Bài 6: “Trách nhiệm về phía ngân hàng là không thể trốn tránh được”
Bài 6: “Trách nhiệm về phía ngân hàng là không thể trốn tránh được”

Có thể nói việc sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ATM ở Việt Nam là bước phát triển đáng kể để tiến tới việc người dân giảm lưu hành tiền mặt. Số lượng người có thẻ tín dụng, thẻ ATM tăng rất nhanh và theo tôi đó là xu hướng tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp nhiều bất cập mà một trong những bất cập là việc phát hành thẻ ATM một cách tràn lan, dẫn đến việc chủ sở hữu thẻ bị đẩy vào cảnh dở khóc, dở cười do phát sinh dư nợ không ngờ.

Theo tìm hiểu của tôi thì nhiều ngân hàng đã giao chỉ tiêu phát triển khách hàng, phát hành thẻ ATM cho nhân viên nên dẫn đến việc nhân viên tư vấn mở càng nhiều thẻ càng tốt. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn mở thẻ, nhân viên lại tư vấn không đầy đủ, chỉ nhấn mạnh đến quyền lợi mà nói rất ít đến trách nghiệm, nghĩa vụ về các loại phí cần nộp hay vấn đề liên quan đến hủy thẻ cần gặp ai, thủ tục ra sao, thậm chí có nhân viên còn tư vấn sai, bảo “cứ mở thẻ đi không mất gì đâu”. Chính những điều này dẫn đến việc mở thẻ một cách tràn lan. Ngân hàng cũng không kịp thời rà soát hiện tượng bất thường này và thiệt hại thuộc về khách hàng.

Vậy thì khách hàng có lỗi không? Tôi nghĩ là có khi họ không tìm hiểu kỹ về các điều khoản ràng buộc cũng như việc không sử dụng thẻ nữa thì làm thế nào. Tôi nhớ là đã ý kiến trong kỳ họp Quốc hội rằng, hiện nay chúng ta chưa có quy định tối đa mỗi cá nhân được mở bao nhiêu thẻ ở các ngân hàng dẫn đến tình trạng “loạn” thẻ tín dụng, thẻ ATM và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm công nghệ cao tràn lan. Thậm chí có một thực tế là một người có nhiều tài khoản ngân hàng mà đến chính họ cũng không nhớ nổi.

Trách nhiệm về phía ngân hàng là không thể trốn tránh được. Hiện nay chưa có con số thống kê đầy đủ về số người bị phát sinh dư nợ không mong muốn nhưng tôi tin là không ít, đặc biệt là trong đội ngũ công nhân lao động. Thậm chí ngay những người phát sinh dư nợ cũng không hề biết số tiền bị trừ một tháng là bao nhiêu, rồi một năm bị trừ bao nhiêu nhưng có điều chắc chắn là từ số tiền không lớn ban đầu nhưng được cộng dồn sẽ là không ít.

Bài 6: “Trách nhiệm về phía ngân hàng là không thể trốn tránh được”

Để giải quyết dứt điểm hiện tượng này và để tránh những thiệt hại cho người dân, theo tôi về phía các ngân hàng cần rà soát vấn đề này một cách tổng thể. Tôi kiến nghị các ngân hàng cần nghiên cứu, xem xét để quy định giới hạn số lượng tài khoản mỗi cá nhân được sở hữu. Như thế nếu không sử dụng tài khoản nào, người dân buộc phải hủy để mở tài khoản khác, tránh được tình trạng “bỏ quên tài khoản” hoặc bị lợi dụng mở hộ tài khoản, bán tài khoản. Ngân hàng phải tư vấn cho khách hàng một cách chi tiết, đầy đủ, rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như chúng ta đã và đang tư vấn về bảo hiểm xã hội.

Để tiến tới một Chính phủ điện tử, giao dịch điện tử thì việc tuyên truyền này phải thật rõ ràng, đầy đủ để khách hàng hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, đặc biệt vì lý do cụ thể như chuyển công tác, cơ quan đổi thẻ ATM thì phải liên hệ với ai để hủy tài khoản cũ.

Hiện nay công tác truyên truyền theo tôi là chưa tốt. Công việc của công nhân rất bận rộn, họ không quan tâm đến chuyện này và vô hình trung họ đã trở thành “con nợ” của ngân hàng. Ngoài công nhân thì người hưu trí và sinh viên – những người đang số lượng lớn thẻ nhận lương, thẻ ATM hầu như không quan tâm đến vấn đề này và cũng đang là “nạn nhân”.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng cần tăng cường rà soát, kiểm tra để sớm tìm ra vấn đề bất thường trong các nhóm thẻ tại các ngân hàng. Ví dụ thẻ ghi nợ không phát sinh giao dịch trong thời gian dài mà tiền phí duy trì thẻ vẫn được cộng dồn thì cần xem xét lại, trao đổi với khách hàng để tiến tới đóng thẻ. Tôi được biết có những nhân viên còn cho khách hàng ký khống vào tờ mở thẻ, tạo ra rủi ro rất lớn cho khách hàng, đội ngũ nhân viên ngân hàng cần phải chú ý đến việc này và phải cần phải bị xử lý nghiêm. Người dân cũng cần nâng cao hiểu biết của mình về công nghệ, về các loại thẻ của ngân hàng đến chuẩn bị tâm thế là một công dân số.

Bài 6: “Trách nhiệm về phía ngân hàng là không thể trốn tránh được”

Qua loạt bài “Cảnh báo “bẫy nợ” thẻ ngân hàng” trên Tạp chí Lao động và Công đoàn, tôi nhận thấy trách nhiệm là ở cả 2 bên: Ngân hàng và người lao động. Các ngân hàng cấp thẻ cho khách hàng thì cần cung cấp thông tin đầy đủ trước khi ký hợp đồng. Ngân hàng phải cung cấp cho người lao động thông tin chi tiết về các loại phí liên quan, bao gồm phí mở thẻ, phí duy trì thẻ, phí giao dịch, lãi suất và các loại phí phạt (nếu có). Những thông tin này cần được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, có thể bằng văn bản hoặc dưới dạng tài liệu giải thích để người lao động có thể đọc và hiểu trước khi ký kết. Ngoài ra cũng cần tư vấn và giải thích rõ ràng. Ngân hàng nên có trách nhiệm giải thích mọi điều khoản trong hợp đồng cho người lao động, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến chi phí và nghĩa vụ tài chính. Đồng thời, cần hướng dẫn cho khách hàng cài ứng dụng ngân hàng trên điện thoại để tiện theo dõi các giao dịch. Với khách hàng không có giao dịch trong thời gian dài, ngân hàng cần phải nhắc nhở, đôn đốc và tư vấn để họ kịp thời khóa thẻ, chứ không thể im ỉm mà thu tiền phí. Việc này vô hình trung sẽ tạo nên sự không minh bạch trong thị trường thẻ ATM.

Với người dùng thẻ, khi chuyển sang đơn vị khác mà yêu cầu cấp thẻ mới thì cần phải liên hệ ngay với ngân hàng để đóng thẻ cũ. Chúng ta không nhất thiết phải dùng quá nhiều thẻ một lúc, bởi hiện nay các ngân hàng đã có sự liên thông với nhau nên việc thanh toán vô cùng tiện lợi, nhanh nhạy. Xã hội số đòi hỏi người dùng phải là những công dân số và hãy quan tâm nhiều hơn đến tài sản của mình, trong đó có những chiếc thẻ ATM. Người dùng khi đặt bút ký với ngân hàng về việc mở thẻ ATM thì hãy quan tâm nhiều hơn đến các điều khoản, quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Hiện nay, Nhà nước chưa quản lý về việc mỗi người được mở tối đa bao nhiêu thẻ ATM mà trên các phương tiện thông tin đại chúng mới chỉ khuyến cáo không nên có nhiều thẻ. Việc người dùng có nhiều thẻ ATM theo một cách nào đó cũng có thể hiểu lượng tiền trong ngân hàng tăng lên. Và điều đó đang có lợi cho các ngân hàng nhưng việc có nhiều thẻ mà không dùng hết cũng đang gây những thiệt hại cho người dùng. Có thể lướt qua thấy mỗi tháng người dùng phải chịu phí chỉ vài nghìn đồng thì thấy là ít nhưng được cộng dồn qua từng tháng, từng quý, từng năm thì số tiền là rất lớn mà đến chính bản thân người dùng không thể hình dung được. Đặc biệt, với những thẻ ATM không dùng đến, người dùng không được cho người khác sử dụng vì việc này dễ dẫn đến việc các thẻ ATM rơi vào tay các đối tượng lừa đảo trên mạng.

Bài 6: “Trách nhiệm về phía ngân hàng là không thể trốn tránh được”

Điều đầu tiên phải thừa nhận dịch vụ thẻ mà ngân hàng cung cấp đã mang lại sự tiện lợi cho người dân trong việc lựa chọn thanh toán, quản lý tiền của mình. Tất nhiên dịch vụ này phải có chi phí.

Bản thân người dùng phải nhận thức được việc sử dụng thẻ là không miễn phí. Thực tế hiện nay nhiều người chỉ ký vào tờ giấy đăng ký mở thẻ mà không cần biết điều khoản thế nào, trách nhiệm, nghĩa vụ ra sao và vô hình trung họ đã tự đặt mình vào tình thế bị ràng buộc mà không biết. Khách hàng phải luôn tỉnh táo, đọc rất kỹ, hiểu rất kỹ và một khi không hiểu thì phải nhờ người thực sự có khả năng để tìm hiểu, giải thích cặn kẽ cho mình.

Theo tôi, việc ngân hàng mở thẻ, đóng thẻ, thu tiền phí duy trì thẻ là quyền của họ và đây không phải quyền họ áp đặt mà là quan hệ thị trường, hai bên thỏa thuận một cách tự nguyện. Khi cung cấp dịch vụ, về nguyên tắc nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng, tránh tình trạng nhân viên ngân hàng đưa tờ giấy cho khách hàng và nói “chỉ cần ký vào tờ giấy vào là xong, không mất gì nữa đâu”. Theo tôi, đây là hành vi không trung thực, nếu nói nặng là lừa dối khách hàng. Nếu có bằng chứng thì khách hàng hoàn toàn có quyền kiện ngân hàng ra pháp luật còn không có bằng chứng thì ngân hàng đó đã mất uy tín, lòng tin trong lòng khách hàng. Tôi nghĩ với một ngân hàng thì uy tín, lòng tin là cực kỳ quan trọng và không một ngân hàng muốn đánh mất điều đó cả.

Qua sự việc mà Tạp chí Lao động và Công đoàn nêu, tôi nghĩ đây không phải chủ trương của ngân hàng mà chỉ rơi vào những nhân viên nào đó, đại lý nào đó do áp lực chỉ tiêu cấp trên giao mà đã chạy theo số lượng khách hàng để bằng mọi cách mở càng nhiều thẻ càng tốt.

Để xảy ra việc người dùng nợ hàng triệu đồng trong nhiều năm, thậm chí có người dùng thẻ tín dụng nợ hàng tỷ đồng mà bản thân người dùng không hề biết mình là “con nợ”, theo tôi trách nhiệm thuộc về ngân hàng. Khi khách hàng không phát sinh giao dịch trong thời gian dài thì trách nhiệm của ngân hàng là phải liên hệ, trao đổi, thống nhất với khách hàng để dừng thẻ, rồi trong thời gian bao lâu phải khóa thẻ, chứ không thể để khách hàng bị nợ quá hạn.

Khi một khoản nợ mà khách hàng không trả được trong thời gian bao lâu ấy dù chỉ 1 đồng thì cũng trở thành nợ quá hạn mà khi ấy phải có một quy trình quản lý. Ngân hàng phải thực hiện thủ tục xử lý nợ quá hạn, còn nếu trong thời gian bao lâu mà nợ quá hạn không trả được thì phải xóa nợ. Bản thân các ngân hàng phải xem lại quy trình quản lý nợ xấu của các chi nhánh

Còn về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phải thanh tra, kiểm tra. Trường hợp Tạp chí Lao động và Công đoàn nêu mới chỉ là một số người lao động, nhưng biết đâu có những tổ chức, những người vay vốn với số tiền lớn không trả được mà ngân hàng vẫn để khách hàng bị nợ kéo dài.

Chúng ta đều biết vừa qua khi phục hồi kinh tế, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông tư mới cho phép được giãn, được kéo dài thời gian trả nợ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thì các ngân hàng mới được phép làm, chứ ngân hàng để người lao động bị nợ quá hạn, dù chỉ nợ 1 đồng thì ngân hàng đã vi phạm vào quy định quản lý. Theo tôi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải kịp thời thanh tra, xử lý, chấn chỉnh ngay việc này.

Bài 6: “Trách nhiệm về phía ngân hàng là không thể trốn tránh được”

Rõ ràng việc khách hàng mở thẻ xong không dùng là chuyện bình thường nhưng ngân hàng phải có cơ sở nào đó để trừ tiền phí duy trì thẻ. Để khách hàng nợ trong thời gian 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, ngân hàng phải đòi được nhưng họ không trả được mà để nợ xấu thì ngân hàng phải có biện pháp xử lý ngay.

Ngân hàng hoàn toàn có thể đưa quy định trong thời gian bao lâu không có tiền thì dừng thẻ và khi dừng bao lâu thì khóa thẻ. Khi dừng dịch vụ, khóa thẻ, ngân hàng cần thông báo trước cho khách hàng. Bản thân ngân hàng khi mở thẻ cho khách hàng thì phải biết khách hàng là ai. Không thể nói ngân hàng không tìm được thông tin của khách hàng. Một khi ngân hàng không tìm được khách hàng của mình thì tài khoản ấy phải đóng ngay, bởi vì khi đó tài khoản ấy có nguy cơ trở thành lừa đảo, nguy cơ để rửa tiền và có nguy cơ sinh ra các tệ nạn xã hội.

Tài khoản ngân hàng không đơn thuần tài sản thông thường mà nó còn là tài khoản số quốc gia có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội mà ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý.

Việc thu phí thẻ phụ thuộc vào năng lực, khả năng quản lý và mục tiêu của từng ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ việc này để người dân không bị thiệt, không thể để tình trạng nợ xấu lãi mẹ đẻ lãi con.

Còn về phía ngân hàng cũng không thể chạy theo thành tích để mở nhiều thẻ mà đi cùng với việc mở thẻ là tăng khả năng dịch vụ nhiều hơn. Hiện nay, chuyển đổi số trong ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, vì vậy khách hàng không nhất thiết phải dùng thẻ mà có thể qua mã quét mã QR code trên điện thoại thông minh. Việc người dân sở hữu bao nhiêu thẻ ATM là quyền của công nhân nhưng dưới con mắt của nhà kinh tế, tôi khuyến cáo mỗi người không nên sở hữu quá nhiều thẻ ngân hàng.

Quay trở về với trường hợp nữ công nhân ở Hải Dương mà Tạp chí Lao động và Công đoàn đề cập đến, tôi nghĩ cần xem xét lại xem trong 9 năm đó, ngân hàng có thường xuyên nhắc nhở khách hàng khoản phí duy trì hay không. Nếu người dùng phớt lờ thông báo của ngân hàng thì đó là lỗi của người dùng còn nếu ngân hàng không thông báo mà thu hơn 7,5 triệu đồng thì lỗi thuộc về ngân hàng.

Bài 6: “Trách nhiệm về phía ngân hàng là không thể trốn tránh được”

Phạm Huệ - Ngôi Khiêm ghi

Thiết kế: Dũng Choai

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi loạt bài. Kỳ tới:

Bài 6: “Trách nhiệm về phía ngân hàng là không thể trốn tránh được”