e magazine
28/11/2021 15:00
Cảnh báo: Công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản quỵt tiền người lao động

28/11/2021 15:00

Một số công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang bị tố cáo không đưa được người lao động đi làm việc tại Nhật Bản nhưng cũng không hoàn trả số tiền đặt cọc theo hợp đồng.
Cảnh báo: Công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản quỵt tiền người lao động

Thời gian vừa qua Cuộc sống an toàn nhận được phản ánh về việc một số công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) không đưa được người lao động đi làm việc tại Nhật Bản nhưng cũng không hoàn trả số tiền đặt cọc như đã cam kết.

“Xuất khẩu lao động Nhật Bản”, “Thực tập sinh Nhật Bản”, “Tu nghiệp sinh”, “Việc làm Nhật Bản lương cao”... là những cụm từ đang rất “HOT” trên thị trường XKLĐ hiện nay. Kéo theo đó là hàng loạt các công ty hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ Nhật Bản được mọc lên.

Từ năm 2019 đến nay, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều công ty môi giới không đưa được NLĐ đi theo cam kết.

ĐỊA CHỈ CÔNG TY

THAY ĐỔI "CHÓNG MẶT"

Chị Bùi Thị Trang (ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) từng tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản theo chương trình đào tạo của Công ty TNHH Haruka vào năm 2015. Năm 2019, chị về nước. Do có nhu cầu tiếp tục đi XKLĐ tại Nhật Bản, chị đã liên hệ người có tên là Bùi Thị Như Huế (nhân viên cũ của Công ty TNHH Haruka).

Theo thông tin chị Trang cung cấp, chị Bùi Thị Như Huế đã nghỉ việc tại Công ty TNHH Haruka, cùng chồng thành lập công ty môi giới vào năm 2018 mang tên “Công ty TNHH Đào tạo quốc tế TH”. Trong đó, chồng chị Huế giữ chức vụ Tổng giám đốc, chị Bùi Thị Như Huế giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc. Cả hai thường xuyên đăng tin bài tuyển người đi XKLĐ Nhật Bản trên trang facebook.

Do từng quen biết với chị Bùi Thị Như Huế, ngày 2/11/2019, chị Trang nộp hồ sơ và phải chuẩn bị số tiền 7.500 USD (hơn 170 triệu đồng) để tham gia chương trình XKLĐ Nhật Bản của Công ty TNHH Đào tạo quốc tế TH.

Cảnh báo: Công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản quỵt tiền người lao động

Địa chỉ theo giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Đào tạo quốc tế TH hiện đang là trụ sở của một công ty khác.

Ngày 18/11/2019, công ty thông báo chị Trang đã trúng tuyển đơn hàng kỹ sư và yêu cầu đóng phí xuất cảnh lần 1 là 3.000 USD (gần 70 triệu đồng), kèm theo giấy thông báo hoàn thiện chi phí cam kết xuất cảnh lần 1.

Sau khi đóng đủ số tiền trên, chị Trang mất gần 2 năm chờ đợi vẫn chưa thể đi làm việc tại Nhật Bản. Sự lo lắng của chị càng tăng lên khi vị Phó Tổng giám đốc liên tục mất liên lạc. Tới ngày 13/04/2021, công ty mới thông báo , hồ sơ của chị Trang không xử lý được, đại diện công ty hứa sẻ trả hồ sơ và hoàn tiền.

Thế nhưng, 7 tháng nay, lãnh đạo công ty này liên tục “bặt vô âm tín”. Có khi vài tháng mới trả lời tin nhắn, thậm chí liên tục đổi địa điểm hoạt động mà không thông báo cho người lao động.

Để có đủ số tiền 3.000 USD nộp cho công ty, chị Trang đã phải đi vay lãi ngày. Suốt 2 năm nay chị phải đi làm thêm chỉ để đóng tiền lãi. Nhưng khó khăn chồng chất khi dịch bệnh bệnh bùng phát, chị lâm vào cảnh thất nghiệp, hiện không còn khả năng chi trả món nợ này.

Cảnh báo: Công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản quỵt tiền người lao độngGiấy thông báo nộp tiền của Công ty TNHH Đào tạo quốc tế TH.

Qua tìm hiểu của PV Cuộc sống an toàn, Công ty TNHH Đào tạo quốc tế TH đăng ký ngành nghề kinh doanh là lĩnh vực Dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Trong danh sách 537 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng không có tên công ty này.

Tìm đến địa chỉ mà công ty đăng ký theo giấy phép kinh doanh tại số 43, ngõ 91 Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi được biết, địa chỉ này đang là trụ sở của một công ty khác. Liên lạc các số điện thoại của lãnh đạo Công ty TNHH Đào tạo quốc tế TH để hẹn lịch làm việc, sau nhiều lần tắt máy, vị Tổng giám đốc trả lời PV: "Chúng tôi hiện đang rất bận và sẽ liên lạc lại sau".

Một nhân viên cũ của Công ty TNHH Đào tạo quốc tế TH cho biết, chỉ tính riêng năm 2019, công ty thay đổi địa điểm ít nhất 3 lần tại quận Hà Đông và hiện tại, công ty cũng đã cho toàn bộ nhân viên cũ nghỉ việc. Từ năm 2019 đến đầu năm 2020, công ty liên tục có học viên đến đòi nợ, đòi trả tiền cọc..

Trao đổi với PV Cuộc sống an toàn, đại diện Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy cho biết, việc công ty tạm dừng hoạt động, thay đổi địa điểm kinh doanh, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội chưa được công ty thông báo hay xin phép.

Trước hành vi vi phạm quyền và lợi ích của người lao động, PV Cuộc sống an toàn đã thu thập hồ sơ, tài liệu và chứng cứ và sẽ chuyển đơn tố cáo của người lao động đến Công an quận Cầu Giấy để cơ quan này xem xét, xử lý!

Nhận định về vấn đề trên, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết: "Nếu trong trường hợp công ty không có chức năng để XKLĐ thì công ty không được phép thông báo hoàn thiện chi phí cam kết xuất cảnh, không được quyền thu tiền của người lao động. Công ty không có chức năng, nhiệm vụ mà vẫn thu tiền là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, công ty liên tục thay đổi địa điểm, không cung cấp thông tin địa chỉ mới, đã có dấu hiệu để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cộng với số tiền 3000 USD là số tiền không nhỏ vì vậy người bị hại có quyền làm đơn tố cáo ra cơ quan công an để cơ quan công an vào cuộc, điều tra và xử lý về vấn đề này".

Nhiều trường hợp tương tự tại

Hải dương

Tương tự như trường hợp của chị Trang, anh Nguyễn Văn Tâm (trú tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã làm đơn tố cáo Công ty TNHH MTV VIETJABA (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) về việc sau 1 năm đóng phí xuất cảnh và mòn mỏi chờ đợi, anh vẫn chưa thể đi Nhật Bản làm việc.

Qua tìm hiểu, Công ty TNHH MTV VIETJABA không có tên trong danh sách các công ty XKLĐ được cấp phép bởi Cục Quản lý Lao động ngoài nước.

Cảnh báo: Công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản quỵt tiền người lao động

Website của Công ty TNHH MTV VIETJABA ngày ngày thông báo tuyển dụng

Sau nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng, anh Tâm được công ty trả tiền đặt cọc nhưng vẫn thiếu 20 triệu đồng (trong đó có 10 triệu đồng công ty cho rằng đây là tiền cọc đơn hàng và sẽ không trả lại). Với số tiền còn lại, công ty hứa hẹn nhưng chưa biết khi nào mới thanh toán nốt.

Với đơn hàng này, Công ty TNHH MTV VIETJABA tuyển dụng được 3 người. Không may mắn như anh Tâm, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (người cùng đơn hàng) yêu cầu công ty cho rút hồ sơ vì đã đợi hơn 1 năm nay nhưng chỉ nhận lại được một nửa số tiền đã cọc là 40 triệu đồng (công ty yêu cầu đặt cọc 80 triệu đồng - ứng với 3.500 USD). Một trường hợp khác là chị Bùi Thị Hòa thì chưa được hoàn trả bất kỳ khoản nào.

Được biết, Công ty TNHH MTV VIETJABA và Công ty TNHH Đầu tư & Phát Triển HDT (có địa chỉ tại TP. Hải Dương) đều tuyển lao động cho đơn hàng kỹ thuật viên làm việc tại tỉnh Nara, Nhật Bản nhưng điều kiện tuyển dụng khác nhau.

Cảnh báo: Công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản quỵt tiền người lao độngThông tin tuyển dụng dụng của Công ty TNHH MTV VIETJABA và Công ty TNHH Đầu tư & Phát Triển HDT

Cảnh báo: Công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản quỵt tiền người lao độngPhiếu thu tiền kèm theo thông tin đã hoàn trả 40/80 triệu đồng của chị Linh tại Công ty TNHH MTV VIETJABA

Để tìm hiểu chức năng, quyền hạn của các doanh nghiệp tham gia cung ứng lao động cho thị trường XKLĐ cũng như những quy định về XKLĐ trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã liên hệ với Cục Quản lý Lao động ngoài nước để trao đổi và nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người lao động cần cảnh giác trước những thông tin hấp dẫn về các đơn hàng để tránh bị mất tiền mồ hôi nước mắt cho những pháp nhân không đáng tin cậy!

Cuộc sống an toàn sẽ tiếp tục thông tin!

Toàn quốc hiện có 537 doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động XKLĐ. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).

Cảnh báo: Công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản quỵt tiền người lao động

Sỹ Công

Xem phiên bản di động