Bỏ túi “bí kíp” săn việc mùa Covid-19!
Thật không may nếu bạn thất nghiệp trong giai đoạn khó khăn này nhưng đó không phải là dấu chấm hết. Thị trường tuyển dụng hiện tại không sôi động như trước nhưng không có nghĩa là các cánh cửa đều đóng lại, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoạt động và tuyển dụng, chỉ là bạn đã sẵn sàng cho một cuộc “săn” việc nhiều thử thách hay chưa?
Hãy thử áp dụng những “bí kíp” nho nhỏ này của chúng tôi, biết đâu bạn sẽ tìm được một việc làm như ý ngay giữa những ngày khó khăn này.
Hãy xem tìm việc như một công việc toàn thời gian
Bạn đang thất nghiệp, vậy có việc gì quan trọng hơn tìm được một công việc? Do đó, phải đưa mục đích tìm một công việc lên thành nhiệm vụ vô cùng cấp bách! Do đó, bạn hãy xem chuyện tìm việc như một công việc toàn thời gian và dành hết sức cho việc đó.
Tuy nhiên, đừng vì thế mà nóng vội nộp hồ sơ tràn lan, hãy xác định rõ mục tiêu từ đó có phương án tập trung các nguồn lực. Đừng quên tận dụng mạng lưới, mối quan hệ để tìm kiếm các cơ hội việc làm bổ sung và liên tục theo dõi tiến trình tìm việc.
Tăng cường kết nối, đừng ngại những người sếp cũ, đồng nghiệp cũ!
Nếu bạn không thể rời chiếc điện thoại thông minh quá 30 phút vậy thì tại sao không biến nó thành lợi thế, tăng cường kết nối trực tuyến, tăng sự hiện diện của bạn trên các trang web tuyển dụng và mạng xã hội nhỉ?
Hãy hoạt động tích cực, làm cho hồ sơ của mình thu hút hơn để biến mình trở thành ứng viên tiềm năng nhất, là người mà các nhà tuyển dụng nhớ đến khi có nhu cầu. Hãy tham gia vào các “Talent Network” (Mạng lưới nhân tài) của công ty mà bạn quan tâm, gia nhập các hội nhóm thuộc lĩnh vực mà bạn đang hoạt động trên Facebook, LinkedIn để mở rộng cơ hội việc làm.
Hãy tích cực kết nối, tương tác với những mối quan hệ hệ cũ, mới bao gồm bạn bè, cố vấn nghề nghiệp, đồng nghiệp cũ… để xem họ có biết ai đang tuyển dụng hoặc tổ chức nào có vị trí để mở hay không. Bạn có rất nhiều cách để chiếm lấy ưu thế và trở thành người tiềm năng nhất trong số các đối thủ cạnh tranh.
Bạn cũng đừng ngại tiếp cận với đồng nghiệp và sếp cũ nếu bạn nhìn thấy các cơ hội tại công ty của họ. Khả năng là họ sẽ dễ chọn bạn thay vì ứng viên khác hơn, vì họ đã biết về kỹ năng cũng như đạo đức, tác phong làm việc của bạn. Họ không phải đi tìm nguồn tin tham khảo, bởi vì họ đã là người tham khảo. Và thậm chí trong những tình huống không thuận lợi, khi họ chưa thể nhận bạn vào làm việc, thì vẫn còn khả năng là họ sẽ giới thiệu bạn đến những công ty khác trong cùng ngành đang có nhu cầu tuyển dụng thông qua mạng lưới riêng của họ.
“Nâng cấp” bản thân
Nếu bạn vẫn đang trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp vậy thì hãy tận dụng khoảng thời gian quý báu này để “nâng cấp” bản thân! Trang bị thêm một vài kỹ năng cần thiết, đừng ngại ngần khi đăng ký một vài khóa học ngắn hạn, trực tuyến nếu nó hữu ích và cần thiết để bổ sung bộ kỹ năng trong bối cảnh mới.
Đừng quên cập nhật các kỹ năng mới đó vào sơ yếu lý lịch và thư ứng tuyển vì rất có thể các kỹ năng đó làm cho bạn trở nên khác biệt. Luôn tự tin khi đọc quảng cáo tuyển dụng và nhớ rằng bạn vẫn có thể nhận được công việc ngay cả khi bạn không đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn. Sử dụng sơ yếu lý lịch của bạn và thư xin việc để giúp tuyển dụng thấy rằng bạn đang có các kỹ năng mà họ tìm kiếm.
Chuẩn bị tinh thần cho những hình thức phỏng vấn, làm việc mới
Đây là giai đoạn mà nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức làm việc từ xa. Do đó, các cuộc hội họp, phỏng vấn cũng được thực hiện qua điện thoại, video call và các ứng dung trực tuyến.
Nếu bạn chưa quen với các hình thức này có thể sẽ gặp đôi chút khó khăn do đó hãy chuẩn bị thật tốt. Dù là trực tiếp hay trực tuyến, tác phong của bạn vẫn phải chỉn chu, chuyên nghiệp từ trang phục, đầu tóc đến giờ giấc. Phỏng vấn qua điện thoại đã khó thì phỏng vấn qua video sẽ còn khiến nhiều người cảm thấy lúng túng hơn nữa. Do đó hãy tải xuống các ứng dụng để biết cách sử dụng và nên diễn tập thường xuyên. Sau đó, hãy đảm bảo rằng bạn đang sử dụng một đường truyền internet rất tốt, chọn ngồi ở nơi yên tĩnh, đủ ánh sáng, không có hình ảnh gây nhiễu!
Một cuộc phỏng vấn trực tuyến diễn ra suôn sẻ sẽ là tiền đề để bạn có thể làm việc từ xa. Hãy tạo cho nhà tuyển dụng sự tin tưởng vào bạn dù doanh nghiệp họ đang áp dụng bất kỳ hình thức làm việc nào.
Bên cạnh đó, khá nhiều doanh nghiệp có các quy trình tuyển dụng kéo dài, nhiều khâu, nhiều bộ phận. Chưa kể, các công ty đang đối diện với rất nhiều khó khăn, đang liên tục thay đổi trong khoảng thời gian ngắn, do đó các quy trình tuyển dụng cũng diễn ra chậm hơn bình thường. Vì vậy, bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi!
Đừng bỏ qua các cơ hội cộng tác, làm việc ngắn hạn
Nếu bạn đang không có việc làm, khi có cơ hội, hãy cân nhắc các công việc tạm thời và tự do để có thu nhập cho các nhu cầu hàng ngày. Đôi khi, nó có thể dẫn đến một công việc toàn thời gian nếu bạn gây được ấn tượng tốt với sếp và đồng nghiệp.
Nếu đây là lần đầu tiên bạn bước chân vào thế giới làm việc từ xa, hãy tận dụng các kỹ năng có thể chuyển đổi mạnh nhất của bạn để tìm kiếm cơ hội làm việc. Hãy nghĩ về đam mê hoặc một khía cạnh tiềm năng mà bạn từng thể hiện. Nghĩ xem bạn có thể làm cách nào để biến nó thành một công việc bán thời gian hoặc cộng tác tự do. Hãy linh hoạt để nắm bắt thời cơ khi cần thiết.
Đây cũng là thời điểm phù hợp để bạn đạt được một số kỹ năng quan trọng. Nếu bạn hiện đang làm việc tại nhà, hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những người đủ kỷ luật để làm việc tại nhà, có kỹ năng giao tiếp tốt bằng văn bản và bằng lời nói để giao tiếp với đồng nghiệp và khách hàng từ xa, một cách có tổ chức và hiệu quả.
Trên đây là một số “bí kíp” nhỏ mà bạn có thể áp dụng để nhanh chóng tìm được một công việc mới trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra! Chúc các bạn thành công!
Bài: An Phương
Đồ họa: Ngô Thụy