e magazine
24/12/2020 16:35
Cần chính sách đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

24/12/2020 16:35

Ngoài hoàn thiện chính sách tiền lương và phúc lợi xã hội, Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động.

Cần chính sách đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Ngoài hoàn thiện chính sách tiền lương và phúc lợi xã hội, Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động.

Cần chính sách đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đề án “Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động giai đoạn 2020-2023 và định hướng đến năm 2030” là một trong những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 13 (khóa XII).

Vấn đề cấp thiết

Hiện nay, lực lượng lao động xã hội của nước ta đang làm việc trong các thành phần kinh tế có khoảng 54 triệu người; số lao động làm công, hưởng lương có khoảng 25 triệu người, trong đó công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp khoảng 15 triệu người. Nhìn chung CNLĐ nước ta có tuổi đời trẻ, trình độ học vấn, nghề nghiệp khá hơn trước, có khả năng tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Một số ngành nghề như dầu khí, hàng không, điện tử - tin học, bưu chính - viễn thông, xây dựng cầu, hầm, thủy điện, lắp máy... chất lượng nguồn lao động cao hơn các ngành, nghề khác. Tuy vậy, đại bộ phận CNLĐ trực tiếp sản xuất trình độ còn thấp và không đồng đều, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn hạn chế.

Đời sống CNLĐ vẫn còn nhiều khó khăn: thu nhập chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu; thiếu nhà ở, nhà trẻ, trường học; bữa ăn ca chất lượng còn thấp; làm thêm giờ vượt quá quy định, chưa có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, học tập nâng cao trình độ, tìm hiểu pháp luật. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự kết nối mạnh mẽ của Internet, trí tuệ nhân tạo, robot có thể dần sẽ thay thế lao động giản đơn, lao động trình độ thấp, ít kỹ năng, thì việc tuyên truyền, vận động CNLĐ tham gia học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống… càng trở nên cấp thiết.

Cần chính sách đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tình trạng thiếu việc làm sẽ xảy ra khi robot thay thế sức người, nhất là với một số ngành sử dụng nhân công giá rẻ.

Đề án của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 231/QĐ - TTg ngày 13/02/2015 về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020 xác định mục tiêu tổng quát là: “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để CNLĐ tại các doanh nghiệp, nhất là CNLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tích cực học tập suốt đời để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, góp phần xây dựng xã hội học tập”.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai Đề án, kết quả thống kê cho thấy, trình độ học vấn phổ thông của CNLĐ là: Tiểu học và trung học cơ sở có tỷ lệ 29%, trung học phổ thông trở lên đạt tỷ lệ 70%; về trình độ tay nghề, số công nhân có trình độ tay nghề từ bậc 1 đến bậc 4 chiếm tỷ lệ gần 70%, số công nhân có trình độ tay nghề từ bậc 5 đến bậc 7 chỉ đạt khoảng 30%.

Với trình độ thực tế của công nhân như hiện nay cùng với điều kiện khoa học công nghệ chưa đồng bộ, làm cho năng suất lao động của chúng ta thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực, kéo theo thu nhập của người lao động ở mức thấp. Và khi thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc CNLĐ phải làm thêm giờ, để đảm bảo cuộc sống, từ đó họ không có thời gian để học tập nâng cao trình độ cũng như chăm lo cho bản thân và gia đình.

Cần chính sách đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự kết nối mạnh mẽ của Internet, trí tuệ nhân tạo, robot có thể dần sẽ thay thế lao động giản đơn, lao động trình độ thấp.

Nhiệm vụ trọng tâm

Thời gian tới, “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”. Nguồn lao động dồi dào giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam. Tình trạng thiếu việc làm sẽ xảy ra khi robot thay thế sức người, nhất là với một số ngành sử dụng nhân công giá rẻ. Với điều kiện trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chính trị và tác phong công nghiệp của CNLĐ còn nhiều hạn chế, thì việc nâng cao trình độ mọi mặt cho CNLĐ vẫn là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Theo đó, cần quan tâm triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ sau:

Một là: Xây dựng và thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách về giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề, đào tạo lại nghề, phát triển nhân lực chất lượng cao, việc làm, lương tối thiểu, làm thêm giờ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… và các chính sách an sinh xã hội khác để tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích, động viên CNLĐ học tập nâng cao trình độ.

Cần chính sách đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đào tạo nghề, đào tạo lại nghề, phát triển nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng cấp bách hiện nay.

Hai là: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về học tập suốt đời của CNLĐ, để người lao động có việc làm và thu nhập bền vững. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và CNLĐ về học tập nâng cao trình độ học vấn, lý luận chính trị, hiểu biết pháp luật, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống.

Ba là: Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức và giám sát việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho CNLĐ, nhất là việc doanh nghiệp tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất hỗ trợ công nhân học tập; tổ chức hiệu quả phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thợ hàng năm nhằm khuyến khích CNLĐ tích cực hưởng ứng.

Thực hiện chủ trương xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để triển khai có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước; thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ giúp Việt Nam phát triển và hội nhập bền vững.

Cần chính sách đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Các cấp công đoàn tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm CNLĐ về học tập nâng cao trình độ.

VŨ MẠNH TIÊM

Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Xem phiên bản di động