“Cơn bão” Covid-19 đã đẩy họ từ Sài Gòn về các tỉnh thành trong tình cảnh mất việc, không lương, không thưởng, nhiều người còn mang tiếng “bom” tiền phòng… |
Tôi đến thăm một xóm trọ vốn đã quen thân nhiều năm vào những ngày “khắp nơi râm ran thông tin thưởng Tết”. Thật buồn khi những anh chị em công nhân độc thân vui tính, những gia đình có hai thế hệ cùng làm công nhân đã không còn ở đó! "Cơn bão" Covid-19 đã buộc họ phải rời Sài Gòn trong khốn khó! |
Bị “bom” tiền phòng, chủ trọ “chỉ thấy thương chứ chẳng trách gì” |
Xóm trọ tôi quen do cô Nguyễn Thị Thành ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM làm chủ. Cô có 110 phòng trọ, đủ loại phòng mới, cũ, mặt tiền, trong hẻm. Giá thuê phòng cũng rất linh hoạt từ 900 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/phòng mỗi tháng. Mỗi phòng có thể ở tối đa 5 người. Đất Sài Gòn đắt đỏ nhất nhì cả nước nhưng cô Thành vẫn để một miếng đất rộng để làm sân chơi cho con công nhân. Một cái sân chung, kê mấy bộ ghế đá để anh chị em công nhân hóng mát, đọc báo. Một phòng sinh hoạt chung có tivi, mạng internet để công nhân lướt mạng… Cô Thành tham gia Tổ công nhân tự quản do LĐLĐ huyện Hóc Môn tổ chức. Cô có một nhóm công nhân thân thiết cùng giám sát, quản lý, đảm bảo trật tự cho người thuê trọ. Nhiều năm qua, cô hiếm khi tăng giá thuê phòng, cuối năm cô còn tổ chức tiệc tất niên, tặng quà cho công nhân. Tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi, cô Thành tổ chức tặng quà cho con em của công nhân. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, để chia sẻ với công nhân, cô giảm 50% tiền thuê phòng trong hai tháng 4 và 5 cho tất cả các phòng. |
Những ngày cận Tết, cô Thành đến từng phòng trọ tặng quà, thăm hỏi |
Sau nhiều năm không tăng giá phòng, cuối năm 2019, cô đầu tư gần 1 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo nhà trọ với ý định năm 2020 sẽ tăng thêm 10% tiền phòng. Cô bảo: “Nhưng người tính không bằng Cô Vy tính. Dịch Covid-19 đến, công nhân khó khăn quá, tôi không tăng giá phòng được mà còn giảm 50% tiền thuê phòng. Tôi coi công nhân như con cháu, khi con cháu mình khó khăn, mình nỡ lòng nào”. Ở xóm trọ của cô Thành, có người gọi cô Thành là dì Tư, có người là má Tư, con công nhân gọi cô là bà ngoại… Với những tình cảm như thế nên công nhân nào ở với cô là cứ muốn ở mãi. Cô xây phòng trọ hơn 20 năm, cũng từng ấy thời gian, nhiều gia đình công nhân ở với cô. Vậy mà đợt dịch Covid-19 vừa qua, 80% công nhân lâu năm ở xóm trọ này, như lời của cô Thành đã “bỏ má Tư, bỏ Sài Gòn về quê ráo trọi”! |
Con công nhân vui chơi ở khoảng sân cô Thành dành đất trống để làm |
Không như các chủ nhà trọ khác buộc người thuê phòng phải thế chân 1-2 tháng tiền thuê để khi công nhân bỏ đi đột ngột, làm hư hỏng đồ đạc thì trừ tiền, cô Thành không lấy tiền thế chân. Công nhân ở hết tháng thì trả tiền. Vì “chính sách không giống ai” đó mà đợt dịch Covid-19 này, nhiều người đã “bom” tiền phòng sau 1 đêm. Cô kể: “Nay nó dọn cái quạt, mai chở đi cái rổ, cái nồi. Rồi sau một đêm dọn sạch phòng. Tôi gọi điện, chẳng trách mắng, chỉ hỏi “Khó quá hả con?” rồi thôi. Mấy đứa ở với tôi bao nhiêu năm, biết tính tình chứ, đàng hoàng, tử tế chứ chẳng phải cà chớn, lừa lọc gì. Mấy đứa phải dọn đi trong tình cảnh như thế chắc phải rất khó khăn, do dịch cả, tôi chẳng trách gì, chỉ thấy thương!” |
Qua Tết tính tiếp! |
Liên lạc với một vài anh chị em công nhân đã biết nhau từ trước, hỏi lý do về quê, nhiều anh chị thở dài “Việc ít, không trụ được nên về quê thời gian. Qua Tết tính tiếp”. |
Chị Ngọc Hà, công nhân Công ty Giày Thượng Đình, là một trong những công nhân có thâm niên ở xóm trọ của cô Thành, cũng là một trong số ít công nhân còn trụ lại. Chị Hà chia sẻ, gia đình còn trụ lại Sài Gòn, trụ lại xóm trọ này vì hai đứa con đang đi học ở đây. Năm 2020 là một năm khó khăn với gia đình chị khi việc làm của hai vợ chồng đều giảm. Chị bộc bạch: “Giảm việc nhưng không mất việc. Tôi nghĩ vậy cũng là may mắn rồi”. Với tiền lương cơ bản, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị gần 10 triệu đồng, chị phải tính toán kỹ lưỡng để không phải vay mượn thêm. Chị Hà cho hay: “Một số người khác cũng giảm việc, giảm thu nhập nhưng không có lý do để cố gắng bám trụ vì con cái gửi ở quê. Một số khác thì mất việc luôn, tìm việc mới khó khăn do lớn tuổi nên cả gia đình đưa nhau về quê. Xóm trọ này hơn 100 phòng mà giờ còn chừng 20 phòng là người lâu năm, nghĩ cũng buồn chứ nhưng mà biết làm sao được. Người cũ đi thì người mới vào”. |
Nhiều gia đình công nhân lâu năm ở với cô Thành đã chọn bỏ Sài Gòn về quê vì Covid-19 |
Vợ chồng chị Bích Ngân thuê trọ ở đây gần 10 năm vừa chuyển về quê. Chị làm công nhân, chồng chị chạy xe ôm công nghệ. Liên lạc với chị qua điện thoại, giọng chị buồn buồn: “Về quê cũng không có việc, không có thu nhập chị ạ. Em rầu lắm! Em đang có con nhỏ, xin việc mới lại khó nên thôi em về quê. Ông xã em chuyển ra ở với bạn để tiết kiệm tiền phòng. Mà dịch này, chạy xe ôm cũng không có khách mấy, thu nhập giảm. Mẹ con em đang trông vào ông bà ngoại”. Ngân cho hay, ra Tết, khi con được đầy năm, Ngân sẽ lên lại Sài Gòn kiếm việc. Ngân hỏi tôi: “Qua Tết sẽ khá hơn phải không chị? Em mong thế lắm chị ơi!”. Tôi bảo Ngân: “Chị cũng mong thế em à. Ai cũng mong thế cả. Cố lên em nhé”. |
Nhiều anh chị em công nhân bày tỏ hy vọng vào một năm mới sẽ khá hơn
Lê Tuyết Đồ họa: Ngô Thụy |