|
Những tháng cuối năm 1967, trước sự uy hiếp ngày càng mạnh của quân và dân ta trên toàn chiến trường miền Nam, Mỹ ngày càng lâm vào thế bị động về chiến lược, buộc phải chuyển sang thế phòng ngự, tập trung bảo vệ các vùng trọng điểm, trong đó có tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 - Khe Sanh. Đường 9 - Khe Sanh là tuyến vận chuyển chiến lược của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam nên Mỹ đã tập trung ngăn chặn. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Chiến lược này nhằm đánh vào hệ thống phòng thủ của Mỹ ở Đường 9 - Khe Sanh kết hợp đánh vào các thị xã, thành phố, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Căn cứ Khe Sanh của Mỹ vào năm 1968. Chủ trương này được triển khai cụ thể với quyết định: Từ đêm 20/1/1968, quân và dân ta tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh, buộc quân đội Mỹ phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó. Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, ngày 9/7/1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi, lá cờ chiến thắng của quân giải phóng tung bay trên sân bay quân sự Tà Cơn. Chiến thắng này đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường số 9, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Đặc biệt, chính chiến thắng này đã giữ vững tuyến đường chi viện Bắc - Nam của chúng ta. Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh là minh chứng cho chiến lược tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến thắng này đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự của chúng ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong bức điện khen ngày 13/7/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam từ đầu năm đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa”. Chiến sĩ thông tin trực chiến trên đồi A Quảng Trị. Có thể nói, Chiến thắng Khe Sanh là điều kiện thiết yếu cho cuộc góp sức cho sự toàn thắng của chiến trường miền Nam. Không có Chiến thắng Khe Sanh, sẽ không có những đóng góp quan trọng chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975. Trong 55 năm qua, chúng ta càng nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn về tầm vóc và ý nghĩa của Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh trong công cuộc giải phóng dân tộc. Mỗi lần kỷ niệm về chiến thắng này là dịp để khơi dậy nguồn mạch lịch sử hào hùng, tiếp sức cho ý chí xây dựng quê hương, đất nước. |
Lên với miền tây Quảng Trị chúng ta sẽ bắt gặp công trình thủy lợi, thủy điện Rào Quán, đứng đầu trong hàng ngũ thủy điện quê nhà, với số vốn đầu tư cho công trình này là khoảng 1.700 tỉ đồng, đưa vào sử dụng hơn 18 năm nay và ngày càng phát huy tác dụng. Đây không chỉ là công trình thủy điện mà còn là công trình thủy lợi. Công trình này chặn dòng chính của sông Rào Quán, một phụ lưu của sông Ba Lòng trong hệ thống sông Thạch Hãn để phát điện hòa vào mạng lưới điện quốc gia và tưới tiêu cho hơn 1.000 ha lúa ở đồng bằng Triệu Hải. Công trình thủy lợi, thủy điện Rào Quán, với số vốn đầu tư khoảng 1.700 tỉ đồng. Sự xuất hiện của công trình thủy lợi, thủy điện này là một dấu son trên bản đồ năng lượng và thủy lợi Quảng Trị, nó không chỉ làm thay đổi bộ mặt của miền núi Hướng Hóa mà còn góp phần thay đổi và tạo lập nên môi trường xanh với những cánh rừng tươi tốt bao bọc bảo vệ xung quanh, góp phần làm nên một điểm nhấn cảnh quan khá quy mô và thơ mộng giữa đại ngàn Quảng Trị. Tham quan phân xưởng vận hành sẽ hiểu thêm công việc thầm lặng của những cán bộ, nhân viên nơi đây. Họ lặng lẽ làm việc và cống hiến trong tư cách một mắt lưới của nguồn điện quốc gia và một đầu nguồn của thủy lợi Quảng Trị. Lặng thầm nhưng công việc không hề đơn giản, nhẹ nhàng như nhiều người vẫn tưởng, nhất là vào những lúc cao điểm, vào giai đoạn bão lũ thì rất nhiều nguy cơ cần được nhìn nhận, đối phó và kiểm soát. Họ luân phiên túc trực ngày đêm, quanh năm suốt tháng để vận hành trôi chảy, sẵn sàng ứng phó với những trường hợp bất ngờ, những sự cố đột biến và những biến động khó lường của thời tiết, của thiên nhiên ngày càng trở nên khó tính và khó lường. Vùng cao phía nam huyện Hướng Hóa, có một dải đất biên viễn mà gần với biên giới Việt - Lào đang từng ngày, từng tháng bươn chải, vượt qua muôn vàn khó khăn để từng bước tạo dựng gương mặt đất này. Nói đến biên giới là nói đến sự nghiệp biên phòng. Nhìn từ góc độ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia thì khu vực này do Đồn Biên phòng Ba Tầng quản lý, gồm hai xã A Dơi và Ba Tầng với đặc điểm thời tiết vào mùa mưa ở phía ngoài A Dơi thì nhiều khi vẫn nắng còn phía trong Ba Tầng lại mưa, tạo nên hình thái thời tiết khá đặc biệt. Nhưng dù nắng hay mưa thì bà con nơi đây cùng với bộ đội biên phòng luôn gắn bó với dân bản vẫn là hình ảnh thân quen ở vùng cao Quảng Trị, nơi tuyến đầu Tổ quốc. Tình quân dân cá nước đã tiếp thêm sinh khí cho mảnh đất phên dậu miền tây. Khi về với bản làng tọa lạc trên mảnh đất này, chứng kiến cảnh bà con sinh hoạt đời thường và làm lụng, sẽ thấy vất vả vẫn còn hằn lên trên gương mặt núi rừng nhưng dù vậy vẫn thấy một sinh khí và tình người sâu nặng của những cuộc đời tự nhiên như cây cỏ đã lựa chọn đất này và thủy chung suốt cả cuộc đời. Bản làng qua bão lụt, dịch dã thì sự sống bản làng vẫn nỗ lực không ngừng vươn lên theo cách của mình qua ngày mưa tháng nắng. Qua những gian nan, thử thách, nội lực vùng cao vẫn trụ vững trên mảnh đất bao đời của cha ông để lại. Đó là sức mạnh nội sinh của đất và người, cứ lặng lẽ, âm thầm nhưng mãnh liệt và không bao giờ chịu khuất phục trước tai ương, để đứng vững và tồn tại, để sống và phát triển, để khẳng định sự hiện hữu của mình ở cửa ngỏ quốc gia. Không ồn ào và hoa mỹ, vùng cao mỗi ngày đã qua không hề đơn giản nhưng vẫn luôn cố gắng vượt lên và khẳng định sinh tồn. Người dân nơi đây đã vượt qua những biến động của thời tiết đất trời, qua thiên tai địch họa mà đồng lòng chung sức xây đắp cuộc đời mình. Nhìn khung cảnh cần lao và bình yên khó có ai nghĩ rằng mảnh đất này cũng như nhiều nơi khác từng trải qua những cơn địa chấn kinh hoàng của thử thách, vậy mà vẫn đứng vững cho đến hôm nay. Đồng bào nơi đây với hầu hết là bà con dân tộc ít người đã vượt qua phong ba, tạo lập cho mỗi nhà, mỗi bản làng một gương mặt quê hương ấm áp vùng cao. Đi trong bản làng trong những tháng ngày này sẽ cảm nhận nhiều hơn, đầy đủ hơn bài ca lao động và ước mơ thanh bình của những con người là chủ nhân nơi đây. |
Bà con người Vân Kiều thu hoạch lúa rẫy. |
Vùng quê này vẫn hồn hậu trong cách sống, cách làm việc, trong việc giữ gìn bản sắc của mình, bản sắc của vùng cao núi rừng Quảng Trị, không dễ lẫn với nhiều nơi khác. Sự sống hồn nhiên và chất phác như cây cỏ trời sinh cũng là một phản chiếu chân thực cuộc sống và tâm hồn của bà con giữa rừng xanh núi thẳm. Anh Hồ Khăm, trú tại bản Loa (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa) bộc bạch: "Bà con mình cố gắng làm ăn, trồng cây sắn để có thêm thêm thu nhập để bớt khó khăn, có thể có điều kiện cho con cái học hành". Dù nắng lửa gió Lào, dù mưa gió đầy trời thì cuộc sống nơi đây không chỉ là mưu sinh mà còn là giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bởi mỗi tấc đất quê nhà, mỗi cột mốc biên cương là tâm hồn, máu thịt của giang sơn Việt Nam. Vì canh giữ đất trời không là nhiệm vụ của riêng ai, dù là dân hay lính, mà đó là nghĩa vụ cao cả của mỗi người trước vận mệnh quốc gia. Cho nên, mỗi khi bước chân ra khỏi nhà là bà con đồng tâm với người lính bảo vệ đất nước của mình trong mọi hoàn cảnh, trước những biến động có thể xảy ra.
|
Một trong những bản làng nhỏ của đồng bào Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa. |
Ngay dưới chân núi Sa Mù, thuộc phía bắc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị từ bao đời nay đại ngàn thâm u và vẫn thường trầm mặc. Rồi một ngày gần đây, thôn Chênh Vênh của xã Hướng Phùng như được thổi vào một luồng sinh khí mới khi được chọn làm làng du lịch của bà con dân tộc Vân Kiều. Có lẽ một trang sử tinh khôi đã bắt đầu những đổi thay nơi miền sơn cước. Vùng đất này vốn là địa chỉ của đồng bào Vân Kiều cư trú trên dãy Trường Sơn kiêu hãnh làm nên một biểu tượng của núi rừng bắc Hướng Hóa. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, ngay cả khi dưới xuôi, thậm chí ở Khe Sanh mưa rét giăng đầy thì chốn này vẫn trời xanh, mây trắng, nắng vàng và núi rừng thì xanh như huyền thoại, chưa kể dù xa các trung tâm, đường sá vẫn thuận tiện cũng là một lợi thế mà không phải nơi nào cũng có. Thực ra cái tên Chênh Vênh vốn không xa lạ với nhiều người, nhất là dân phượt qua lại con đèo Sa Mù dài gần 20 cây số trên đường Hồ Chí Minh. Cuối năm 2021, rừng của thôn được một tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài công nhận là rừng bền vững đầu tiên ở Việt Nam. Tổ chức Y tế Hà Lan qua khảo sát và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, cũng đã triển khai dự án du lịch cộng đồng nhằm hỗ trợ bà con dân tộc Vân Kiều khai thác tiềm năng của địa phương để có thể có được một cuộc sống tốt hơn. Đồng chí Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho hay: "Huyện đang khởi động du lịch cộng đồng ở đây với mong muốn thay đổi cách nghĩ, cách làm để bà con cùng nhau tham gia và hưởng lợi từ du lịch cộng đồng". Nhưng nói gì thì nói, người trực tiếp thực hiện công việc du lịch cộng đồng và hưởng lợi từ đó là những người dân địa phương vốn xưa nay vẫn hồn nhiên, phóng khoáng giữa núi rừng. Những người được coi là chủ nhân của đại ngàn nay phải từng bước làm quen với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, từ đó thích nghi dần với sinh kế mới khi dự án đang trên đường dần hoàn thiện. Họ chia sẻ tâm sự cũng rất chân tình, mộc mạc. Anh Hồ Văn Lý và chị Hồ Thị Thắng cùng ở thôn đều nói rằng, mong sao có thể sống được từ du lịch cộng đồng. Toàn cảnh thôn Chênh Vênh ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Người dân Chênh Vênh được xây dựng mới nhà cửa, họ trồng rau để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của mình và cả cho du khách, rồi trồng hoa để đổi thay diện mạo bản làng, thu hút người gần xa đến với mình. Họ tập lại các làn điệu dân ca với nhạc cụ truyền thống, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa cổ truyền và hướng đến du lịch. Từng công việc của bà con đã bắt đầu có kế hoạch với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và ngành chức năng, không còn là hoạt động tự phát mà luôn hướng tới mục tiêu tạo dựng du lịch cộng đồng là một khái niệm còn quá mới mẻ không chỉ ở vùng cao. Người dân vẫn còn bỡ ngỡ nhưng cũng đã quen dần với những hoạt động bề nổi mang tính mục đích tạo nên một môi trường du lịch để chào mời du khách, kéo họ đến đây ăn ở, vui chơi, thưởng ngoạn và trải nghiệm với những điều kỳ thú, được sống chậm lại và ngắm nhìn những phong cảnh hùng vĩ, xinh đẹp của núi rừng hoang sơ, được lắng đọng với đại ngàn xanh thẳm, bỏ lại sau lưng phố xá ồn ào, náo nhiệt với nhịp sống nhiều khi với những vòng quay chóng mặt. Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều được tổ chức tại thôn Chênh Vênh. Quang cảnh bản làng Chênh Vênh đã khác trước rất nhiều dù dự án du lịch này đang tiếp tục hoàn thiện. Việc mới và khó, người dân thì chưa quen, chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải giải quyết, nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài sẽ phải vượt qua. Nhưng một khi có cơ hội thì phải mạnh dạn, trên dưới đồng lòng đồng sức mà làm mới mong có thành công. Vì đây là một hướng đi mang tính đột phá, cần một sự quyết tâm, vượt khó và cách làm bài bản thì cây du lịch mới có thể ra hoa kết trái. Chúng ta khấp khởi vui mừng vì tiềm năng, lợi thế vùng cao đã được đánh thức đúng nghĩa, dù biết rằng hành trình phía trước không hề đơn giản, câu trả lời còn đang ở phía tương lai. Nhưng nếu chính quyền địa phương sâu sát, người dân đồng lòng thì sẽ vượt qua những chướng ngại vật trên con đường phát triển. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng vào một Chênh Vênh sẽ thay da đổi thịt trong mai hậu, khiến cho nơi đây trở thành một điểm sáng của Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị. Mong rằng những kỳ vọng của chúng ta sẽ sớm thành hiện thực. |
Khách đến du lịch, trải nghiệm tại điểm du lịch cộng đồng Chênh Vênh. |
Trong bước tiến của huyện miền núi kiểu mẫu Hướng Hóa, cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây có đóng góp quan trọng của giai cấp công nhân nơi đây, của tầng lớp những người lao động. Họ, mỗi người mỗi vị trí công việc khác nhau, mỗi người mỗi nghề đã đóng góp trí tuệ, tâm huyết, công sức vì sự lớn mạnh của vùng quê Hướng Hóa. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ sắp tổng kết của Liên đoàn Lao động huyện Hướng Hóa (2018 - 2023) thì sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng của các đoàn viên cũng là những con số ấn tượng. Liên đoàn Lao động huyện có 127 công đoàn cơ sở, với gần 3900 đoàn viên, tăng hơn 500 đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ. Chất lượng, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề được nâng lên ở nhiều phương diện. Tỷ lệ đại học và sau đại học chiếm 78,2% tăng 24,1% so với đầu nhiệm kỳ; đối với công nhân lao động thì tỷ lệ qua đào tạo đạt 57%, tăng 4,5% so với đầu nhiệm kỳ... Đồng chí Trần Thị Thương, Huyện ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hướng Hóa cho biết: "Phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn huyện Hướng Hóa nhiệm kỳ qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng an ninh của địa phương. Các cấp công đoàn đã bám sát các mục tiêu, phương hướng , nhiệm vụ của nghị quyết đại hội để tổ chức thực hiện. Nội dung, phương thức hoạt động đã từng bướ đổi mới; công tác tổ chức bộ máy công đoàn được kiện toàn vững mạnh, hoạt động của tổ chức Công đoàn ngày càng được nâng lên. Hoạt động công đoàn đã hướng về cơ sở, vì lợi ích thiết thực của đoàn viên và người lao động. |
Cảnh quan thị trấn Khe Sanh, trung tâm của huyện Hướng Hóa đang đổi thay từng ngày. |
Cuối tháng 6 vừa qua, có một sự kiện quan trọng diễn ra tại tỉnh Quảng Trị. Đó là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với tỉnh về đề án Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới Việt - Lào là Lao Bảo - Đensavẳn (Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa còn Đensavẳn thuộc tỉnh Savannakhet của nước bạn Lào), với mong muốn đây sẽ là "cú huých" thu hút đầu tư trên một cột mốc quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây với sự tham gia của vùng quê Hướng Hóa. Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet (Lào) ký kết biên bản thông qua Đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn. Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: "Tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với tổ công tác của tỉnh Savannakhet, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để rà soát các khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh, tạo việc làm cho nhân dân hai bên biên giới; hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của mỗi bên và tạo sức lan tỏa.
Hy vọng nhiều vào một ngày mới tươi sáng không xa với vùng quê Hướng Hóa - nơi ghi dấu những nguồn mạch lịch sử của dân tộc. |
Cảnh quan thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. |
Bài viết: XUÂN DŨNG - QUỐC THẮNG Ảnh: T.S - T.L Đồ họa: TRƯỜNG SƠN |