e magazine
19/09/2020 11:10
Cần đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19 tại nơi ở của người lao động

19/09/2020 11:10

Dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, rất khó xác định được mốc thời gian dịch được dập tắt. Để vừa đảm bảo sản xuất, vừa giữ được an toàn cho người lao động, không chỉ dồn nguồn lực vào những nơi điều trị, cách ly tập trung hay nhà máy, công xưởng… mà nguồn lực phòng, chống dịch cần được phân bổ đến nơi người lao động đang ở, đặc biệt là người lao động nhập cư ở các khu nhà trọ, khu dân cư tập trung.
Cần đảm bảo công tác phòng dịch Covid 19 tại nơi ở của người lao động

Dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, rất khó xác định được mốc thời gian dịch được dập tắt. Để vừa đảm bảo sản xuất, vừa giữ được an toàn cho người lao động, không chỉ dồn nguồn lực vào những nơi điều trị, cách ly tập trung hay nhà máy, công xưởng… mà nguồn lực phòng, chống dịch cần được phân bổ đến nơi người lao động đang ở, đặc biệt là người lao động nhập cư ở các khu nhà trọ, khu dân cư tập trung.

Đó là chia sẻ của chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS).

Cần đảm bảo công tác phòng dịch Covid 19 tại nơi ở của người lao động

Ở đợt bùng phát dịch thứ nhất, Chính phủ có gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đến người dân, người lao động, doanh nghiệp. Thời hạn triển khai gói hỗ trợ này đã hết. Ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ này và nên có thêm gói hỗ trợ nào khác không?

Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng: Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã hỗ trợ kịp thời khó khăn cho một số nhóm đối tượng nhất định. Tuy nhiên, với những điều khoản quá chặt chẽ, phần lớn người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19 đã không tiếp cận được, khiến cho một bộ phận người lao động lẫn doanh nghiệp khá thất vọng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường thì việc tiếp tục có gói hỗ trợ mới cho người lao động là rất cần thiết và tất nhiên phải khắc phục những quy định ngặt nghèo của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Trong đợt bùng phát dịch thứ hai này không còn giãn cách, cách ly xã hội trên cả nước nữa mà thực hiện ở từng địa phương, nơi có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Hải Dương… Như vậy, Chính phủ đang nỗ lực để vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì các hoạt động kinh tế. Khả năng là sắp tới, sẽ còn phong tỏa, giãn cách cục bộ cho nên việc hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ sử dụng ngân sách của địa phương, do các địa phương thực hiện.

Muốn vậy Chính phủ cần có cơ chế và không phải địa phương nào cũng có nguồn ngân sách “rộng rãi” để chi!

Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng: Dùng ngân sách địa phương nếu địa phương cân đối được. Một số tỉnh khó khăn như Quảng Trị thì ngân sách Trung ương hỗ trợ. Việc hỗ trợ nên tính xa hơn đó là bảo vệ người lao động an toàn trước dịch bệnh. Đó mới là điều quan trọng!

Cần đảm bảo công tác phòng dịch Covid 19 tại nơi ở của người lao động

Cụ thể như thế nào, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng: Người lao động và doanh nghiệp là một trong hai nguồn lực sản xuất chính (gồm khu vực sản xuất và khu vực nông nghiệp). Do đó, việc bảo vệ người lao động và doanh nghiệp là rất cần thiết để tạo nguồn lực phục hồi kinh tế sau dịch. Người lao động cần được ưu tiên làm sao để họ có thể vào nhà máy và sản xuất an toàn. Nơi ở của họ cũng cần được đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Nếu địa phương buộc phải giãn cách, cách ly thì vẫn phải đảm bảo doanh nghiệp được sản xuất, hoạt động, người lao động vẫn được đi làm nhưng phải tuân thủ quy trình phòng, chống dịch.

Người lao động cần được hỗ trợ trực tiếp cồn sát khuẩn, khẩu trang, họ cần được tuyên truyền, trang bị các kỹ năng tự bảo vệ và phải đảm bảo được rằng họ đã hiểu về các kỹ năng, có thể tự thực hiện, thực hiện thường xuyên, kỷ luật để bảo vệ được mình. Người lao động được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh quan trọng hơn là mỗi người được nhận một, hai triệu đồng tiền trợ cấp!

Cần đảm bảo công tác phòng dịch Covid 19 tại nơi ở của người lao động
Đảm bảo an toàn cho người lao động chính là đảm bảo cho sự phục hồi của sản xuất sau dịch Covid-19.

Các biện pháp như ông nêu ra, hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động, họ thực hiện công tác phòng dịch tương đối hiệu quả như trang bị cồn sát khuẩn, nước rửa tay, khẩu trang, tấm chắn ở nhà ăn, đo nhiệt độ cho người lao động.

Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng: Nhưng còn ở nhà trọ, ở các khu chung cư, nơi ở của người lao động thì sao? Ở đó nguy cơ cao hơn trong nhà máy. Doanh nghiệp làm tốt được công tác phòng dịch, là rất đáng biểu dương và học tập. Nhưng người lao động, ngoài thời gian ở nhà máy thì họ về nhà trọ, sinh hoạt, ăn ở, vui chơi…

Ở ngoài nhà máy lại là trách nhiệm của chính quyền. Lúc này công tác hỗ trợ người lao động phòng dịch đặt trong tay chính quyền địa phương. Do đó, rất cần chính quyền địa phương phải làm được các việc như: Tuyên truyền cho người lao động hiểu; Phải kiểm tra thường xuyên; Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; Sát khuẩn các nhà khu trọ; Cồn sát khuẩn, nước rửa tay cho gia đình.

Thế nhưng người lao động lại thích và mong muốn được nhận hỗ trợ bằng tiền mặt hơn thì sao? Họ lo lắng rằng nhận hỗ trợ bằng vật phẩm không đúng với giá trị mà đáng ra họ được nhận.

Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng: Hỗ trợ tiền mặt giúp mỗi gia đình người lao động chủ động các nhu cầu khẩn cấp như lương thực, thuốc men, chi tiêu thiết yếu là cần thiết; nhưng cũng sẽ xảy ra tình trạng họ có xu hướng ưu tiên thức ăn, thuốc men hơn là xà phòng, cồn rửa tay, khẩu trang có chất lượng. Trong khi bỏ qua những yếu tố này lại gây rủi ro sức khoẻ. Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ tiền thì rất cần thiết có các gói hỗ trợ hiện vật – trực tiếp đến gia đình/phòng trọ của người lao động; Hỗ trợ đến tổ dân phố các vật tư y tế để tẩy rửa, diệt khuẩn các khu vực chung, không gian chung.

Nếu ngân sách của địa phương eo hẹp thì kêu gọi xã hội ủng hộ các vật phẩm như xà phòng rửa tay; cồn sát khuẩn; khẩu trang để hỗ trợ trực tiếp đến từng người lao động, từng khu trọ, khu nhà ở… Còn hỗ trợ tiền mặt có thể đến từ nguồn hỗ trợ của nhà nước. Cần hài hoà và huy động được tổng hợp các nguồn; chứ không chỉ dựa đơn thuần vào nguồn tiền ngân sách.

Cần đảm bảo công tác phòng dịch Covid 19 tại nơi ở của người lao động

Hiện nay, công tác phòng, chống dịch đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, dường như đang tập trung vào bệnh viện, công tác điều trị nhiều hơn!

Việc bảo vệ người lao động và doanh nghiệp là rất cần thiết để tạo nguồn lực phục hồi kinh tế sau dịch. Người lao động cần được ưu tiên làm sao để họ có thể vào nhà máy và sản xuất an toàn. Nơi ở của họ cũng cần được đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng: Tất nhiên, tập trung vào bệnh viện, vào công tác điều trị, cách ly tập trung là cần thiết và khẩn cấp. Hiện tại, theo đánh giá thì bệnh viện đang tạm ổn. Nhưng căn cơ vẫn là địa phương, các khu nhà trọ, làm tốt công tác phòng, chống dịch ở các khu nhà ở của người lao động chính là đã góp phần ngăn được dịch từ gốc.

Như tôi đã nói, cần huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức xã hội, cá nhân đóng góp chứ không nên chỉ dựa vào ngân sách. Người Việt Nam rất giàu lòng tương thân tương ái. Chỉ cần kêu gọi và chứng minh được nguồn lực đóng góp được sử dụng minh bạch, hiệu quả, chắc chắn nhiều người dân sẽ góp sức với chính quyền.

Bài: Lê Tuyết
Đồ họa: Ngô Thụy

Xem phiên bản di động