTHL thông qua quá trình sử dụng các trang thiết bị huấn luyện hiện đại với đội ngũ giáo viên có kiến thức chuyên môn cao. |
Huấn luyện phương thức bay máy bay A321. Ảnh: FTC |
PV: Sự thay đổi về yêu cầu chất lượng nguồn phi công những năm qua, đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ra sao, thưa ông? Ông Lâm Quang Nam: Chất lượng nguồn lực phi công của Vietnam Airlines trước và sau dịch Covid-19 đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn do Cục Hàng không các nước (New Zealand, Úc, Nam Phi và Mỹ) cũng như Cục Hàng không Việt Nam quy định và phải đảm bảo công tác khai thác an toàn tuyệt đối. Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. TTHL vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch vừa triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ Tổng công ty giao. TTHL đã đảm bảo nguồn lực giáo viên, đẩy mạnh công tác quảng bá tạo nguồn học viên PCCB, hoàn thiện, cải tiến quy trình, quy định liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng, vận hành buồng lái máy bay mô phỏng và các trang thiết bị. Tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động phát huy tinh thần chủ động, vượt qua khó khăn. Do đó, TTHL đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Tổng công ty giao với với kết quả như sau: Huấn luyện phi công: 2.548 lượt học viên Huấn luyện tiếp viên: 3.154 lượt học viên Huấn luyện nhân viên kỹ thuật bay: 516 học viên Huấn luyện cán bộ, nhân viên, giáo viên: 306 học viên |
Học viên tham gia chương trình đào tạo của TTHL. Ảnh: FTC |
PV: Những khó khăn trong công tác đào tạo nguồn phi công và khả năng đáp ứng của Trung tâm nói riêng, Vietnam Airlines nói chung là gì, thưa ông? Ông Lâm Quang Nam: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác đào tạo lao động kỹ thuật cao cho ngành Hàng không của TTHL 2 năm qua bị chững lại, kéo dài so với kế hoạch. Nguồn lực phi công khai thác bị thiếu hụt do các phi công ở trong vùng giãn cách xã hội quá lâu, phi công xin nghỉ việc, hầu hết phi công nước ngoài phải về nước. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch đã khởi sắc, các chuyến bay thương mại và tần suất hoạt động khai thác dần phục hồi. TTHL đã thực hiện mục tiêu, kế hoạch của Tổng công ty giao, tiếp tục mở rộng tuyển sinh PCCB và hoàn tất các thủ tục cho học viên tham gia các khóa huấn luyện bay tại nước ngoài, chuẩn bị sẵn sàng cho học viên tham gia các loại hình huấn luyện chuyển loại sau khi về nước. |
Học viên tại Trung tâm. Ảnh: FTC |
PV: Chủ trương, giải pháp của Vietnam Airlines nói chung, TTHL nói riêng nhằm chủ động nguồn nhân lực phi công trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, thưa ông? PV: Ông Lâm Quang Nam: Trong 10 năm tới, Vietnam Airlines cần khoảng 600 phi công để phục vụ công tác khai thác bay. Hiện tại, TTHL đang tập trung vào công tác tạo nguồn, tuyển sinh PCCB thông qua Ngày hội việc làm tại các trường đại học của các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Qua đó, tạo cơ hội cho thí sinh được tiếp cận thực tế, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, khó khăn, thử thách của nghề nghiệp với phi công để có sự chuẩn bị tốt nhất cho bản thân khi tìm hiểu và định hướng lựa chọn nghề đặc thù này. TTHL cũng tăng cường quảng bá chương trình đào tạo, huấn luyện phi công thông qua mạng xã hội, kênh truyền thông nội bộ của Vietnam Airlines. Đối với Vietnam Airlines, trên đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng tích cực điều chỉnh chính sách nhân lực, tiền lương nhằm giữ chân nguồn nhân lực hiện có, tránh tình trạng chảy máu chất xám. Mặt khác, Tổng công ty đẩy mạnh tuyển dụng nhằm bù đắp, bổ sung các vị trí công việc thiếu hụt, sẵn sàng chiếm thế chủ động trên thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nguồn lực và kinh tế. Vietnam Airlines đang từng bước thực hiện mục tiêu nâng tầm dịch vụ trở thành hãng hàng không Quốc gia 5 sao thông qua việc cải tiến, nâng cấp chất lượng dịch vụ trên toàn hệ thống, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, TTHL cũng nỗ lực đóng góp vào việc gìn giữ, xây dựng hình ảnh, uy tín Vietnam Airlines để tiếp tục phát triển bền vững trên thị trường hàng không Việt Nam cũng như thế giới. |
Chuyên viên của TTHL hướng dẫn chuẩn bị sơ tuyển. Ảnh: FTC |
Hiện nay, du lịch đã khởi sắc, các chuyến bay thương mại và tần suất hoạt động khai thác dần phục hồi. TTHL đã thực hiện mục tiêu, kế hoạch của Tổng công ty, tiếp tục mở rộng tuyển sinh PCCB và hoàn tất các thủ tục cho học viên tham gia các khóa huấn luyện bay tại nước ngoài và chuẩn bị sẵn sàng cho học viên tiếp tục tham gia các loại hình huấn luyện chuyển loại sau khi về nước. Ông Lâm Quang Nam - Giám đốc TTHL (Vietnam Airlines) |
THU CHINH Ảnh: FTC Đồ họa: AN NHIÊN |