e magazine
22/11/2020 13:00
Chăm lo, tổ chức thi tay nghề, nâng cao chất lượng lao động nữ

22/11/2020 13:00

Hội LHPN TP HCM đã tổ chức Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp - việc làm năm 2020 với chủ đề:"Phụ nữ khởi nghiệp - Sáng tạo - Kết nối thành công, bền vững". Đây là dịp để người phụ nữ thể hiện khả năng của bản thân cũng như mong muốn định hướng nghề nghiệp cho mình.
Chăm lo, định hướng nghề nghiệp cho lao động nữ

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM đã tổ chức Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp - việc làm năm 2020 với chủ đề:"Phụ nữ khởi nghiệp - Sáng tạo - Kết nối thành công, bền vững". Đây là dịp để người phụ nữ thể hiện khả năng của bản thân cũng như mong muốn được định hướng nghề nghiệp cho mình.

Cụ thể, ngày hội thu hút hơn 1.000 khách tham quan, mua sắm các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao tại 70 gian hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khuôn khổ ngày hội còn có các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo, hội thảo giới thiệu chương trình "Women can do". Đây là chương trình nhằm tạo cơ hội để hội viên phụ nữ, nữ doanh nhân thành phố gặp gỡ giao lưu, tìm đối tác hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM đã phối hợp với Công ty TNHH E.B Phú Thạnh tổ chức "Hội thi tay nghề siêu thị năm 2020". Hội thi thu hút 25 thí sinh là nhân viên Công ty TNHH E.B Phú Thạnh tham gia, thực hành chế biến sản phẩm trong thời gian từ 60-240 phút. Thí sinh đoạt giải cao sẽ được công nhận bậc nghề và hưởng trợ cấp (từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng).

Chăm lo, định hướng nghề nghiệp cho lao động nữ
Giới thiệu sản phẩm rau câu chị Nhạn. Ảnh N.N

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP đã khai mạc Hội thi tay nghề chăm sóc sắc đẹp 2020 với chủ đề "Bàn tay tỏa sáng - Chạm ngõ ước mơ". Tại đây có khoảng 204 thí sinh tham gia được chia làm 2 bảng, tranh tài ở 2 phần thi trắc nghiệm (kiến thức về da, chăm sóc da...); thực hành (chăm sóc da). Sau vòng thi sơ khảo, tại mỗi bảng thi, Ban Tổ chức sẽ chọn 50 thí sinh có số điểm cao nhất vào vòng chung kết diễn ra vào ngày 27/11.

Những hoạt động, chương trình trên có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khích lệ tinh thần của lao động nữ. Không những thế, đây còn là sân chơi thiết thực cho phụ nữ thể hiện bản thân, cá tính, tay nghề và sự khéo léo của mình.

Chăm lo, định hướng nghề nghiệp cho lao động nữ

Các thí sinh thi tay nghề. Ảnh: Mai Chi

Trước đó, Ban Nữ công thuộc Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Hoá - Dược phẩm Mekophar cũng đã tổ chức chương trình giao lưu tay nghề giữa các tổ sản xuất trong công ty. Cụ thể, các tổ sản xuất sẽ cử ra một người đại diện làm ra món ăn/đồ uống/sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người sau đó thuyết trình. Điều đặc biệt là các nữ công nhân ở đây rất khéo tay, các sản phẩm họ làm ra có tính ứng dụng cao, có thể bán lại cho ai có nhu cầu.

Chị Nguyễn Thị Nhạn (công nhân làm việc tại công ty) chia sẻ rằng, chị làm món thạch rau câu bán gần 5 năm nay. Mọi người ăn đều khen ngon và mua ủng hộ chị rất đông. Đây cũng là nguồn thu đáng kể trong thời gian công ty chị phải nghỉ luân phiên để duy trì sản xuất vì dịch bệnh.

Chăm lo, định hướng nghề nghiệp cho lao động nữ

Bên cạnh đó, LĐLĐ TP HCM phối hợp cùng LĐLĐ các quận huyện tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ lao động thất nghiệp, khó khăn do dịch bệnh. Mới đây, Phiên chợ Nghĩa tình công nhân "Cũ người mới ta" được LĐLĐ quận 11, TP HCM tổ chức tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Chương trình đã để lại ấn tượng đẹp cho đoàn viên - người lao động trên địa bàn quận.

Chăm lo, định hướng nghề nghiệp cho lao động nữ

Gian hàng hỗ trợ người lao động. Ảnh: N.N

Phiên chợ lần này có hơn 5.000 sản phẩm thiết yếu và đồ điện tử gia dụng đã được bày bán như gạo sạch, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ đeo tay, kính mát, loa, tivi, laptop, máy sấy tóc, bàn ủi, lò nướng, tủ lạnh, máy giặt, quạt máy, bếp điện từ, nồi cơm điện… Các sản phẩm được người lao động yêu thích chọn lựa, thu hút hàng ngàn công nhân, viên chức, lao động đến tham quan, mua sắm. Tất cả mặt hàng đều còn giá trị sử dụng từ 75% trở lên, với giá cả hàng hóa rất "mềm" và phù hợp túi tiền của người lao động.

Chị Khánh An rất vui mừng khi có thể mua các sản phẩm đồ điện tử, gia dụng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Dù không mới nhưng giá trị sử dụng còn cao, chi phí mua sắm cũng giảm đáng kể nếu gia đình chị chọn mua mới.

Duy Anh

Đồ họa: Minh Hồng

Xem phiên bản di động