e magazine
14/11/2022 21:29
Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 2: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

14/11/2022 21:29

Hàng chục năm nay, khu tập thể 319 Vĩnh Hưng hình thành ngay trong khu đất thuộc Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long (phố Vĩnh Hưng, Hà Nội). Dù cơ quan chức năng chỉ rõ những vi phạm của lãnh đạo Công ty và chính quyền địa phương, đồng thời yêu cầu di dời các hộ dân song đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 2: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Hàng chục năm nay, khu tập thể 319 Vĩnh Hưng hình thành ngay trong khu đất thuộc Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long (quận Hoàng Mai, Hà Nội) với nhiều loại hình nhà ở, trong đó có những ngôi nhà kiên cố cao tầng. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội chỉ rõ việc Công ty xây dựng khu tập thể này là không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Khu tập thể 319 Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, thuộc khu đất có diện tích 7.200m2 (nằm trong phần đất có diện tích trên 18.500m2) của Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long.

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi chưa cổ phần hóa, Ban lãnh đạo Công ty đã cho xây dựng khu nhà và phân cho các hộ gia đình là cán bộ, công nhân viên vào ở. Theo thời gian, có tất cả 72 hộ dân sinh sống trong khu tập thể.

“Chỗ ở này đã được công nhận hợp pháp, chúng tôi được cấp hộ khẩu thường trú và sinh sống ổn định tại địa chỉ này”, đại diện cư dân khu tập thể cho biết.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Có 15 căn nhà bê tông kiên cố 3 tầng được xây dựng tại khu tập thể 319 Vĩnh Hưng, Hà Nội - Ảnh: MINH ANH

Tuy nhiên, Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và chấp hành pháp luật đất đai đối với Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội ban hành ngày 8/5/2019 đã chỉ rõ việc Công ty cho xây dựng 3 khu nhà tập thể 02 tầng, 36 căn nhà cấp 4 và 15 căn nhà bê tông kiên cố 3 tầng cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng là nhà ở và 09 ki-ốt sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ trên khu đất số 319 phố Vĩnh Hưng là không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, vi phạm điểm a, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Kết luận nêu: Các hộ gia đình, cá nhân ở đây trong thời gian dài, đã đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú nhưng phía Công ty không báo cáo cấp có thẩm quyền, là việc làm thiếu trách nhiệm của lãnh đạo Công ty.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Bên trong khu tập thể 319 Vĩnh Hưng, Hà Nội - Ảnh: MINH ANH

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, việc vi phạm nói trên diễn ra trong thời gian dài, qua các thời kỳ lãnh đạo và biến động về mô hình sản xuất của Công ty nhưng chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo quy định.

Cơ quan này nhận định UBND phường Thanh Trì, UBND quận Hoàng Mai thiếu trách nhiệm trong vụ việc trên, cần tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Cổng vào khu tập thể 319 Vĩnh Hưng hiện đã được Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long bịt kín - Ảnh: MINH ANH

Đến ngày 16/9/2020, Văn phòng UBND TP Hà Nội có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP, đồng ý chủ trương theo đề nghị của Sở Tài nguyên và môi trường về phương án để Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long di chuyển toàn bộ 72 hộ gia đình, cá nhân trong khuôn viên diện tích đất được Nhà nước cho thuê tại địa chỉ 319 Vĩnh Hưng.

Văn bản nêu: Hết thời hạn (31/12/2020), nếu Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long không hoàn thành việc di chuyển các hộ gia đình, cá nhân khỏi khuôn viên diện tích đất thuê, Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định của Luật Đất đai, báo cáo UBND TP.

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại việc giải quyết di dời các hộ dân ra khỏi khu tập thể 319 Vĩnh Hưng của Công ty chưa được giải quyết ổn thỏa bởi vướng mắc liên quan đến bồi thường. 12 hộ dân chưa đồng ý với khoản bồi thường hỗ trợ di dời. 8/12 hộ vẫn tiếp tục ở lại khu tập thể.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Đại diện các hộ dân hiện còn ở khu tập thể 319 Vĩnh Hưng cho biết đều là công nhân lao động đã làm việc tại Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long hàng chục năm. Họ được Tổng giám đốc Công ty ra quyết định phân phối nhà ở tại địa chỉ trên với điều kiện “chấp hành đầy đủ quy định của Công ty và khu tập thể” và không được nhượng, bán.

“Chúng tôi đều là những lao động ở quê ra Hà Nội lập nghiệp. Sau khi xin vào làm việc tại Công ty, mặc dù lương rất thấp nhưng vì được phân phối nhà nên yên tâm gắn bó bởi có chỗ ở ổn định lâu dài”, chị Hà Thị Khánh Chi nói, cho biết mức giá bồi thường hiện nay không thể đủ để mua nhà ở xã hội, gây dựng cuộc sống mới ở Thủ đô.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Khu tập thể nằm trong đất Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long hiện đang được phá dỡ nham nhở - Ảnh: HOÀNG QUÂN

Được biết, mức giá bồi thường của Công ty đưa ra là 25 triệu/m2 đối với nhà mặt đất; 17 triệu/m2 đối với nhà tầng trong khu tập thể, kể cả phần cơi nới. Chưa kể Công ty sẽ hỗ trợ tạm cư 5 triệu đồng/tháng/hộ trong thời gian 2 năm. Trong số 60 hộ dân đã đồng ý di dời, có hơn chục hộ dân là cán bộ, lãnh đạo Công ty đã xây nhà bê tông cao tầng, kiên cố, được nhận bồi thường hàng tỷ đồng.

Đối với 12 hộ dân còn lại ở khu tập thể 319 Vĩnh Hưng, với phần diện tích và thực trạng căn hộ hiện tại, họ sẽ được nhận trên 600 triệu đồng tiền bồi thường và hỗ trợ tạm cư theo cách tính của Công ty.

Đại diện cư dân cho biết, thời điểm năm 2020, họ đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ di dời nói trên, với điều kiện được thanh toán một lần, thay vì phương án trả nhiều đợt như phía Công ty đưa ra, nhằm giảm bớt khó khăn trong ổn định đời sống. Tuy nhiên, đề nghị này thời điểm đó không được phía Công ty chấp nhận, các hộ dân tiếp tục ở lại khu tập thể. Một thời gian sau, lần lượt các công nhân lao động là cư dân khu tập thể bị Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Một vấn đề khiến các hộ dân không di dời liên quan đến biên bản hỗ trợ bồi thường tái định cư, tạm cư. Biên bản này do Liên danh Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long và Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Phú An soạn thảo, về việc đo đạc, kiểm định đất, nhà... bị ảnh hưởng tại dự án Công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng, dịch vụ thương mại số 319 và 321 phố Vĩnh Hưng.

Trong mục 4, Phụ lục 01 kèm theo biên bản hỗ trợ bồi thường tái định cư, tạm cư có nêu: “Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Phú An cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ mọi điều khoản đã thỏa thuận với các hộ dân về mặt tài chính, chịu trách nhiệm trước pháp luật hiện hành về các thỏa thuận đã ký...”.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho biết, việc tổ chức di dời các hộ dân nói trên "để trả lại nguyên trạng là văn phòng và nhà xưởng theo quyết định cho Công ty thuê đất của UBND TP Hà Nội".

"Nhận thấy có sự không rõ ràng, minh bạch nên các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ di dời", đại diện nhóm cư dân cho biết.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Theo tìm hiểu của PV, năm 2017, UBND TP Hà Nội có quyết định về việc cho phép Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long tiếp tục thuê đất để sử dụng cùng với nguyên trạng công trình đã xây dựng làm văn phòng, nhà xưởng, có kế hoạch di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi chức năng sử dụng đất theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được UBND TP phê duyệt.

Kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội năm 2019, cho biết, để sử dụng đất theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4, Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long đã liên doanh với Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Phú An, nghiên cứu thực hiện dự án “Khu nhà ở, văn phòng và thương mại” tại số 319, 321 phố Vĩnh Hưng.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Tấm biển giới thiệu Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng tại 319 - 321 Vĩnh Hưng, Hà Nội - Ảnh: MINH ANH

Thời điểm đó, việc thực hiện lập dự án đầu tư đang được các sở, ngành thuộc thành phố và cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, ở phía ngoài khuôn viên Công ty, một tấm biển lớn in bản vẽ tổng mặt bằng dự án, tỉ lệ 1/500 được dựng lên và tồn tại đến nay.

Trao đổi với PV về vấn đề này hôm 25/10/2022, ông Trần Văn Hảo, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, dự án dự định triển khai từ 2017 nhưng có quyết định thanh tra nên chưa làm được. Ông Hảo khẳng định hiện tại chưa có dự án nào, và vai trò của Công ty Việt Phú An chỉ là đơn vị cho vay.

Bất ổn di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Kỳ 1: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy

Được biết, hôm 19/9/2022, Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long tổ chức cuộc họp với các hộ dân. Ông Đào Huy Thưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty nói rằng chỉ xem xét tăng thêm không quá 10% mức hỗ trợ theo phương án đã đề ra. Cuộc họp không tìm được tiếng nói chung khi các hộ dân yêu cầu Công ty hỗ trợ bồi thường trên 1 tỷ đồng cho mỗi căn hộ. Họ cho rằng, số tiền này phù hợp, chưa kể những tổn hại về tinh thần, việc làm trong suốt 3 năm qua mà cư dân nơi đây phải chịu đựng.

“Đền bù không thỏa đáng nên chúng tôi chưa thể đi được. Người dân không chống đối, chúng tôi chỉ mong thống nhất phương án đền bù hợp lý. Nhưng mấy năm vừa qua, Công ty liên tục có những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và cuộc sống của gia đình chúng tôi”, đại diện cư dân khu tập thể 319 Vĩnh Hưng cho hay.

Những khó khăn, bất ổn mà cư dân phải gánh chịu suốt mấy năm qua sẽ được phản ánh trong kỳ tiếp theo của loạt phóng sự.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3: Người dân sống trong sợ hãi

Bài viết: Ý YÊN - MINH ANH

Video: Nhóm Phóng viên

Thiết kế: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động