e magazine
16/11/2020 18:30
Bàn về tài chính công đoàn

16/11/2020 18:30

Bất kỳ tổ chức nào cũng cần có tài chính để hoạt động, một tổ chức không có tài chính thì không thể tồn tại, hoạt động được và nếu có tồn tại thì chỉ là hình thức. Công đoàn Việt Nam là một thành viên của hệ thống chính trị, ngoài kinh phí do các thành viên của tổ chức đóng góp, công đoàn còn được Nhà nước hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Bàn về tài chính công đoàn

Bất kỳ tổ chức nào cũng cần có tài chính để hoạt động, một tổ chức không có tài chính thì không thể tồn tại, hoạt động được và nếu có tồn tại thì chỉ là hình thức. Công đoàn Việt Nam là một thành viên của hệ thống chính trị, ngoài kinh phí do các thành viên của tổ chức đóng góp, công đoàn còn được Nhà nước hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Bàn về tài chính công đoàn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012, chuyên đề tài chính công đoàn” ngày 21/8/2020.

Tỷ lệ 2% được quy định rất sớm

Ngay từ khi Luật Công đoàn đầu tiên được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua năm 1957 đã có Điều 21 ghi tài chính công đoàn gồm đoàn phí công đoàn, kinh phí công đoàn và nguồn thu khác (tiền viện trợ của tổ chức, cá nhân, tiền hoạt động của công đoàn…). Ngày 9 tháng 4 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký một văn bản quy định các doanh nghiệp Nhà nước, xí nghiệp tư doanh, cơ quan, trường học nộp vào tài khoản công đoàn 2% tổng số tiền lương cấp phát cho toàn thể công nhân, không phân biệt bên trong hay bên ngoài biên chế.

Đến năm 1990, sửa đổi Luật Công đoàn về cơ bản cũng vẫn quy định tài chính công đoàn như Luật Công đoàn năm 1957. Sau đó Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký, ban hành Thông tư liên tịch quy định về trích nộp kinh phí công đoàn là 2% quỹ lương. Việc ban hành Thông tư liên tịch về thu kinh phí công đoàn có tính pháp lý không cao, nên gặp khó khăn khi thu. Nên đến năm 2012, khi thảo luận thông qua Luật Công đoàn mới, Quốc hội đã đồng ý đưa quy định trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội vào Luật Công đoàn.

Từ khi quy định trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm vào Luật, tổ chức Công đoàn có cơ sở pháp lý cao hơn để thu kinh phí công đoàn, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ thường chỉ quan tâm đến thực hiện các quy định của pháp luật, các văn bản dưới luật ít được chú trọng thực hiện. Điều này đã tạo cho công đoàn chủ động về phân bổ, sử dụng tài chính cho tổ chức hoạt động hơn so với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Các cấp công đoàn cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong sử dụng kinh phí công đoàn cho các hoạt động vì lợi ích của người lao động, do cứ hai năm tiến hành kiểm toán một lần.

Bên cạnh những thuận lợi, với việc quy định trích nộp kinh phí công đoàn được đưa vào Luật, tổ chức Công đoàn phải huy động một nguồn lực lớn để thu nguồn kinh phí này. Mặt khác, chế tài xử lý vi phạm về nộp kinh phí công đoàn chưa đồng bộ và chưa nghiêm, nên tình trạng thất thu kinh phí công đoàn diễn ra khá phổ biến với số lượng không nhỏ, làm cho tổ chức và hoạt động công đoàn cũng gặp không ít khó khăn.

Bàn về tài chính công đoàn

Tình trạng thất thu kinh phí công đoàn diễn ra khá phổ biến với số lượng không nhỏ, làm cho tổ chức và hoạt động công đoàn cũng gặp không ít khó khăn.

Thực chất nguồn phân bổ hạn hẹp

Một số người chưa hiểu đúng bản chất của trích nộp kinh phí công đoàn, họ cho rằng kinh phí công đoàn là do người sử dụng lao động trích cho công đoàn, nên họ có quyền quản lý, thậm chí có cả quyền quyết định chi cho cho hoạt động nào. Một số khác lại cho rằng do người sử dụng lao động trích nộp kinh phí cho công đoàn hoạt động, nên công đoàn không thể đấu tranh bảo vệ được quyền, lợi ích người lao động.

Thực chất, việc quy định các doanh nghiệp, cơ quan trích kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương đã được luận giải là: 2% này đã được tính vào chi phí sản xuất, nên thực chất đó là tiền lương của người lao động để lại chủ yếu ở cơ sở để hoạt động vì người lao động, tập thể người lao động và vì cơ quan, doanh nghiệp.

Theo thống kê, trong 7 năm, từ 2013 - 2019 (từ khi có Luật Công đoàn sửa đổi quy định đưa trực tiếp thu kinh phí công đoàn 2% vào Luật), tổng thu kinh phí công đoàn là 62.829 tỷ đồng, chiếm 62,6% tổng số tài chính của công đoàn. Ngoài ra, trong 7 năm, Nhà nước còn hỗ trợ cho tổ chức Công đoàn 332 tỷ cho xây dựng, sửa chữa lớn các trụ sở, nhà văn hóa công nhân. Nếu chia số thu kinh phí công đoàn cho tổng số công đoàn cơ sở là 127.545, thì mỗi công đoàn cơ sở mỗi năm chỉ được 70.442.364 đồng. Theo quy định của Tổng Liên đoàn, kinh phí công đoàn được phân bổ 70% cho cơ sở thì mỗi công đoàn cơ sở mỗi năm chỉ có 49.309.654 đồng để hoạt động. 30% còn lại phân cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 2%, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn các Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở 28%.

Theo quy định về tài chính công đoàn, công đoàn cơ sở hàng năm chi cho phụ cấp cán bộ công đoàn không quá 30%; chi quản lý không quá 10%; chi cho hoạt động phong trào 60%, trong đó bao gồm: đào tạo bồi dưỡng, chi thăm hỏi ốm đau, hiếu không quá 10%, cho tuyên truyền phổ biến pháp luật, thi đua khen thưởng, chi phát triển đoàn viên, cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, chi cho hoạt động tư vấn pháp luật, chi hỗ trợ tham quan, du lịch không quá 10%. Khái quát như vậy để thấy tài chính cho hoạt động công đoàn cũng rất hạn hẹp.

Bàn về tài chính công đoàn
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

NHÀ NƯỚC CẤP KINH PHÍ HAY CÔNG ĐOÀN THU KINH PHÍ?

Từ phân tích trên có thể khẳng định, ở Việt Nam một mặt công đoàn là thành viên của hệ thống chính trị; cũng như các thành viên khác phải thực hiện nhiệm vụ của một thành viên trong hệ thống chính trị, cán bộ công đoàn chuyên trách, cũng như những cán bộ chuyên trách của các đoàn thể khác đều được coi là công chức, nên phải thực hiện nhiệm vụ của công chức, nên Nhà nước phải cấp kinh phí để tổ chức này hoạt động.

Mặt khác, công đoàn lại là tổ chức đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn có ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ lao động, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội… Nên tài chính công đoàn không thể không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng nếu Nhà nước cấp kinh phí cho công đoàn như cấp cho các đoàn thể chính trị - xã hội khác (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân…) thì nguồn kinh phí ấy từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ dễ được các doanh nghiệp ủng hộ vì họ không phải trực tiếp trích nộp.

Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi một nguồn lớn - và về mặt lý luận, nguồn kinh phí này chủ yếu để ở cơ sở vì lợi ích của người lao động và lợi ích của cơ sở - thì không phù hợp lắm...

Đối với tổ chức Công đoàn, nếu Nhà nước cấp kinh phí như các tổ chức chính trị xã hội khác, thì công đoàn không phải huy động một nguồn lực lớn (nuôi bộ máy, cán bộ) thu kinh phí công đoàn như hiện nay. Nhưng do đặc thù của công đoàn, nếu Nhà nước duyệt cấp như các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác thì các tổ chức quốc tế, nhất là Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và công đoàn các nước sẽ không thừa nhận Công đoàn Việt Nam là tổ chức của người lao động, do người lao động. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam nói chung, đến Công đoàn Việt Nam nói riêng và Công đoàn Việt Nam cũng khó thực hiện đường lối hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Đảng.

Với phân tích trên, có thể khẳng định Công đoàn Việt Nam vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, hay nói cách khác Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm cung cấp kinh phí cho Công đoàn Việt Nam hoạt động, như các tổ chức chính trị - xã hội khác. Tuy nhiên, lựa chọn cấp kinh phí bằng phương thức nào là bài toán cần được đầu tư nghiên cứu để đưa ra quyết định tối ưu.

Theo tôi, trong điều kiện chúng ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng, đang từng bước nghiên cứu phê chuẩn các công ước quốc tế về lao động, công đoàn như Công ước 98, 87; Nhà nước không nên cấp kinh phí cho công đoàn như cấp cho các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ hay Mặt trận Tổ quốc. Còn nếu cấp kinh phí cho công đoàn theo các dự án như ở một số nước phát triển, thì hiện nay chưa có đủ điều kiện để thực hiện được, bởi nó liên quan cả đến nguồn thu của Nhà nước và bản thân tổ chức Công đoàn cũng chưa có những điều kiện để thực hiện. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tổ chức Công đoàn, đến xây dựng quan hệ lao động để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bàn về tài chính công đoàn
Đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Về quy định kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn sửa đổi

Việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này, theo tôi vẫn nên quy định các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan trích nộp kinh phí công đoàn, để đảm bảo cho công đoàn hoạt động vì quyền, lợi ích người lao động và xây dựng quan hệ lao động lành mạnh. Song, trong Luật Công đoàn sửa đổi không nên quy định cụ thể tỷ lệ phân bổ kinh phí cho từng cấp công đoàn, để tạo sự chủ động cho tổ chức Công đoàn. Nhưng vẫn nên quy định trích tỷ lệ ít nhất 70% kinh phí công đoàn cho cơ sở, để một mặt thể hiện rõ quan điểm hướng về cơ sở, tạo điều kiện để cơ sở hoạt động vì lợi ích đoàn viên, người lao động và vì sự phát triển của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; mặt khác, cũng để khẳng định nguồn kinh phí các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trích nộp chủ yếu để lại ở cơ sở, để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người lao động, vì lợi ích của cơ sở.

Theo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 và theo cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ở Việt Nam có thể sẽ có tổ chức đại diện của người lao động ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam ở cơ sở. Nên cần có quy định phân bổ nguồn kinh phí công đoàn theo tỷ lệ đoàn viên.

Tuy nhiên, khi tiến hành phân bổ cần quan tâm đến sự khác nhau giữa tổ chức Công đoàn Việt Nam với tổ chức đại diện khác của người lao động ở chỗ, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, nên ngoài vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong quan hệ lao động như các tổ chức đại diện người lao động khác thì Công đoàn Việt Nam còn phải thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội, thành viên trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Bàn về tài chính công đoàn
Đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn công tác tài chính công đoàn do Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức.

Về quản lý kinh phí công đoàn, theo tôi, tổ chức nào được cấp thì tổ chức đó có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy tạo sự chủ động về tài chính để hoạt động và để nâng cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức trong quản lý, sử dụng. Nhà nước căn cứ vào quy định của pháp luật có quyền kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.

Về phân bổ nguồn kinh phí, trước mắt tổ chức đại diện người lao động chỉ mới được thành lập ở cơ sở. Nên theo tôi có thể giao cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố và công đoàn ngành Trung ương căn cứ vào số lượng đoàn viên ở cơ sở để tiến hành phân bổ.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Công đoàn năm 1957, năm 1990, năm 2012.

2. Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

3. Dự thảo luật Công đoàn sửa đổi.

Bài: Dương Văn Sao (Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn)

Đồ họa: Hoàng Hà

Xem phiên bản di động