PV: Trên website Ekko.vn giới thiệu về anh thế này: “Doanh nhân Mads Werner người Đan Mạch, trải qua những năm tháng thời niên thiếu ở Việt Nam và dành tình yêu lớn cho văn hóa và con người trên mảnh đất hình chữ S”. Tôi rất tò mò muốn biết câu chuyện của anh và Việt Nam?
Anh Mads Werner: Năm 2005, tôi cùng gia đình chuyển tới sống ở Việt Nam và theo học tại một trường quốc tế ở Hà Nội suốt từ lớp 6 đến lớp 10. Tôi nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống ở đây, có cơ hội được đến nhiều nơi trên khắp đất nước để cảm nhận văn hoá, ẩm thực, cảnh quan và con người… Vì thế, tình yêu đối với Việt Nam cứ lớn lên mỗi ngày.
Sau khi học hết trung học, tôi quay trở về quê hương Đan Mạch học đại học ngành Công nghệ thông tin và Kinh doanh. Trong khoảng thời gian đó, tôi không ngừng nhớ về Việt Nam, về những kỷ niệm và những người bạn tại đất nước xinh đẹp này nên mỗi năm tôi đều cố gắng quay lại Việt Nam ít nhất một lần.
PV: Nếu có một từ để nói về con người Việt Nam, anh sẽ nói…
Anh Mads Werner: “Chia sẻ”. Hay cụ thể hơn, đó là văn hoá “cho đi”, điều mà tôi rất ấn tượng và học được từ người Việt Nam.
PV: Đó có phải là lý do sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở Bắc Âu, Singapore, anh đã lựa chọn quay lại Việt Nam để khởi nghiệp?
Anh Mads Werner: Chính xác. Với tôi, Hà Nội - Việt Nam chính là quê hương thứ hai. Sau thời gian làm việc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, tôi cảm thấy sẽ thật tốt nếu mình quay lại và mang những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm có được để đóng góp cho Việt Nam, nơi vẫn còn nhiều dư địa để phát triển công nghệ. Cùng lúc đó, tôi có duyên gặp lại hai người bạn thời niên thiếu và cùng nhau lên ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp một công ty công nghệ. Đó chính là lý do tôi trở lại Việt Nam.
Anh Mads Werner (ngồi hàng 2, thứ 6 từ trái qua) và đội ngũ Ecotek
PV: Và anh đã có những dự án nào được thực hiện ở Việt Nam?
Anh Mads Werner: Tôi muốn chia sẻ về hai dự án. Dự án đầu tiên tôi cùng các cộng sự đã thực hiện 4 năm nay từ khi công ty thành lập. Chúng tôi tư vấn giải pháp Đô thị Thông minh, giúp những khu đô thị lớn (như Ecopark) chuyển đổi số, tích hợp các công nghệ phù hợp để họ vận hành trơn tru hơn, phục vụ cư dân được tốt hơn và phát triển bền vững.
Một dự án nữa cũng rất thú vị mà tôi đã được đồng hành từ khi còn thiếu niên. Tôi được theo mẹ tham gia chương trình thiện nguyện giúp đưa bác sĩ từ dưới xuôi lên vùng núi Tây Bắc. Họ tìm tới những gia đình còn khó khăn và giúp những trẻ em có khuyết tật bẩm sinh như khiếm thị, hở hàm ếch,… được phẫu thuật. Lúc ấy (khoảng cuối những năm 2000), tôi còn rất nhỏ, thỉnh thoảng được đi theo, quan sát, đôi khi hỗ trợ những việc lặt vặt. Quay lại Việt Nam lần này, tôi đã có thể đóng góp được nhiều hơn. Tôi và các cộng sự thực hiện những chuyến đi như vậy mỗi năm một lần, mỗi chuyến sẽ giúp khoảng 600-700 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Những chuyến đi ấy giúp tôi kết nối được nhiều hơn với văn hoá, con người Việt Nam, hiểu sâu sắc hơn về câu nói “cho đi là còn mãi”. Nhìn mọi người giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau, tôi được truyền cảm hứng. Đó cũng là một phần lý do mà tôi bắt đầu sản phẩm công nghệ ‘vị nhân sinh’ mà mình đã ấp ủ bao lâu nay.
PV: Anh đang muốn nói đến giải pháp Ứng lương linh hoạt EKKO?
Anh Mads Werner: Đúng vậy! EKKO là sản phẩm chủ lực của Ecotek đang được triển khai tới thị trường. Đây là một giải pháp công nghệ cho phép NLĐ được nhận lương tức thì mà không phải chờ đến ngày lĩnh lương theo quy định. Với EKKO, chỉ một tài khoản trên ứng dụng điện thoại thông minh, NLĐ có thể thao tác để nhận lương trong vòng 30 giây.
Số tiền mà NLĐ đã ứng trước qua EKKO khi họ cần, cuối tháng sẽ được doanh nghiệp trả lại cho nhà cung cấp. Như vậy, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để cho NLĐ của họ có thể được phép ứng lương linh hoạt.
Công nghệ này đã bắt đầu phát triển ở Mỹ được hơn 10 năm rồi. Một nghiên cứu cho thấy 10% lực lượng lao động ở quốc gia này đã được tiếp cận giải pháp ứng lương linh hoạt. Ở Đông Nam Á, 2-3 năm nay cũng có rất nhiều công ty cung cấp giải pháp này.
Tôi có một người bạn đã thành công với sản phẩm tương tự ở thị trường Anh Quốc và phát triển tới khắp châu Âu, nhờ đó tôi có cơ hội theo dõi cách làm, gặp gỡ những khách hàng và người dùng của anh ấy để học hỏi, đặc biệt là về cách thức triển khai. Có một vấn đề mà rất đông NLĐ gặp phải, dù họ ở Mỹ, Anh hay Việt Nam, đó là cảnh “mồ hôi chưa ráo thì đã hết tiền”. Việc nhận lương vào một ngày cố định trong tháng đôi khi là một rào cản đối với NLĐ, nhất là khi họ có quá nhiều tình huống phát sinh cần ngay một khoản tiền để giải quyết. Chính vì vậy, tôi tin rằng công nghệ có thể giúp ích cho họ.
Anh Mads Werner - Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ công nghệ Ecotek |
PV: Chắc hẳn khi nghiên cứu đưa ra giải pháp này, anh và các cộng sự đã nghiên cứu rất kỹ về đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ ở Việt Nam?
Anh Mads Werner: Sản phẩm EKKO được bắt đầu triển khai trong thời điểm đại dịch Covid-19. Khi đó, qua số liệu, báo đài và quan sát, tôi nhận thấy việc đáng báo động khi NLĐ, là công nhân hay “dân văn phòng”, dù làm việc chăm chỉ nhưng vẫn gặp nhiều vấn đề về tài chính, thậm chí còn vướng vào tín dụng đen. Thực tế họ khó được tiếp cận những giải pháp tài chính chính thống, khó được vay ngân hàng, hoặc nhu cầu của họ quá nhỏ để được giải quyết nhanh chóng. Hầu hết mọi người không tìm được chỗ bấu víu khi gặp khó khăn. Bản thân tôi chứng kiến có những người chỉ từ vay vài triệu nhưng mà lãi mẹ đẻ lãi con, cuối cùng con số nợ gấp hàng chục lần. Đó là điều thật sự tồi tệ với họ. Những lúc như vậy, liệu có tốt hơn không nếu họ được ứng trước tiền lương theo cách họ xứng đáng?
Trước khi cung cấp giải pháp Ứng lương linh hoạt EKKO cho một công ty nào đó, chúng tôi thường kết hợp với bộ phận nhân sự của họ để tiến hành khảo sát: Có bao nhiêu người muốn được ứng lương? Bao nhiêu người muốn được ứng lương qua ứng dụng công nghệ? Kết quả là 60-80% NLĐ nói rằng họ có nhu cầu ứng lương, và cảm thấy rất tuyệt vời khi được ứng lương nhanh chóng qua một ứng dụng công nghệ.
PV: Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể cho NLĐ sử dụng ứng dụng Ứng lương linh hoạt EKKO?
Anh Mads Werner: Rất đơn giản. Đầu tiên EKKO sẽ làm việc với bộ phận nhân sự công ty đó để tư vấn, tính toán dựa trên yêu cầu thực tiễn. Họ có bao nhiêu nhân viên, hạn mức ra sao, ứng như thế nào… để đưa ra giải pháp cũng như chu trình ứng lương hoàn hảo nhất phù hợp với doanh nghiệp. Sau đó, EKKO cung cấp nền tảng cho phép doanh nghiệp có thể theo dõi tổng quan, chi tiết, đồng thời quản lý việc ứng lương cho nhân viên.
Sau khi doanh nghiệp hoàn tất phần cài đặt với sự giúp đỡ của EKKO, mỗi nhân viên của họ, khi được cho phép ứng lương linh hoạt, đều sẽ được tiếp cận khoản lương được ứng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Mỗi khi mở ứng dụng EKKO lên, họ có thể xem mình được ứng bao nhiêu tiền lúc này. Đó là lúc công nghệ làm việc thay mọi người. Đến cuối tháng, công ty sẽ hoàn ứng cho EKKO số tiền mà nhân viên của họ đã ứng thông qua ứng dụng.
Thao tác ứng lương qua ứng dụng EKKO |
Chúng tôi hiểu rằng mỗi công ty đều có đặc thù riêng trong vấn đề trả lương và ứng lương. Do vậy, chúng tôi xây dựng một công nghệ rất linh động để có thể sáng tạo trên nhu cầu cơ bản của mỗi công ty. Với những công ty đã có chuyển đổi số trong công tác nhân sự, chẳng hạn chấm công online, có thể tích hợp công nghệ chấm công đó vào việc ứng lương. Thế nên mỗi công nhân đều có thể nhìn thấy được sau mỗi ngày làm việc thì mình được nhận lương bao nhiêu và có thể ứng lương sau mỗi ngày làm việc.
Các công ty hoàn toàn có thể kiểm soát được số tiền họ muốn cho NLĐ ứng. Thậm chí có những công ty chỉ cho ứng nửa số lương, cũng có công ty gửi thông báo đến người quản lý để họ xem xét thì NLĐ mới được ứng. Suy cho cùng, họ vẫn là người được quyền quyết định nhưng chắc chắn là chúng tôi có thể mang đến một công nghệ đủ linh hoạt để họ có thể giải quyết được vấn đề đó. Chẳng hạn chia NLĐ theo từng nhóm; chia theo số tiền NLĐ có thể được ứng hoặc khi nào thì NLĐ được ứng...
Đối với những công ty vẫn chưa chuyển đổi số trong công tác nhân sự, chúng tôi có thể giúp họ tích hợp bằng những tính năng miễn phí của EKKO để giúp họ vận hành tốt hơn.
PV: Theo anh, những doanh nghiệp nào nên áp dụng Ứng lương EKKO?
Anh Mads Werner: Những khách hàng chúng tôi đã và đang phục vụ rất đa dạng về ngành nghề cũng như quy mô, từ những doanh nghiệp sản xuất với 50-100 nhân viên, tập đoàn bất động sản quy mô 1-2.000 nhân viên hay nhà máy sản xuất với hơn 10.000 nhân viên. Họ đều rất hài lòng, tôi tin là không có giới hạn nào cho doanh nghiệp hết. Chắc chắn trong năm tới chúng tôi sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều doanh nghiệp hơn nữa.
Người lao động Tổng công ty Cao su Đồng Nai hào hứng trải nghiệm Ứng lương EKKO |
PV: Theo quan sát của anh, NLĐ thường ứng lương qua EKKO trong hoàn cảnh nào?
Anh Mads Werner: Có một số liệu chúng tôi thu thập được từ các công ty sử dụng EKKO, rằng 70% NLĐ có ứng dụng EKKO trong điện thoại, khoảng 20% trong số đó sử dụng rất thường xuyên. Khi có sự cố xảy ra trong cuộc sống, ngay lập tức họ có được một công cụ hữu ích để sử dụng. Đó là cách EKKO giúp NLĐ an sinh tài chính.
Ngay trong tuần trước, có một nhân viên công ty đối tác gặp sự cố trên đường đi làm, anh này đã ứng lương ngay lập tức để có tiền chi trả cho sự cố đó. Có người sử dụng để trả tiền học phí cho con hoặc viện phí cho bố mẹ…
PV: Giá trị lớn nhất mà EKKO đem đến cho NLĐ là gì?
Anh Mads Werner: Ngoài việc giải quyết nhu cầu gấp rút của NLĐ, ẩn sâu bên trong sản phẩm EKKO còn có giá trị lớn hơn. Thứ nhất là trao quyền cho NLĐ kiểm soát thành quả của họ làm được mỗi ngày. Đó là động lực rất to lớn, thắt chặt mối quan hệ giữa NLĐ với công ty và ngược lại. Thứ hai, vượt trên cả việc cho NLĐ ứng lương, đó còn là sự trao gửi niềm tin, tạo dựng một môi trường làm việc an toàn.
Thử nghĩ xem, khi NLĐ muốn có một khoản tiền để xoay xở trong cuộc sống, tại sao họ lại chọn tín dụng đen? Bởi họ có thể giải ngân nhanh chóng trong vòng 30 phút, thậm chí 10 phút. Trong khi để nhận số tiền họ đã lao động để có được thì cần rất nhiều giấy tờ, thủ tục. Tôi muốn nói, khi mình đã có lòng tin, sự an toàn trao gửi cho nhau thì có thể giảm tải những điều đó. Đấy là một trong những giá trị mà chúng tôi theo đuổi thông qua sản phẩm EKKO.
Không dừng lại ở đó, để tiếp tục theo đuổi mục tiêu này, giúp NLĐ đạt được chìa khoá an sinh tài chính thì ở trong kế hoạch tiếp theo, EKKO cũng sẽ cung cấp những tính năng thú vị, những nội dung có thể giúp NLĐ được phép học cách quản lý tài chính của mình tốt hơn, từ đó tránh xa các cạm bẫy tín dụng đen.
PV: Thế còn doanh nghiệp, họ sẽ được lợi gì, thưa anh?
Anh Mads Werner: EKKO giúp doanh nghiệp giữ chân NLĐ được tốt hơn. Những khảo sát tại các doanh nghiệp đã sử dụng EKKO cho thấy NLĐ thực sự rất yêu thích, đó cũng là một trong những lý do mà họ gắn bó với doanh nghiệp.
EKKO cũng giúp tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp, bởi khi NLĐ được giải phóng khỏi những nỗi lo về tài chính, họ có thể tập trung tâm - trí - sức lực để cống hiến cho doanh nghiệp. Đó là những gì doanh nghiệp có thể nhìn thấy trước mắt.
Chưa kể, doanh nghiệp sẽ có lợi thế rất lớn khi tuyển dụng thông qua việc ghi vào phần thông báo rằng doanh nghiệp trả lương linh hoạt.
Đồng thời, trong xu thế hiện nay khi chỉ số Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) về phát triển bền vững là yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp, EKKO có thể giúp tăng giá trị này cũng như vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
Ứng lương linh hoạt đã trở thành một nét văn hoá doanh nghiệp tại Tập đoàn Ecopark |
PV: EKKO có gặp khó khăn khi thuyết phục doanh nghiệp sử dụng không?
Anh Mads Werner: Câu hỏi rất thú vị. Trước hết, khái niệm “ứng lương linh hoạt” là một khái niệm mới, EKKO lại là một sản phẩm mới nên khi bước ra thị trường, tiếp cận doanh nghiệp sẽ cần nhiều thời gian để thuyết phục, phá bỏ rào cản “hoài nghi”. Khi doanh nghiệp thay đổi nhận thức, nhìn ra được cái lợi ích của sản phẩm này thì họ mới sẵn sàng mang từ khóa “Ứng lương” về doanh nghiệp để tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi tin rằng với những thành tựu đã đạt được, năm sau việc tiến ra thị trường sẽ thuận lợi hơn, trước hết là mọi người sẽ nhìn ra đây là cơ hội lớn.
PV: Chìa khoá giải quyết sự hoài nghi của doanh nghiệp đối với sản phẩm này là gì, thưa anh?
Anh Mads Werner: Đó là lòng trung thành, sự tin tưởng và năng suất lao động của nhân viên. Trong bối cảnh hiện tại, đó là những thứ mà doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên trước một bối cảnh lớn hơn là cả một hệ thống chuyển đổi số về công tác nhân sự thì họ cần có thêm thời gian để nghiên cứu.
Anh Mads Werner (giữa) tại chương trình của Google cho Startups Việt Nam |
PV: Tôi muốn biết chi phí sử dụng cho mỗi lần ứng lương qua EKKO là bao nhiêu?
Anh Mads Werner: Trước hết, sử dụng ứng dụng này sẽ không có một chi phí ẩn nào. Với mỗi lượt ứng lương linh hoạt, EKKO sẽ thu một khoản phí sử dụng nền tảng công nghệ từ 2-3% số tiền ứng, được trả bởi NLĐ, hoặc là công ty. Ví dụ khi người lao động ứng 1.000.000, chi phí sẽ là 20.000 (VNĐ) và chỉ có vậy. Nhiều công ty đồng ý chi trả 100% chi phí này như là một phúc lợi dành cho nhân viên của họ. Cũng có những công ty cho phép nhân viên tự sử dụng, tự trả phí để họ có thể tự kiểm soát.
PV: Vậy họ đánh giá như thế nào về chi phí này?
Anh Mads Werner: Họ cảm thấy thoải mái. Sản phẩm này sẽ được sử dụng khi thực sự cần thiết. Trong trường hợp đó, đây không phải mức phí lớn. Mức phí này được hiển thị minh bạch trên ứng dụng khi mọi người ứng lương. Khi họ cảm thấy hoàn toàn hợp lý thì mới tiến hành. Tôi cho rằng điều này là công bằng cho tất cả mọi người.
PV: Mục tiêu sắp tới của EKKO sẽ là gì, thưa anh?
Anh Mads Werner: Về lâu dài, chúng tôi mong muốn EKKO sẽ trở thành một trong những sản phẩm giúp kiến tạo môi trường làm việc tốt đẹp, an sinh tài chính hàng đầu. Chúng tôi cũng đang làm việc với những đối tác lớn, những hợp đồng lớn cũng sắp được ký kết để có thể cùng nhau khai mở thị trường này.
Chúng tôi cũng dự định mở rộng sản phẩm này với những tính năng mới như đã chia sẻ, có thể giúp NLĐ quản lý tài chính, sống tốt hơn với đồng lương của mình. Hy vọng thì có rất nhiều, nhưng hy vọng nhiều nhất là những bên liên quan cùng chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, giúp đỡ được nhiều NLĐ hơn trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Thực hiện: Minh Khôi Đồ họa: An Nhiên |