Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?
Mức lương luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các ứng viên khi đi phỏng vấn. |
Đây là câu hỏi quen thuộc của các nhà tuyển dụng dành cho ứng viên trong quá trình phỏng vấn. Rất nhiều người đã lúng túng khi đối diện với câu hỏi này. Bởi, nếu nói nhiều thì sợ bị từ chối, nói ít lại sợ mình bị thiệt. Nên trả lời thế nào cho phù hợp? Đây là một trong những vấn đề của kỹ năng đàm phán lương khi đi phỏng vấn.
Nguyên tắc chung
Mức lương luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các ứng viên khi đi phỏng vấn. Lương là yếu tố quan trọng nhưng có nhiều vấn đề khác cũng quan trọng không kém như môi trường làm việc, phụ cấp và cơ hội thăng tiến... Các ứng viên cần có cái nhìn bao quát về những vấn đề này trước khi đưa ra mức lương mong muốn. Và tất nhiên, đi cùng với mức lương mong muốn là trách nhiệm với công việc đảm nhận để có mức lương đó.
Khi đã quyết định đi phỏng vấn, ứng viên nên nhìn thẳng vào năng lực bản thân, không nên quá khiêm tốn và cũng không nên đánh giá quá cao bản thân. Nhà tuyển dụng đủ khôn khéo để nhận ra ứng viên nào thực sự quan tâm đến công việc, phù hợp với công việc và từ đó đưa ra mức lương phù hợp. |
Hiện nay, các nhà tuyển dụng đánh giá cao những ứng viên muốn đạt mức thu nhập tốt. Bởi thực tế những ứng viên có thu nhập cao được thừa nhận là có năng lực vượt trội trong công việc, luôn chủ động và sáng tạo.
Những kinh nghiệm về đàm phán lương sau đây có thể giúp ích cho ứng viên khi đi phỏng vấn.
1. Tìm hiểu kỹ về công việc và mức lương tương ứng
Để thỏa thuận thành công mức lương, trước tiên các ứng viên cần tìm hiểu kỹ về công việc muốn ứng tuyển, thể hiện sự quan tâm nghiêm túc đối với cơ hội việc làm tại nơi tuyển dụng. Điều này sẽ giúp ứng viên ghi điểm đối với nhà tuyển dụng và cũng sẽ là lợi thế khi đề cập đến mức lương mong muốn.
Đồng thời các ứng viên nên tham khảo về mức lương để chắc chắn rằng không đưa ra mức lương quá thấp hay quá cao so với vị trí công việc ứng tuyển. Ứng viên có thể tìm hiểu thông tin về mức lương bằng cách hỏi người thân, bạn bè, những người trong nghề và tìm hiểu trên các diễn đàn nghề nghiệp.
2. Để nhà tuyển dụng trả lời mức lương
Thông thường quy tắc ngầm hiểu là ứng viên không đưa ra câu hỏi trước về lương. Trường hợp đột nhiên được hỏi, ứng viên có thể trì hoãn bằng cách đề nghị được tìm hiểu thêm về các yếu tố liên quan như áp lực công việc, quy mô công ty, lộ trình thăng tiến, phúc lợi đi kèm. Hoặc có thể chuyển hướng câu hỏi về phía nhà tuyển dụng để ứng viên có thêm thời gian cân nhắc. Hãy thử hỏi: “Qua tìm hiểu và trao đổi với anh/chị, tôi nhận thấy vị trí tuyển dụng phù hợp với trình độ chuyên môn và năng lực của bản thân. Tôi muốn làm việc ở vị trí này. Vậy, anh/chị có thể cho biết mức lương công ty dự định chi trả cho vị trí này là bao nhiêu?”.
Lúc này, nhà tuyển dụng sẽ trả lời mức kinh phí họ dự định, sẽ dao động trong một khoảng nào đó. Tuy nhiên, có lúc nhà tuyển dụng sẽ trả lời theo hướng mức lương phụ thuộc vào từng cá nhân, kinh nghiệm, kỹ năng và ứng viên cứ đề xuất, công ty sẽ xem xét".
Có những trường hợp, ứng viên bị dồn vào thế phải trực tiếp trả lời mức lương mong muốn cụ thể. Lúc này, hãy đưa ra mức lương trong khoảng hợp lý, đủ linh hoạt để đàm phán tăng, giảm với nhà tuyển dụng.
3. Thẳng thắn khi thương lượng về mức lương Sau khi thăm dò được thông tin, thái độ từ nhà tuyển dụng, ứng viên nên thẳng thắn thương lượng về mức lương. Chỉ khi báo giá đúng mức lương phù hợp với năng lực của bản thân, ứng viên mới thoải mái tâm lý và nếu được đồng ý mới chú tâm làm việc. Thực tế, nhiều ứng viên thường e ngại khi đề xuất mức lương, hoặc nói tránh theo kiểu: “Đây là công việc tôi yêu thích hay điều quan trọng nhất đối với tôi là được học hỏi và rèn luyện kinh nghiệm. Còn chuyện lương, thu nhập không phải là vấn đề hàng đầu”. Những câu trả lời như vậy có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn là người không có năng lực, không tự tin trong công việc hoặc tệ hại hơn là họ cho rằng ứng viên đang nói dối. Khi đó không chỉ bị mất đi cơ hội thương lượng mức lương mong muốn mà ứng viên có thể không được nhà tuyển dụng lựa chọn. |
Ứng viên nên thẳng thắn, chân thành khi thương lượng về mức lương để đạt kết quả như mong muốn. |
4. Khi mức lương không như mong đợi
Trường hợp ứng viên rất thích công việc và được nhà tuyển dụng mời làm việc nhưng mức lương không như mong đợi, đừng vội từ chối ngay mà hãy trả lời rằng cần có thêm thời gian suy nghĩ. Sau đó, ứng viên nên gọi điện lại cho nhà tuyển dụng để xem họ có quyết định nào khác về mức lương để từ đó đưa ra quyết định cuối cùng.
Khi mức lương không như mong đợi, ứng viên cần đưa ra quyết định cuối cùng. |
Ứng viên nào cũng sẽ được nghe câu hỏi bạn mong muốn mức lương bao nhiêu khi đi phỏng vấn. Vậy nên, hãy chuẩn bị chu đáo các phương án trả lời, đảm bảo phù hợp cho cả hai bên. Nhà tuyển dụng luôn muốn nhìn thấy một nhân viên giao tiếp tự tin, chân thành, trình bày thuyết phục đồng thời biết lắng nghe và đưa ra quyết định hài hòa.
Bài: Mai Liễu