e magazine
15/08/2022 18:04
Bài ca viết bằng ánh sáng

15/08/2022 18:04

Với những bức ảnh bình dị có ngôn từ rất riêng trong việc đối thoại với người xem, không ít kỷ niệm của ngành Bưu điện tỉnh Quảng Trị đã hóa thành bài ca đi cùng năm tháng. Bài ca ấy được viết bằng ánh sáng...
Bài ca viết bằng ánh sáng

Với những bức ảnh bình dị có ngôn từ rất riêng trong việc đối thoại với người xem, không ít kỷ niệm của ngành Bưu điện tỉnh Quảng Trị đã hóa thành bài ca đi cùng năm tháng. Bài ca ấy được viết bằng ánh sáng...

Bài ca viết bằng ánh sáng

Vào buổi sáng mát trong của một ngày mùa Hạ, có một bài ca được cảm nhận cực rõ, không gì ngăn trở nổi, vẳng lên trong từng tấm ảnh lặng lẽ trên các bức tường của phòng truyền thống Bưu điện tỉnh Quảng Trị. Nó sáng rõ và sống động đến mức không chỉ hiện diện mà còn hát lên trong tôi những ca từ và nét nhạc về rất nhiều con người từ trong chiến tranh khốc liệt đã góp phần giữ vững mạch máu thông tin liên lạc của cuộc kháng chiến vĩ đại vì hòa bình, độc lập, tự do, ấm no và thống nhất mà dân tộc Việt Nam đã là người chiến thắng.

Những bức ảnh ấy là một chuỗi kỷ niệm của ngành Bưu điện tỉnh Quảng Trị trong suốt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước hết sức anh dũng và bất khuất của dân tộc Việt Nam. Mỗi bức ảnh giữ một phần lịch sử của đất nước và cũng giữ riêng những câu chuyện của mình bằng gương mặt, nụ cười, bước chân và ánh mắt của con người có trong đó.

Với nhận thức mới mẻ ấy, tôi đọc từng trang lịch sử chói ngời chiến công của ngành Bưu điện tỉnh Quảng Trị trên hơn một trăm bức ảnh đen trắng có sức mạnh bằng chính sức khái quát của hình tượng đã được khắc họa. Nơi tôi bắt đầu hiểu điều đó là tấm ảnh có nội dung chú thích là giao bưu Cam Lộ đưa báo về một đội du kích xã, góp phần động viên tinh thần chiến đấu.

Trong ảnh có 5 người, 3 nam và 2 nữ đều rất trẻ. Họ đang chăm chú đọc những trang báo của tờ Tiền tuyến mà nổi bật nhất là cô gái mặc áo đen, bên ngực trái đeo huy hiệu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đầu đội mũ tai bèo mềm mại, gương mặt tràn căng sức thanh xuân. Súng trường trong tay hai người đàn ông, những khẩu súng khác được gác trên ba lô hay bên chân của một cô gái.

Bài ca viết bằng ánh sáng

Một đội du kích xã ở huyện Cam Lộ đọc Báo Tiền tuyến được giao bưu tỉnh Quảng Trị đưa về (Nguồn: Tư liệu của Bưu điện tỉnh Quảng Trị)

Phía đằng sau, cách chỗ 5 người ngồi một quãng khá xa, một ngôi nhà lá nhỏ thấp thoáng giữa đồng cỏ. Bức ảnh là một trong những khoảnh khắc của nền Bưu điện kháng chiến của Việt Nam vào những ngày xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc ở bờ Nam sông Bến Hải, phục vụ khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đưa tiếng nói của Đảng, tình cảm của Bác Hồ và của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đến với đồng bào, chiến sĩ bên kia Vĩ tuyến 17.

Sức biểu cảm của những tấm ảnh gợi lại muôn vàn gian khổ mà mỗi cán bộ, nhân viên Bưu điện tỉnh Quảng Trị đã vượt qua trong suốt 20 năm đi trên con đường dài theo đất nước. Trong sự giao lưu trực tiếp với người xem, tấm ảnh các chiến sĩ thông tin liên lạc trên tuyến hành lang giao bưu vừa đánh địch vừa mở đường ở mặt trận Đường 9 năm 1971 là một kỷ niệm xuyên suốt thời gian đối với 3 chàng trai trẻ đang lăn, lê, bò, toài trên một lối đi nhỏ vừa được mở giữa rừng già, súng trong tay chĩa về phía trước.

Đó là một trong nhiều tình huống nguy nan mà họ phải giành được thế chủ động trong từng giờ để đường dây thông tin liên lạc giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn không một phút gián đoạn. Sự cảnh giác thường trực và tinh thần sẵn sàng chiến đấu giúp họ vô hiệu hóa những đôi mắt tinh quái và vũ khí tối tân của các nhóm biệt kích, thám báo Mỹ - Ngụy luôn phục kích trên tuyến đường.

Nhu cầu hiểu biết về những con người sống làm liên lạc, chết kiên cường dũng cảm mở ra trước mắt tôi hình ảnh của nhiều chiến sĩ giao bưu trong số 20 người đầu tiên ở lại phần bờ Nam của Quảng Trị sau Hiệp định Gienève năm 1954 đã hy sinh trên đường đưa thư, chuyển công văn, tài liệu. Các cuộc vây ráp, khủng bố ác liệt của kẻ thù đã buộc đường trục giao bưu Bắc-Nam của cách mạng phải dời vào rừng sâu, tiếp tục duy trì giữ vững liên lạc và vì thế mà con đường mòn Hồ Chí Minh trên dải Trường Sơn hùng vĩ, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển cả bao la đều đã từng in dấu chân của người chiến sĩ giao bưu Quảng Trị.

Bài ca viết bằng ánh sáng

Góp phần giữ vững mạng lưới thông tin liên lạc ở mặt trận Quảng Trị (Nguồn: Tư liệu của Bưu điện tỉnh Quảng Trị)

Trong những năm tháng đầy gian nguy đó, sự có mặt của những người cầm máy ảnh là phóng viên chiến trường ở mặt trận Quảng Trị đã khám phá, đón nhận và khắc ghi rất nhiều hình ảnh đáng nhớ về công việc và con người của ngành Bưu điện. Nhiều khoảnh khắc lặng thầm và sôi nổi của người chiến sĩ giao bưu bấy giờ làm nhiệm vụ liên lạc, chuyển thư, tài liệu, công văn, dẫn đường đưa các đoàn cán bộ, bộ đội vào ra hai miền Nam-Bắc, từ chiến khu ở núi rừng hiểm trở về đồng bằng dày đặc đồn bốt, ấp chiến lược và sự canh gác, lùng sục của kẻ thù, qua bom mìn, lửa đạn mà với khẩu tiểu liên, AK được trang bị để sẵn sàng chiến đấu, mỗi người trong số họ đã hóa thành anh bộ đội Cụ Hồ đã ngưng lặng trong những tấm ảnh.

Bài ca viết bằng ánh sáng

Có một thực tế đã xảy đến với tôi là trong lúc tìm hiểu sự nghiệp đảm bảo thông tin liên lạc để phục vụ ngày một tốt hơn công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước của ngành Bưu điện tỉnh Quảng Trị qua những bức ảnh, nhiều khi tôi không phân biệt được trong các nhóm người vượt suối băng rừng kia đâu là những người lính của những binh đoàn chủ lực, đâu là những người chiến sĩ giao bưu, liên lạc.

Để cảm nhận được những ngày tháng lắm gian nan thử thách và rất đỗi hào hùng của cả một thế hệ giao bưu, thông tín viên nhận mệnh lệnh của Tổ quốc trong những giờ phút quyết tử để quyết sinh, thực hiện nhiệm vụ lịch sử đặt lên vai mình, tôi dừng lại rất lâu trước cụm ảnh chụp họ trên tuyến giao bưu nơi rừng thiêng nước độc.

Đó là những bức ảnh chụp giao bưu miền Tây Quảng Trị vận chuyển tài liệu, thư từ miền Bắc vào, là chiến sĩ giao bưu ở mặt trận Khe Sanh trên đường mang công văn, thư nhà đến với các chiến sĩ đang chiến đấu tại vùng Ô châu ác địa ấy, là những người khoác túi đựng tài liệu trên lưng mà vai còn vác thêm hòm đạn, bao gạo đi trên tuyến đường vận chuyển phục vụ mặt trận Đường 9, là niềm vui của người giao bưu đưa sách báo đến một quân y viện ở giữa núi rừng Hướng Hóa, Đakrông để các anh em thương binh cùng nhau đọc, là giờ phút thu hoạch sắn trên nương rẫy tự túc của anh chị em giao bưu, là lúc dẫn cán bộ vượt suối của một trạm giao bưu có nhiều chiến công...

Bài ca viết bằng ánh sángĐảm bảo thông tin liên lạc trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (Nguồn: Tư liệu của Bưu điện tỉnh Quảng Trị)

Để hoàn thành tốt mỗi một công việc đó, họ là những con người đêm ngày chinh phục nhiều núi cao dốc đứng, sông sâu suối dữ với đôi dép cao su dưới chân, chiếc mũ cối, cành lá ngụy trang trên đầu và lòng gang dạ sắt của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng đã trao cho họ một sức mạnh thần kỳ.

Cùng với những binh đoàn xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, bất luận trong tình huống nào, những đôi chân thông minh và quả cảm của họ đem lại trong lòng biết bao chiến sĩ nhiều cảm xúc như “khoái nào bằng phút ngả lưng/ mở trang thư dưới bóng rừng đong đưa. Những động viên, khích lệ tràn đầy tình cảm yêu thương rất mực thân thiết và lớn lao của gia đình, người thân ở hậu phương, bạn bè đồng chí từ các chiến trường mà người lính của chúng ta nhận được trong mỗi lá thư thuở ấy và, niềm khoái cảm kia của các anh nhiều khi được đánh đổi bằng máu xương của người chiến sĩ giao bưu đi qua bao cung đường ác liệt lửa đạn. Với những người đưa thư và nhận thư như thế, đó chính là một trong những kỷ niệm mình có được ở chiến trường Quảng Trị mà họ không bao giờ quên.

Trước những bức ảnh tư liệu về truyền thống của ngành Bưu điện tỉnh Quảng Trị, tôi là người may mắn không chỉ vì thâu nhận những kỷ niệm quý báu của một thế hệ vai trăm cân, chân ngàn dặm mà còn may mắn được đối diện với những nhân cách trung thành, dũng cảm, sáng tạo, tận tụy, nghĩa tình.

Trong một niềm xúc động lặng lẽ, tôi hiểu rằng, cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc mình đã lùi xa gần bốn mươi năm và cho dẫu có biết bao người vĩnh viễn nằm xuống trong từng tấc đất của Tổ quốc thì những đám bụi của vó câu thời gian không thể nào khuất lấp được các tên tuổi, gương mặt, nụ cười và trái tim của những con người tay không, chân đất, vai mang chiếc bao lác đựng công văn, tài liệu đã viết nên trang sử vàng đẹp đẽ của ngành Bưu điện tỉnh Quảng Trị trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bài ca viết bằng ánh sáng

Phút dừng chân uống nước của chiến sĩ giao bưu tỉnh Quảng Trị (Nguồn: Tư liệu của Bưu điện tỉnh Quảng Trị)

Đến hôm nay, sự thật đó vẫn chói ngời trên những tấm hình tư liệu ghi lại những thời khắc người chiến sĩ giao bưu Quảng Trị đi không dấu, nấu không khói, nói không lời, cười không tiếng để chứng minh một tất yếu là: “Hoạt động giao thông liên lạc hoàn toàn không có sự chia cắt, bởi lẽ sự nghiệp cách mạng của hai miền Nam-Bắc đều do Đảng lãnh đạo. Giao thông liên lạc là mạch máu của Đảng, máu ngừng chảy, tim sẽ ngừng đập”.

Trong chớp mắt, tôi hiểu ra sự vô giá của những tấm ảnh chất chứa kỷ niệm về những người giao bưu Quảng Trị ngày trước mà tôi đang dồn vào đấy tất cả năng lực thụ cảm của mình và, tôi thầm cảm ơn những người đã chụp ảnh.

Những phóng viên mặt trận của hàng chục năm trước đã ngắm nhìn những chiến sĩ giáo bưu, kỹ thuật viên vô tuyến điện, báo vụ viên,... mà họ gặp trên các nẻo đường thông tin liên lạc ở Quảng Trị và ngưng đọng sự ngắm nhìn ấy thành những tấm hình mà trong từng bước đi của thời gian vẫn thường gợi lên bao kỷ niệm, bao cảm xúc.

Và, khi chất thơ ca của một thời oanh liệt vào sinh ra tử vọng về tràn đầy tâm hồn, tôi nhận thấy tất cả mọi tấm ảnh đang có trong phòng truyền thống của Bưu điện tỉnh Quảng Trị không đơn thuần là ảnh tư liệu nữa mà chính là những tác phẩm đích thực của nghệ thuật nhiếp ảnh. Tôi không tài nào ngăn được da thịt mình nổi gai ốc khi mắt vừa đặt lên tấm thứ nhất của cụm ảnh về hai chiến sĩ giao bưu người Vân Kiều là Hồ Bòn và Hồ Lý đã từng 6 năm liền vận chuyển thư, báo, công văn, tài liệu an toàn đến các đơn vị bộ đội ở các bản, làng giữa núi sâu, rừng thẳm.

Làm nhiệm vụ trên tuyến đưa thư dài một trăm cây số ở miền Tây Quảng Trị, hai anh đã vượt qua bao suối sông, nương rẫy nhiều vắt, sên, lắm thú dữ và những nơi địch thường đánh phá ác liệt bằng cả chất độc màu da cam, chiến thắng sự đói cơm nhạt muối cùng nhiều mối nguy hiểm suốt dọc con đường để sự liên lạc giữa các lực lượng cách mạng trong toàn vùng luôn thông suốt vào những năm 1970.

Trong ảnh là hai chàng trai trẻ măng đang lội qua quãng suối nào đó giữa ngàn xanh với súng trường khoác trên vai người này, đeo chắc chắn trước ngực người kia. Thêm một đoạn tre làm gậy chống trong tay của người chiến sĩ giao bưu mang họ Bác Hồ.

Gương mặt của người đi đầu rạng ngời trong ánh sáng của bầu trời, của rừng núi, của làn nước suối, của nét cương nghị và điềm tĩnh, của đôi mắt mở căng nhìn về phía trước, của hai giọt mồ hôi long lanh bên thái dương, của mái tóc bay ngược chiều gió thổi tạo thành một khuôn hình đẹp. Vẻ đẹp của tấm ảnh là ở sức biểu cảm mạnh của vẻ đẹp mà người được chụp chứa đựng cả bên trong lẫn hình thức bên ngoài.

Bài ca viết bằng ánh sángCuốn Bất khuất của tác giả Nguyễn Đức Thuận được các chiến sĩ giao bưu Bắc Quảng Trị đưa đến các đơn vị bộ đội, kịp thời động viên tinh thần chiến đấu (Nguồn: Tư liệu của Bưu điện tỉnh Quảng Trị)

Cụm ảnh về hai chiến sĩ thi đua này còn khắc họa được chân dung người chiến sĩ giao bưu vùng cao với những lúc họ đang băng qua sườn núi dốc, phút chuẩn bị bữa cơm trưa trên đường làm nhiệm vụ, phát cây mở đường mới khi đường giao liên trước đó đã bị B52 đánh phá ác liệt ở nhiều đoạn. Chính những ngày tháng ấy của họ đã bày ra trước ống kính máy ảnh của những phóng viên mặt trận nhiều khoảnh khắc cuộc đời người chiến sĩ giao bưu thể hiện vẻ đẹp bản chất mình có.

Tấm ảnh chụp hai chiến sĩ kiên cường Hồ Bòn và Hồ Lý đang dừng chân uống nước dưới ánh nắng chói chang giữa rừng lau lách mang vẻ đẹp kiểu nhiếp ảnh. Nó sống động đến nỗi tôi có thể cảm biết ngay tình anh em đồng chí keo sơn nồng hậu của họ; sự hồn nhiên, niềm vui vẻ lạc quan của hai người nơi ánh mắt tươi cười, nụ cười họ đang cười và nghe rõ cả tiếng nước chảy từ chiếc bi đông vào miệng người đang uống.

Dường như, trong khoảnh khắc bất chợt nào đó, việc một chiến sĩ giao bưu ngửa mặt uống nước từ chiếc bi đông mà đồng đội mình đang đeo đã được thâu hóa và ngưng đọng trong cái nhìn đầy trân trọng của người cầm máy ảnh. Tia nhìn đó sáng lên trong ánh chớp lóe của tâm hồn người cầm máy ảnh đã biến cái thời khắc chỉ được tính bằng giây giữa một người đang uống nước và một người mỉm cười nhìn đồng đội uống nước từ chiếc bi đông của mình thành bức ảnh chứa đựng một kỷ niệm đẹp còn mãi với thời gian.

Bài ca viết bằng ánh sáng

Đặc khu Vĩnh Linh trong những ngày đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc mịt mù bom đạn. Trong hoàn cảnh ác liệt ấy đòi hỏi những sức lực phi thường của lòng quả cảm và trí sáng tạo để ngành Bưu điện vượt qua gian nan thử thách mà duy trì thông tin liên lạc. Máy móc thiết bị được đưa xuống hầm và địa đạo, các tổng đài được chia nhỏ sơ tán nhiều điểm, nhiều nơi phục vụ, xây dựng mạng lưới thông tin khắp các trận địa pháo cao xạ hỗ trợ lực lượng pháo binh, phòng không tiêu diệt các căn cứ và nhiều máy bay địch.

Tấm ảnh chụp điện thoại viên Lê Thị Minh Sính với tuổi hai mươi của mình đã giữ vững vị trí chiến đấu trong các trận đánh ác liệt đã kể lại một cách đầy đủ khí phách anh hùng cách mạng của những cán bộ, công nhân viên Bưu điện Vĩnh Linh vào những ngày đó. Với cô gái trẻ năm nào trên tuyến lửa, những ngày bất chấp bom đạn bám tổng đài giữa ngổn ngang đất đá để trả lời, tiếp dây cho những cuộc đàm thoại chỉ huy chiến đấu mãi mãi là một kỷ niệm.

Các chi tiết trong những tấm ảnh lưu giữ hàng loạt kỷ niệm của ngành Bưu điện tỉnh Quảng Trị nói lên những mối quan hệ thấm đẫm tinh thần sống thì vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, không sợ hy sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, chết thì hiên ngang anh dũng và, cái vĩ đại của con đường huyết mạch là lòng yêu nước, chí quật cường và sự hy sinh vô bờ bến của cán bộ, chiến sĩ giao liên và Nhân dân.

Trong những mối quan hệ ấy hiển hiện lòng dũng cảm, chiến công và vinh quang thầm lặng của nhiều chiến sĩ giao bưu mà theo bước chân của họ, các binh đoàn, sư đoàn Giải phóng đã từ Bắc vào Nam qua dòng sông vĩ tuyến, qua những túi bom, tọa độ lửa đưa đất nước đến ngày hát vang khúc khải hoàn. Đã có những góc nhìn phản chiếu chủ nghĩa anh hùng cách mạng của họ mà đôi lúc họ không phải là đối tượng chính trong các tấm ảnh.

Đó là trường hợp của tấm ảnh chụp cuốn sách Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận do Nhân dân miền Bắc gửi tặng được các chiến sĩ giao bưu Bắc Quảng Trị đưa đến các đơn vị bộ đội, kịp thời động viên tinh thần chiến đấu; là tấm hình ghi lại phút nghỉ chân trên đường giao bưu của thiếu tướng Lê Chưởng năm 1967. Mỗi tấm ảnh thể hiện tinh thần dũng cảm, khí phách hiên ngang, sự chịu đựng hy sinh gian khổ của các chiến sĩ giao liên Quảng Trị trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đều khơi gợi cảm xúc nơi người thưởng ngoạn.

Bởi nó là một chân dung đúng nghĩa với khoảnh khắc ngưng của một trạng thái, một tình cảm, một tinh thần của nhân vật có trong đó. Giống như một tấm ảnh nghệ thuật đầy sức liên tưởng với bố cục tuyệt đẹp và thứ ánh sáng thật trong lần chộp bắt thần thái sự vật hết sức nhạy cảm, tinh tế của tác giả là tấm ảnh giao bưu Hướng Hóa vượt suối trèo đèo chuyển đưa công văn về bản, làng.

Ảnh được chụp vào năm 1969 và, nó gây nên trong tôi một ý nghĩ sáng rõ là bây giờ, cho dù ở đâu, người chiến sĩ giao bưu trong ảnh mang chiếc ba lô to kềnh, nặng trĩu khoác súng trường trên vai đang xoạc chân trèo trên các tảng đá lớn nằm chồng lên nhau dưới bầu trời trong đang đổ những bông mây trắng trìu mến vẫn hằng nhớ từng chi tiết của chuyến công tác ngày hôm ấy và tâm trạng của mình.

Rót thẳng vào tôi là âm hưởng hào hùng và gian khổ của những năm tháng các đài vô tuyến điện bí mật đặt giữa rừng già, trong các hang đá luôn kịp thời phục vụ từng chiến dịch, mỗi trận đánh thù mà hễ bị địch phát hiện là anh em chiến sĩ lại gùi cõng máy sang những hẻm núi, cánh rừng khác và tiếp tục nhận lệnh, truyền tin...

Bài ca viết bằng ánh sángĐiện thoại viên Lê Thị Minh Sính duy trì thông tin liên lạc trong những ngày đế quốc Mỹ đánh phá Đặc khu Vĩnh Linh (Nguồn: Tư liệu của Bưu điện tỉnh Quảng Trị)

Cũng chính trong khoảng thời gian đó, lịch sử ngành Bưu điện tỉnh Quảng Trị có những nụ cười sáng tươi nhất, đẹp nhất. Những nụ cười ấy bừng nở trong tấm ảnh sinh động với 4 chiến sĩ giao bưu đang đi qua một vách đá phủ chằng chịt rễ cổ thụ với cành cây làm gậy, súng trong tay và trên vai phải của người đi đầu nằm hiền lành một cây đàn.

Góc chụp làm tôi rất khó xác định cây đàn là ghi-ta hay măng-đô-lin nhưng nó và nụ cười rộng mở, ấm sáng, hồn nhiên của người mang nó đã thể hiện gần như trọn vẹn tâm hồn tràn đầy chất thơ ca của các chiến sĩ giao bưu Quảng Trị ngày ấy. Và chính những tâm hồn đẹp ấy làm nên những tấm ảnh, những kỷ niệm đẹp của cuộc đời họ, của ngành Bưu điện.

NGUYỄN THỊ BỘI NHIÊN

Đồ họa: NAM TRÂN

Xem phiên bản di động