Anh Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn Công ty Prime Vĩnh Phúc (ngoài cùng, bên trái) trao quà sinh nhật cho công nhân lao động.
|
Đam mê sản xuất, nỗ lực vượt khó để trở thành một công nhân giỏi, một người quản đốc tâm huyết, nhưng khi “duyên” công đoàn đến, anh Bình vui vẻ đón nhận và không ngừng cố gắng hoàn thiện mình. |
Làm Chủ tịch Công đoàn như một cơ duyên Tập đoàn Prime thành lập năm 1999, thì đến năm 2001, anh Bình gia nhập Công ty Rime Vĩnh Phúc. Ban đầu anh làm công nhân ở xưởng, 3 năm sau anh được phân công làm Tổ trưởng, 3 năm sau nữa (năm 2007) thì được bố trí làm Quản đốc phân xưởng. Đối với anh, đam mê sản xuất luôn cháy bỏng. Anh luôn thích tìm hiểu sự vận hành của máy móc, thiết bị để làm chủ công nghệ, tự học để tích lũy kinh nghiệm và tìm cách cải tiến để nâng cao hiệu suất lao động. Năm 2011, có một sự cố xảy ra. Một nhóm công nhân tổ chức ngừng việc tập thể do bức xúc liên quan đến chế độ chính sách. Khi đó, Chủ tịch Công đoàn đồng thời cũng là Phó Giám đốc Công ty nên rất bận rộn. Sau khi sự cố giải quyết ổn thỏa, Ban Giám đốc họp bàn và quyết định cử một người làm công đoàn chuyên trách để chăm lo cho người lao động và để không xảy ra tình trạng tương tự. “Thế là Ban Giám đốc gọi tôi lên giao nhiệm vụ. Qua bầu cử công khai trong số ủy viên BCH Công đoàn (khi đó tôi đã tham gia Ban chấp hành Công đoàn), tôi được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Công đoàn. Và từ đó đến nay, đã trải qua 3 nhiệm kì Đại hội, tôi vẫn ở vị trí này!”, anh Bình dí dỏm kể. Mặc dù rất đam mê sản xuất, nhưng khi được Ban lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ, anh Bình cũng vui vẻ nhận lời. Đối với anh, nhiệm vụ nào cũng là nhiệm vụ, cần phải nỗ lực hết sức để hoàn thành. |
Anh Bình, thứ ba, từ trái, trong buổi quyên góp ủng hộ quỹ "Vòng tay nhân ái" của Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc nhân dịp đầu năm mới 2023. |
“Lúc đầu rất khó khăn, công nhân thời đó chưa có hiểu biết về chế độ chính sách, quyền lợi của bản thân. Tôi cũng như vậy, ngoài ra còn phải tự tìm hiểu, học hỏi về công đoàn rất nhiều, vì tôi chưa từng được đào tạo liên quan đến công tác công đoàn”, anh Bình nhớ lại. Vốn dĩ hồi còn ở xưởng, anh là người hay kiến nghị, đề xuất về quyền lợi của anh em. Hồi đó, có khoảng cách giữa lãnh đạo và công nhân sản xuất. Công nghệ thời đó cũng không phổ biến như bây giờ, chủ yếu là qua các buổi họp, nên hầu hết cuộc họp nào được tham gia, anh Bình cũng phát biểu đòi quyền lợi. Anh Bình chia sẻ: “Hồi còn làm quản đốc tôi cũng rất quan tâm đến anh em. Tôi đi rất nhiều, nay đi nhà này, mai đến nhà khác, chơi rồi hỏi thăm anh em. Hồi đó, các hoạt động phong trào chưa nhiều nên chủ yếu là tự phát. Có lẽ vì những lý do trên mà Ban lãnh đạo thấy tôi phù hợp với vai trò Chủ tịch Công đoàn”. Lúc mới nhận nhiệm vụ, anh cũng gặp chút trở ngại bởi vì không nhiều công nhân biết đến. “Vì thế, sự quan tâm của tôi rộng rãi hơn, tôi tổ chức nhiều các hoạt động phong trào, văn hóa văn nghệ, thể thao để giúp kết nối mọi người với nhau”, anh nói. Nhớ lại hồi đó, do Công ty giai đoạn đầu mới thành lập, tuyển công nhân trẻ, đến tuổi xây dựng gia đình, nên có những ngày anh Bình đi dự 2-3 đám cưới. Rồi cả những việc chăm lo khác cho đoàn viên như lúc ốm đau, hoạn nạn, nhà có đám hiếu… việc gì anh cũng nhiệt tình. Không những phải đi nhiều, mà anh Bình còn phải đi rất xa, bởi vì hồi đó công nghiệp chưa phát triển, công nhân mọi nơi tụ hội về, Nghệ An, Thanh Hóa, vùng cao, hầu như tỉnh nào cũng có. |
Những kỷ niệm đáng nhớ Anh Bình vẫn nhớ như in một lần suýt chết! Đó là chuyến đi dự đám hiếu của gia đình công nhân ở huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, đường sá khó khăn. Cả đoàn đi từ 8 giờ sáng, không kịp ăn trưa mong đến kịp giờ viếng. Vậy mà cũng phải 4 giờ chiều mới tới nơi, không kịp đặt vòng hoa viếng, vì phong tục tập quán địa phương là chôn cất trong 24 giờ… “Lúc quay trở ra, cả đoàn dừng lại ăn tối ở thành phố Thanh Hóa, lúc đó cũng tầm 8-9 giờ tối. Ăn xong, tôi mới hỏi cậu lái xe “đi về thì em có đảm bảo an toàn hay không?”, “Anh yên tâm, em đi được, em có bảo bối đây rồi” – đó là chai nước chè đặc để chống buồn ngủ. Tầm 12 giờ đêm, đến đoạn Ninh Bình, cậu lái xe buồn ngủ, ngủ gật, phi xe thẳng sang bên kia đường mới tỉnh ngủ. Cũng may kịp phanh xe dừng lại ngay trước dải phân cách. Sau lần suýt chết đó, lần sau đi nơi nào xa tôi ngủ lại, không dám về ngay trong đêm nữa!”, anh Bình vẫn còn hồi hộp khi kể lại. Một kỷ niệm “cười ra nước mắt” khác mà anh Bình vẫn còn nhớ: Có một bạn công nhân mới vào làm chưa đầy tháng, khi có việc muốn xin nghỉ lại sợ Công ty không cho, nên bạn đã lấy đại một lý do mà theo bạn là đủ sức thuyết phục - bố chồng mất! Vậy là anh Bình hỏi địa chỉ nhà bố chồng bạn ở Nghệ An, chuẩn bị vòng hoa viếng chu đáo. “Lúc gần đến nhà thì thấy nhà im ắng quá, sinh nghi, chúng tôi để vòng hoa trên xe, xuống hỏi thăm thì thấy ông bố chồng bạn đó đang ngồi ngay trước nhà! Cực chẳng đã, vòng hoa đành bỏ, chúng tôi quay về…”. |
- "Hạn chế của tôi là chưa được đào tạo để làm công đoàn. Lúc đầu, mọi thứ tôi làm theo bản năng. Xuất phát điểm từ công nhân nên tôi thấu hiểu đời sống và tâm tư của công nhân. Tôi biết họ cần gì, mong muốn gì, khó khăn ở đâu để đáp ứng cho họ, giúp họ ngày càng gắn kết với nhau hơn và hoàn thiện bản thân mình hơn". Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Văn Bình (ở giữa) trong lần thăm hỏi công nhân lao động bị tai nạn rủi ro. Sau lần đó, anh Bình làm công tác tư tưởng với các bạn công nhân mới, rằng Công ty không khó khăn gì chuyện xin nghỉ, nếu các bạn thật sự có việc… và đối với công đoàn thì không phân biệt người mới hay người có thâm niên, mà ai cũng như ai, nếu gia đình có việc hiếu, hỉ, công đoàn đều quan tâm như nhau… Công nhân thời đó trình độ nhận thức và hiểu biết cùng còn nhiều hạn chế, nên anh Bình cùng các bạn trong BCH Công đoàn tích cực phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, hiểu biết về nội quy, cũng như truyền thống, văn hóa của công ty để các bạn nhanh chóng hòa nhập và xây dựng Công ty là một tập thể đoàn kết, yêu thương nhau… |
Ấu thơ gian khó và tổ ấm yêu thương Bố mẹ anh Bình lấy nhau muộn, chưa kịp có con thì bố anh đi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bị thương mất một chân, rồi cụ bị bắt làm tù binh ở Nhà tù Côn Đảo. Mãi đến năm 1972 theo Hiệp định Paris, hai bên tiến hành trao trả tù binh thì bố anh mới được trở về. Khi đó, một mắt ông bị hỏng, một mắt mờ gần như không nhìn thấy… “Mặc cảm bản thân, và cũng đi quá lâu không biết vợ ở nhà có chờ đợi mình hay không nên bố tôi không về nhà, mà ở lại Nhà dưỡng thương. Nhưng mẹ tôi vẫn chờ đợi bố, nghe tin trao trả tù binh, không biết chồng mình sống chết ra sao, bà vẫn quyết tìm ông cho bằng được. Mẹ tôi bắt tàu đi ngược xuôi khắp nơi tìm từng trại thương binh, cuối cùng đã tìm được bố, đưa bố trở về. Lúc đó, ông bà ngoại tôi cho đất làm nhà, bố mẹ tôi bắt đầu xây dựng cuộc sống mới, rồi lần lượt 4 chị em tôi ra đời, tôi là áp út. Ngày đó nhà tôi nghèo lắm. Vì bố là thương binh, mẹ thì sức yếu, nuôi được 4 anh em là một sự nỗ lực phi thường. Tôi còn nhớ, hồi bé ăn cơm độn quanh năm, có lúc cũng chẳng có gì mà độn nữa… Cả năm anh chị em tôi không biết đến tấm áo mới, quần áo toàn do mẹ đi xin về… Tôi vẫn còn nhớ năm tôi 6 tuổi, được bố mua cho một con bò, thế là tôi được đi chăn bò từ đó. Ra đồng, lũ trẻ chăn bò chúng tôi rủ nhau ăn chuột, châu chấu, ếch, nhái... bắt được con gì là nướng lên ăn với nhau. Rồi đi bới trộm khoai lang, chỉ mài vào cỏ cho sạch đất rồi cả bọn ăn sống ngon lành…” Giờ kể lại những câu chuyện đó hiếm có người tin là sự thật, nhưng những năm tháng thơ ấu gian khó đã hun đúc trong anh Bình ý chí vượt khó, quyết tâm thoát nghèo, và cũng đồng cảm với người nghèo. Chứng kiến nhiều gia cảnh éo le của công nhân, anh như thấy mình của ngày xưa, nên tìm mọi cách giúp đỡ họ, mong họ có thêm động lực vượt qua nghịch cảnh… |
Những năm tháng thơ ấu gian khó đã hun đúc trong anh Bình ý chí vượt khó, quyết tâm thoát nghèo, và cũng đồng cảm với người nghèo. Chứng kiến nhiều gia cảnh éo le của công nhân, anh như thấy mình của ngày xưa, nên tìm mọi cách giúp đỡ họ, mong họ có thêm động lực vượt qua nghịch cảnh… Lễ Kết nạp đoàn viên mới và chương trình tặng mũ bảo hiểm cho đoàn viên mới do Công đoàn Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc tổ chức (Anh Bình đứng ngoài cùng, bên phải). Vì đặc thù công việc, anh Bình hầu như không có ngày nghỉ cuối tuần. Các con anh ngày một lớn hơn, nhất là con gái đầu năm nay học lớp 9, cần được quan tâm nhiều hơn. “Thấy con học hành bài vở suốt ngày, tâm sinh lý cũng có nhiều thay đổi, tôi rất thương con, nhưng thời gian eo hẹp, lại lệch múi giờ với con nên có ngày hai bố con không kịp trò chuyện”, anh Bình bùi ngùi. Con trai út chưa đầy 2 tuổi, đang cần sự chăm sóc, nâng niu mỗi ngày, nhưng anh Bình cũng không có có nhiều thời gian chơi với con. Gần như một mình vợ anh quán xuyến mọi việc, vừa đi làm vừa chăm sóc, nuôi dạy con. “Hiếm lắm mới có ngày trọn vẹn bên vợ con, tôi thường cố gắng bù đắp cho vợ con, từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp… không việc gì tôi nề hà. Khi có dịp, tôi đưa vợ con đi chơi, đi du lịch thăm thú đây đó. Cũng may mắn, vợ tôi hiểu và thông cảm với công việc của tôi, nên không khí gia đình luôn vui vẻ, đầm ấm”, anh Bình bộc bạch. Đối với anh, gia đình là hai chữ thiêng liêng. Dù công việc bộn bề, vất vả đến mấy thì khi trở về, được nghe tiếng cười con trẻ, được nhìn thấy vợ con mình mạnh khỏe, vui vẻ là mọi mệt nhọc tan biến. Gia đình luôn là hậu phương vững chắc để anh yên tâm làm việc, tận tâm với công tác công đoàn, để chăm lo cho người lao động có cuộc sống ngày một tốt hơn. |
Anh Nguyễn Văn Bình bên gia đình nhỏ của mình. |
Bài viết: HỒNG NHUNG Ảnh: NVCC |