Trời mới sáng tinh mơ, vườn nhà ông Năm Lần (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã náo nhiệt hẳn lên. Những người đàn ông lần lượt xuống dưới ao, rồi bắt đầu… nhún nhảy. Những điệu bộ, cử chỉ của họ đã khiến không ít người qua đường tò mò, một số người còn tưởng họ đang “làm trò” và thích thú dừng lại xem.
Ông Trương Văn Bê (58 tuổi, “đội trưởng” đội quân “cạp đất”) trần tình: “Nước sâu quá, không thể dùng tay lấy đất. Tụi tui phải dùng sức nặng của cả cơ thể, liên tục nhún nhảy mới nhấn được cái thùng xuống đáy ao. Bữa nay gặp chỗ đất khó “ăn” rồi”.
Khi ước chừng đã “cạp” đầy đất, ông Bê lặn xuống lấy chiếc thùng lên đưa cho đồng nghiệp đang chờ sẵn. Cục đất được đổ ra có hình trụ, giống như khuôn đúc từ chiếc thùng, được xếp dọc theo con đường nông thôn, cặp bờ rào gia chủ.
Ông Năm Lần (người thuê đội quân cạp đất) cho biết: “Đất được lấy lên sẽ đem phơi. Khi nào khô thì bỏ vào cây kiểng. Loại đất sét này có lớp mùn dinh dưỡng nên rất tốt cho cây. Chính vì vậy tui thuê “đội quân” của ông Bê đến lấy đất”.
Đang nhún nhảy dưới ao, ông 7 Kè bất ngờ la lên một tiếng, rồi chạy nhanh lên bờ với cái chân phải đang rướm máu. “Hồi nãy đạp trúng cái cây dưới đáy”. Nói rồi, ông xé điếu thuốc đắp vào vết thương, miệng vẫn cười tươi như không có chuyện gì: “Thuốc lá cầm máu còn tốt hơn cả thần dược”.
Những người làm nghề xắn đất với ngâm mình trong nước trong thời gian dài - Ảnh: Trần Lưu |
Đưa chúng tôi xem chiếc thùng cũng là công cụ để mưu sinh, ông Kè phân tích: Chiếc thùng có hình trụ tròn, hai đầu đều rỗng miệng. Khi nhấn xuống, một đầu “cạp” đất, còn đầu kia ép nước ra ngoài. “Muốn lấy đất dễ thì phải biết rà tìm nơi có bùn dày và canh con nước ròng. Khi nước ròng có thể dễ dàng dùng tay lấy đất vào thùng, còn chỗ nước lớn thì phải lặn xuống, rồi dùng chân đạp và nhúng liên tục trên thùng mới lấy đất đầy thùng được. Coi vậy chớ không dễ ăn chút nào”, ông Kè nói.
Ở miền Tây, nghề xắn đất thùng (còn gọi vui là “cạp đất”) đã thịnh hành từ mấy chục năm – nơi mà thiên nhiên đã ban tặng cho sự trù phú để phát triển nông nghiệp. Trong các cuộc khai hoang, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, người nông dân bắt đầu với công việc đào mương, lên liếp trồng vườn. Mương được đào sâu hơn 1 mét, còn đất để đắp bờ (cao hơn mặt ruộng trước đó chừng 5-7 tấc). Bờ còn gọi là liếp, đất trên liếp phải cho cao để khỏi ngập lụt vào mùa mưa hoặc mùa nước nổi hàng năm. Nhiều bờ nằm song song, giữa hai bờ là mương. Mương dùng để thoát nước, tưới tiêu, cũng có khi để vận chuyển bằng ghe xuồng nhỏ, còn bờ để trồng cây ăn trái.
Mình mẩy những người “thợ cạp đất” lấm lem bùn sình - Ảnh: Trần Lưu |
Ông Bê kể: Hồi đó, hễ việc gì liên quan đến đất thì ông đều nhận làm thuê. Để đào mương trước tiên phải dùng leng. Leng này thon dài và có độ sắc bén hơn so với leng làm hồ. Khi miệng leng “cắt” đất thì dùng sức của chân đạp mạnh để leng được nhấn sâu, đào lên được nhiều đất.
“Nếu đào lên liếp từ đất ruộng thì tương đối nhẹ nhàng, vì chỉ đào một lớp leng. Ở những chỗ đào đất từ kênh lên liếp sẽ cực nhọc hơn bội phần, bởi độ sâu tương đương 3 đến 4 lớp leng. “Có những ngày, giữa trưa nắng như đổ lửa, tụi tui vẫn phải lưng trần cắm cúi đào và xúc những tảng đất ướt để đắp thành luống. Người đào đứng trên mặt đất, quăng đất không đòi hỏi sức lực quá nhiều, nhưng khi mương đào càng sâu, đứng dưới mương mà quăng đất lên cao thì vô cùng nhọc nhằn”.
Ông Bê nhớ lại, và cho biết thêm: Độ 1 đến 2 năm, trong những liếp vườn rợp mát, lá cây rụng đầy dưới mương, rồi phân hủy thành lớp mùn dinh dưỡng hòa trong lớp đất sét. Lại theo thời gian đất trên bờ do mưa bị trượt xuống mương, lúc này chủ vườn lại thuê người đến xắn đất, vét bùn đem lên bờ. Vừa để cho mương được sâu, cho bờ thêm cao. Dùng lọai thùng hình tròn có cán dài tra theo bề dọc mà xúc, gọi là cái gàu vét mương hoặc là cái len thùng như ông Bê và đồng nghiệp đang dùng.
Nghề xắn đất thùng (còn gọi vui là “cạp đất”) đã thịnh hành từ mấy chục năm - Ảnh: Trần Lưu |
Vừa kể chuyện, ông Bê vừa ăn vội miếng cơm, và nói: Hồi sáng, vừa thức dậy thì ở nhà gặp sự cố hư đường ống nước. Loay hoay sửa một hồi thì tới giờ đi mần, chưa kịp bỏ gì vô bụng, nên ông đổ luôn phần cơm vào gà-mên xách đem theo. Bây giờ đói quá, lấy ra làm bậy một miếng.
Nói rồi, ông để phần cơm xuống đất chạy lại tiếp thằng Út đem cục đất lên bờ. Thấy có đồ ngon, con chó mực nhà ông Lần chạy lại tính “đớp” một miếng. Sẵn có khúc cây, ông Bê nện vô đầu nó một cái, con chó đau quá vừa chạy vừa kêu cẳng cẳng...
Vài chục năm trước khi máy móc chưa phát triển, trên ruộng đồng với sức người là chính, thì ông Bê, ông Kè… nhận “cạp đất” đến bở hơi tay. Nghề này không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu, nhưng phải dầm mình dưới sông từ hừng đông đến tối mịt, và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.
“Cái cực nhọc của nghề này là phải ngâm mình xuống nước nhiều giờ, thường xuyên từ sáng đến chiều tối nên rất lạnh. Hơn nữa, mỗi thùng đất nặng gần 20kg, mỗi ngày phải khiêng cả trăm thùng rất tốn sức. Do đó, đòi hỏi người theo nghề phải có sức khoẻ dẻo dai, lặn giỏi và chịu lạnh tốt. Có lúc mình phải ngâm mình ở vùng nước ô nhiễm. Thậm chí giẫm đạp miểng chai, miểng sành và gai góc dưới lớp sình bùn là chuyện thường ngày”, ông Lê Văn Cập (52 tuổi, thành viên đội “cạp đất”) chia sẻ.
Hiện đội quân “cạp đất” của ông Bê có 5 thành viên, độ khoảng từ 40 đến hơn 50 tuổi, tất cả họ đều ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Mỗi ngày, các ông đạp xe, phía sau niềng thùng xắn đất, đi rảo quanh các con đường ven kênh rạch, coi có ai kêu xắn đất mướn thì mần.
Hiện nay, khắp các ruộng vườn đều đã được cơ giới hóa, nghề “cạp đất” của ông Bê cũng dần mai một. Hầu hết họ là người không ruộng đất canh tác, không kiếm được công việc khác nên phải gắn bó với công việc này kiếm tiền mưu sinh. Tuy nhiên, theo ông Bê, nghề này không còn thịnh hành nhưng vẫn kiếm sống được. Một số nơi mương rạch nhỏ, xe cuốc không vào được, chủ vườn lại cần đến các ông. Chỉ trừ mùa mưa và mùa nước nổi không làm được, còn những ngày nắng thì chúng tôi làm không có ngày nghỉ", ông Bê chia sẻ.
Do tuổi tác không còn nhỏ, đội của ông Bê phân ra mỗi người một khâu. Khi người ở dưới sông lạnh thì đổi việc với người khiêng thùng đất trên bờ. Cứ luân phiên như vậy để đủ sức làm việc cả ngày. Mỗi thùng đất “cạp” được có giá 4.000đ. Mỗi ngày, cả đội nhận làm từ 200-1.000 thùng. Nếu đoạn đường từ nơi đào đất đến nơi đắp đất xa hơn thì giá tiền càng cao hơn. Nhờ đó, khi chia đều thì mỗi thành viên kiếm được từ vài trăm đến cả triệu đồng/ngày, kiếm được nhiều tiền hơn so với đi làm phụ hồ, vốn vất vả cũng không kém.
Phút nghỉ ngơi của những người “thợ cạp đất” - Ảnh: Trần Lưu |
“Mỗi ngày, mọi người đều tập trung lại từ sớm để đạp xe ven các con sông hoặc kênh, rạch, mương để xắn đất thuê cho các hộ gia đình có vườn trái cây. Có những hôm làm ở xa, nhóm phải thức từ 3-4 giờ sáng để đạp xe hàng chục cây số đến chỗ làm, chủ yếu tranh thủ lúc nước ròng mới dễ lấy đất. Cái thùng còn dính đất là còn tiền chứ thùng khô là trong nhà khô luôn”, ông Bê nói về phận nghề mà tựa như không.
Ông Lê Văn Cập (52 tuổi, thành viên của đội) kể lại: “Mới đây, một chủ vườn dừa ở quận Thốt Nốt (TPCần Thơ) đã thuê nhóm chúng tui đến xắn đất trọn gói gần 1 tháng, đắp gốc cho vườn dừa hơn 10ha, với giá gần 50 triệu đồng, nhờ đó mỗi người cũng được gần 10 triệu đồng nên sống khoẻ”.
Những năm gần đây, các địa phương ở ĐBSCL phát động mạnh phong trào chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, nhiều nông hộ đã chủ động cải tạo vườn tạp, đắp mô chuyển sang trồng cây ăn trái, từ đó cũng đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều lao động ở nông thôn làm nghề xắn. Đất phần lớn được sử dụng để gia cố bờ bao, đắp mô trồng cây…
Bà Lê Thị Út (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), cho biết: Nhà bà trồng 2 ha vườn cây ăn trái, thi thoảng bà lại thuê người đến xắn đất. Những ngày nắng hạn, đất bùn tưới và đắp vào cây rất tốt. Mùa mưa tới, vườn trái cây trog nhà chín rộ, nườm nườm thương lái vào thu mua, bà Út chừa lại một ít, kêu đứa cháu mang đi biếu những người xắn đất ăn lấy thảo. Bà nói: “Phải có đất đắp vào thì cây mới tốt được, và đó là công sức của những người xắn đất. Mình nhớ ơn mình gửi họ chút trái cây, như nghĩa tình chòm xóm”.
Ông Nguyễn Văn Út Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: Hầu như bất kỳ người nông dân nào, miễn là thanh niên, đàn ông, có sức khỏe tốt thì đều có thể làm nghề xắn đất. Nên không thể có thống kê cụ thể về số lượng lao động của nghề này là bao nhiêu người. Hiện nay, dù máy móc đã thay thế cho sức người trên ruộng vườn, nhưng ở một số nơi, nghề xắn đất vẫn rất thịnh hình. Điểm thuận lợi của nghề là có thể chủ động, linh hoạt xúc và đắp đất vào từng cây ăn trái, luống rau, bờ đê mà chủ nhà mong muốn. “Khi ruộng vườn phát triển, đời sống người dân cũng khá lên, góp phần thay đổi diện mạo các vùng quê, hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới… Và ở đó, có đóng góp của những người xắn đất, mặc dù không thể thống kê hay đo đếm được”, ông Út ví von.
Những người làm công việc như ông Bê vẫn luôn rất gian nan, vất vả. Như bao người khác, vì “miếng cơm, manh áo”, lo cho con cái ăn học, họ chấp nhận đánh đổi mưu sinh để kiếm. Như nhà của ông Bê không ruộng vườn, nên mỗi ngày ông phải lặn lội đi “cạp đất” mà ăn.
“Hồi nhỏ tui hay trốn học ra đồng chơi, bị ông già (cha) bắt được lôi về nhà đánh một trận. Ổng chửi: “Nhỏ không chịu học lớn lên cạp đất mà ăn”. Bây giờ đúng là cạp đất để ăn thiệt”, ông Bê trầm ngâm.
Còn đồng nghiệp của ông Bê là ông Lê Văn Học thì nói: “Nhiều người nói vui: Số làm nghề xắn đất thì có đi đâu hay chạy trời cũng không khỏi đất”.
Với chiếc xe đạp và cái thùng, mỗi ngày những người đàn ông này lặn lội khắp nơi để mưu sinh - Ảnh: Trần Lưu |
Xong xuôi công việc, đội quân “cạp đất” của ông Bê thu dọn đồ đạc rồi ra về. Họ chia nhau số tiền nhận được từ gia chủ rồi tính toán cho cuộc sống của ngày mai. Chiếc xe đạp và cái thùng lấy đất đóng phèn vàng cháy, bóng lưỡng theo thời gian, như phận đời mưa nắng của họ. Bất kể gian khó, ngày mai, và những ngày tới, họ lại sẽ đạp xe đi “cạp đất” với tương lai và hy vọng đổi đời vô cùng mờ mịt. Với họ, khi một tuyến đường nông thôn được mở ra hay đầu tư nâng cấp, máy móc có thể vào tận vườn, thì họ lại canh cánh nỗi lo thất nghiệp. Như lời ông Bê nói: “Sự phát triển nào rồi cũng phải đánh đổi, mình không theo kịp thì chịu thôi, đâu có tiền để mua xe cuốc đất mướn cho người ta”.
Xin kết lại bài viết bằng một đoạn của nhà văn Sơn Nam với đại ý rằng: “Nghề đào đất xúc đất khá nặng nhọc chỉ dành cho một số ít người chịu cực, số nhân công thâu dụng cũng chỉ có giới hạn. Người làm đất đến mùa mưa lại ở không, sống thiếu kém, vay nợ mà chờ thời trời”.
Phóng sự của TRẦN LƯU VIDEO: TRẦN LƯU - TRẦN YẾN - TUYẾT HẰNG ĐỒ HỌA: AN NHIÊN |