e magazine
02/01/2022 17:50
Cách ứng xử với người lao động quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp

02/01/2022 17:50

Dịch bệnh lần thứ 4 đã khiến doanh nghiệp và người lao động ngành Dệt May, Da giày lao đao. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia về quan hệ lao động, cách ứng xử của doanh nghiệp khi người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất sẽ quyết định khả năng phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cách ứng xử với người lao động quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch

Cách ứng xử với người lao động quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến doanh nghiệp và người lao động ngành Dệt May, Da giày lao đao. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia về quan hệ lao động, cách ứng xử của doanh nghiệp khi công nhân lao động khó khăn nhất sẽ quyết định khả năng phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Viện Công nhân và Công đoàn đã nghiên cứu tác động của Covid-19 đến việc làm và đời sống của người lao động ngành Dệt May, Da giày tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai, ở các loại hình doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI.

Trong số 2.100 mẫu khảo sát, có tới 94% người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (trong đó 60,6% phải ngừng việc; 6,3% làm việc luân phiên).

81% số người tham gia khảo sát bị giảm 50% tiền thưởng; trên 70% người lao động bị giảm hơn 50% tiền phụ cấp, trợ cấp, tiền làm thêm giờ; trên 46% lao động bị giảm hơn một nửa tiền lương.

Người lao động còn phải gánh chịu chi phí cách ly, giá cả mặt hàng thiết yếu tăng, tiền điện, nước và chi phí phục vụ học tập của con. Người lao động phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, sử dụng đến tiền tiết kiệm hoặc vay mượn, thậm chí vay tín dụng đen. Kèm theo đó là tâm lý lo lắng, sợ hãi vì mất việc, nhiễm bệnh và khó khăn trong tương lai.

TÁC ĐỘNG NẶNG NỀ

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ người lao động đã được nhận hỗ trợ từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, các gói hỗ trợ của địa phương, của doanh nghiệp… Phần lớn người lao động đang chờ nhận hỗ trợ hoặc chưa tiếp cận được thông tin về các gói hỗ trợ.

Minh họa về tác động của dịch Covid-19 đối với người lao động, Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 (từ tháng 4 đến tháng 10/2021) khiến đứt gãy một phần chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp thiếu lao động, một số doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc 30 – 45 ngày, nghỉ việc luân phiên.

Cách ứng xử với người lao động quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịchCông đoàn cơ sở thành viên Công ty Cổ phần Dệt May Huế phối hợp tổ chức tặng quà đoàn viên, người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Cả ngành Dệt May ước tính có gần 1 triệu lao động nghỉ việc, ngừng việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, thu nhập giảm sút…

Tại các doanh nghiệp có công đoàn trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam, 60 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hơn 7.000 người lao động nhiễm bệnh, 35.023 người lao động phải ngừng việc từ 2 đến 5 tháng do phải thực hiện các biện pháp cách ly, sống trong vùng phong tỏa, dẫn đến thu nhập giảm sút.

doanh nghiệp không hỗ trợ người lao động đã mất đi 25 – 50% công nhân

Theo TS. Đỗ Quỳnh Chi - Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khả năng phục hồi của ngành Dệt May phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của doanh nghiệp với người lao động khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất.

Mặc dầu sau đại dịch Covid-19, xuất khẩu dệt may xơ sợi năm 2021 tăng trở lại nhưng khó khăn, thách thức trong năm 2022 còn rất lớn. Lý do là dịch bệnh lan ra 63/63 tỉnh, thành phố khiến tỉ lệ công nhân mắc bệnh cao.

Quy định về giãn cách của một số địa phương khiến người lao động chưa trở lại làm việc như bình thường. Doanh nghiệp không dám nhận nhiều đơn hàng do sợ trễ, phải bồi thường, nhãn hàng khó đảm bảo kế hoạch giao hàng theo mùa. Các thị trường lớn phục hồi dần nhưng rất nhạy cảm về giá…

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, từ ngày 15/7 đến ngày 1/10/2021, có tới 65,3% doanh nghiệp trong nước và 36,4% doanh nghiệp (ở địa phương áp dụng Chỉ thị 16) phải ngừng hoạt động, có tới 74% người lao động phải ngừng việc. Sau một tháng, 66% người lao động không nhận được khoản tiền lương nào từ doanh nghiệp, 63,8% người lao động chỉ được thông báo về lương ngừng việc.

Một bộ phận người lao động đã về quê ngay sau ngày 1/10/2021 và chưa trở lại. Một bộ phận lao động sẽ tiếp tục về quê nếu dịch bệnh kéo dài ở các tỉnh miền Nam. Trong khi đó, các tỉnh mới phát triển (miền Bắc, miền Trung) đang có chính sách tăng lương và ưu đãi để thu hút lao động dịch chuyển về quê.

Kết quả khảo sát chỉ ra rất rõ ràng, những doanh nghiệp có trả lương và hỗ trợ người lao động trong thời gian giãn cách xã hội đã phục hồi trên 80% lao động chỉ trong hơn một tháng. Còn các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc không hỗ trợ người lao động ngừng việc đã mất đi 25 – 50% công nhân.

Hiện nay, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng với yêu cầu của các nhà mua hàng: Coi trọng thực hành bền vững (đặc biệt là về lao động) và lưu ý việc hỗ trợ người lao động khó khăn, tuân thủ quyền lao động, đối thoại với người lao động.

83,5% nhà mua hàng cho rằng, thiếu lao động là thách thức lớn nhất với việc phục hồi chuỗi cung ứng sau dịch bệnh. Và những rủi ro, vi phạm pháp luật lao động do tăng ca quá nhiều để giải quyết các đơn hàng dồn từ thời điểm giãn cách, vấn đề an toàn lao động, không đối thoại với người lao động, quản lý áp đặt dễ sinh ra tranh chấp đang là một khó khăn mà doanh nghiệp phải giải quyết để sớm phục hồi trở lại.

Cách ứng xử với người lao động quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Cách ứng xử với người lao động quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch

Vai trò đối thoại của Công đoàn

Chia sẻ về vai trò Công đoàn tham gia phục hồi sản xuất trong và sau đại dịch Covid-19, ông Thân Văn Vọng – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh cho biết, khi tỉnh Bắc Ninh trở thành tâm dịch, Tổng Liên đoàn và Chính phủ đều chưa có chính sách hỗ trợ người lao động, bộ máy lãnh đạo của địa phương phải tập trung cho công tác chỉ đạo chống dịch với mục tiêu “chống dịch như chống giặc”.

Công đoàn tỉnh đề xuất tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân, lao động năm 2021 với chủ đề “Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ”. Nhiều thắc mắc của người lao động đã được lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương giải quyết dứt điểm ngay tại hội nghị.

Tỉnh ủy Bắc Ninh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham gia, góp ý, đề xuất tâm huyết của Công đoàn; tri ân, chia sẻ những khó khăn đối với đoàn viên, người lao động. Với sự đồng hành của tổ chức Công đoàn, người lao động yên tâm ở lại Bắc Ninh, gắn bó với doanh nghiệp và địa phương sẵn sàng phục hồi sản xuất.

Cách ứng xử với người lao động quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch
Đối thoại có ý nghĩa quan trọng trong doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp rà soát lực lượng lao động, xây dựng các phương án lao động; tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại, thông tin giữa người sử dụng lao động, người lao động. Nhiều doanh nghiệp lớn vẫn giữ chân được lao động và sẵn sàng phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo ông Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), tính đến cuối năm 2021, tín hiệu phục hồi từ Dệt May, Da giày thể hiện qua những con số. Tuy nhiên, sự phục hồi, tăng trưởng dương của ngành Dệt May, Da giày có tỷ lệ thuận với việc làm, đời sống người lao động hay không; mức lương bình quân của công nhân và dự kiến mức thưởng Tết đã phản ánh đầy đủ các khía cạnh về công việc, cuộc sống, sinh kế của công nhân, lao động ngành Dệt May, Da giày năm 201 hay chưa?

Từ đó cũng đặt ra vấn đề vai trò của Công đoàn Việt Nam trong đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng hành Chính phủ, doanh nghiệp trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt. Cần thiết tăng cường các hoạt động đối thoại với người lao động thông qua công đoàn cơ sở trong bối cảnh mới để có thể duy trì lực lượng lao động, đảm bảo năng lực sản xuất, góp phần duy trì chuỗi cung ứng của ngành hàng.

Bà Hồ Thị Kim Ngân cho biết, trên thực tế, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, chỉ có 1 đến 2 tháng đầu doanh nghiệp chi trả được mức lương ngừng việc. Sau này không có đơn hàng hoặc không thể tiếp tục trả lương thì doanh nghiệp chuyển sang hình thức khác là phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

“Thời gian qua, Công đoàn đã đại diện người lao động thương lượng, đối thoại khẩn cấp nhằm đưa ra mức trợ cấp, ứng phó kịp thời với tình hình khó khăn trước mắt. Nhưng bối cảnh mới thích ứng linh hoạt, an toàn phòng chống dịch đòi hỏi phải đối thoại, thương lượng ở nhiều cấp, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán để giữ chân người lao động" - bà Hồ Thị Kim Ngân cho biết.

HÀ VY

Xem phiên bản di động