e magazine
04/11/2020 09:25
Cần đẩy mạnh phát triển trường mầm non trong khu công nghiệp

04/11/2020 09:25

Nhu cầu gửi con của công nhân và người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên cả nước hiện nay rất lớn. Thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng trường mầm non công lập phục vụ riêng con công nhân lao động. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên số trường mầm non công lập ở những khu vực này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Việc tìm trường mầm non cho con vẫn là nỗi lo của không ít công nhân.

Cần đẩy mạnh phát triển trường mầm non trong khu công nghiệp

Nhu cầu gửi con của công nhân và người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên cả nước hiện nay rất lớn. Thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng trường mầm non công lập phục vụ riêng con công nhân lao động. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên số trường mầm non công lập ở những khu vực này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Việc tìm trường mầm non cho con vẫn là nỗi lo của không ít công nhân.

Cần đẩy mạnh phát triển trường mầm non trong khu công nghiệp

Thực tế khó khăn

Hơn 2 tháng nay, chị Trần Thị Hạnh (SN 1990) quê ở Yên Bái, công nhân Công ty TNHH Điện tử LingXin Việt Nam (KCN Quang Châu, Bắc Giang) phải xin nghỉ việc đưa con về quê. Vợ chồng chị đều là công nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc bấp bênh nên tổng thu nhập chỉ được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các khoản chi phí như tiền nhà trọ, điện, nước, ăn uống đã hết quá nửa, nên không thể có đủ khả năng để gửi con đi mẫu giáo.

Chị Hạnh chia sẻ: “Bé lớn nhà mình được hơn 3 tuổi, cháu nhỏ hơn 9 tháng. Vợ chồng mình cũng đã thử gửi con vào mấy cơ sở trông trẻ tư nhân nhưng ở đó chật chội, không bảo đảm an toàn, vệ sinh mà chi phí lại cao không thể trả nổi. Vậy nên hai vợ chồng mình đã thống nhất đưa con về quê và mình nghỉ việc ở nhà tự trông con”.

Cần đẩy mạnh phát triển trường mầm non trong khu công nghiệp

Hầu hết con em công nhân tại các KCN đều gửi tại những cơ sở tư nhân, dân lập, tư thục.

Cùng chung cảnh con nhỏ như chị Hạnh, cứ hết giờ làm chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty TNHH Luxshare – ICT (KCN Vân Trung, Bắc Giang) lại vội vàng qua chợ mua tạm chút thức ăn rồi về nhà chăm con gái gần 12 tháng tuổi. Bác Lê Thị Minh (Chi Lăng, Lạng Sơn), mẹ chồng chị Thanh tâm sự: “Thương con thương cháu nên tôi phải bỏ hết công việc nhà xuống đây trông cháu cho các con đi làm. Cai sữa xong tôi sẽ cho cháu về quê để tiện chăm sóc, ở dưới này tốn kém, tiêu pha cái gì cũng đắt”.

Chị Thanh cho biết: “Hai vợ chồng em cũng rất muốn gần con nhưng lương thì thấp, trường mầm non công lập thì theo quy định con em chưa đủ tuổi để gửi, mà gửi tư nhân thì nhiều tiền lắm, nên dù nhớ con cũng đành phải để ông bà đưa về quê chăm nom giúp”.

Cần đẩy mạnh phát triển trường mầm non trong khu công nghiệp
Chị Nguyễn Thị Thanh hiện đang làm công nhân tại Công ty TNHH Luxshare – ICT (KCN Vân Trung, Bắc Giang).

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều công nhân lao động gặp khó khăn trong việc chăm sóc và gửi con tại trường mầm non. Nguyên nhân chính là do nhu cầu gửi con của công nhân ở các KCN rất lớn và không ngừng tăng lên, trong khi đó để được gửi ở cơ sở mầm non công lập, trẻ lại cần phải đáp ứng quá nhiều tiêu chuẩn: Trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên; trường chỉ giữ trẻ trong giờ hành chính, không trông trẻ ngoài giờ, không trông trẻ vào ngày thứ 7.... Vậy nên, không ít công nhân lao động phải lựa chọn gửi con ở các nhóm lớp mầm non dân lập, tư thục hoặc chọn cách gửi con về quê nhờ ông bà nội – ngoại trông giúp. Thậm chí có những người lao động phải xin nghỉ việc tạm thời để ở nhà trông con.

Cần đẩy mạnh phát triển trường mầm non trong khu công nghiệp

Không phải công nhân nào cũng có đủ điều kiện để gửi con đến các cơ sở mầm non tư thục, dân lập.

Cung không đáp ứng đủ cầu

Theo số liệu thống kê, trên cả nước hiện có hơn 300 KCN và KCX tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 17 tỉnh, thành phố tập trung hơn 50 nghìn công nhân lao động. Nhu cầu cao về lao động làm việc tại các KCN dẫn đến dân số gia tăng, từ đó kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi mầm non của công nhân lao động.

Đơn cử như tại Thành phố Hà Nội hiện có 9 KCN và KCX đang hoạt động, thu hút hơn 160 nghìn lao động. Trong đó, xã Kim Chung (Đông Anh) có xấp xỉ 17 nghìn công nhân đến cư trú với hơn 2 nghìn trẻ dưới 36 tháng, gần 4 nghìn trẻ trong độ tuổi 4 - 5 tuổi. Từng có thời điểm, người dân nơi đây đã viết đơn kiến nghị phản đối việc cho con công nhân trên địa bàn theo học tại trường mầm non công lập vì lúc đó toàn xã chỉ có một trường. Hiện nay xã Kim Chung đã đầu tư, xây mới thêm một trường mầm non công lập và hai điểm trường lẻ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ vào trường công của công nhân lao động tại đây.

Cần đẩy mạnh phát triển trường mầm non trong khu công nghiệp

Để được theo học tại các cơ sở mầm non công lập, trẻ phải đủ 18 tháng tuổi.

Tại tỉnh Bắc Giang hiện có 6 KCN: Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Việt Hàn (huyện Việt Yên); Song Khê - Nội Hoàng (huyện Yên Dũng) và Hoà Phú (huyện Hiệp Hoà). Toàn tỉnh có 260 trường mầm non, nhưng chỉ có 6 trường tư thục ở KCN. Tổng số trẻ em đến 6 tuổi trên địa bàn tỉnh là hơn 180 nghìn trẻ, trong đó có khoảng hơn 21 nghìn trẻ là con của công nhân, chiếm 11,9%, do đó, nhu cầu gửi con đến trường của công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là rất lớn.

Mong muốn được gửi con vào trường mầm non công lập là nhu cầu chính đáng của công nhân lao động ở các KCN. Ngoài việc bảo đảm về các điều kiện chăm sóc trẻ thì tiền học phí, tiền ăn uống cho trẻ hàng tháng khá phù hợp với mức thu nhập của công nhân. Thế nhưng, đến nay các KCN vẫn chưa quan tâm tới việc xây dựng trường mầm non cho con công nhân. Do vậy, các trường mầm non công lập quanh các KCN đều rơi vào tình trạng quá tải.

PGS.TS Đặng Thị Lệ Xuân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá: Tại các địa phương có KCN và KCX, công nhân tập trung đông thì nhu cầu giáo dục mầm non sẽ gia tăng. Nếu địa phương không đáp ứng được thì xã hội hóa là điều cần thiết để chia sẻ bớt gánh nặng cho giáo dục mầm non công lập, góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, đặc biệt là những khu vực tập trung KCN, KCX.

Có thể thấy rằng, việc quan tâm phát triển trường mầm non trong KCN không chỉ là trách nhiệm riêng của chính quyền địa phương hay của ngành Giáo dục, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Đặc biệt, nếu các công ty, doanh nghiệp xây dựng trường mầm non cho con công nhân sẽ là một biện pháp hiệu quả để giữ chân người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đồng thời góp phần cùng với ngành chức năng và chính quyền địa phương giải được bài toán khó về vấn đề phát triển trường mầm non công lập trong KCN hiện nay.

Bài: Hải Miên

Xem phiên bản di động