e magazine
08/05/2022 18:49
Cần thiết có tổ chức đại diện tài xế công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ

08/05/2022 18:49

Công nghệ 4.0 đã khiến người lao động chuyển sang làm những công việc dựa trên các nền tảng trực tuyến như: Dịch vụ đưa đón hành khách, giao nhận hàng, giao đồ ăn, kết nối thông qua việc sử dụng các ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động (Grab, Gojek, Be...). Công nghệ trở thành nhân tố khởi tạo và chuyển đổi quan hệ việc làm, quan hệ lao động. Tuy nhiên, hàng trăm nghìn tài xế công nghệ đang thiếu sự bảo vệ quyền lợi do khoảng trống về pháp lý.
Vai trò của đại diện tài xế công nghệ và ý kiến của Công đoàn

Cần thiết có tổ chức đại diện tài xế công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ

Công nghệ 4.0 đã khiến người lao động chuyển sang làm những công việc hoạt động trên các nền tảng trực tuyến như: Dịch vụ đưa đón hành khách, giao nhận hàng, giao đồ ăn, kết nối thông qua việc sử dụng các ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động (Grab, Gojek, Be...). Công nghệ trở thành nhân tố khởi tạo và chuyển đổi quan hệ việc làm, quan hệ lao động. Tuy nhiên, hàng trăm nghìn tài xế công nghệ đang thiếu sự bảo vệ quyền lợi do khoảng trống về pháp lý.

Biết rủi ro, nguy hiểm nhưng vẫn đánh đổi vì thu nhập

Sau khi trả khách, Quyền (25 tuổi, quê ở Hòa Bình) mới vào quán nước ven đường nghỉ ngơi. Đây là “cuốc xe” thứ 15 trong ngày của anh. Nhà đông anh em, kinh tế khó khăn nên Quyền gác ước mơ trở thành bác sĩ để chạy xe công nghệ phụ giúp gia đình. Mỗi tháng, anh có thể kiếm được 10 triệu đồng. Tuy vậy, không ít lần Quyền đối mặt với rủi ro và nguy hiểm. Chuyện khách quỵt tiền, dọa nạt hay yêu cầu chở đến những khu vực vắng vẻ diễn ra như cơm bữa.

Vai trò của đại diện tài xế công nghệ và ý kiến của Công đoàn

Tài xế Grab có cả người lớn tuổi. Ảnh: Đ.T

"Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm” do Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD) phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện cho thấy, nước ta có khoảng 200.000 lái xe công nghệ. 50% trong số đó đang hành nghề tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lao động nam chiếm 95%, lao động nữ chiếm 5%.

Bình quân tiền công (sau khi đã trừ phí, xăng…) của lái xe mô tô, gắn máy là 7 triệu đồng/tháng; lái xe ô tô là 12 triệu đồng/tháng. Ngoài thu nhập trên, lái xe công nghệ có thể được hưởng thêm các loại “thưởng”, “trợ cấp”, chương trình hỗ trợ… từ công ty cung ứng dịch vụ nhưng không thường xuyên và khá thấp.

Lái xe công nghệ phải làm việc rất căng thẳng. Lái xe mô tô, gắn máy là 9,2 giờ/ngày và lái xe ô tô là 11,2 giờ/ngày. Ngày nghỉ dường như không có. Ngoài ra, họ làm việc trong thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ tai nạn; chịu áp lực từ khách hàng; mất, hỏng hàng hoá; bị quấy rối tình dục và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Vai trò của đại diện tài xế công nghệ và ý kiến của Công đoàn

Chương trình thưởng dành cho tài xế của Be

Nghiên cứu do TS. Huỳnh Thị Ngọc Tuyết - Trung tâm Tư vấn phát triển, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và cộng sự thực hiện tại TP Hồ Chí Minh cho thấy: Tài xế xe mô tô, gắn máy của 4 hãng xe công nghệ (Baemin, Be, Grab, Now) phản ánh thu nhập ban đầu rất cao (20 - 30 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, thời "trăng mật" 2 năm đầu qua nhanh. Càng về sau, mức thu nhập càng giảm, rõ rệt hơn ở tài xế làm nhiều năm, do tăng số lượng tài xế và mức chiết khấu từ công ty.

“Trung bình lái xe làm thêm 3 giờ/ngày nhưng không được trả lương theo chế độ làm thêm giờ mà pháp luật quy định. Họ không có khoản tiền nào khác ngoài tiền chênh lệch khi giá cước tăng (trong khi người lao động kí hợp đồng lao động được tiền làm thêm ngoài giờ hoặc tăng ca).

Thời gian nghỉ ngơi của tài xế ít và và điều kiện nghỉ ngơi kém. Tài xế chỉ nghỉ trung bình 50 ngày/năm (thấp hơn luật định) và không có thu nhập vào ngày nghỉ. Mỗi ngày, lái xe thường nghỉ dưới 90 phút (để ăn uống, ngủ, đi vệ sinh, lướt web...). Nơi nghỉ ngơi thường là vỉa hè, dưới bóng cây, trong công viên..." - TS. Huỳnh Thị Ngọc Tuyết cho biết.

Vai trò của đại diện tài xế công nghệ và ý kiến của Công đoàn

Phút nghỉ ngơi của tài xế Grab. Ảnh: TN

Tất cả các công ty cung ứng dịch vụ đều phổ biến quy tắc an toàn cho lái xe trước và trong khi làm việc. Nhưng khi gặp sự cố, hầu hết tài xế phải tự giải quyết. Công ty cũng không chịu trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội cho lái xe công nghệ. Một số lái xe làm việc toàn thời gian được hưởng Bảo hiểm tai nạn nhưng điều kiện rất hạn chế, ngặt nghèo.

Vai trò của đại diện tài xế công nghệ và ý kiến của Công đoàn
Tài xế Grab phản đối công ty tăng chiết khấu thuế VAT hồi tháng 12/2020. Ảnh: TN

Lấp đầy khoảng trống pháp lý bảo vệ người lao động

"Về bản chất, Grab không cung cấp dịch vụ vận tải và không đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ này theo Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo Luật Thương mại 2005, Grab có kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử với vai trò kết nối trung gian, không phải kinh doanh vận tải.

Hiện, Công ty đang thực hiện các hoạt động theo Nghị định 52/3013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử và sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam. Công ty thực hiện lưu trữ, quản lý thông tin Hồ sơ lái xe; tiếp nhận nhu cầu của khách; thực hiện cung cấp thông tin hai chiều cho khách và lái xe; điều động xe, quyết định hành trình của xe; quyết định giá cước khi kết thúc hành trình; thu phí của lái xe; khuyến mại cho khách hàng; nhận và giải quyết phản hồi của khách hàng…" - PGS. TS Lê Thị Hoài Thu - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích.

Trước những thiệt thòi, rủi ro mà tài xế công nghệ phải đối mặt, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Hợp đồng giữa các tài xế với Grab là đối tác, không phải là hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, khi số lượng tài xế công nghệ tham gia vào các loại hình này lên tới hàng trăm nghìn người thì các cơ quan quản lý cần xem xét lại các quy định về hợp đồng làm việc giữa doanh nghiệp và tài xế. Điều này nhằm bảo vệ quyền của doanh nghiệp, hành khách, tài xế khi phát sinh các tranh chấp".

Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng thì đề xuất: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại các công ty cung cấp dịch vụ như Grab, Be, Baemin, Gojek Việt Nam, Aha… để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng sẽ căn cứ nhu cầu thực tiễn của lái xe công nghệ để sớm có các hình thức thu hút và tập hợp, mở rộng mạng lưới công đoàn cơ sở; tăng cường hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, cải thiện điều kiện việc làm, khả năng tiếp cận chương trình an sinh xã hội (nhất là Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế) cho lái xe công nghệ.

Bài viết: Hà Vy

Xem phiên bản di động