Chính sách tăng thời giờ làm thêm của người lao động dự kiến áp dụng đến tháng 12/2022

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (đứng) trả lời phóng viên báo chí về đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm thêm giờ. Ảnh: THC

Chính sách tăng thời giờ làm thêm của người lao động dự kiến áp dụng đến tháng 12/2022

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, chính sách tăng số giờ làm thêm của người lao động dự kiến được áp dụng đến hết tháng 12/2022. Sau đó sẽ quay trở lại áp dụng theo Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo ông Hà Tất Thắng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải ngừng sản xuất. Có thời điểm, 60 đến 70% doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Đời sống, nhất là việc làm của người lao động rất khó khăn.

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động như: Ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân, hỗ trợ người lao động khó khăn do dịch bệnh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế... Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có rất nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động và đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Chính sách tăng thời giờ làm thêm của người lao động dự kiến áp dụng đến tháng 12/2022

Đồng chí Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) trình bày về kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 của tổ chức Công đoàn. Ảnh: THC

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi nhiều đơn hàng có nguy cơ không đảm bảo tiến độ. Nhất là đơn hàng xuất khẩu có nguy cơ bị đối tác chuyển ra nước ngoài. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành chính sách tăng thời giờ làm thêm cho người lao động.

Doanh nghiệp được tăng thời giờ làm thêm nhưng đi kèm với đó là rất nhiều điều kiện, biện pháp để bảo vệ người lao động. Doanh nghiệp phải đảm bảo chế độ tiền lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật, có phương án tổ chức sản xuất hợp lý, khám sức khỏe người lao động hậu Covid-19.

Việc tăng thời giờ làm thêm phải có sự đồng ý của người lao động, giám sát của tổ chức Công đoàn và được cơ quan quản lý Nhà nước thanh tra, kiểm tra. Doanh nghiệp cũng phải tính toán, trong điều kiện cần thiết mới tổ chức làm thêm.

“Mục tiêu lâu dài là doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm giờ làm. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, việc tăng thời giờ làm thêm cho người lao động nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho một bộ phận người lao động. Dự kiến chính sách sẽ được thực hiện đến hết tháng 12/2022, sau đó quay lại thực hiện theo Bộ luật Lao động năm 2019" - ông Hà Tất Thắng cho biết.

Chính sách tăng thời giờ làm thêm của người lao động dự kiến áp dụng đến tháng 12/2022

Công nhân Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong hoàn thành công đoạn cuối của sản phẩm. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Chia sẻ quan điểm về vấn đề tăng thời giờ làm thêm của người lao động, TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, năm 2019, Viện đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của việc quy định thời gian làm theo tuần của người lao động theo hai mức 48 giờ hoặc 44 giờ.

Bên cạnh đó, Viện cũng tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của điều chỉnh tăng khung thời giờ làm thêm vào giai đoạn xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động năm 2019.

“Thông qua khảo sát, đánh giá tác động của hai nội dung đó, chúng tôi nêu ra ba vấn đề. Một là, ở điều kiện lao động bình thường và tình trạng sản xuất bình thường, việc làm thêm giờ quá nhiều sẽ ảnh hưởng không chỉ trước mắt mà còn lâu dài đến sức khỏe của người lao động. Hai là, năng suất lao động trong thời gian làm thêm giờ không cao do cả thể lực và trí lực của người lao động suy giảm, đặc biệt ở khối sản xuất, kinh doanh trực tiếp. Ba là, nguy cơ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian làm thêm giờ thường cao hơn, đặc biệt từ giờ làm thêm thứ 2 và thứ 3 trở đi.

Chính sách tăng thời giờ làm thêm của người lao động dự kiến áp dụng đến tháng 12/2022TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn. Ảnh: VTCC

Do đó, để đảm bảo an toàn, sức khỏe lâu dài của người lao động, giúp duy trì sản xuất, kinh doanh bền vững, hướng tới quan hệ lao động tiến bộ, chúng tôi khuyến nghị cần phải giới hạn thời gian, phạm vi đối tượng làm thêm giờ ở mức thấp nhất có thể. Chúng tôi đề xuất khu vực sản xuất, kinh doanh tiến tới thực hiện giảm thời gian làm thêm giờ tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần. Lưu ý là, khu vực hành chính - sự nghiệp công lập đã thực hiện giờ làm việc tiêu chuẩn 40 giờ/tuần được hơn 22 năm qua.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, việc làm - tiền lương - đời sống của người lao động. Lực lượng lao động cần tham gia thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế, không để nước ta tụt hậu; phát triển kinh tế để có nguồn lực phục vụ các mục tiêu xã hội, phúc lợi và an sinh xã hội.

Chính sách tăng thời giờ làm thêm của người lao động dự kiến áp dụng đến tháng 12/2022
Cán bộ Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp (Viện Khoa học ATVSLĐ) khám sức khỏe cho người lao động (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: TTCC

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh khung thời giờ làm thêm giờ tối đa trong 1 tháng và trong 1 năm áp dụng giai đoạn 2022 - 2023 đã điều chỉnh tăng giờ lên tối đa 60 giờ/tháng (tăng 20 giờ so với trước đây).

Chủ trương này là hợp lý và hài hoà với giai đoạn thực tế hiện nay (2022 - 2023), đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp trong việc thực hiện tiến độ đơn hàng.

Chủ trương này cũng đáp ứng nhu cầu của một số công nhân lao động có nhu cầu làm thêm để bổ sung thu nhập trong giai đoạn khó khăn, giá cả nhiều mặt hàng tăng, nhiều chi phí lớn. Bởi lẽ, hầu hết công nhân lao động sẽ rơi vào nghèo túng khi không làm thêm giờ.

"Do đó, về tính tức thời, đây là biện pháp có phần khá tiêu cực nhưng có thể chấp nhận được trong tình hình hiện nay. Biện pháp này phải cân đối hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ sức khỏe người lao động trước mắt, lâu dài, tăng thu nhập cho họ với đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu phát triển chung. Tuy nhiên, các cơ quan được giao trách nhiệm cần giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo tinh thần của Nghị quyết được thực thi đúng. Đặc biệt, phải có chế độ tăng lương làm thêm giờ thỏa đáng, bữa ăn ca chất lượng, chế độ quan tâm và đãi ngộ đặc biệt khi làm thêm giờ nhiều, bảo đảm an toàn lao động cho người lao động…” – TS. Vũ Văn Tiến nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/4/2022; riêng quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

HÀ VY