e magazine
28/07/2023 08:49
“Cải tiến kỹ thuật cũng là cách giữ chân người lao động”

28/07/2023 08:49

Không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, anh Hồ Thành Đạt - Kỹ sư cơ khí, Nhà máy Nhuộm, Công ty CP Dệt Gia Dụng Phong Phú, Tổng công ty CP Phong Phú quan niệm, đó là trách nhiệm của những người làm kỹ thuật, để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

“Cải tiến kỹ thuật cũng là cách giữ chân người lao động”

Không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, anh Hồ Thành Đạt - Kỹ sư cơ khí, Nhà máy Nhuộm, Công ty CP Dệt gia dụng Phong Phú, Tổng công ty CP Phong Phú quan niệm, đó là trách nhiệm của những người làm kỹ thuật, để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

“Cải tiến kỹ thuật cũng là cách giữ chân người lao động”

Anh Hồ Thành Đạt (bên trái) cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc.

Luôn thích được sáng tạo

Vinh dự là một trong 167 công nhân lao động có thành tích xuất sắc, tiêu biểu được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV, năm 2023, anh Hồ Thành Đạt rất vui vì những sáng kiến của mình được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, giúp nâng cao năng suất lao động, giá trị sản phẩm và làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.

Tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí, trường Đại học Bách Khoa TP. HCM, chàng kỹ sư trẻ Hồ Thành Đạt bắt đầu vào làm việc tại nhà máy từ năm 2012, ở vị trí công nhân kỹ thuật. Sau nhiều nỗ lực và cống hiến, anh Đạt hiện đang là Trưởng ngành Thiết bị Nhà máy, vừa làm công việc chuyên môn, vừa quản lý, đào tạo, hướng dẫn công nhân kỹ thuật vận hành thiết bị.

Công việc thường ngày của anh Đạt là quản lý kỹ thuật tất cả máy móc, thiết bị, các hệ thống động lực như khí nén, hệ thống bơm cấp nước, xử lý nước thải; đảm bảo hệ thống thiết bị được bảo trì, bảo dưỡng và hoạt động ổn định; kiểm soát dự trù chi phí vật tư phụ tùng và các hoạt động quy hoạch lắp đặt của nhà máy.

Anh được đánh giá là người tận tâm, yêu nghề và không ngại truyền hết kiến thức, kinh nghiệm với các bạn trẻ. Thích tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến thiết bị, hầu như năm nào anh Đạt cũng có những sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.

“Cải tiến kỹ thuật cũng là cách giữ chân người lao động”

Kỹ sư Hồ Thành Đạt luôn trăn trở tìm ra những giải pháp cải tiến kỹ thuật.

Sáng kiến giúp “giữ chân” người lao động

Năm 2018, sáng kiến “Hệ thống cấp hóa chất tự động cho máy nấu tẩy liên tục” của anh đã đạt giải Nhất “Lao động sáng tạo tiêu biểu” lĩnh vực Sợi – Dệt – Nhuộm do Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam ký.

Xuất phát từ thực tế, việc cấp hóa chất cho máy nấu tẩy diễn ra theo quy trình rất thủ công: Công nhân bào chế nhận thông tin báo hết hóa chất từ công nhân vận hành, sau đó tiến hành bào chế chiết rót hóa chất thủ công, đưa lên xe và vận chuyển ra máy. Đồng thời, công nhân vận hành pha chế thủ công tại máy, rồi bơm hóa chất vào hệ thống cấp của máy, theo dõi và thực hiện lại quy trình khi hết hóa chất.

Chính vì liên tục tiếp xúc trực tiếp với hóa chất nên nhiều công nhân ở bộ phận này xin nghỉ việc do lo ngại tác hại của hóa chất tới sức khỏe. Trước hiện trạng đó, anh Đạt suy nghĩ, cần phải tìm ra một giải pháp cải tiến quy trình cung cấp hóa chất này, để cải thiện điều kiện làm việc, cơ giới hóa, và hơn hết là giữ chân người lao động (NLĐ).

“Cải tiến kỹ thuật cũng là cách giữ chân người lao động”

Anh Đạt (đứng giữa, hàng đầu) nhận giải Nhất “Lao động sáng tạo tiêu biểu” năm 2018.

Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, anh Đạt và cộng sự đã chế tạo thành công Hệ thống tự pha cấp hóa chất bằng đường ống ra máy với các chức năng: Tự cấp và định lượng nước và hóa chất chính; Hệ thống đường ống truyền dẫn trực tiếp ra máy; Tự động cấp bù khi máy hết hóa chất. Lúc này, toàn bộ công việc pha chế, chiết rót, vận chuyển hóa chất thủ công trước kia được thay thế hoàn toàn bằng máy, người công nhân chỉ cần bấm nút để điều khiển.

Sáng kiến này đã tiết kiệm được 1 lao động/ca, tương đương với giảm chi phí 300 triệu đồng/năm. “Quan trọng hơn là giúp NLĐ yên tâm làm việc trong môi trường an toàn và gắn bó lâu dài với nhà máy. Ổn định lao động là một trong những yếu tố giúp nhà máy hoạt động hiệu quả hơn”, anh Đạt chia sẻ.

Cải tiến từ nguồn lực sẵn có

Không ngừng nghiên cứu để hạn chế bất cập trong sản xuất, anh Đạt tiếp tục hoàn thiện sáng kiến “Cải tạo họng phun máy nhuộm thí nghiệm”. Sáng kiến này đã đạt giải Nhì “Lao động sáng tạo tiêu biểu năm 2019”.

Các loại khăn là mặt hàng sản xuất chủ đạo của Công ty CP Dệt gia dụng Phong Phú. Anh Đạt cho biết: “Với mặt hàng này, mỗi khách hàng lại đặt một màu khác nhau nên mình phải thí nghiệm trước để điều chỉnh công thức màu cho đúng. Vì vậy, cần máy thí nghiệm, chính là mô phỏng máy lớn nhưng thu nhỏ lại với cùng nguyên lý hoạt đông. Nhưng khi thu nhỏ lại thì hệ thống họng phun của máy rất khó để khăn đi qua được. Trên thị trường, đối với máy nhuộm thí nghiệm nhỏ thì rất khó tìm kiếm được máy có đường kính họng phun lớn phù hợp với mặt hàng khăn. Bởi vì khăn vốn dày và cũng không nhiều công ty sản xuất”.

“Cải tiến kỹ thuật cũng là cách giữ chân người lao động”

Không chỉ làm tốt chuyên môn, anh Đạt (bên trái) luôn nhiệt tình chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cùng đồng nghiệp.

Máy nhuộm hiện có của nhà máy chỉ có thể nhuộm vải, không thể sử dụng để nhuộm khăn. Để thử màu nhuộm, nhà máy sẽ chạy trên một máy khác là máy nhuộm guồng, với nguyên tắc nhuộm lại không như máy đại trà (không có họng phun), tức là không đồng dạng với máy nhuộm lớn. Do đó, để đạt màu chuẩn mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu phải đặt máy thí nghiệm cho mặt hàng khăn thì chi phí lên tới 1-2 tỷ đồng.

Thực tế khó khăn đó khiến anh Đạt luôn trăn trở tìm giải pháp tháo gỡ. Cuối cùng, anh quyết định tháo họng phun của máy nhuộm hiện có, thiết kế một hệ thống họng phun lớn hơn. Họng phun cũ có cấu tạo hình chữ nhật, anh Đạt thay thế thành hình tròn. Lúc này, tổng diện tích tiết diện sẽ tăng gấp đôi. Sau đó, anh chế tạo họng phun đó có vị trí tiếp xúc vừa với máy, và cho chạy thử nghiệm, kết quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra: Máy hoạt động tốt đối với khăn nặng từ 200-400g.

Sáng kiến này được áp dụng đại trà tại 3 nhà máy hiện có của Công ty, giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian, và mang lại giá trị làm lợi trên 1 tỷ đồng.

“Không phải vì phần thưởng, tôi suy nghĩ rất đơn giản, cải tiến những vấn đề của nhà máy là trách nhiệm của cá nhân tôi và những anh em kỹ thuật khác. Bởi vì, chi phí dành cho năng lượng đã tăng lên rất nhiều (như năm 2022 tăng lên 30%), nếu mình không có những sáng kiến để tiết kiệm thì chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng cao, không cạnh tranh được trên thị trường, ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của NLĐ, tất nhiên trong đó cũng có tôi”, anh Hải bộc bạch.

Không chỉ thế, cải tiến thiết bị cũng giúp NLĐ vận hành nhẹ nhàng hơn, dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng lao động. Xuất phát từ những mong muốn rất căn cơ như thế, anh Đạt luôn trăn trở làm sao để tạo ra nhiều sáng kiến mới góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty, giúp NLĐ ổn định cuộc sống, công việc, gắn bó dài lâu với công ty.

“Cải tiến kỹ thuật cũng là cách giữ chân người lao động”

Anh Đạt (ngoài cùng, bên phải) nhận Bằng khen đoàn viên, công nhân lao động tiêu biểu ngành Dệt May năm 2019.

Bài viết: HỒNG NHUNG

Ảnh: NVCC

Xem phiên bản di động