e magazine
22/09/2020 18:50
Báo chí đồng hành cùng công nhân, công đoàn trong đại dịch Covid-19

22/09/2020 18:50

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát, tổ chức Công đoàn đã tham gia cùng hệ thống chính trị và các doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cơ quan, nhà xưởng, đồng thời có các giải pháp chăm lo, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Những hoạt động đó đã được báo chí ghi nhận, phản ánh kịp thời và nhận được nhiều phản hồi tích cực trong xã hội.
Báo chí đồng hành cùng công nhân, công đoàn trong đại dịch Covid 19

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát, tổ chức Công đoàn đã tham gia cùng hệ thống chính trị và các doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cơ quan, nhà xưởng, đồng thời có các giải pháp chăm lo, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Những hoạt động đó đã được báo chí ghi nhận, phản ánh kịp thời và nhận được nhiều phản hồi tích cực trong xã hội.

***

Luôn quan tâm đến đời sống công nhân lao động

Chiều 22/9, phát biểu trong báo cáo giao ban báo chí quý III/2020, đồng chí Nguyễn Mạnh Kiên – Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam nêu rõ: “Đại dịch Covid-19 quay trở lại, nhiều doanh nghiệp trên cả nước rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, công nhân phải giảm việc hoặc mất việc. Các doanh nghiệp lớn tiếp tục cắt giảm nhân sự như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Công ty Huê Phong (TP HCM)... Tình hình trên khiến đời sống, việc làm của công nhân lao động (CNLĐ) càng thêm nhiều khó khăn. Tình trạng thất nghiệp, đời sống khó khăn cũng như những lo lắng của người lao động được báo chí quan tâm phản ánh qua nhiều loạt bài viết”.

Đặc biệt, vụ việc công nhân của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam mất việc do dịch Covid-19 phải đóng 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với số tiền do doanh nghiệp hỗ trợ được nhiều báo chí phản ánh. Hầu hết đồng tình với tổ chức Công đoàn về việc kiến nghị không thu thuế thu nhập với khoản tiền trợ cấp này. VTV1 có phóng sự “Xem xét không thu thuế của lao động bị sa thải tại Công ty PouYuen”. Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn (Tạp chí Lao động và Công đoàn) có bài “Thu 10% Thuế TNCN của công nhân mất việc như ở PouYuen thì thuế sẽ mất tính công bằng”...

Bên cạnh đó, báo chí tích cực lên tiếng việc CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khó tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ do các thủ tục và quy định chưa hợp lý, tình trạng nợ BHXH làm ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ; chính sách nghỉ hưu sớm… qua đó ghi nhận nhiều kiến nghị sửa đổi chính sách của CNLĐ và các cấp công đoàn. Trong bài “Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động vượt khó” của báo Nhân dân có đoạn: “Trước những khó khăn của đoàn viên, NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép những trường hợp thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không được hưởng lương, nghỉ việc luân phiên từ 14 ngày trở lên trong tháng vẫn được đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc theo đối tượng có quan hệ lao động nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT liên tục, không gián đoạn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét, nhanh chóng sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định 15…”

Báo chí đồng hành cùng công nhân, công đoàn trong đại dịch Covid 19

Một trong những chức năng và nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn là chăm lo cho người lao động. Do đó, mỗi năm, tài chính công đoàn đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác này với hàng chục triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng với các chương trình tiêu biểu như xây dựng “Mái ấm Công đoàn”; “Tết Sum vầy”, “Phúc lợi đoàn viên”...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các cấp công đoàn luôn tích cực, chủ động tham gia cùng hệ thống chính trị, người sử dụng lao động trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho người lao động; chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nguồn lực của tổ chức Công đoàn. Tư vấn, kết nối thông tin giới thiệu việc làm, huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịch bệnh để vi phạm các chế độ, chính sách đối với người lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành văn bản bổ sung đối tượng là đoàn viên công đoàn có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở thì không phải đóng đoàn phí công đoàn.

Các hoạt động hỗ trợ kịp thời của tổ chức Công đoàn được báo chí phản ánh có trách nhiệm, góp phần lan tỏa những hoạt động ý nghĩa này trong xã hội. Bên cạnh đó, báo chí cũng tích cực phản ánh các mô hình hay, cách làm tốt của tổ chức Công đoàn trong việc phối hợp với doanh nghiệp, người sử dụng lao động sắp xếp lại sản xuất, chủ động kết nối việc làm cho CNLĐ bị ngưng việc hoặc mất việc làm; hỗ trợ suất ăn miễn phí cho đoàn viên, CNLĐ, y bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch; vận động đoàn viên CNVCLĐ cài đặt ứng dụng Bluezone; sử dụng tài chính Công đoàn để mua BHYT giúp nữ CNLĐ được hưởng chế độ thai sản; công tác chăm lo cho con CNLĐ trước thềm năm học mới, “tiếp sức cho con CNLĐ đến trường”...

Báo chí đồng hành cùng công nhân, công đoàn trong đại dịch Covid 19

Mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành cùng công nhân, công đoàn

Chia sẻ tại buổi giao ban báo chí, đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng LĐLĐ Việt Nam nói: “Vừa qua, tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều CNLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam rất cám ơn các cơ quan báo chí, đặc biệt là VOV1 đã đồng hành thông tin về hoạt động tổ chức Công đoàn tham gia kịp thời công tác chỉ đạo khi có sự lây nhiễm Covid-19 trong CNLĐ tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Những hoạt động ấy đã góp phần làm ấm lòng người lao động trong hoàn cảnh khó khăn”.

Báo chí đồng hành cùng công nhân, công đoàn trong đại dịch Covid 19

Bên cạnh đó, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ hai, có nhiều phân xưởng phải đóng cửa do công nhân bị nhiễm Covid-19. Nhiều công nhân phải cách ly, thu nhập bị ảnh hưởng. “Ngoài ra một số trường hợp, đặc biệt là lao động nữ đang thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội nhưng chưa được đáp ứng theo quy định, các đồng chí phóng viên đồng hành cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam để đưa thông tin phản ánh kịp thời, yêu cầu các giải pháp phù hợp”, đồng chí Trần Thanh Hải cho biết.

Báo chí cũng góp phần lan tỏa những tấm gương sáng vì cộng đồng, san sẻ khó khăn, chăm lo cho người lao động của các cấp công đoàn, qua đó, góp phần động viên người lao động vượt khó, củng cố niềm tin của người lao động đối với tổ chức Công đoàn cũng như khẳng định và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam.

Báo chí đồng hành cùng công nhân, công đoàn trong đại dịch Covid 19

Đồng chí Trần Thanh Hải cũng rất trân trọng và đánh giá cao ý kiến của phóng viên đối với vấn đề đào tạo cho người lao động. Đồng chí Hải cho biết, ngay từ đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn không chỉ cố gắng chăm lo cho đời sống người lao động một cách tốt nhất, mà còn tích cực giới thiệu, tìm việc làm mới cho người lao động. Về thu nhập, có thể việc làm mới không bằng việc làm cũ, nhưng đó là một giải pháp căn cơ nhất giúp cho người lao động trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh. Nhiều nơi, công đoàn đã phối hợp cùng các ngành chức năng địa phương làm tốt việc này. Tuy nhiên, đồng chí Trần Thanh Hải mong muốn các cơ quan báo chí quan tâm đến chính sách tạo cơ hội cho những người công nhân được học, được đào tạo lại về nghề nghiệp và đào tạo những kiến thức, kỹ năng để có thể tìm được việc làm mới.

“Tôi thiết nghĩ, bền vững nhất của việc làm cho người lao động dựa trên cơ sở kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp được đào tạo chứ không phải chỉ là những lớp ngắn hạn”, đồng chí Trần Thanh Hải nói.

Bài: Minh Khôi

Đồ họa: HDT

Xem phiên bản di động