e magazine
23/02/2024 09:39
Cách nào để chương trình phúc lợi đến gần hơn với đoàn viên, người lao động?

23/02/2024 09:39

Ký kết hợp tác với các đối tác để cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá ưu đãi dành cho công nhân lao động là chủ trương đúng đắn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Một số ý kiến đóng góp từ thực tiễn triển khai nhằm hoàn thiện hơn chương trình, theo hướng sát thực với nhu cầu người lao động.

Cách nào để chương trình phúc lợi đến gần hơn với đoàn viên, người lao động?

Ký kết hợp tác với các đối tác để cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá ưu đãi dành cho công nhân lao động là chủ trương đúng đắn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Một số ý kiến đóng góp từ thực tiễn triển khai nhằm hoàn thiện hơn chương trình, theo hướng sát thực với nhu cầu người lao động.

Để chương trình phúc lợi đến gần hơn với người lao động
Công nhân mua sắm tại Siêu thị Công đoàn Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Bình Dương).

Chủ trương nhân văn

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, ngày 14/11/2019, Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Chương trình 1734/Ctr-TLĐ về “Nâng cao phúc lợi, lợi ích đoàn viên, người lao động giai đoạn 2019-2023”. Trong đó, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị, đối tác lớn để bán hàng giảm giá, có chất lượng cho công nhân lao động là một hoạt động được chú trọng.

Theo báo cáo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau 4 năm triển khai thực hiện, đã có khoảng 5,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hưởng lợi từ chương trình này, với số tiền khoảng 2.143 tỷ đồng, bình quân mỗi người được hưởng lợi khoảng 400.000 nghìn đồng.

Giá trị lớn nhất mà hoạt động này mang lại là đoàn viên, người lao động được giới thiệu mua những mặt hàng thiết yếu, chất lượng với giá ưu đãi, theo cách tiện lợi hơn.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Tổng LĐLĐ Việt Nam, còn nhiều thỏa thuận, chương trình hợp tác chưa mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động.

Một số nguyên nhân được chỉ ra, chẳng hạn chế độ, chính sách ưu đãi, giảm giá trong các thỏa thuận hợp tác còn ít; số lượng đoàn viên biết đến thỏa thuận hợp tác chưa nhiều; công tác truyền thông, tuyên truyền hoạt động chưa thực sự hiệu quả…

Để chương trình phúc lợi đến gần hơn với người lao động

Lễ khai trương siêu thị “Phúc lợi đoàn viên - Union Mart” tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Linh

Chọn đối tác có trọng tâm, trọng điểm

Nhìn nhận, đánh giá về các thỏa thuận hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam với các đối tác, đồng chí Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho rằng đây là một chương trình rất có ý nghĩa, là một điểm mới, cách làm sáng tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của đời sống công nhân lao động. Hoạt động này cũng được nhấn mạnh tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhằm chú trọng, đẩy mạnh hơn nữa để người lao động được thụ hưởng các giá trị vật chất bên cạnh các giá trị tinh thần vốn có.

“Tuy nhiên, chúng ta nên chọn các đối tác phúc lợi có trọng tâm, trọng điểm, không nên ký mà thiếu chọn lọc. Ngoài ra, khi triển khai nên chọn đối tác phù hợp với đơn vị thụ hưởng theo đặc thù là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hay theo đặc thù các địa phương ở hai miền Nam – Bắc….

Ví dụ, doanh nghiệp FDI thì rất ngại việc bán hàng trong công ty vì sợ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, cũng như việc mua bán thương mại hóa trong nhà máy, nên ở những doanh nghiệp này, công đoàn nên lựa chọn các chương trình phúc lợi phù hợp để tuyên truyền lồng ghép vào các hoạt động của công đoàn”, đồng chí Nguyễn Hữu Quang nêu quan điểm.

Để chương trình phúc lợi đến gần hơn với người lao động

Chương trình hợp tác với Công ty Honda Ngôi Sao Thanh Hoá về hướng dẫn lái xe an toàn và thay dầu bảo dưỡng xe miễn phí đã giúp cho 1.000 công nhân lao động Công ty TNHH Sakurai Việt Nam có phương tiện đảm bảo trên mỗi hành trình. Ảnh: CĐCC

Theo kinh nghiệm của Công đoàn Công ty Sakurai Việt Nam, để triển khai có hiệu quả các chương trình phúc lợi nên làm theo quy trình: thứ nhất, thông báo cho Ban Giám đốc để họ hiểu về ý nghĩa đối với người lao động, từ đó nhận được sự đồng tình, thống nhất trong việc triển khai; thứ hai, lựa chọn những đối tác thực sự có chất lượng, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực cho công nhân lao động. Chẳng hạn: Ngân hàng Vietcombank (cho vay lãi suất ưu đãi), Honda (thay dầu máy miễn phí, mua xe trả góp, mua xe giảm giá…), Mobiphone, Vinaphone (tặng sim, giảm giá cước cho người lao động), Bệnh viện Medlatec (khám chữa bệnh cho người lao động)…

Chủ tịch Công đoàn Công ty Sakurai nói, thực tế khi triển khai một số doanh nghiệp đối tác chưa làm đúng cam kết về giá và chất lượng sản phẩm, đã nhận những băn khoăn từ người lao động, chẳng hạn các gói vay ưu đãi với lãi suất cao hơn trong thỏa thuận, thậm chí cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường…

Điều đồng chí Nguyễn Hữu Quang e ngại là người lao động hiểu sai về chương trình và về cán bộ công đoàn: “Nếu chúng ta triển khai không đúng cách, không khéo léo thì vô hình chung công đoàn lại là người đi bán hàng, có thương mại hóa hoặc có lợi ích gì ở đây, khiến người lao động hiểu sai bản chất, ý nghĩa của chương trình”.

“Chính vì thế, tiêu chí để Ban Chấp hành Công đoàn Công ty Sakurai lựa chọn đối tác phúc lợi là: không lợi nhuận hóa, công đoàn không làm thay cho nhà cung cấp mà chỉ tuyên truyền đến tất cả người lao động để họ biết đến những sản phẩm, dịch vụ tốt”, đồng chí Nguyễn Hữu Quang chia sẻ thêm.

Video: Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam luôn đồng hành cùng người lao động trong các chương trình phúc lợi.

Khảo sát kỹ nhu cầu công nhân

“Về chủ trương, LĐLĐ tỉnh Bình Dương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Liên đoàn. Trên cơ sở đó, Bình Dương trực tiếp lựa chọn và ký kết với các đối tác dựa trên thực tế địa phương”, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương – Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết.

Những đơn vị đối tác mà LĐLĐ tỉnh Bình Dương chọn là doanh nghiệp gần gũi với địa phương, cung cấp sản phẩm thông dụng trên địa bàn, đã được người tiêu dùng chấp nhận. LĐLĐ tỉnh có đủ cơ sở để kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như đánh giá uy tín doanh nghiệp trên địa bàn, thông qua khảo sát nhu cầu thực tế của công nhân lao động.

Để chương trình phúc lợi đến gần hơn với người lao động

Công nhân lao động tham gia mua sắm tại các gian hàng phúc lợi do LĐLĐ tỉnh Bình Dương tổ chức. Ảnh: CĐCC

Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam nên ký biên bản ghi nhớ chung với đối tác, sau đó từng đơn vị (công đoàn ngành, địa phương) sẽ có thỏa thuận dựa trên điều kiện thực tế. Có như thế mới đúng và trúng với nhu cầu của người lao động ở từng địa phương, từng đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu ý kiến, Tổng Liên đoàn ký thỏa thuận hợp tác với những đối tác có thể phù hợp với công đoàn cơ sở phía Bắc, nhưng chưa phù hợp với địa bàn phía Nam. Chẳng hạn việc ký kết hợp tác với các tập đoàn cung cấp thực phẩm ở phía Bắc thì không khả thi để họ vận chuyển hàng vào trong các tỉnh phía Nam vì chi phí lớn, sẽ không đảm bảo được mức giá ưu đãi cho công nhân lao động.

“Chúng tôi lựa chọn rất kỹ các đối tác, cần đánh giá độ uy tín, mức ảnh hưởng ngoài xã hội của họ. Đặc biệt với đối tác lĩnh vực tài chính thì các yếu tố này lại cần chú trọng hơn, uy tín trên thị trường sẽ giúp người lao động yên tâm sử dụng dịch vụ…”, đồng chí Trân nói thêm.

"Việc lựa chọn chủng loại hàng cũng rất quan trọng. Ví dụ, có một giai đoạn các nhãn hàng phúc lợi cung cấp mặt hàng sữa quá nhiều, gây cảm giác “bội thực”. Trong khi đó, với công nhân lao động thì nếu để lựa chọn, họ sẽ ưu tiên chai nước mắm để cả nhà dùng chứ không chọn sữa để bồi bổ sức khỏe. Chưa kể, một số đối tác đưa ra giá quá thấp đến mức khiến công nhân nghi ngờ. Cụ thể, giá thị trường đang là 300.000/lon sữa 450 gram, nhưng khi bán cho công nhân thì chỉ 99.000 đồng. Rất nhiều công nhân lao động đã đặt câu hỏi cho chúng tôi “bên nào mới đáng tin đây?”, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương nêu.

"Mua hàng hóa ở siêu thị công đoàn rất thuận tiện, mình có thể mua những mặt hàng cần thiết phục vụ cho gia đình, giá cả lại rẻ hơn so với các cửa hàng tiện ích bên ngoài. Tuy nhiên, tôi chỉ có một góp ý là nên chọn lựa những thương hiệu đã có uy tín và quen thuộc với người tiêu dùng. Bởi vì, công nhân lao động không chỉ chú trọng yếu tố giá rẻ mà cũng cần tên tuổi sản phẩm đó nữa”, chị Hoan - phụ trách nhân sự Công Ty TNHH Shyang Hung Cheng (Bình Dương) nêu ý kiến.

Tại buổi Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình ký kết phúc lợi vì lợi ích đoàn viên” ngày 25/5/2022, do LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh tổ chức, đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh cho rằng, các đơn vị phúc lợi cần đảm bảo về vấn đề vệ sinh và chất lượng sản phẩm, tránh hàng nhái, hàng giả. Đặc biệt, khi đã công bố hàng phúc lợi được hỗ trợ giá thì giá của sản phẩm phải rẻ hơn so với giá thị trường. Tránh trường hợp như ở Từ Sơn, có đơn vị khi triển khai chương trình phúc lợi nói là có ưu đãi, nhưng thực tế tới tay người lao động lại đắt hơn giá thị trường.

Triển khai linh hoạt, sáng tạo

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Bình Dương – Nguyễn Hoàng Bảo Trân, các đối tác phúc lợi rất muốn sản phẩm được phủ khắp trên địa bàn thông qua các “Siêu thị di động”. Tuy nhiên, khi triển khai có chỗ bị vướng: mỗi đối tác chỉ cung cấp vài mặt hàng, nếu đi chung với nhau thì rất khó quản lý. Vì vậy, ý tưởng này vẫn chưa triển khai được.

Năm 2024, LĐLĐ Bình Dương dự kiến sẽ ký kết với những đối tác lớn để triển khai mô hình “Siêu thị di động”, “Chợ công đoàn di động”, di chuyển đến các khu công nghiệp theo lịch trình cụ thể trên tinh thần bao phủ toàn địa bàn tỉnh.

“Thay vì đi qua các khâu trung gian thì khi ký kết hợp tác với công đoàn, sản phẩm sẽ đến tận tay người lao động, chi phí cho các khâu trung gian sẽ đưa vào mức giảm giá. Họ không tốn tiền mặt bằng, chỉ tốn chi phí vận chuyển, họ có lợi, người lao động cũng được hưởng lợi”, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân phân tích.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, tại một số doanh nghiệp lớn tại địa phương như Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, Công ty TNHH Yazaki EDS VN, Công ty TNHH Sao Việt…, thay vì các nhà cung cấp đem sản phẩm đến bán cho người lao động thì công đoàn đề xuất với Ban Giám đốc xây dựng Siêu thị công đoàn để tạo địa điểm cố định cho công nhân mua hàng.

Để chương trình phúc lợi đến gần hơn với người lao độngCông nhân mua hàng tại Siêu thị Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS VN. Ảnh: CĐCC

Việc mua hàng diễn ra theo quy trình: đối tác đem hàng tới công ty, công đoàn thông báo tới công nhân những mặt hàng có trong siêu thị, công nhân đăng ký đơn hàng, sau đó công đoàn sắp đơn hàng giúp công nhân, tan ca công nhân đến lấy hàng về. Đối tác dành một khoản chiết khấu để Ban Chấp hành Công đoàn đưa vào quỹ, phục vụ đoàn viên.

Vai trò của công đoàn cơ sở trong việc vận hành các Siêu thị công đoàn là rất quan trọng. Theo đồng chí Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yazaki EDS VN, trước khi mở siêu thị, công đoàn đã đi khảo sát thực tế, sau giờ tan ca công nhân lao động không có thời gian đến các chợ để mua sắm những nhu yếu phẩm để phục vụ nhu cầu hằng ngày. Hơn nữa, việc cân đối thu chi cũng là vấn đề lớn đối với người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư khi tiền nhà, tiền ăn, tiền gửi con vẫn là nỗi lo hiện hữu. Vì vậy, siêu thị luôn hoạt động 24/24h để sẵn sàng phục vụ người lao động, kể cả những lao động làm theo ca.

“Mặt bằng và điện nước phục vụ cho hoạt động của siêu thị được công ty hỗ trợ nên giá sản phẩm bán ra sẽ thấp hơn giá bán bên ngoài. Ngoài ra, công đoàn cũng đề xuất với Ban Lãnh đạo Công ty, hằng tháng tổ chức chương trình rút thăm trúng thưởng cho người lao động đến mua hàng tại siêu thị từ 100.000 đồng trở lên, tổng giá trị giải thưởng cho mỗi xưởng là 8 triệu đồng. Thông qua mô hình này giúp nâng cao hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công đoàn với người lao động, tạo sự gắn bó, tin tưởng giữa đoàn viên với tổ chức Công đoàn cơ sở và Công ty”, đồng chí Nhung cho hay.

Video: Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi từ chương trình Phúc lợi đoàn viên

Bài viết: HỒNG NHUNG

Xem phiên bản di động