Các “chiến sĩ” áo trắng miền Trung chi viện cho TP. HCM

Với tinh thần luôn sẵn sàng hướng về những điểm nóng dịch bệnh, các “chiến sĩ” áo trắng của các tỉnh, thành miền Trung đã hợp sức thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 giữa tâm dịch TP. HCM.

Thành lập tuyến cuối cho bệnh nhân Covid-19

Đoàn thầy thuốc gồm 191 y, bác sĩ tại Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình đã xuất quân để triển khai Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. HCM.

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh nhân nặng tại TP. HCM ngày càng nhiều, Bệnh viện Trung ương Huế được giao thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 có quy mô 500 giường, đặt tại số 2 đường Trường Chinh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú).

Trung tâm là tuyến cuối trong bậc thang điều trị, có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công.

Các "chiến sĩ" áo trắng của Bệnh viện C Đà Nẵng sẵn sàng hành trang hướng về tâm dịch.

Các “chiến sĩ” áo trắng miền Trung chi viện cho TP. HCM

Đoàn công tác do GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế làm Trưởng đoàn vào TP. HCM để kịp thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị y tế và triển khai có hiệu quả nhất công tác thu dung, cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực.

Trong đợt xuất quân lần thứ tư này, Bệnh viện Trung ương Huế đã điều động 91 y, bác sĩ trong hơn 400 cán bộ viết đơn tình nguyện tham gia đoàn công tác. 100 bác sĩ, điều dưỡng còn lại trong đoàn đến từ Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình).

Các y, bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia đoàn lần này đều là những người có trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm, được đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức cấp cứu.

Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng lên đường chi viện cho TP. HCM lần này gồm 50 người trong đó có 15 bác sĩ, 35 điều dưỡng và kỹ thuật viên.

Các “chiến sĩ” áo trắng miền Trung chi viện cho TP. HCM

Ngoài ra, các nhân viên y tế cũng được tập huấn bài bản các kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn, cách chăm sóc người bệnh nhiễm Covid-19 nặng, chăm sóc người bệnh thở máy; hướng dẫn tập vận động, dinh dưỡng, phục hồi chức năng cho người nhiễm Covid-19…

Việc đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực, với sự vận hành của đội ngũ y, bác sĩ đầu ngành của Trung ương và các địa phương, cùng trang thiết bị hiện đại, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị các ca F0 ở TP. HCM, giảm thiểu tối đa số ca F0 chuyển nặng, tử vong.

Mệnh lệnh từ trái tim

Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng lên đường chi viện cho TP. HCM lần này gồm 50 người trong đó có 15 bác sĩ, 35 điều dưỡng và kỹ thuật viên, chủ yếu tuổi đời còn khá trẻ. Đây là chuyến thứ 2 đoàn y, bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng được điều động tăng cường hỗ trợ các đồng nghiệp ở vùng có dịch Covid-19, trước đó đoàn tăng cường hỗ trợ Bắc Giang.

Đoàn của Bệnh viện C được Bộ Y tế giao kết hợp và nằm trong 5 bệnh viện do Bệnh viện Trung ương Huế đứng đầu thành lập bệnh viện Hồi sức cấp cứu tại quận Tân Phú, TP. HCM, để xử lý, cấp cứu những ca bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng.

Các “chiến sĩ” áo trắng miền Trung chi viện cho TP. HCM

Bác sĩ Lê Ngọc Minh Phương, Khoa Nội tiết, Bệnh viện C Đà Nẵng luôn sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu.

Trở về từ đợt chi viện cho Bắc Giang chưa lâu, bác sĩ Phan Văn Chung, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện C Đà Nẵng lại tiếp tục với hành trang để vào tâm dịch TP. HCM. Dù đã có kinh nghiệm trong lần trước, bác sĩ Chung xác định chuyến đi lần này sẽ khó khăn và gian nan hơn.

“Hiện tình hình dịch bệnh ở TP. HCM xác định là rất phức tạp, anh em xác định tự nguyện trên tinh thần “chiến đấu hết mình”, “xung phong tuyến đầu”. Thông thường các đoàn trước khoảng tầm một tháng là thay ca, nhưng vào địa bàn TP. HCM hiện tại thì có thể sẽ lâu hơn... Chưa kể chúng tôi còn chuẩn bị cả tư thế tăng cường tiếp sức cho các tỉnh phía lân cận Nam khi cần”, bác sĩ Chung cho biết.

Trước giờ lên đường, bác sĩ Lê Ngọc Minh Phương, Khoa Nội tiết, Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, luôn sẵn sàng đi bất cứ đâu vì đây cũng là mệnh lệnh từ trái tim của những người chiến sĩ áo trắng.

“Khi dịch Covid -19 bùng phát trở lại, tôi đã chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng đi bất cứ đâu vì đây vừa là trách nhiệm vừa là mệnh lệnh từ trái tim của những người chiến sĩ áo trắng. Là một công dân Việt Nam, tôi luôn nghĩ khi đất nước kêu gọi tôi sẽ luôn sẵn sàng. Đặc biệt, Đà Nẵng trải qua các đợt dịch nên tôi cũng đã có kinh nghiệm về phòng, chống dịch”, bác sĩ Phương cho biết.

Trước đó, đoàn y, bác sĩ này đã được tập huấn chi tiết về phác đồ điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19, các biện pháp phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn trong khu cách ly. Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng yêu cầu đoàn công tác, các thành viên tham gia đoàn công tác với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, tuyệt đối tuân thủ các quy định, quy trình về công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Các “chiến sĩ” áo trắng miền Trung chi viện cho TP. HCM

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng dặn dò, động viên các đồng nghiệp "phải an toàn" trong quá trình chi viện chống dịch.

“Bệnh viện C đã có rất nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn cho các em, chuẩn bị tốt nhất cho các em đi. Bệnh viện, tất cả các tổ chức liên kết cũng có những món quà hỗ trợ cho các em. Hy vọng, với những kinh nghiệm được tích lũy tại các đợt chống dịch ở Đà Nẵng, đội ngũ y, bác sĩ đơn vị sẽ phát huy hết khả năng của mình, tiếp thêm sức mạnh cùng TP. HCM chiến đấu với dịch bệnh”, bác sĩ Thiện chia sẻ.

Các “chiến sĩ” áo trắng miền Trung chi viện cho TP. HCM

Chuyến đi vào "điểm nóng" TP. HCM lần này được đánh giá là gian nan và vất vả hơn.

Bài viết, ảnh: Xuân Hậu