|
Liên quan đến những ý kiến, đề xuất cần thiết điều chỉnh, bổ sung đối tượng được hưởng nâng phụ cấp ưu đãi nghề trong Nghị định 05 (trong đó có viên chức dân số), bà Trần Khánh Thu – Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, Bộ Y tế đã, đang tiếp thu tất cả các ý kiến của Đại biểu Quốc hội cũng như của các cơ quan liên quan, đặc biệt tại các địa phương, hy vọng sẽ sớm phối hợp với Bộ Nội vụ để có đề xuất, kiến nghị phù hợp lên Chính phủ. |
Những đối tượng nghị định 05 "bỏ quên" PV: Nghị định 05 ban hành nhận được rất nhiều phản ứng của cán bộ dân số. Theo bà, nguyên nhân là do đâu? ĐBQH Trần Khánh Thu: Theo tôi, cán bộ dân số bắt đầu có những phản ứng khi có văn bản số 3102/BYT-TCCB ngày 23/5/2023 của Bộ Y tế về việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP xác định chính thức viên chức dân số không phải là đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định 05 được nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%. Khi Nghị định 05 ra đời, ngay tại Điều 1 quy định có 2 cơ sở để viên chức y tế cơ sở nói chung và viên chức dân số nói riêng tin tưởng rằng mình được ghi nhận. Thứ nhất: Căn cứ để ban hành Nghị định 05 là Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề tại Nghị định 05 là 2 năm 2022 - 2023. Thứ hai: Đối tượng áp dụng mức phụ cấp 100% được nêu tại Điều 1 của Nghị định 05: “Viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương…”. Đa số nghĩ rằng Nghị định 05 nhằm động viên kịp thời các cán bộ y tế tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, nên khi thấy mình không thuộc diện đó nên có những ý kiến đề nghị được làm rõ. Trong thực tế, có những trạm y tế có 6 cán bộ thì 5 cán bộ được hưởng, 1 cán bộ giữ chức danh viên chức dân số lại không thuộc diện được điều chỉnh. Do đó, cán bộ dân số họ có những bất bình, có những nỗi buồn tủi vì trong hơn 2 năm vừa qua khi tham gia phòng chống dịch Covid-19, các cán bộ dân số tham gia trực tiếp tại cộng đồng, tại các cơ sở thu dung điều trị với tất cả các nhiệm vụ từ lấy mẫu xét nghiệm, phân luồng, vận chuyển, phục vụ tại khu cách ly, tiêm vắc xin… như bất cứ cán bộ y tế cơ sở nào. |
Bà Trần Khánh Thu - ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu trong một kỳ họp Quốc hội. |
PV: Ngoài viên chức dân số, còn những đối tượng nào khác chịu sự thiệt thòi này, thưa bà? ĐBQH Trần Khánh Thu: Bên cạnh đối tượng dân số, những đối tượng khác không được hưởng Nghị định 05 bao gồm: Cán bộ đã và đang hưởng phụ cấp ưu đãi nghề từ 20-30%. Ví dụ: Viên chức của các khoa Truyền thông – Sức khỏe, phòng Hành chính – Tổ chức -Tài chính, Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ khác... ở tại các Trung tâm Y tế. Hay các viên chức đang làm y tế dự phòng mà có trình độ kỹ sư, an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa phân tích, mặc dù đang được hưởng ưu đãi nghề 40% nhưng không được quy định mã chức danh là V.08 mà lại hưởng theo chức danh nghề nghiệp khác. Thậm chí, các đồng chí lãnh đạo của các Trung tâm y tế bản thân có chuyên môn y nhưng trước kia là công chức chỉ được hưởng 20-30% phụ cấp ưu đãi nghề, khi tham gia phòng, chống dịch họ là người trực tiếp điều hành các phương án phòng chống dịch, hoặc cũng có khi phải trực tiếp tham gia thu dung điều trị người mắc Covid-19. Nhưng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, họ cũng không thuộc đối tượng được hưởng nâng phụ cấp 100%. |
Cán bộ dân số tỉnh Đắc Nông đang tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho người dân. |
BẤT CẬP TỪ NHỮNG CON SỐ PV: Như vậy, có phải “bất cập” bắt đầu từ việc đưa ra các “con số” 40-70% không, thưa bà? ĐBQH Trần Khánh Thu: Như tôi đã trao đổi ở trên, theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế thì Nghị định 05 được ban hành căn cứ từ Kết luận 25 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 30/12/2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn 2022-2023. Đó là lúc tập trung vào việc thay đổi phương thức trong công tác phòng chống dịch cho phù hợp với giai đoạn tiếp theo. Trong Kết luận 25 cũng nêu là đồng ý chủ trương với các kiến nghị trong Tờ trình của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế. Tại kiến nghị thứ 4 có đề xuất “điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 - 70% lên mức 100%”. Và việc đưa ra các “con số” này dựa trên những quy định của Nghị định 56/2011/NĐ-CP (Thời điểm Cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - KHHGĐ ở các địa phương là độc lập với các cơ sở y tế; cán bộ viên chức chỉ thực hiện chức năng nhiệm vụ của dân số - KHHGĐ). Theo cá nhân tôi, có lẽ tại thời điểm đó, chúng ta chưa hình dung hết, bởi vì diễn biến dịch bệnh thay đổi từng ngày như vậy với sự thay đổi trong phương thức phòng, chống dịch cũng như các phương án, kế hoạch trong các tình huống dịch, chúng ta mới chỉ nghĩ đến các đối tượng trực tiếp làm công tác khám chữa bệnh đang được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề từ 40 đến 70%! Và chúng ta chưa lường hết được, lúc đó viên chức dân số cũng đi lấy mẫu làm xét nghiệm, cũng đi thu dung chăm sóc bệnh nhân Covid-19, cũng đi tiêm vắc xin, những cán bộ là bác sỹ, điều dưỡng cũng đi chăm sóc, điều trị bệnh nhân luôn. Nhưng thực tế họ đang hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề dưới 40% do vị trí chức danh họ đang giữ. Trên thực tế, khi tham gia công tác phòng, chống dịch, không có sự phân biệt nào giữa các vị trí việc làm. Các lực lượng nêu trên cũng tham gia phân loại, thu dung, thậm chí, tiêm chủng vắc-xin, vận chuyển người bệnh… Vì vậy, chúng ta cũng không nên phân biệt, loại bỏ họ ra khỏi danh sách ghi nhận của Nhà nước. Do đó, trong phiên thảo luận tại Hội trường về “Báo cáo giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, tôi cũng đã có đề nghị Bộ Y tế là cơ quan chủ quản, cơ quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ bổ sung đối tượng điều chỉnh trong Nghị định 05 nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% với tất cả các cán bộ nào đã có sự đóng góp trong 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Nguồn video: Truyền hình Quốc hội |
- "Chúng ta chưa lường hết được, lúc đó viên chức dân số cũng đi lấy mẫu làm xét nghiệm, cũng đi thu dung chăm sóc bệnh nhân Covid-19, cũng đi tiêm vắc xin, những cán bộ là bác sỹ, điều dưỡng cũng đi chăm sóc, điều trị bệnh nhân luôn. Nhưng thực tế họ đang hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề dưới 40% do vị trí chức danh họ đang giữ". |
|
Cán bộ dân số huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong đợt lấy mẫu test Covid-19 cho người dân. |
PV: Nhiều cán bộ dân số phản ánh, giữa quy định chức danh nghề nghiệp và thực tế phân công công việc cho họ đang có sự khác nhau. Họ vẫn phải làm các công việc chuyên môn như các cán bộ y tế cùng đơn vị nhưng chỉ được hưởng phụ cấp 30%, trong khi các cán bộ khác được hưởng 40% trở lên. Theo bà, nên giải quyết mâu thuẫn này như thế nào? ĐBQH Trần Khánh Thu: Trong thời gian qua, cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số - KHHGĐ có nhiều biến động. Trước năm 2008, Dân số - KHHGĐ là đơn vị độc lập, do ngành Y tế quản lý và chỉ thực hiện chức năng nhiệm vụ làm công tác dân số - KHHGĐ. Từ năm 2011, chuyển về trực thuộc các chính quyền địa phương quản lý và đến năm 2018 sáp nhập với các trung tâm y tế huyện, thành phố thì lại do ngành Y tế quản lý. Theo Thông tư 05, hướng dẫn của Bộ Y tế về chức năng, cơ cấu tổ chức bộ máy KHHGĐ ở các địa phương so với thực tế phân công công việc đúng như phản ánh của các đơn vị. Công tác tại trạm y tế, cán bộ dân số, đặc biệt cán bộ dân số có chuyên môn y tế, bên cạnh nhiệm vụ của công tác dân số - KHHGĐ còn đang được phân công cả việc chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế sớm hoàn thiện và đề xuất phương án bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/ 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Và đặc biệt trong đề xuất cần có sự rà soát tổng thể các đối tượng, các vị trí việc làm tại các tuyến, đánh giá những tác động; cán bộ làm ở vị trí nào sẽ được chi trả lương theo đúng nhiệm vụ công việc họ đang thực hiện, chứ cũng không nên áp dụng máy móc theo chức danh như hiện nay, sẽ hướng tới sự công bằng hơn. |
những đề xuất với bộ y tế PV: Theo quan sát của bà, Bộ Y tế đã có động thái nào trước những kiến nghị này? ĐBQH Trần Khánh Thu: Tôi nghĩ, Bộ Y tế đã và đang tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội cũng như của các cơ quan liên quan, đặc biệt tại các địa phương, đã có ghi nhận và tổng hợp. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ ngành sẽ xem xét tổng hợp các ý kiến, kiến nghị này trình lên Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị để có sự điều chỉnh bổ sung vì trong Nghị quyết 99/2023/QH15 đã yêu cầu “đ): Hoàn thành dứt điểm việc thực hiện các giải pháp được quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 80/2023/QH15". Trong đó, có xử lý các vướng mắc trong thanh toán, quyết toán các chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. PV: Có ý kiến cho rằng: “Nếu thực hiện chi trả nâng phụ cấp cho tất cả các đối tượng tham gia phòng, chống dịch thì ngân sách Quốc gia sẽ phải bội chi con số khổng lồ”. Bà đánh giá như thế nào về điều này? ĐBQH Trần Khánh Thu: Theo thông tin tôi nắm bắt được thì các cán bộ dân số lên tiếng trong thời gian vừa qua, người ta cần sự ghi nhận, sự công bằng, chứ không phải có lên được 100% hay không. Có thể không phải là 100% nhưng các đối tượng tham gia công tác phòng chống dịch cần được ghi nhận như nhau, có thể 50%, 70% thôi, nhưng cần được ghi nhận công bằng. PV: Hiện nay, việc điều chỉnh nâng phụ cấp đối với cán bộ y tế theo Nghị định 05 ở các địa phương đang tiến hành như thế nào? ĐBQH Trần Khánh Thu: Những đối tượng rất rõ ràng là các cán bộ y tế tham gia trực tiếp, các đối tượng làm đúng vị trí thì đã có tổng hợp, đề xuất và một số địa phương đã có sự chi trả. Nhưng đa số các địa phương mới chỉ tổng hợp, vì đang cần xác minh đối tượng thụ hưởng cho đảm bảo. Ngoài ra, còn liên quan đến việc cân đối ngân sách và điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ 1/7/2023. |
“Các cán bộ dân số lên tiếng trong thời gian vừa qua, người ta cần sự ghi nhận, sự công bằng, chứ không phải có lên được 100% hay không" PV: Liên quan đến Nghị định 05 với những bất cập như vừa phân tích, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đã có những kiến nghị, đề xuất gì trước Quốc hội, thưa bà? ĐBQH Trần Khánh Thu: Với Nghị định 05, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đã tiếp thu những ý kiến của cử tri, trong đó, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ dân số. Chính vì thế, trong các phiên thảo luận tại Hội trường Bên lề các Hội nghị, các ĐBQH của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng đã có ý kiến trực tiếp với cơ quan liên quan, với Bộ Y tế và có những ý kiến đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% đối với tất cả lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũng đã tổng hợp các ý kiến phản ánh của cử tri để gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội. Hy vọng, thời gian tới, những kiến nghị liên quan đến Nghị định 05 của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình và của một số đại biểu khác tại Quốc hội sẽ được tiếp thu, ghi nhận. PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này! |
"Tôi nghĩ, Bộ Y tế đã và đang tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội cũng như của các cơ quan liên quan, đặc biệt tại các địa phương, đã có ghi nhận và tổng hợp". - bà Trần Khánh Thu - ĐBQH tỉnh Thái Bình |
Bài viết: HỒNG NHUNG Ảnh: ĐVCC Đồ họa: HN |