Bài 5: Lời giải cho bài toán "người điên” không lang thang, gây án

Loạt bài của chúng tôi đã phân tích vấn đề quản lý, điều trị người bệnh tâm thần ở nhiều tỉnh, thành, với rất nhiều bài toán được đặt ra. Vì sao người tâm thần đi lang thang tàn lụi và gây án ngoài đường? Vì sao họ được điều trị ổn định, đưa về nhà rồi, mà vẫn gây ra nỗi bất an cho người thân và làng xóm? Vì sao có quá nhiều người bị đóng gông cùm, xích cổ, nhốt một cách đau lòng trong vài thập niên mà không có cách nào “giải phóng” cho thân phận thiệt thòi của họ? Một cái nhìn toàn cảnh trên toàn quốc, chương trình chăm sóc người tâm thần của chúng ta đang gặp vấn đề gì? Đâu là lối ra cho vấn đề?

Trước các câu hỏi đó, nhóm PV Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Thầy thuốc Nhân dân, BS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Theo các chuyên gia hàng đầu nước ta: Ước tính, có khoảng 15% dân số "có vấn đề về sức khoẻ tâm thần". Nhiều "mã bệnh" điển hình mà người "điên" xé quần xé áo, lang thang, gào thét, gây hoạ cho bản thân và cộng đồng; nhưng cũng có nhiều người "trầm cảm ẩn", "(bị bệnh) tâm thần không tâm thần", tức là họ vẫn sống như chúng ta, bởi quá trình phát bệnh rất khó xác định, do thế rất nguy hiểm, và khó chữa trị… Nhiều bệnh nhân tự sát bằng mọi giá, điên loạn đến kinh dị với những hậu quả kinh hoàng cũng đã được PGS.TS Tô Thanh Phương chữa khỏi bằng phương pháp điều trị trầm cảm.

Nhiều người, do không hiểu biết gì về bệnh trầm cảm, lại mê tín, đã cảm thấy, hình như PGS.TS Tô Thanh Phương có một phương thuốc "màu nhiệm" nào đó…

PGS.TS Tô Thanh Phương nguyên là Trưởng khoa Cấp tính nữ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, "cai quản" dăm bảy chục "nữ giới tâm thần" kỳ dị, từ những người điên loạn phá phách đến những người tâm thần lang thang rồi nhập viện. Thỉnh thoảng, bên công an, y tế, và chính quyền cơ sở lại đánh ôtô "cưỡng chế" đem đến một người đàn bà tội nghiệp.

Vài thập niên làm trưởng khoa quản lý các bệnh nhân tâm thần, PGS.TS Tô Thanh Phương tự hào về một “thành tích”: Tôi chưa bao giờ bị bệnh nhân đánh.

Vị chuyên gia kể: Việc bị bệnh nhân “cảm ơn” bác sĩ, điều dưỡng viên bằng cái tát, hay nhổ nước bọt vào mặt "để kỷ niệm" là không khó hình dung ở những nơi như thế này. "Bởi người điên đã ở truồng, đi lang thang (bệnh nhân xã hội) thì họ còn biết cái gì nữa. Nhưng đừng tưởng! Họ lại rất biết ở chỗ: Nếu anh tử tế với họ lúc họ lên cơn, khi họ tỉnh lại, họ vô cùng biết… ơn”.

Bệnh trầm cảm là một khái niệm quá mới ở nước ta, dù từ xa xưa đến giờ, bệnh vẫn song hành cùng cả nhân loại, với những hậu quả kinh khủng… Nhưng, hiện ở ta chưa có điều tra quy mô lớn cho riêng bệnh này. Chỉ có một điều tra về các bệnh liên quan đến sức khoẻ tâm thần không lây nhiễm ở 8 vùng sinh thái, kinh tế khác nhau, theo đề tài cấp Bộ do Bệnh viện Tâm thần Trung ương tiến hành. Theo đó, những vùng, miền đều có những tỉ lệ khác biệt nhau… Rất nhiều tài liệu nói về tỉ lệ trầm cảm (dưới các dạng khác nhau) là 20-30% dân số.

Bài 5: Lời giải cho bài toán "người điên” không lang thang, gây ánPGS.TS Tô Thanh Phương - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Ảnh: LĐ & CĐ

Phóng viên: Đó là lý do ông hai lần sang Pháp thực hiện đề tài nghiên cứu của mình?

PGS.TS Tô Thanh Phương: Luận án tiến sĩ chuyên ngành trầm cảm của tôi không đi vào lĩnh vực điều tra dịch tễ bệnh trầm cảm, mà là nghiên cứu lâm sàng và điều trị bệnh nhân trầm cảm nặng phải nằm viện. Đa số bệnh nhân trầm cảm nặng phải vào viện thuộc lứa tuổi từ 16-35, trong đó nhóm bệnh nhân mắc bệnh cao nhất là 16-25 tuổi. Vì bệnh trầm cảm chỉ thực sự được quan tâm cách đây chưa lâu, trước đó chủ yếu là các nghiên cứu về bệnh tâm thần phân liệt. Hiện nay, trầm cảm đang là vấn đề thời sự trên thế giới cũng như ở Việt Nam, rất nhiều cuộc hội thảo khoa học về trầm cảm đã được tổ chức ở nước ta. Vì đây là lĩnh vực còn mới nên chưa có nhiều người nghiên cứu sâu. Hy vọng là khi có nhiều nghiên cứu về trầm cảm để chất lượng điều trị sẽ tốt hơn nữa. Trong bệnh viện, đa số chúng tôi gặp khi nghiên cứu, chữa trị là những bệnh nhân trầm cảm nặng, trong đó nguy hiểm nhất là trầm cảm nặng có loạn thần vì rất nhiều người trong số họ đã thực hiện hành vi tự sát, trong nghiên cứu của tôi có tới 56,43% bệnh nhân trầm cảm nặng có ý định và hành vi tự sát.

Một dạng khác là rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm - cũng hay gặp và gây rất nhiều khó khăn cho điều trị. Dạng bệnh này dễ nhầm với tâm thần phân liệt và nếu chỉ điều trị theo hướng tâm thần phân liệt thì bệnh sẽ không ổn định và họ cũng dễ có hành vi tự sát, hoặc tấn công nguy hiểm, hoặc tự huỷ hoại thân thể. Ngoài bệnh viện, tôi cũng gặp nhiều bệnh nhân trầm cảm dưới dạng mất ngủ kéo dài, hoặc luôn phàn nàn mình bị mắc các loại bệnh mặc dù đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện được gì.

Bài 5: Lời giải cho bài toán "người điên” không lang thang, gây án

Một bệnh nhân tâm thần đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng - Ảnh: LĐ&CĐ

Phóng viên: Khi mà khó khăn trong điều trị bằng thuốc thang, khi thấy chạy chữa không hiệu quả, bà con có khi đi tìm đến… “thế lực siêu nhiên”; ông có hay gặp trường hợp này không?

PGS.TS Tô Thanh Phương: Bệnh trầm cảm khiến cho bệnh nhân có những hành vi nguy hiểm, kích động, đến mức, trước đây, vì chưa hiểu biết về bệnh, chúng ta hay cho là bệnh nhân bị “ma ám”. Thậm chí, có người sợ mang tiếng là thất đức nên mới bị trời hành, nên không dám cho đi bệnh viện, thành ra bệnh càng nặng. Tôi đã điều trị nhiều bệnh nhân kích động trầm cảm nguy hiểm, như: Đột ngột cắn lưỡi khi đang làm thủ tục nhập viện; có bệnh nhân người Thanh Trì, Hà Nội, chỉ trong thời gian ngắn đã nhảy xuống sông Hồng 4 lần do gia đình chỉ cho đi cúng trừ ma quỷ hết 60 triệu đồng mà không cho vào viện. Có bệnh nhân luôn lao đầu vào tường, ăn phân và bôi phân khắp người, điều trị theo hướng tâm thần phân liệt trong nhiều tuần nhưng bệnh không thuyên giảm, khi kết hợp điều trị trầm cảm thì bệnh ổn định nhanh chóng.

Nói chung, đó là những trường hợp rất khó. Các bệnh nhân như tôi vừa kể, tôi đều đã chữa khỏi, hiện vẫn có bệnh án lưu trữ để phục vụ nghiên cứu khoa học và theo dõi trong thời gian tới. Không nên coi bệnh viện tâm thần là một nhà tù. Các chuyên gia cho biết: Chỉ có khoảng một nửa số tỉnh thành trong cả nước là có bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh; chương trình quốc gia chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng mới chỉ "vươn" tay tập huấn cho được một nửa số xã trong toàn quốc, số tiền được chi mỗi năm chỉ khá ít so với nhu cầu thực tế.

Thậm chí tình trạng bệnh nhân tâm thần bỏ nhà, "thoát y" đi lang thang, sa sút tội nghiệp ở đầu đường xó chợ còn phổ biến.

Bài 5: Lời giải cho bài toán "người điên” không lang thang, gây ánÔng Nguyễn Văn Độ (Phú Thọ) đi lang thang đầu đường xó chợ trước khi được đưa đi điều trị tâm thần - Ảnh: ĐỖ DOÃN HOÀNG

Phóng viên: Nhiều chuyên gia đã nhận định, số bệnh nhân trầm cảm ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng do guồng quay quá chóng mặt của cuộc sống hội nhập, ông nghĩ sao? Chúng tôi cũng đã gặp, trò chuyện nhiều nam, nữ sinh viên sa sút tâm thần, hoang tưởng điên rồ đang điều trị ở bệnh viện tâm thần, đó là một nỗi đau phải chăng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của chúng ta trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tâm thần?

PGS.TS Tô Thanh Phương: Việt Nam đang trong giai đoạn hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước cho nên môi trường ngày càng ô nhiễm, sang chấn tâm lý quá nhiều (tình yêu trắc trở, thất bại trong kinh doanh, thua thiệt trong cuộc sống…); ở một bộ phận nhỏ người trẻ có cuộc sống thiếu lành mạnh, học sinh học quá nhiều… là những nguyên nhân quan trọng để phát bệnh trầm cảm. Chắc chắn tỉ lệ trầm cảm sẽ rất cao, ngày càng cao, chúng ta cần phải sớm báo động. Theo các tài liệu nước ngoài, có tới 20-30% dân số mắc bệnh trầm cảm dưới các dạng khác nhau, trong đó có 5% là trầm cảm điển hình. Do vậy, bệnh nhân trầm cảm rất cần được sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng, cần đưa ngay bệnh nhân trầm cảm đến bệnh viện tâm thần để chữa.

"Bệnh trầm cảm nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp thì sẽ hoàn toàn khỏi bệnh, nếu để lâu, bệnh sẽ trở thành mạn tính, hầu như không chữa được, hoặc bệnh nhân phải thiệt thân" - PGS.TS Tô Thanh Phương.

Không cúng bái mà bỏ qua điều trị, không hắt hủi bệnh nhân trầm cảm vì dễ làm họ bị tổn thương thêm, không nên coi bệnh viện tâm thần là một nhà tù mà nên coi như bất cứ bệnh viện đa khoa khác. Vì trong thực tế cũng đã có rất nhiều người khỏi bệnh khi được điều trị tại bệnh viện tâm thần. Với giới trẻ, nên có cuộc sống lành mạnh, yêu trong sáng, không nên đố kỵ, tránh xa ma tuý, hạn chế dùng bia rượu thuốc lá, tránh các cuộc vui thác loạn… vì đó là một trong những yếu tố nguy cơ làm phát sinh bệnh trầm cảm.

Tâm huyết, lại làm việc lâu năm, âm thầm ở cái “túi đựng những… người điên” của nước nhà như thế, PGS.TS Tô Thanh Phương trăn trở nhất là việc chúng ta vẫn chưa quan tâm xứng đáng tới các bệnh nhân tâm thần lang thang. Họ là bà con, có thể là người thân của chúng ta, bỗng một ngày bị đánh rơi… nhận thức, do bệnh tật, do không được chăm sóc y tế chu đáo từ đầu. PGS.TS Phương thở dài: "Chúng tôi đã kiến nghị nhiều, nhưng chẳng hiểu sao tình trạng vẫn giậm chân tại chỗ".

Bài 5: Lời giải cho bài toán "người điên” không lang thang, gây ánBệnh nhân tâm thần Lý Văn Cải ở Cao Bằng được mẹ làm cho gian nhà lá, khoét lỗ qua bờ tường trình rơm để thả cơm vào cho con ăn hằng bữa. Sau này, anh được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng, được chăm lo chữa trị suốt đời - Ảnh: ĐỖ DOÃN HOÀNG

Phóng viên: Theo ông, cái thiếu của chúng ta hiện nay trong vấn đề phát hiện và điều trị sự hoành hành của bệnh trầm cảm là gì?

PGS.TS Tô Thanh Phương: Vấn đề nhận thức là quan trọng, cần phải tuyên truyền thường xuyên và rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu được hiểm hoạ của trầm cảm, không những chỉ có bản thân bệnh nhân phải chịu đựng, mà gia đình và xã hội cũng phải hứng chịu những hậu quả nặng nề như: Bên cạnh vấn đề tự sát, giết người, trầm cảm cũng là nguyên nhân gây mất khả năng lao động đứng vào hàng thứ hai vào năm 2020 (theo tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế thế giới). Theo tôi, ở nhiều vùng miền, thói mê tín cúng ma tà và sự thiển cận sợ mất danh dự khi đem người thân đi bệnh viện tâm thần là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trầm cảm tăng cao và trở thành mạn tính, có thể không khỏi được hoặc phải uống thuốc cả đời.

PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân, BS Tô Thanh Phương sinh năm 1959, tại Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982; từ năm 1986, ông về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Năm 1995, ông sang Pháp tiến hành nghiên cứu về chuyên ngành tâm thần. Ngày 18/1/2005, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về chuyên ngành trầm cảm (nặng) và trở thành tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về lĩnh vực này.

Bài 5: Lời giải cho bài toán "người điên” không lang thang, gây ánBệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng - Ảnh: LĐ&CĐ

Phóng viên: Thưa ông, một cách tổng quát, thực trạng về vấn đề sức khoẻ tâm thần và quản lý điều trị bệnh nhân tâm thần ở Việt Nam hiện nay có diễn biến gì mới?

PGS.TS Tô Thanh Phương: Chúng ta phải hiểu “tâm thần” là một từ bao hàm nghĩa rất rộng. Trong chứng bệnh tâm thần có rất nhiều các bệnh lý. Ngày xưa, người ta cứ nghĩ bị tâm thần thì rất sợ, ai cũng né tránh. Gia đình người bệnh thì sợ hàng xóm người ta biết hoặc xã hội kỳ thị. Bây giờ các chứng bệnh tâm thần được xã hội nhìn nhận rất nhân văn. Ví dụ có tới 300 mã bệnh (loại bệnh) khác nhau. Rất nhiều chứng bệnh tâm thần có biểu hiện hoàn toàn như những người bình thường khác, như trầm cảm (thể nhẹ); tự kỷ; lo âu; hưng cảm - chẳng hạn thế. Không ai kỳ thị vấn đề này như trước kia nữa.

Tất nhiên, hiện nay, theo xu hướng chung, xã hội càng phát triển thì các bệnh lý tâm thần càng xuất hiện nhiều. Vì cái áp lực trong cuộc sống rất căng: Về công việc; kiếm tiền; gia đình; thậm chí áp lực về sinh con do hiếm muộn; áp lực học hành sao cho bằng bạn bằng bè...

Để mà vượt qua được thì mình phải biết cách phòng và chống bệnh tâm thần. Các thống kê của nước ngoài, chẳng hạn chứng trầm cảm có tỷ lệ rất cao, chiếm tới 20% dân số. Tức là một trăm người trên thế giới thì có tới 20 người bị trầm cảm ở các dạng khác nhau. Trong đó có 5% là trầm cảm điển hình. Có người chỉ đau đầu, mất ngủ hay bồn chồn, đứng ngồi không yên hoặc thế nọ thế kia cũng bị xếp vào trầm cảm. Bên cạnh đó, tỷ lệ tự sát do trầm cảm cũng cao đến 80 - 90%. Ở Việt Nam, nói chung, gần đây tỷ lệ người trầm cảm tăng cao. Người ta điều tra ở trong một số trường học, thì thấy tỷ lệ trầm cảm tăng nhiều so với trước.

Cuộc sống bây giờ rất khác biệt ngày xưa. Mức độ lo lắng trong cuộc sống đã tăng lên. Ngoài mức độ lo lắng cho bản thân, người ta phải lo lắng kinh tế của cả gia đình. Trong cái thời kỳ khó khăn thì tất cả mọi người đều như nhau cả. Nhưng bây giờ tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần tăng lên và có xu hướng những bệnh tâm thần… di chuyển về thành phố.

Để chữa khỏi cho một bệnh nhân, thì yếu tố thầy thuốc là quan trọng thứ nhất; thứ hai là yếu tố gia đình; thứ ba là yếu tố của bệnh nhân; thứ tư là yếu tố của cộng đồng. Tại sao yếu tố của thầy thuốc là quan trọng nhất? Vì trước một người bị bệnh thì anh phải làm sao chẩn đoán được đúng bệnh. Ví dụ, bản thân bác sĩ khi đến tiếp xúc người bệnh để khai thác thông tin, có trường hợp người bệnh hợp tác với bác sĩ; lại có nhiều trường hợp họ bị hoang tưởng ảo giác mà không hợp tác. Phải làm sao khơi gợi khéo léo để mình đặt mình trong hoàn cảnh của người bệnh, xem mình như người thân của họ, để họ thổ lộ những điều sâu kín nhất trong cảm xúc và hành vi của họ, từ đó “bắt bệnh” hiệu quả nhất. Phải làm được như thế. Chứ anh đến gặp người bệnh, anh chỉ làm hời hợt khám dăm ba phút rồi cho đi làm xét nghiệm các thứ, thì việc điều trị sẽ rất kém hiệu quả. Thêm nữa, anh gần gũi bệnh nhân tâm thần, thì họ mới tin anh và khi uống thuốc họ mới tuân thủ.

Bài 5: Lời giải cho bài toán "người điên” không lang thang, gây ánTheo PGS.TS Tô Thanh Phương, để chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân tâm thần, yếu tố thầy thuốc là quan trọng thứ nhất; thứ hai là yếu tố gia đình. Ảnh: LĐ&CĐ

"Khai thác câu chuyện, vấn đề, tiểu sử bệnh của họ là rất quan trọng. Ví dụ, có cháu muốn tự tử nhiều lần rồi mà gia đình không hề biết. Tôi nói ra thì bố mẹ cháu mới phát hoảng. Cháu không tin tưởng bố mẹ để tâm sự" - PGS.TS Tô Thanh Phương.

Vấn đề gia đình cũng đặc biệt quan trọng trong điều trị bệnh tâm thần. Khi có đơn thuốc tốt rồi, phải theo dõi việc uống thuốc đúng cách, đúng giờ, đều đặn. Phải có sự theo dõi cẩn thận của bác sĩ điều trị. Đấy là tốt nhất, còn nếu không thì gia đình và tuyến y tế cơ sở cũng phải liên kết thành cả một hệ thống theo dõi tình hình bệnh nhân. Chứ không phải ông bệnh nhân đến khám chỗ tôi, tôi kê đơn thuốc cho xong cho về. Bệnh nhân tâm thần cần được điều trị cả một quá trình lâu dài từ gia đình, đến y tế cơ sở và bác sỹ chuyên sâu, mọi biểu hiện bệnh cần xử lý ngay. Dừng thuốc là rất gay go.

Phóng viên: Ví dụ như ở tỉnh Cao Bằng chẳng hạn, chúng tôi vừa khảo sát, hng tháng bệnh nhân tâm thần có sổ đều được người thân đi lấy thuốc về cho uống. Họ đi đến trạm y tế xã… Ông từng khảo sát ở đó, ông đánh giá như thế nào về sự hiệu quả các loại thuốc trị bệnh tâm thần ở phần đa các trạm y tế địa phương phát cho người bệnh hiện nay?

PGS.TS Tô Thanh Phương: Nói chung là cái chủ trương cấp thuốc hàng tháng đầy đủ về tận y tế cơ sở cho từng bệnh nhân tâm thần có sổ theo dõi của chúng ta là rất tốt cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Ngày trước, thì người ta chỉ cấp cho những thuốc cũ, cổ điển nên hiệu quả chữa các chứng bệnh tâm thần (nhất là bệnh mạn tính) kém. Nhưng gần đây tôi biết là nhiều tỉnh thành đã có những thuốc thế hệ mới rồi; đấy là điều rất tốt cho người bệnh. Loại bệnh này nó phải điều trị lâu dài tốn kém mà Nhà nước đã hỗ trợ như thế cho tuyến y tế cơ sở và đặc biệt là đến tận các gia đình có người tâm thần thì quá tốt. Y tế cơ sở đến người ta khám để sớm phát hiện các triệu chứng bất thường, các diễn biến mới để kịp thời điều chỉnh lại thuốc.

Tôi nhấn mạnh: Quan trọng nhất là gia đình phải giám sát việc thuốc uống, đảm bảo đúng liều, đúng giờ, đều đặn. Không nên bỏ thuốc ngày nào cả.

Phóng viên: Như chúng ta đã biết, không ít vụ án thương tâm xảy ra do người bệnh tâm thần không được chữa trị kịp thời và quản lý hiệu quả. Theo ông, phải làm gì để giảm thiểu, tránh được cái bi kịch đó?

PGS.TS Tô Thanh Phương: Nguy hiểm nhất là những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện hoang tưởng ảo giác. Tâm thần phân liệt là loại bệnh nặng nhất trong 307 mã bệnh tâm thần. Vì sao điều trị nó không hiệu quả? Bởi nó đáp ứng thuốc rất kém. Những người bị hoang tưởng ảo giác cũng phải có chế độ theo dõi đặc biệt. Họ có thể gây án bất kỳ lúc nào. Người ta mất kiểm soát hành vi. Có khi bệnh nhân tự tử bằng mọi giá, có khi họ tỏ ra rất ổn nhưng thật ra có thể bùng phát gây án hay tự tử ngay sau đó. Những người có tiền sử như thế mình phải theo dõi thường xuyên hàng ngày. Quan trọng nhất là phải cho người ta uống thuốc đều đặn để nó không tái lại.

Ví dụ như trường hợp bệnh nhân bị ảo thanh. Nếu mà bệnh nhân đã mắc chứng ảo thanh ngoài 6 tháng cực kỳ khó chữa. Ảo thanh là những tiếng nói “ảo ảnh” không có thật, nó cứ được cất lên trong đầu của bệnh nhân một cách bí ẩn. Tiếng nói đó đã xui khiến người bệnh xúi giục họ giết người, tự tử, lao đầu vào ô tô, nhảy lầu… Bác sĩ, lúc ấy, bằng mọi cách phải tập trung thuốc thang và tâm huyết, cắt cái “ảo thanh” đó bằng được, gia đình phối hợp chặt chẽ để duy trì thuốc và quan sát mọi diễn biến bệnh. Vì có “thế lực” trong đầu xui khiến nên họ cứ lừ lừ tiến đến và không ai biết họ sẽ làm chuyện kinh khủng gì…

Ví dụ năm ngoái, năm kia ở Hải Dương có một ông đang ở nhà vui vẻ, tự dưng có kẻ tâm thần đi qua, nó lao thẳng vào nhà, bất ngờ đâm chết. Hoặc là những người mẹ bị trầm cảm sau sinh họ dìm chết con của họ trong chậu nước. Nhảy lầu vì trầm cảm cũng rất nhiều…

PGS.TS Tô Thanh Phương là người đem kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ - kỹ thuật mới nhất trong điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt từ Pháp về áp dụng ở Việt Nam. Hiện nay nhiều bệnh viện tâm thần trong cả nước đã sử dụng kỹ thuật này trong điều trị bệnh trầm cảm. Ông Phương đã nghiên cứu đề tài dùng kích thích từ xuyên sọ điều trị chứng ảo thanh kéo dài đạt hiệu cao: 63,33% các ca bệnh hết ảo thanh. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, hầu như PGS.TS Tô Thanh Phương chưa từng “bó tay” trước bất kỳ bệnh nhân trầm cảm nào.

Phóng viên: Qua khảo sát của chúng tôi, như loạt bài bên trên đã đăng tải, thực tế có những người bệnh tâm thần, họ đi điều trị ở Trung ương, ở tỉnh đã nhiều lần, vì cứ xuất viện về là tái phát. Thế thì nguyên nhân do đâu, thưa ông?

PGS.TS Tô Thanh Phương: Có rất nhiều nguyên nhân. Việc không được uống thuốc đều là quan trọng nhất. Với bệnh này, anh phải uống thuốc đều đặn và lâu dài. Chứ nhiều trường hợp bớt bệnh, tạm ổn họ bỏ uống thuốc; được một vài tháng tưởng bệnh khỏi rồi. Bỏ thuốc vài ngày là tái phát.

Chúng tôi đã chạy chữa cho rất nhiều bệnh nhân được khỏi nhưng luôn phải áp dụng đúng cái giai đoạn vàng chữa bệnh. Giai đoạn vàng chữa bệnh là gì? Anh mắc bệnh dưới 6 tháng là giai đoạn cấp tính. Trong 6 tháng này anh phải điều trị tích cực triệt để làm sao nó hết tất cả các triệu chứng rối loạn tâm thần. Sau đó anh duy trì uống thuốc đều đặn một thời gian nữa. Cấp tính là ít nhất anh phải điều trị đủ 2 năm. Sau 2 năm ra viện, về nhà, duy trì thuốc để “tấn công” điều trị ít nhất 6 tháng nữa.

Chứ những nguời bị bệnh ảo thanh đã ngoài 6 tháng là đến giai đoạn mãn tính rồi. Mãn tính thì lúc ấy ta điều trị nó rất là mất thời gian: Có thể 3 năm, 10 năm, thậm chí suốt đời. Cho nên, bài học xương máu là các gia đình bây giờ không nên giấu diếm con em mình khi có những biểu hiện khác thường về sức khoẻ tâm thần.

"Bệnh nhân phải phải thực hiện điều trị ở cơ sở y tế xứng tầm ngay - chứ đừng đi cúng bái ma tà là qua mất giai đoạn vàng thì rất căng thẳng, nguy hiểm, tốn kém" - PGS.TS Tô Thanh Phương.

Bài 5: Lời giải cho bài toán "người điên” không lang thang, gây án

Phóng viên: Thảm cảnh người điên đi gây án và rồi những hình ảnh người điên đi lang thang trên đường, bới rác để lấy thức ăn bây giờ không còn nhiều nữa. Nhưng nó đã và đâu đó vẫn còn tồn tại. Vậy đâu là mấu chốt để giải quyết câu chuyện này?

PGS.TS Tô Thanh Phương: Cái này là vấn đề lớn, cũng phức tạp và không dễ giải quyết. Các bệnh nhân tâm thần lang thang có khi trần truồng, bới rác ngoài đường; thì họ phải được quản lý trong các cơ sở chữa bệnh và quản lý hết sức bài bản, khoa học. Nhưng kinh phí của chúng ta đôi khi chưa đủ để chăm lo vấn đề đó một cách đầy đủ được.

Về tầm vĩ mô thì đó là câu chuyện về cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước cần chặt chẽ và đầy đủ hơn. Về mặt chuyên môn thì chúng ta cần có một sự điều hành thống nhất của các hoạt động chăm sóc, quản lý, chữa trị cho bệnh nhân tâm thần từ cấp trung ương đến địa phương. Như tôi đã nói, mong muốn chăm sóc người bệnh tâm thần một cách đầy đủ trên diện rộng từ trung ương tới địa phương (chính sách quốc gia), nó liên quan đến vấn đề kinh phí. Một ví dụ nhỏ: Nhiều khi, chúng tôi, các chuyên gia điều trị bệnh nhân tâm thần ở Trung ương (như Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) phải có kinh phí và nhân sự thì mới có thể đi về các địa phương để chỉ đạo tuyến được. Trong khi đó, mấy năm nay thì tôi không thấy có kinh phí cho “đề mục” này nữa. Chính vì thế, có thể hiểu là: Không có sự chỉ đạo về nghiệp vụ thông suốt và hiệu quả từ trên xuống dưới một cách đầy đủ như cũ. Tức là không có một cú hích lớn và hiệu quả từ các chuyên gia đầu ngành theo ngành dọc xuống thì vấn đề chăm sóc, điều trị, quản lý người bệnh tâm thần ở các địa phương sẽ vận hành “đơn độc” hơn, thiếu thống nhất và cập nhật kiến thức hơn. Họ đành phải vận hành theo cái cái quy chế cũ thôi.

Ngoài vấn đề trên, nghiệp vụ điều trị cho bệnh nhân tâm thần cần liên tục học hỏi, cập nhật để phục vụ người bệnh sao cho hiệu quả, việc “chỉ đạo tuyến” còn liên quan đến kinh phí. Ví dụ, bệnh viện tâm thần ở tỉnh A, trung ương về giúp xây dựng chuyên nghiệp và đào tạo y bác sĩ, có khoảng 500 triệu đồng từ tuyến trên (ngành dọc), tỉnh A sẽ cho thêm 500 triệu đồng.

Để vấn đề quản lý chăm sóc người bệnh tâm thần hiệu quả, tránh việc họ gây án, đi lang thang tàn lụi và giết chóc, thì vai trò của lực lượng y tế cơ sở cực kỳ quan trọng. Y tế cơ sở và gia đình người bệnh tâm thần luôn là “tai mắt” của việc điều trị, họ ở gần nhất, gặp bệnh nhân liên tục nhất để có thể phát hiện sớm biểu hiện bệnh cũng như thấy được tín hiệu tích cực hoặc tiêu cực của bệnh nhân. Cho nên, đầu tư cho y tế cơ sở là yếu tố sống còn, có thể là tăng lương và phụ cấp cho y bác sĩ, đồng bộ hoá hệ thống y tế cơ sở; đồng thời, tập huấn cho thân nhân của người bệnh, khi bệnh nhân được đưa về theo dõi đều trị tại nhà. Bệnh nhân bị tâm thần thể nặng, dù được chữa trị ổn định rồi, nhưng khi không được uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đúng cách, thì chắc chắn sẽ sớm tái phát.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Thực hiện: NHÓM PHÓNG VIÊN LĐ & CĐ

Thiết kế: TRƯỜNG GIANG