Cán bộ công đoàn cơ sở còn thiếu thời gian và chuyên môn |
Anh Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội nói rằng, thời gian mà người sử dụng lao động dành cho Ban Chấp hành Công đoàn Công ty còn hạn chế, các hoạt động công đoàn 100% phải làm ngoài giờ. |
Đồng chí Nguyễn Phi Thường (đứng), Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội chủ trì tọa đàm “Thực trạng và giải pháp về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”, ngày 25/4. |
Thiếu thời gian và chuyên môn |
Tổ chức Công đoàn của công ty nơi anh Hoà làm việc được hình thành theo 6 phòng ban chuyên môn và 39 đơn vị sản xuất với tổng số 50 cán bộ công đoàn. 100% cán bộ công đoàn đều là công nhân lao động trực tiếp tại các dây chuyền sản xuất, kể cả… chủ tịch công đoàn. “Không ai có nghiệp vụ chuyên môn về công tác công đoàn, làm công tác công đoàn bằng lòng nhiệt huyết và kinh nghiệm, tự học hỏi lẫn nhau nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác công đoàn tại cơ sở”, anh nói. Đấy là chưa kể “thời gian dành cho hoạt động công đoàn hạn chế bởi quan điểm của ông chủ sử dụng lao động người nước ngoài là tập trung sản xuất, kinh doanh tạo ra lợi nhuận, các hoạt động công đoàn không được chú trọng”, như anh chia sẻ. |
Anh Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội. |
Hầu hết các chủ tịch công đoàn được mời phát biểu ý kiến tại toạ đàm “Thực trạng và giải pháp công tác cán bộ công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”, do LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức (ngày 25/4), đều phản ánh khó khăn do thiếu thời gian cho hoạt động công đoàn. “Cán bộ công đoàn chưa yên tâm công tác và cống hiến do kiêm nhiệm, làm công tác chuyên môn là chủ yếu, không được đào tạo cơ bản có hệ thống, thời gian cho hoạt động công đoàn quá ít, chỉ làm báo cáo, thống kê cũng hết thời gian”, anh Lê Văn Báu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận. |
Anh Lê Văn Báu (đứng), Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội. |
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội nhìn nhận, trong điều kiện còn nhiều khó khăn từ bối cảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là đại dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP Hà Nội, các Ban Chấp hành CĐCS trên địa bàn Thủ đô có nhiều hoạt động tích cực, quan tâm chăm lo ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích đoàn viên và người lao động. Tuy nhiên, ông Toản cũng chỉ rõ một số tồn tại: “Đội ngũ cán bộ CĐCS còn hạn chế về chất lượng, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, lý luận nghiệp vụ công đoàn chưa đáp ứng được nhiệm vụ; chưa am hiểu sâu về luật pháp, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động… Cán bộ công đoàn chưa được đào tạo bài bản, theo chiến lược dài hơi”. |
Chủ động học tập để đáp ứng yêu cầu |
Anh Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội cho biết, trước những khó khăn về thời gian và kỹ năng chuyên môn, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã chủ động đưa ra một số giải pháp hoạt động có hiệu quả. Trong đó có việc kiện toàn bộ máy tổ chức Công đoàn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; tranh thủ sự giúp đỡ của công đoàn ngành, chủ động mời giảng viên về đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn công ty. Còn chị Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam chia sẻ: “Khi làm cán bộ công đoàn, chúng tôi phải cần rất nhiều yếu tố, cả tâm và lực. Tâm ở đây là tâm huyết, còn lực ở đây là năng lực, kỹ năng thực hiện các công việc công đoàn. Là một cán bộ công đoàn, chúng tôi vừa phải như một luật sư, vừa phải như một người làm nhân sự, kế toán… để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Để giải quyết việc này chúng tôi tham gia các buổi tập huấn do công đoàn cấp trên thực hiện, rồi tự chủ động học tập”. |
Tọa đàm "Nâng cao kỹ năng thương lượng, đàm phán cho cán bộ CĐCS" do LĐLĐ TP Đà Nẵng phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức, ngày 9/4/2021. |
Năm 2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định rõ chủ đề công tác “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS”, trong đó chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt CĐCS, nhất là năng lực đối thoại và thương lượng tập thể, ưu tiên nội dung về tiền lương tại khu vực doanh nghiệp. Nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề năm, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra chỉ tiêu phấn đấu 100% chủ tịch CĐCS được tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, thời cơ và thách thức của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Toàn cảnh tọa đàm “Thực trạng và giải pháp về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”, ngày 25/4. Ngoài ra, phấn đấu 100% chủ tịch CĐCS ngoài khu vực Nhà nước được tập huấn, bồi dưỡng những nội dung cần thiết xoay quanh 4 nội dung cơ bản: Tiền lương và thương lượng tiền lương; thương lượng tập thể và đối thoại tại nơi làm việc; hướng dẫn chi và công khai tài chính tại CĐCS; kỹ năng tổ chức các hoạt động tại CĐCS, tham gia và giám sát thực hiện quy chế dân chủ tại các đơn vị. Chủ trương nói trên của Tổng LĐLĐ Việt Nam được thể hiện trong văn bản số 21/HD-TLĐ ngày 7/4/2021 do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải ký. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ CĐCS, từ đó thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. |
Ý YÊN |
“Trai xinh – Gái đẹp” ngày 1/5: “Thanh xuân giống như một cơn mưa rào”
Trân trọng và sống hết mình với những giây phút của tuổi thanh xuân là quan điểm sống của nhiều bạn thí sinh tham dự ... |
Vụ nữ đồng nát liệt hai chân: Gia đình và đơn vị thi công đàm phán mức bồi thường
Thông tin từ gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Nhị cho hay, vào ngày 29/4, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng phát triển ... |
CDC Hà Nội lại "đổ đốn"
Vào một ngày lễ lớn như hôm nay - Ngày Quốc tế Lao động 1/5, thật không dễ chịu chút nào khi phải nói về ... |