e magazine
01/11/2022 09:07
Bối cảnh, yêu cầu đặt ra đối với xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

01/11/2022 09:07

Trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, quan hệ lao động ở nước ta tiếp tục đặt ra những yêu cầu phát triển mới và cao hơn.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

Quá trình hình thành và phát triển quan hệ lao động gắn liền với sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và tiến trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kể từ năm 1986 đến nay, quan hệ lao động ở nước ta không ngừng phát triển cả về nhận thức, quan điểm, chủ trương, luật pháp và trên thực tiễn.

Về luật pháp, quan hệ lao động ở nước ta lần đầu tiên được luật hóa tại Bộ luật Lao động năm 1994. Đây là khung khổ pháp lý quan trọng để quan hệ lao động phát triển theo các nguyên tắc chung của kinh tế thị trường. Kể từ đó đến nay, khung khổ pháp lý về quan hệ lao động ngày càng được hoàn thiện, phù hợp hơn với cơ chế thị trường, tiệm cận gần với với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và thông lệ chung của các nước khác trên thế giới. Trong đó, đặc biệt là các lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động vào các năm 2012 (về cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể) và năm 2019 (về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở). Sự hoàn thiện về khung khổ pháp luật lao động đã đóng góp to lớn vào sự hình thành và phát triển thị trường lao động, tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Khái quát về tình hình phát triển quan hệ lao động ở nước ta

Về thực tiễn, trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển, quan hệ lao động đã có những bước phát triển không ngừng và đạt được những kết quả quan trọng: (1) Số người tham gia quan hệ lao động không ngừng tăng lên[1]; (2) nhận thức chung của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tác xã hội về quan hệ lao động ngày càng đầy đủ hơn; (3) việc thực hiện các cơ chế hai bên như đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể ngày càng phổ biến và có xu hướng đi vào thực chất hơn; (4) tranh chấp lao động tập thể, đình công có xu hướng giảm về số lượng; (5) các thiết chế ba bên như Hội đồng Tiền lương quốc gia, Ủy ban Quan hệ lao động được thiết lập và từng bước đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bối cảnh và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

LĐLĐ tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng quan hệ lao động ở nước ta còn nhiều hạn chế: (1) Nhận thức chung về quan hệ lao động, nhất là vai trò của cơ quan nhà nước và các thiết chế khác trong trong hỗ trợ phát triển quan hệ lao động còn hạn chế; (2) vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở còn hạn chế; (3) việc thực hiện các quy định pháp luật về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể nhìn chung còn mang tính hình thức, đối phó và chưa hiệu quả; (4) các cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể được quy định trong luật như hòa giải, trọng tài chưa được phát huy trong thực tiễn, hầu hết các cuộc đình công không do công đoàn lãnh đạo và không diễn ra đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định; (5) các thiết chế ba bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là Ủy ban Quan hệ lao động chưa phát huy được vai trò và hiệu quả trong điều tiết và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Bối cảnh và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

Vào năm 2020, công nhân Công ty TNHH Luxshare-ICT Vân Trung (tỉnh Bắc Giang) đã ngừng việc tập thể do tranh chấp lao động. Ảnh: CTV

Trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, quan hệ lao động ở nước ta tiếp tục đặt ra những yêu cầu phát triển mới và cao hơn đó là: (1) Đảm bảo sự thành lập và phát huy hiệu quả của các tổ chức đại diện người lao động trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động, trong đó có các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; (2) tạo điều kiện thuận lợi để các bên trong quan hệ lao động tiến hành đối thoại, thương lượng, đưa thương lượng lượng tập thể thành cơ chế chủ đạo trong xác lập các điều kiện lao động tại nơi làm việc; (3) phát huy vai trò và sự tham gia hiệu quả của các tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động vào quá trình xây dựng, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội có liên quan đến quan hệ lao động.

Bối cảnh, tình hình và những yêu cầu đặt ra đối với xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ

Sự hình thành và phát triển của quan hệ lao động ở nước ta gắn liền với sự ra đời và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đang có nhiều thay đổi và tiếp tục đặt ra những thách thức đối với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp để điều tiết quan hệ lao động phát triển hài hòa, ổn định và tiến bộ, đòi hỏi vai trò tích cực hơn của Ủy ban Quan hệ lao động. Đó là:

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu, thách thức đối với việc hoàn thiện các cơ chế, thiết chế quan hệ lao động

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có thể chế về thị trường lao động, quan hệ lao động.

Bộ luật Lao động (2019) đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó đặc biệt là: (1) Cho phép thành lập các tổ chức đại diện mới của người lao động tại doanh nghiệp; (2) giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước vào quan hệ lao động tại nơi làm việc; thúc đẩy sự thỏa thuận, thương lượng giữa người lao động với người sử dụng lao động. Những thay đổi này sẽ đặt ra yêu cầu và thách thức mới đối với thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Theo lộ trình thực hiện cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ sớm cho phép các tổ chức của người lao động liên kết ở cấp độ ngoài doanh nghiệp. Khi đó, thương lượng tập thể, tranh chấp lao động tập thể có xu hướng phát triển, mở rộng phạm vi từ cấp độ doanh nghiệp sang nhóm doanh nghiệp, ngành. Điều này có thể dẫn tới việc phát sinh những vấn đề mới, phức tạp về quan hệ lao động, có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội. Để có thể xử lý tốt những vấn đề mới, phức tạp có thể nảy sinh, Ủy ban Quan hệ lao động cần chủ động nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị với các cơ quan nhà nước về chính sách, pháp luật và giải pháp xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, thiết chế quan hệ lao động.

Bối cảnh và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

Công nhân ngừng việc yêu cầu Công ty TNHH Vienergy (Ninh Bình) tăng lương. Ảnh: K.T

Xu hướng hội nhập quốc tế sâu, rộng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với quan hệ lao động

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra một số yêu cầu, thách thức đối với quan hệ lao động trong giai đoạn sắp tới là:

(i) Về thể chế, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA) yêu cầu Việt Nam phải chủ động đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế về quan hệ lao động để phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó đặc biệt là các tiêu chuẩn về quyền tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lương lượng tập thể. Để các cơ chế, chính sách được triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta thì cần có sự thống nhất về nhận thức, phối hợp hiệu quả giữa cơ quan nhà nước và các đối tác xã hội từ khâu ban hành chính sách đến quá trình triển khai thực hiện.

Bối cảnh và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

Công nhân Công ty TNHH Công nghệ Thể thao Victory (Thanh Hóa) đến Công ty nhưng không làm việc. Ảnh: NHẬT MINH

(ii) Về hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu, rộng và chặt chẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu[2]. Để tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chung của các nhãn hàng, trong đó có các tiêu chuẩn về lao động, quan hệ lao động. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, thiết chế về quan hệ lao động để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật lao động và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

(iii) Về thị trường lao động, hội nhập kinh tế quốc tế dẫn tới việc hình thành các các dòng dịch chuyển lao động quốc tế. Việc đẩy mạnh đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như tiếp nhận người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề mới về quan hệ lao động. Từ đó, đặt ra những yêu cầu, thách thức mới về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Để vượt qua những thách thức trên đòi hỏi cơ quan nhà nước và các đối tác xã hội cần có sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật, cơ chế, thiết chế về quan hệ lao động. Trong đó, Ủy ban Quan hệ lao động đóng vai trò quan trọng.

Cách mạng công nghệ 4.0 tác động mạnh đến thị trường lao động và đặt ra nhiều vấn đề mới đối với quan hệ lao động

Sự phát triển của mạng Internet và kỹ thuật số tạo ra thêm một nền tảng mới cho thị trường lao động và quan hệ lao động. Trong đó, những đặc trưng cơ bản là: (1) Thị trường lao động không bị giới hạn bởi phạm vi địa lý và ranh giới hành chính giữa các quốc gia; (2) xuất hiện nhiều ngành nghề, loại hình công việc mới trên nền tảng kỹ thuật số; (3) khái niệm nơi làm việc không chỉ giới hạn trong không gian địa lý mà bao gồm cả môi trường làm việc trên nền tảng Internet; (4) xuất hiện mối quan hệ lao động xuyên quốc gia mà người lao động, người sử dụng lao động ở các quốc gia khác nhau; và (5) sự tham gia của bên thứ ba vào quan hệ lao động có thể làm thay đổi cách nhìn nhận về quan hệ lao động truyền thống (mô hình taxi công nghệ, mô hình trả lương linh hoạt….). Những vấn đề mới này đặt ra thách thức to lớn đối với việc hoàn thiện thể chế về quan hệ lao động.

Mặt khác, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số và tự động hóa làm thay đổi mạnh cấu trúc việc làm. Trong nhiều thập kỷ qua, các doanh nghiệp gia công, chế biến, … thu hút một lượng lớn lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề thâm dụng lao động. Phần lớn họ là người lao động có trình độ thấp, ít qua đào tạo, dễ bị thay thế bởi máy móc, robot và trí tuệ nhân tạo. Do đó, áp lực về việc làm, thu nhập đối với người lao động có thể dẫn tới những hệ quả tiêu cực, làm mất ổn định quan hệ lao động.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh già hóa dân số dẫn tới những thay đổi lớn về cấu trúc của thị trường lao động và tác động sâu sắc đến quan hệ lao động

Trong nhiều thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có suất đầu tư thấp và sử dụng nhiều lao động có trình độ thấp. Việc thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, may mặc, da giày, gia công chế biến đã giải quyết được vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay mô hình tăng trưởng này bộc lộ những hạn chế như: (1) năng suất lao động thấp; (2) tăng áp lực về ô nhiễm môi trường; và (3) đặc biệt là có nguy cơ tụt hậu do không bắt kịp những công nghệ hiện đại trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Mặt khác, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta đặt ra áp lực lớn lên thị trường lao động. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ chuyển dịch xu hướng đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng lao động, tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Nhiều người lao động ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động, nhất là lao động từ 35 tuổi trở lên, sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Trước thực tế này, Đảng ta chủ trương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.”

Thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng sang hướng tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ hiện đại sẽ dẫn tới việc tái cấu trúc thị trường lao động, một bộ phận lớn người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp tập trung, doanh nghiệp thâm dụng lao động sẽ mất việc làm, tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội. Do đó, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cần phù hợp với khả thích ứng của thị trường lao động và hiệu quả vận hành của các cơ chế, thiết chế quan hệ lao động.

------

(Bài viết tham khảo trích dẫn "Dự thảo Báo cáo về phương hướng hoạt động trọng tâm đến năm 2025 và những năm tiếp theo" của Ủy ban Quan hệ lao động ).

[1] Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại thời điểm năm 1995, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 33 triệu người, đến tháng 12/2021 lực lượng lao động là 50,7 triệu người, với 26,38 triệu người làm công hưởng lương (có quan hệ lao động), trong đó hơn 4 triệu người hưởng lương trong khu vực hành chính, sự nghiệp công lập và 22,38 triệu người làm công hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

[2] Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng lần lượt là 38,5 tỷ USD (tăng 11,2 tỷ USD, tương ứng với 41%) và 46,3 tỷ USD (tăng 9,04 tỷ, tương đương với 24,3% so với năm trước). Cũng trong năm 2021, ngành Dệt- may- da- giày Việt Nam đã nhập khẩu 26,37 tỷ USD nguyên phụ liệu và xuất khẩu 32,78 tỷ USD hàng dệt may, 17,75 tỷ USD giày dép các loại (giá trị nhập khẩu chiếm 52,19% giá trị kim ngạch xuất khẩu, so với 46,21% năm 2020). Đối với nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 21,43 tỷ USD và xuất khẩu 57,54 tỷ USD (giá trị nhập khẩu tương đương với 37,24% giá trị kim ngạch xuất khẩu, so với 32,5% năm 2020).

Bài viết: TS. Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam)

Xem phiên bản di động