e magazine
19/03/2023 20:49
Bài 5: Thách thức đối với công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp FDI ngày càng lớn

19/03/2023 20:49

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, phê chuẩn Công ước 87, Công ước 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), việc xuất hiện tổ chức đại diện NLĐ trong doanh nghiệp tất yếu sẽ xảy ra. Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc trò chuyện cùng đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam về những thách thức đối với Công đoàn cơ sở (CĐCS) ở DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thách thức đối với Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp FDI ngày càng lớnPHÁT TRIỂN ĐOÀN VIÊN, CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ NGOÀI KHU VỰC NHÀ NƯỚC: VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP

Bài 5: Thách thức đối với Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp FDI ngày càng lớn

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, phê chuẩn Công ước 87, Công ước 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), việc xuất hiện tổ chức đại diện NLĐ trong doanh nghiệp (DN) tất yếu sẽ xảy ra. Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc trò chuyện cùng đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam về những thách thức đối với Công đoàn cơ sở (CĐCS) ở DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Khó khăn ban đầu là điều khó tránh khỏi

PV: Có thâm niên làm cán bộ công đoàn 13 năm, trong đó, 7 năm giữ cương vị chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, đồng chí hẳn vẫn còn nhớ những khó khăn trong thời gian đầu khi mới thành lập tổ chức Công đoàn tại Công ty?

Đồng chí Nguyễn Hữu Quang: Công ty TNHH Sakurai Việt Nam là DN FDI 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, thành lập từ năm 2008, hiện có 13.000 lao động. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, năm 2009, Công ty đã đề xuất danh sách BCH Công đoàn và báo cáo với Ban Quản lý, làm việc với Công đoàn Khu Kinh tế để thành lập CĐCS.

Thời gian đầu, những khó khăn không phải là ít. Bản chất DN nước ngoài khi vào Việt Nam chỉ nghĩ để làm việc chứ không biết sẽ thành lập tổ chức Công đoàn nên ban đầu họ cũng không mong muốn, e ngại liệu công đoàn có làm gì ảnh hưởng đến DN hay không. Cho nên khi đàm phán, trao đổi, Công đoàn cũng cần tác động nhiều lần, để cho người sử dụng lao động hiểu thành lập CĐCS chỉ có lợi cho DN, giúp DN phát triển.

Thêm nữa, giữa chủ DN và NLĐ bao giờ cũng có những mong muốn khác nhau: một bên thì mong muốn tăng lương giảm giờ làm, bên còn lại thì muốn ít lương mà tăng giờ làm việc. Để đi đến được thống nhất là cả một quá trình. Công đoàn đứng giữa, cần làm thế nào để NLĐ thấy được mình cũng cần phải có trách nhiệm với DN, có vai trò, có đóng góp với DN và làm tốt hơn công việc của mình. Đối với chủ DN cũng vậy, đến Việt Nam đầu tư mà chỉ mong muốn lợi nhuận, không chăm lo cho NLĐ, không xây dựng được môi trường làm việc tốt… thì cũng khó tồn tại.

Thách thức đối với Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp FDI ngày càng lớn

Đại diện Ban giám đốc Công ty TNHH Sakurai Việt Nam và Công đoàn kí giao ước thi đua vào tháng 4 năm 2021.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ một dẫn chứng cụ thể những mâu thuẫn nội tại đó, cũng như vai trò của công đoàn trong việc hài hòa quyền lợi giữa hai bên?

Đồng chí Nguyễn Hữu Quang: Cụ thể là chế độ phúc lợi, vấn đề tiền lương. Tại Công ty, trước năm 2016 đã từng xảy ra rất nhiều lần công nhân đình công (có những cuộc đình công 9, 10 ngày) do công đoàn chưa tuyên truyền đầy đủ và đúng cách các quy định của pháp luật cho công nhân lao động. Đồng thời, tiếng nói của CĐCS với DN chưa đủ “sức nặng”, để giới chủ nhìn nhận, đánh giá cao. Những vụ đình công ngày đó, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải xuống, kết hợp cùng các cơ quan ban ngành mới giải quyết được ổn thỏa.

Từ năm 2016, khi tôi về làm Chủ tịch Công đoàn thì hầu như không có cuộc đình công nào lớn, chỉ có 1 cuộc nhỏ tại xưởng 6 trong 2 ngày vào năm 2020), liên quan đến cách làm việc của 1 cá nhân (thợ máy) làm sai quy trình của nhà máy, làm ảnh hưởng đến cả tổ máy. Khi chưa tìm được nguyên nhân thì tổ máy đã sa thải 1 thợ máy khác đang làm rất tốt, cho nên công nhân bất bình. Thêm vào đó, sự bất đồng ngôn ngữ khiến cho NLĐ và Ban giám đốc Công ty hiểu lầm, khiến sự việc bị đẩy đi xa…

Trước tình hình đó, Công đoàn đã kiểm tra, xác minh lại, cuối cùng xác định rõ nguyên nhân sự việc, có bằng chứng chứng minh cho chủ DN thấy, sau 2 ngày ngừng làm việc thì NLĐ đã quay lại làm việc. Theo luật thì NLĐ tự ý ngừng việc sẽ không được trả lương. Tuy nhiên, Công đoàn đã thuyết phục chủ DN trả lương cho NLĐ 2 ngày ngừng việc tập thể đó (tổng lương là hơn 4 tỷ đồng).

Thách thức đối với Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp FDI ngày càng lớn

Đồng chí Nguyễn Hữu Quang (áo xanh) thay mặt cho BCH Công đoàn thăm hỏi và trao quà cho NLĐ khó khăn.

Ban đầu, DN không mong muốn trợ cấp nhiều phúc lợi xã hội nhưng thông qua thương lượng, trao đổi, đàm phán, công đoàn đề xuất tăng phúc lợi xã hội cho NLĐ, cũng là cách giữ chân NLĐ, giúp họ yêu quý và mong muốn gắn bó dài lâu với Công ty.

Tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, không những tăng lương theo quy định của Nhà nước, mà còn tăng theo quy định của bậc lương (cách nhau mỗi bậc lương là 5%). Ngoài ra, NLĐ còn được hưởng tiền trợ cấp ngoại ngữ, ăn ca, nuôi con nhỏ, bà bầu, xăng xe, nhà trọ... DN còn đóng tiền thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ (theo đúng luật thì NLĐ phải tự đóng).

Việt Nam gia nhập Công ước Quốc tế và những thách thức của CĐCS

PV: Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, phê chuẩn Công ước 87, Công ước 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), việc xuất hiện tổ chức đại diện NLĐ trong doanh nghiệp tất yếu sẽ xảy ra. Bối cảnh này hẳn sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức đối CĐCS tại DN FDI như Sakurai?

Đồng chí Nguyễn Hữu Quang: Các DN FDI đều muốn được cấp visa cho đơn hàng đi Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực da giày và dệt may. Khi đã tham gia vào thị trường này, thì cũng phải chấp nhận “cuộc chơi” theo “luật chơi” quốc tế, về vấn đề về nhân quyền, cải thiện điều kiện làm việc, tái tạo năng lượng… và đương nhiên Công đoàn cũng sẽ phải chấp nhận sự xuất hiện các tổ chức khác trong DN.

Tại Sakurai, giữa năm 2022, tổ chức Better Word (một tổ chức phi chính phủ thành lập năm 2009 trong chương trình hợp tác đặc biệt giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC) đã thông qua phòng Hành chính – Nhân sự của Công ty thông báo sẽ đánh giá Nhà máy và đề nghị CĐCS cung cấp các thông tin, danh mục, chuẩn bị các tài liệu hồ sơ có liên quan đến CĐCS để Better Word kiểm tra và đánh giá. Đây là một bên thứ 3 của khách hàng để đánh giá doanh nghiệp. Nếu đơn thuần như các đơn vị cùng cấp khác chỉ kiểm tra về mặt sản xuất, nhưng ở đây Better Worrd lại yêu cầu kiểm tra Công đoàn, điều này là trái với quy định của pháp luật Việt Nam (Chỉ có 2 đơn vị có chức năng kiểm tra công đoàn là công đoàn cấp trên và Ủy ban kiểm tra Đảng).

Nếu như Công đoàn không cung cấp các nội dung đó thì ghi vào biên bản Điều này sẽ khiến cho chủ DN thấy rằng, Công đoàn có gì đó mờ ám!

Thách thức đối với Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp FDI ngày càng lớn

Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm NLĐ trong chương trình "01 triệu sáng kiến - Nỗ vượt khó, phát triển và chiến thắng đại dịch Covid 19".

"Các DN FDI đều muốn được cấp visa cho đơn hàng đi Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực da giày và dệt may. Khi đã tham gia vào thị trường này, thì cũng phải chấp nhận “cuộc chơi” theo “luật chơi” quốc tế, về vấn đề về nhân quyền, cải thiện điều kiện làm việc, tái tạo năng lượng...".

PV: Trước tình thế đó, CĐCS đã ứng phó như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Hữu Quang: Thứ nhất, Công đoàn trao đổi với người sử dụng lao động hiểu về tổ chức này: Mặt pháp lý như thế nào, quyền hạn ra sao, và Luật Công đoàn quy định tổ chức nào được kiểm tra Công đoàn và từ trước đến nay Công đoàn đã thực hiện đúng theo pháp luật hiện hành như thế nào?

Thứ hai, BCH Công đoàn đã có văn bản phản hồi về yêu cầu này của tổ chức Better Word gửi tới Ban giám đốc Công ty và báo cáo công đoàn cấp trên. Nội dung của văn bản bao gồm: Chỉ rõ văn bản pháp luật của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn. Khẳng định, Better Word không có chức năng, thẩm quyền để kiểm tra, đánh giá các hoạt động của CĐCS tại doanh nghiệp. Do vậy, Công đoàn Công ty không cung cấp các nội dung liên quan đến CĐCS cho tổ chức này và yêu cầu tổ chức này kiểm tra nhà máy đúng đối tượng, danh mục theo quy định pháp luật Việt Nam. Thông qua đó, Công đoàn đã giúp DN hiểu và không yêu cầu Công đoàn cung cấp thông tin cho phía Better Word nữa.

Thách thức đối với Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp FDI ngày càng lớn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm và tặng quà cho công nhân lao động khó khăn của Công ty TNHH Sakurai Việt Nam.

PV: BCH Công đoàn Công ty Sakurai đã làm hết khả năng của mình và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đó là cách giải quyết tình thế, theo kinh nghiệm của cá nhân. Đồng chí có băn khoăn, trăn trở gì không liên quan đến sự việc này?

Đồng chí Nguyễn Hữu Quang: Điều đáng nói, Better Word đã làm việc với phòng Hành chính – Nhân sự yêu cầu kết nối để tổ chức các buổi tập huấn đối với cán bộ quản lý của Công ty, hay tổ chức các buổi hội thảo, chương trình giảng dạy với các chủ đề như: Cải thiện an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đảm bảo nhân quyền… Trong những dịp này, họ cung cấp tài liệu, đưa các điều tra, bảng biểu (nội dung liên quan đến việc khảo sát các hoạt động chăm lo của CĐCS) tiếp cận với NLĐ… Theo tôi, đây là điều đáng quan ngại, bởi như tôi đã chia sẻ, họ đã đi quá xa so với quyền hạn đã được quy định cụ thể theo pháp luật hiện hành.

Theo nhìn nhận của cá nhân tôi, không chỉ riêng Sakurai mà hầu hết các doanh nghiệp FDI có đơn hàng đi Mỹ đều có sự xuất hiện của tổ chức này. Tuy nhiên, cho đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa có chỉ đạo chính thức hướng dẫn việc cần phải làm thế nào khi có sự xuất hiện của tổ chức khác của NLĐ tại DN. Tôi rất mong, Tổng Liên đoàn Lao động sớm có giải pháp, hướng dẫn cụ thể cho công đoàn các cấp, đặc biệt tại CĐCS để tránh nguy cơ mất đoàn viên và phân bổ nguồn kinh phí sau này…

Thách thức đối với Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp FDI ngày càng lớn

Đồng chí Nguyễn Hữu Quang (áo trắng, đứng giữa) trong Lễ khánh thành Nhà mái ấm công đoàn cho đoàn viên, công nhân lao động Thanh Hóa.

PV: Đồng chí có lo lắng không khi tổ chức Công đoàn không còn ở thế “độc quyền” nữa?

Đồng chí Nguyễn Hữu Quang: Tôi cho rằng, khi có tổ chức đại diện NLĐ ở DN ngoài nhà nước thì đây cũng là khó khăn nhưng cũng là động lực giúp Công đoàn nhìn nhận, đánh giá lại chính mình. Điều gì làm tốt thì cần phát huy hơn nữa, điều chưa tốt nên xác định nguyên nhân và tìm giải pháp tháo gỡ ngay. Bối cảnh mới cũng đòi hỏi cán bộ công đoàn cần nâng cao hiểu biết pháp luật, bản lĩnh chính trị, năng lực tuyên truyền và năng lực đàm phán.

Điều quan trọng là phải làm sao để hoạt động công đoàn tại các đơn vị có sự khác biệt, cần sáng tạo hơn, chăm lo nhiều hơn cho NLĐ ngoài những chức năng cơ bản. Đó mới là yếu tố quyết định, để khi có tổ chức đại diện NLĐ trong doanh nghiệp, hoạt động công đoàn đã có những tiền đề tốt giúp cho NLĐ yên tâm gắn bó lâu dài.

Tôi luôn tin tưởng, suốt chiều dài 94 năm, với biết bao thành quả lớn lao, ý nghĩa đã mang lại cho NLĐ, và những nỗ lực làm mới, làm hiệu quả, Công đoàn sẽ không đánh mất vị thế của mình trước những tổ chức đại diện NLĐ tại DN ngoài nhà nước còn chưa được “khai sinh”.

Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

“Bối cảnh mới đòi hỏi cán bộ công đoàn cần nâng cao hiểu biết pháp luật, bản lĩnh chính trị, năng lực tuyên truyền và năng lực đàm phán"

Bài viết: HỒNG NHUNG

Ảnh: CĐCC

Thiết kế: HỒNG MINH

Xem phiên bản di động