Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của Agribank

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của Agribank

Nếu ai từng vượt đèo Hải Vân, nơi có Hải Vân quan trứ danh bằng xe máy, nhất là vào ban đêm hẳn sẽ cảm nhận được sự hiểm nguy của nẻo đường này. Ấy vậy mà chàng trai trẻ Lê Viết Hoàng Nam, ở thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhân viên của Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế, đã từng có gần 4 năm qua lại quãng đường khó nhọc này, nhất là ban đêm để đi học đại học kế toán.

Nam kể, sau khi tốt nghiệp đại học và lấy bằng kỹ sư Công nghệ thông tin (CNTT), anh cũng bôn ba tìm việc. Anh từng làm nhân viên tài vụ - kế toán của một khu nghỉ dưỡng, trợ lý giám đốc cho chuỗi khách sạn hạng 5 sao, nhưng năm 2017 anh quyết định nộp hồ sơ thi và được tuyển dụng vào Agribank Thừa Thiên Huế.

Để bổ túc nghiệp vụ, khai mở tri thức, cứ cuối tuần Nam lại chạy xe máy vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng học đại học kế toán vào ban đêm. Tan lớp thì xe trung chuyển qua hầm đường bộ Hải Vân không còn nên anh thường xuyên phải vượt đèo vào đêm muộn. Nhiều lần anh về đến nhà của mình cũng đã 1 - 2 giờ sáng.

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của Agribank

Kỹ sư Lê Viết Hoàng Nam. Ảnh: NVCC

Chuyện vượt đèo của Nam khiến tôi chợt nhớ lại trải nghiệm rợn người của mình. Khoảng 15 năm trước, tôi cùng người bạn bất đắc dĩ vượt đèo từ Đà Nẵng ra Huế vào lúc 23 giờ bằng chiếc xe máy cũ hiệu Dream. Chiếc xe máy của chúng tôi len giữa mây mù bao phủ, kiên nhẫn vượt cung đèo có độ cao chừng 500m so với mực nước biển này giữa chút ánh sáng lờ nhờ của loại đèn pha bóng sợi đốt. Lên đèo khó khăn nhưng đổ đèo còn đáng sợ hơn. Qua ánh sáng lờ nhờ chúng tôi nhận ra bên đường những ngôi am, miếu mà người dân lập thờ các vị thần, thánh, hay những người gặp nạn, tai nạn giao thông qua đời... Sau 20 km đường đèo độc hành, chừng 1 giờ sáng chúng tôi cũng hạ đèo xuống đến Lăng Cô an toàn. Sau trận “game” mạo hiểm ấy tôi chưa có dịp thử lại lần nào.

Tôi mang kỷ niệm của mình kể cho Nam nghe, rồi hỏi anh có cảm giác rờn rợn như tôi lúc đi đèo ban đêm không. Nam cười: “Thoạt đầu thì em cũng hơi sợ khi đi đèo ban đêm, khuya, nhưng qua một vài lần đi rồi cũng thành quen. Để an tâm vượt đèo, em hay chờ người khác vượt đèo để làm bạn đồng hành. Đi với nhau thành tốp vài người sẽ vui, an tâm hơn”.

Gần 4 năm “chinh chiến” cung đường dài 100km giữa Đà Nẵng – Huế, bao lần qua về Hải Vân quan giữa đêm tối mây mù với gần 20 km đường đèo khúc khuỷu, cuối cùng anh cũng tốt nghiệp đại học kế toán với tấm bằng cử nhân loại giỏi.

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của Agribank

Sáng tạo, năng nổ, nhiệt tình, hòa đồng là những phẩm chất giúp Nam được đồng nghiệp quý mến - Ảnh: Đình Toàn

Nếu như việc “chinh phục” cung đường đèo giữa Huế và Đà Nẵng để lấy bằng cử nhân kế toán là một thành tích mạo hiểm thì bản thành tích đời thực của Nam cũng không kém thú vị. Từ năm năm 2009 khi đang lớp 12, anh đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huân chương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Và ngay năm đầu làm việc cho Agribank (2017), chàng thanh niên này đạt Danh hiệu Lao động tiên tiến. Danh hiệu này cũng được anh “chinh phục” hai năm tiếp theo đó là 2018, 2019. Đặc biệt năm 2019 anh còn đạt tiếp danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và anh giữ vững danh hiệu này liên tiếp từ bấy đến nay (2020 – 2023).

Không chỉ vậy, với tuổi đời còn rất trẻ nhưng Nam có bề dày thành tích công tác, cống hiến hoạt động xã hội, cộng đồng. Ngoài danh hiệu lao động tiên tiến, xuất sắc anh liên tiếp gặt hái các năm qua, Nam còn nhận được danh hiệu Đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc (năm 2022) của Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế; danh hiệu Đoàn viên công đoàn “Học tập nâng cao đạo đức nghề nghiệp, gắn với cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (năm 2022); danh hiệu 35 thanh niên Agribank tiêu biểu tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2019-2022; Giấy khen cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 do Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank trao tặng... Cùng với đó, nhiều năm Nam cũng được chi nhánh khen thưởng vì những thành tích trong hoạt động chuyên môn, điều hành, sản xuất kinh doanh...

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của Agribank

Lê Viết Hoàng Nam hiện đang là cán bộ của phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Agribank Thừa Thiên Huế. Nhưng qua 7 năm công tác, anh “có duyên” được làm việc qua nhiều phòng, ban nghiệp vụ quan trọng của chi nhánh ngân hàng này. Trong đó có những vị trí quan trọng như kế toán - tài vụ, kiểm tra kiểm soát nội bộ, công tác điện toán, điều hành và quản trị hệ thống máy chủ, phối hợp với các đồng nghiệp đảm bảo công tác an ninh mạng, an ninh ngân hàng... Qua đó Nam được học hỏi, bổ khuyết đáng kể nghiệp vụ, đồng thời giúp anh va chạm và nhận ra một số nghiệp vụ kế toán vẫn còn thực hiện dưới hình thức ghi sổ và bóc tách số liệu thủ công, hạn chế hiệu quả công việc.

Năm 2017 khi vẫn đang còn “đi mây về gió” qua đèo Hải Vân để học kế toán, Nam đã tự nghiên cứu rồi viết phần mềm “Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ quản lý kho: Phần mềm quản lý kho ấn chỉ thông thường trên tài khoản 313002”.

Nam kể, lên ý tưởng từ năm 2017, khi anh mới bắt đầu được giao nhiệm vụ quản lý kho ấn chỉ thông thường tại Agribank tỉnh, làm công việc dự trù in ấn, cung ứng, điều phối ấn chỉ về các chi nhánh loại II để phục vụ công tác giao dịch thường nhật với khách hàng. Đến nửa cuối năm 2017, phiên bản đầu tiên được hoàn thành, đáp ứng các thao tác, nhập, xuất, in ấn phiếu nhập, phiếu xuất kho theo mẫu biểu của Agribank. Đến đầu năm 2018, qua nhiều giai đoạn nâng cấp để phù hợp với tình hình công tác, quy mô và phương pháp làm việc tại đơn vị, chương trình phần mềm quản lý kho đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nghiệp vụ kế toán kho, đảm bảo những yêu cầu tính năng về quản lý danh mục (nhóm hàng hóa, khách hàng, nhà cung cấp); quản lý đơn vị nhập, giá bán; quản lý kho (quản lý nhập, xuất, tồn về phiếu nhập, xuất kho, giá xuất, giá nhập có thể sửa đổi hoặc tự động theo quy định, báo cáo kho...); dự trù ấn chỉ (tự động thống kê, tính toán, cảnh báo những loại ấn chỉ sắp dùng hết trong kho để cán bộ quản lý kho có phương án dự trù, đảm bảo cung ứng ấn chỉ kịp thời trên địa bàn toàn tỉnh...).

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của Agribank

Nhiều giải pháp phầm mềm, sáng kiến của Lê Viết Hoàng Nam áp dụng nhiều năm qua giúp cán bộ, nhân viên trong hệ thống Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế hài lòng vì sự hiệu dụng, tiết kiệm thời gian, hiệu quả cao - Ảnh: Đình Toàn

Phần mềm của Nam chạy trên môi trường mạng, nên nhiều nhân viên có thể cùng thao tác tại 1 thời điểm (cán bộ thủ kho có thể theo dõi được tình hình nhập xuất kho, cán bộ kế toán cập nhật dữ liệu vào phần mềm); phần mềm được quản lý, phân quyền người dùng giúp phân hệ rõ các phần hành kế toán, thuận tiện và bảo mật; trang bị chức năng làm việc trực tuyến, giúp cán bộ quản lý dù đang đi công tác vẫn có thể giám sát, theo dõi tình hình hoạt động nhập xuất vào ra kho tàng tại đơn vị; sao lưu và phục hồi dữ liệu, giúp hệ thống ổn định và an toàn, đến thời điểm hiện tại, phần mềm vẫn đang hoạt động tốt... là những tính năng ưu việt mà phần mềm của chàng kỹ sư trẻ mang lại. Đây cũng chính là lý do mà phần mềm này được ứng dụng năm 2018 đến nay trong toàn hệ thống Agribank Thừa Thiên Huế.

“Hiện nay, hệ thống IPCAS chỉ mới hỗ trợ nghiệp vụ quản lý kho ấn chỉ quan trọng (séc, thư bảo lãnh, sổ tiết kiệm, sổ tiết kiệm có kỳ hạn); nghiệp vụ quản lý kho ấn chỉ thông thường (các loại giấy tờ, ấn chỉ phục vụ công tác giao dịch với khách hàng) vẫn theo dõi bằng phương thức thủ công gây mất thời gian và mức độ chính xác không cao. Từ đó em có ý tưởng xây dựng phần mềm quản lý ấn chỉ thông thường (nhập, xuất, thống kê, báo cáo…) và thực hiện xây dựng nhằm phục vụ công tác chuyên môn cho kế toán kho.”, Nam thổ lộ.

Năm 2019, anh tiếp tục thực hiện một phần mềm khác là “Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lấy số liệu dự thu tức thời phục vụ các nghiệp vụ báo cáo, phân tích tài chính, quyết toán khoán tài chính tại chi nhánh: Chương trình lấy số liệu dự thu”. Phần mềm này hỗ trợ đắc lực cho công tác nhặt số liệu về dự thu với yêu cầu “tính kịp thời, chính xác về số liệu dự thu”, nhất là để phục vụ các báo cáo tài chính hằng tháng, báo cáo phân tích tài chính hằng quý, quyết toán khoán tài chính hằng năm...

“Quá trình làm việc em thấy sự cần thiết trong công tác chuyên môn và tính kịp thời, chính xác về số liệu dự thu, phục vụ các báo cáo tài chính hằng tháng, báo cáo phân tích tài chính hằng quý, quyết toán khoán tài chính hằng năm. Hiện nay hệ thống IPCAS (Dự án Hiện đại hóa hệ thống thanh toán nội bộ và kế toán khách hàng - PV) vẫn chưa được trang bị chức năng phân tích số liệu về dự thu, do đó cán bộ kế toán rất vất vả trong công tác bóc tách số liệu dự thu trên phạm vi toàn tỉnh (11 chi nhánh loại II và Hội sở tỉnh) khi phải xử lý thủ công hàng trăm ngàn món sao kê dự thu để nhặt ra số liệu theo yêu cầu của các báo cáo. Vì thế em lên ý tưởng rồi nghiên cứu, học hỏi để đưa ra giải pháp ấy”, Nam kể.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán có ba mức độ: mức độ xử lý bán thủ công, mức độ tự động hóa công tác kế toán, mức độ tự động hóa công tác quản lý. Trong đó cả 2 phần mềm - giải pháp nêu trên đều thuộc phân đoạn mức độ tự động hóa công tác kế toán. Trong đó giải pháp công tác nhặt số liệu về dự thu được anh lên ý tưởng từ năm 2018, đến đầu năm 2019 qua nhiều phiên bản được nâng cấp, bổ sung thêm một số tính năng để nhặt số liệu dự thu sau mỗi kỳ dồn tích trên hệ thống IPCAS.

Cụ thể là các tính năng dự thu phân theo kỳ hạn; dự thu trên 6 tháng đối với doanh nghiệp ngắn hạn và trên 12 tháng đối với doanh nghiệp trung, dài hạn. Hay lãi dự thu trên từng số tháng cụ thể từ 10, 11, 12... đến 24 tháng tùy vào loại doanh nghiệp. Cùng với đó là việc “nhặt số liệu” lãi dự thu phân theo các mốc lãi suất cụ thể; lãi dự thu phân theo loại hình cho vay, chia theo từng bậc của mỗi loại hình cho vay theo số tháng cụ thể, từ 3 đến 9 tháng, từ 9 đến 12 tháng... đến trên 60 tháng đều được số hóa trong lấy số liệu dự thu. Cả hai phần mềm này là cơ sở quan trọng để Hội đồng thi đua Agribank, Tổng Giám đốc Agribank công nhận Lê Viết Hoàng Nam đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong hai năm liên tiếp 2019, 2020.

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của AgribankNhiều hoạt động hướng về cộng đồng, xã hội trên địa bàn tỉnh được người lao động của Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế triển khai - Ảnh: NVCC

Chưa dừng lại, Nam tiếp tục sáng kiến phần mềm “Giải pháp quản lý văn bản nội bộ cho doanh nghiệp 4.0: Chương trình quản lý văn bản nội bộ trong hệ thống Agribank Thừa Thiên Huế”. Với sáng kiến này, anh đã được Hội đồng thi đua, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2022.

Hay một sáng kiến khác của Nam là phần mềm về chương trình quản lý văn bản. Phần mềm này dù không tham gia trực tiếp vào sản xuất kinh doanh nhưng cũng mang lại những tiện dụng. Trước đây thì lãnh đạo phải gửi thư, công văn qua bưu điện, hoặc email nên có những điều bất tiện. Nay thì lãnh đạo chỉ cần “enter một cái” là văn bản về huyện liền, đến ngay người cần gửi.

Có vẻ như sáng tạo là một niềm đam mê của chàng trai trẻ này. Năm 2023 Nam cũng đã hoàn tất đề tài “Hệ thống hội nghị trực tuyến nội bộ Agribank Thừa Thiên Huế - AGRHIIS”. Phần mềm này giúp nội bộ, lãnh đạo Agribank Thừa Thiên Huế thực hiện các cuộc họp trực tuyến nội bộ, bảo mật thông tin và giảm bớt thời gian, công sức, tiết kiệm cho việc đi lại của cán bộ, lãnh đạo trong hệ thống, nhất là với những người ở địa bàn xa phải về hội sở tỉnh họp. Phần mềm này khi cần thiết cũng cho phép việc kết nối trực tuyến các cuộc họp từ trung ương về đến chi nhánh loại 2, khi mà ứng dụng hiện nay của Agribank mới truyền từ trung ương đến cấp chi nhánh loại 1 (hội sở tỉnh). Theo tính toán, chỉ riêng năm 2023 phần mềm trực tuyến này đã giúp Agribank tiết kiệm chi phí hơn 100 triệu đồng thuê kênh từ các nhà cung cấp. Hiện giải pháp này đã được anh đăng ký làm đề tài Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở năm 2023, được Hội đồng thi đua Agribank Thừa Thiên Huế công nhận và đang trình Hội đồng thi đua, khen thưởng của Agribank xét duyệt.

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của AgribankKhông chỉ là chuyên gia sáng tạo phần mềm, Nam còn nhiệt huyết tham gia nhiều hoạt động xã hội - Ảnh: NVCC

Đặc biệt, một phần mềm nữa của Nam là phần mềm Chấm khoán cũng đang được ứng dụng rộng rãi trong Agribank Thừa Thiên Huế. Phần mềm này chạy thử nghiệm từ năm 2021 sau đó chính thức sử dụng để làm căn cứ chi lương từ đầu năm 2023 đến nay, phạm vi áp dụng trên toàn tỉnh với gần 400 cán bộ nhân viên của 12 chi nhánh, hội sở tỉnh của Agribank Thừa Thiên Huế. Phần mềm này giúp cho việc giám sát kết quả làm việc của cán bộ (tương tự như KPI), đôn đốc nâng cao hiệu quả kinh doanh của nhân viên, cán bộ. Nam giải thích: chẳng hạn Agribank tỉnh giao cho các đơn vị huyện về một số chỉ tiêu, chỉ tiêu đó lại được giao cho các phòng giao dịch, cán bộ, nhân viên bên dưới... Để đạt được kết quả chung thì hệ thống phần mềm sẽ giám sát lộ trình thực hiện để tính điểm, quyết toán hằng tháng, hằng quý làm căn cứ để chi lương. Ngoài lương cơ bản, thì lương năng suất làm việc của mỗi người được phần mềm này tính toán dựa trên hiệu quả công việc và quy chế khoán được số hóa. Quy chế khoán thay đổi hay điều chỉnh thì tác giả sẽ điều chỉnh các thuật toán để phù hợp hơn.

“Em cũng đã đăng ký phần mềm Chấm khoán này trong chương trình 1.000 sáng kiến do công đoàn phát động và cuối năm nay cũng sẽ đăng ký danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2024 đối với giải pháp này”, Nam chia sẻ.

Không chỉ các phần mềm nêu trên mà năm 2023 Nam còn viết và được ứng dụng thêm hai phầm mềm trong công tác công đoàn. Đó là phần mềm Quản lý, thông báo sinh nhật đoàn viên công đoàn, để kịp thời thăm hỏi, động viên chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần kịp thời cho đoàn; phần mềm Kế toán công đoàn áp dụng cho công đoàn cơ sở thành viên của hội sở tỉnh và công đoàn cơ sở thành viên tại 11 chi nhánh cấp 2 ở các huyện, thị xã. Đây cũng là phần mềm kế toán rất có ý nghĩa khi mà phần mềm kế toán công đoàn của Tổng Liên đoàn chỉ sử dụng đến Chi nhánh công đoàn cấp 1, tức Công đoàn Agribank tỉnh.

“Các phần mềm của anh Nam đã rất hữu dụng và rất tiện ích cho công việc của tụi mình. Không chỉ xử lý công việc nhanh, đỡ nhiều thao tác thủ công mà số liệu còn chính xác. Đây cũng là giải pháp trong thúc đẩy chuyển đổi số. Chẳng hạn như phần mềm Chấm khoán của anh Nam, rất phù hợp với công việc hiện tại của tụi mình, giúp cho công việc trơn tru, phát triển hơn và giải quyết công việc nhanh hơn”, chị Nguyễn Ngọc Anh Thư - nhân viên Phòng Tổng hợp Agribank tỉnh Thừa Thiên Huế, bày tỏ.

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của Agribank

Cá nhân mạnh làm nên những tập thể mạnh. Ai đó đã nói như thế. Có những nhân viên, đoàn viên công đoàn trẻ, nhiệt huyết như Lê Viết Hoàng Nam cũng phần nào lý giải được vì sao Agribank được đánh giá là một trong những ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số theo chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Còn nhớ, để cụ thể hóa chủ trương lớn này, Ban Chấp hành Đảng bộ Agribank cũng đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/ĐU-NHNo ngày 25/12/2020 về “Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại”.

Trên cơ sở Nghị quyết, Hội đồng thành viên Agribank cũng đã ban hành Kế hoạch hành động tại Quyết định số 30/QĐ-HĐTV-TTT ngày 19/01/2021 với mục tiêu cụ thể hóa các giải pháp nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của Agribank; xây dựng cơ chế chính sách, quản lý thúc đẩy chuyển đổi số Agribank, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng số, công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp đến khách hàng, đối tác; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn hệ thống Agribank đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của Agribank

Lê Viết Hoàng Nam tham gia, điều hành công tác đoàn thanh niên của Agribank Thừa Thiên Huế - Ảnh: NVCC

Có vẻ như việc lãnh đạo Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế “sử dụng” những nhân viên như Nam, trân trọng và thúc đẩy những sáng tạo của những thành tố năng động trong bộ máy cũng là cách biến những chương trình hành động chuyển số mà Agribank cấp trên hoạch định thành thực tiễn. Thậm chí, có những “mũi” tiến công, đột phá về công nghệ số khá chủ động của Agribank Thừa Thiên Huế cũng như cá nhân Nam. Đây cũng là lý do mà khi tôi hỏi điều gì khiến anh say mê sáng tạo như vậy, Nam nói sản phẩm của anh được ghi nhận, trọng dụng và anh luôn nhận được sự khích lệ, động viên từ lãnh đạo chi nhánh, cũng như đồng nghiệp.

Có lẽ điều Nam nói cũng là lý do khiến anh không chỉ là một đảng viên trẻ năng nổ, là thành viên tích cực của Tổ công tác Văn phòng Đảng ủy đơn vị, mà còn là một tay “cừ” trên mặt trận Công đoàn, Đoàn Thanh niên của Chi nhánh.

Điều thú vị ở chàng trai này là không chỉ cống hiến trong việc đưa ra các giải pháp, sáng kiến phần mềm, mà anh cũng tham gia vào hoạt động kinh doanh của chi nhánh như nhiều cán bộ, nhân viên khác với kết quả thường vượt cao các chỉ tiêu được giao về huy động nguồn vốn bình quân; về tăng trưởng dư nợ bình quân hay thu dịch vụ...

Chàng trai “viết tên mình” lên bản đồ số của Agribank

Lê Viết Hoàng Nam (hàng đầu, thứ 6 từ trái sang) vinh dự là một trong những gương mặt thanh niên Agribank tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2019 - 2022 (Ảnh NVCC)

Lãnh đạo Công đoàn Cơ sở Agribank Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị hiện có gần 390 đoàn viên công đoàn hoạt động tại 12 chi nhánh – hội sở tỉnh. Hoạt động công đoàn của đơn vị luôn sôi nổi; công tác chăm lo đời sống đoàn viên, nhất là đoàn viên khó khăn luôn được kịp thời bên cạnh những thế mạnh về hoạt động an sinh xã hội.

Trong công tác công đoàn, Nam tổ chức công tác quản lý tài chính công đoàn, quản lý tiền gửi ngân hàng, quỹ tiền mặt chặt chẽ; thực hiện chế độ thu chi tài chính công đoàn đúng với các quy chế của Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên. Luôn tham mưu cho Ban chấp hành công đoàn và chủ tịch công đoàn thực hiện thu chi tiết kiệm hiệu quả, tránh lãng phí. Cùng với đó là công tác quản lý kho tàng, tài sản công đoàn (hàng hóa, quà sinh nhật…) khoa học, chính xác, thường xuyên đối chiếu, kiểm kê, không gây thất thoát tài sản của công đoàn; lập báo cáo dự toán, quyết toán thu, chi tài chính…, trích nộp các khoản kinh phí, đoàn phí, trích nộp và quản lý các quỹ công đoàn đúng thời hạn, đúng quy định. Ngoài ra Nam còn tích cực tham gia tổ chức các hoạt động của công đoàn cơ sở, công đoàn hội sở như các cuộc hội thao lớn, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội của công đoàn.

“Đồng chí Nam là một trong những đoàn viên công đoàn tiêu biểu xuất sắc, có nhiều năng lực của đơn vị, tham gia, điều hành rất nhiều hoạt động của thanh niên cũng như công đoàn. Đồng chí cũng được Đoàn Thanh niên Agribank chọn là thanh niên tiêu biểu của đoàn thanh niên Agribank Việt Nam... Những cống hiến của đồng chí Nam góp phần lớn vào xây dựng khối đoàn kết trong lực lượng lao động của đơn vị cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh, phục vụ khách hàng.”, ông Trần Đình Khoái - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Agribank Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Ông Khoái cho hay lãnh đạo Agribank Thừa Thiên Huế cũng như Ban chấp hành công đoàn cơ sở của đơn vị luôn phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua, sáng kiến của người lao động do Tổng Liên đoàn phát động. “Các sáng kiến của người lao động được hội đồng thẩm định và cho triển khai ngay trong năm nếu đạt, giúp người lao động có sự hứng khởi, được khích lệ, nhất là với những lao động trẻ để tạo sự hăng say. Qua đó họ sẽ cùng với đơn vị tạo nên những hiệu quả, đưa năng suất lao động năm sau cao hơn năm trước, như mục tiêu của Đại hội Công đoàn cũng như Nghị quyết của Đảng ủy đơn vị đề ra”, ông Khoái nói thêm.

Còn với Nam, khi tôi hỏi điều gì khiến anh gắn bó, vừa đảm bảo hiệu suất kinh doanh theo các chỉ tiêu được giao, vừa say mê sáng tạo trong hệ thống Agribank, đến mức đã 33 tuổi vẫn chưa có người yêu và nguy bị... ế, như anh nói vui. Nam cười hiền: “Chữ đầu tiên em muốn nói là chịu ơn, rồi mới tới thu nhập ổn định. Cùng với đồng lương công việc bảo vệ di tích của ba em, những đồng lương của một nhân viên ngân hàng gần 40 năm cho đến khi nghỉ hưu của mẹ, là nguồn sống, học hành của chị em em. Sáng tạo cũng là đam mê, nhưng sáng tạo, cống hiến cũng là cách thể hiện lòng biết ơn của em với mẹ, với nơi mẹ đã từng làm việc”.

Phóng sự của Đình Toàn

Ảnh: Đình Toàn

Đồ họa: An Nhiên