e magazine
04/11/2022 12:01
Bài 3: Khuyến nghị đối với Công đoàn Việt Nam

04/11/2022 12:01

Công ước (CƯ) 87 và 98 chắc chắn sẽ có nhiều tác động đối với Công đoàn Việt Nam, bao gồm cả những tác động tích cực và những khó khăn, thách thức. Những tác động của việc phê chuẩn và thực hiện CƯ 87 và CƯ 98 được thể hiện thông qua nhiều khía cạnh khác nhau.

Tác động của việc phê chuẩn và thực hiện Công ước (CƯ) 87 và CƯ 98 của ILO và khuyến nghị đối với Công đoàn Việt Nam

BÀI 3: Một số tác động của việc phê chuẩn, gia nhập các Công ước 87, 98 và khuyến nghị đối với Công đoàn Việt Nam

CƯ 87 và CƯ 98 chắc chắn sẽ có nhiều tác động đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam, bao gồm cả những tác động tích cực và những khó khăn, thách thức. Những tác động của việc phê chuẩn và thực hiện CƯ 87 và CƯ 98 được thể hiện thông qua nhiều khía cạnh khác nhau.

Tổng LĐLĐ Việt Nam được xác định có vị thế là tổ chức chính trị - xã hội và là thành viên trong hệ thống chính trị Việt Nam, được giao thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ, bao gồm cả những nhiệm vụ của tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ và những nhiệm vụ chính trị, xã hội - vốn không phải là chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đại diện NLĐ. Những đặc điểm nêu trên đang mang lại nhiều lợi thế cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, song đồng thời cũng có thể gây ra một số khó khăn, thách thức trong việc trở thành tổ chức đại diện hiệu quả của NLĐ trong QHLĐ.

Lợi thế chủ yếu nhất của hệ thống hiện tại là Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ về chính trị và hành chính từ sự lãnh đạo duy nhất, toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản cũng như sự ủng hộ của Nhà nước. Sự ủng hộ này được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, trong đó, đặc biệt quan trọng là 2 khía cạnh:

Một là, Tổng LĐLĐ Việt Nam được tạo điều kiện về các nguồn lực vật chất, trong đó đặc biệt quan trọng là nguồn kinh phí CĐ 2% do NSDLĐ đóng được quy định trong Luật Công đoàn (1) và các khoản hỗ trợ tài chính, ngân sách khác từ Chính phủ;

Hai là, sự ủng hộ về tiếng nói trong các vấn đề chính sách liên quan đến quyền, lợi ích kinh tế - xã hội của NLĐ. Sự ủng hộ này mang lại lợi thế rất lớn đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam khi tổ chức này nêu những vấn đề nhằm bảo vệ và thúc đẩy cho quyền lợi của NLĐ trong các diễn đàn chính sách ở các cấp khác nhau (2).

Bên cạnh lợi thế lớn và đặc biệt quan trọng nêu trên thì hệ thống hiện tại cũng có thể tạo ra một số khó khăn thách thức:

Một là, cùng với sự tạo điều kiện về các nguồn lực vật chất thì Tổng LĐLĐ Việt Nam được kỳ vọng/được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ mà thông thường một tổ chức đại diện NLĐ thuần túy không phải làm. Trên thực tế, ở các CĐ cấp trên của CĐCS, một phần lớn thời gian và nguồn lực được dành cho các công việc nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội. Điều này làm cho nguồn lực của Tổng LĐLĐ Việt Nam bị phân tán, ảnh hưởng lớn tới nguồn lực và sự đầu tư cho các công việc thuộc chức năng đại diện NLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam (3).

Hai là, cũng vì những đặc điểm nêu trên, làm cho quá trình đổi mới của Tổng LĐLĐ Việt Nam để trở thành tổ chức đại diện bảo vệ và thúc đẩy cho quyền lợi của NLĐ một cách hiệu quả trong QHLĐ thông qua TLTT và đối thoại xã hội trở nên khó khăn hơn.

Với lịch sử lâu dài hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung nơi mà NLĐ được khuyến khích hỗ trợ người quản lý hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, và CĐ được định nghĩa là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, CĐ có xu hướng đóng vai trò trung gian (cầu nối) giữa NLĐ và người quản lý, với trách nhiệm cung cấp dịch vụ, thường tập trung nhiều hơn vào quản lý phúc lợi và tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội hơn là đại diện cho NLĐ trong các vấn đề QHLĐ thông qua TLTT và đối thoại xã hội. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam phải đối diện với những thách thức mới. QHLĐ đã trở nên phức tạp hơn với sự khác biệt về lợi ích giữa NLĐ và NSDLĐ trong khu vực ngoài nhà nước ngày càng lớn. CĐ được kỳ vọng đại diện cho lợi ích của NLĐ trong thương lượng với NSDLĐ và tham vấn với cơ quan nhà nước, trả lại chức năng hòa giải và thực thi pháp luật cho Chính phủ hoặc những người cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.

Các đối tác ba bên và xã hội nói chung đã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc Tổng LĐLĐ Việt Nam phải trở thành tổ chức đại diện NLĐ hoạt động có hiệu quả mới góp phần xây dựng QHLĐ lành mạnh và ổn định xã hội. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã nhận thức được một cách rõ ràng những thay đổi trên và đã đề ra nhiều định hướng, giải pháp lớn nhằm đáp ứng được với những yêu cầu của tình hình mới. Trong nhiều năm qua, chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ được xác định là chức năng ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu của Tổng LĐLĐ Việt Nam (4).

Tuy nhiên, thực tế thực hiện trong nhiều năm qua đã cho thấy, vị trí tổ chức chính trị - xã hội đã không tự động hoặc không hề dễ dàng chuyển thành tổ chức đại diện hiệu quả của NLĐ trong QHLĐ. Thách thức này ngày càng trở nên gay gắt đối với CĐ ở cấp DN, đặt ra câu hỏi về sự phù hợp (tính hiệu quả) của CĐ tại nơi làm việc hiện nay.

Những khó khăn, thách thức trong việc đổi mới một cách hiệu quả hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu trên có cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, toàn bộ những đặc điểm trên đây đã làm hạn chế đáng kể tính độc lập của hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhất là sự độc lập của các CĐCS ở cấp DN với NSDLĐ. Về chủ quan, ngoài những nguyên nhân hạn chế về năng lực và nguồn lực, có thể nói vị thế độc tôn duy nhất, ở chừng mực nhất định, đã hạn chế động lực đổi mới của Tổng LĐLĐ Việt Nam, làm cho những kêu gọi đổi mới đôi khi chỉ dừng lại là những mong muốn chính trị trong các văn kiện, nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong nhiều năm qua.

Xuất phát từ những đặc điểm hiện tại và những lợi thế, cũng như khó khăn thách thức của chính những đặc điểm đó như đã phân tích ở trên, việc phê chuẩn và thực hiện CƯ 87 và 98 chắc chắn sẽ có nhiều tác động đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam, bao gồm cả những tác động tích cực và những khó khăn, thách thức. Những tác động của việc phê chuẩn và thực hiện CƯ 87 và CƯ 98 được thể hiện thông qua nhiều khía cạnh khác nhau. Phần tiếp theo của bài viết chủ yếu đề cập đến các tác động, đồng thời là những khuyến nghị ở 3 khía cạnh chủ yếu, bao gồm: i) Tác động đến việc tái cấu trúc chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và định hướng hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam; ii) Tác động đến hoạt động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS; iii) Tác động đến việc thực hiện chức năng đại diện thông qua đối thoại xã hội và TLTT.

Khuyến nghị đối với Công đoàn Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023). Ảnh: TTXVN

1. Tái cơ cấu tổ chức và hoạt động của hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam

Cùng với việc thực hiện các tiêu chuẩn về tự do liên kết theo CƯ 87, Tổng LĐLĐ Việt Nam đứng trước một sức ép, song cũng là động lực để tiến hành những đổi mới cần thiết nhằm trở thành tổ chức đại diện hiệu quả hơn cho NLĐ. Những đổi mới này có thể dẫn đến những thay đổi lớn về tổ chức và hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Những phát biểu của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như một số báo cáo chính thức của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong thời gian gần đây (5) cho thấy dường như Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chuẩn bị và sẵn sàng cho một số thay đổi lớn sau:

- Tái cơ cấu chức năng, nhiệm vụ: Xác định lại và rõ hơn những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện của CĐ, tập trung vào các nhiệm vụ phát triển đoàn viên và đại diện bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong QHLĐ, giảm bớt các nhiệm vụ mang tính chính trị - xã hội, ít hoặc không liên quan đến QHLĐ. Đặc biệt là CĐCS ở cấp DN sẽ chủ yếu chỉ thực hiện những công việc nhằm thực hiện chức năng đại diện trong QHLĐ. Đây có lẽ không phải là một định hướng mới vì thực ra nó đã được nêu lên trong nhiều năm trở lại đây. Song định hướng này có khả năng được hiện thực hóa cao hơn vì nó được thực hiện trong bối cảnh mới của việc thực hiện CƯ 87, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ không còn vị thế độc tôn duy nhất nên việc chuyển hướng này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

- Tái cấu trúc tổ chức, bộ máy, cán bộ: Cùng với việc tái cấu trúc chức năng nhiệm vụ của CĐ như trên, có lẽ cần nghiên cứu và thực hiện một cách mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu tổ chức bộ máy nội bộ của hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam. Dường như Tổng LĐLĐ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều đổi mới về việc tổ chức lại cơ quan CĐ các cấp theo hướng:

+ Sắp xếp lại các ban chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan CĐ cấp tỉnh, CĐ ngành trung ương theo hướng gọn đầu mối, tập trung đầu tư cho những mảng công việc thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ, giảm bớt sự đầu tư cho những công việc không hoặc ít liên quan đến QHLĐ.

+ Phát triển hệ thống CĐ ngành ở cả cấp Trung ương và địa phương, tập hợp đoàn viên ở cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.

+ Tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp của CĐCS, đặc biệt là CĐ các khu công nghiệp theo hướng tăng thêm số lượng cán bộ và nguồn lực tài chính.

+ Tăng số lượng cán bộ CĐ xuất thân và trưởng thành từ phong trào công nhân thông qua quá trình bầu cử hoặc tuyển dụng từ dưới lên.

Khuyến nghị đối với Công đoàn Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022. Chương trình do Công đoàn Việt Nam đề xuất. Ảnh: NHẬT BẮC

- Tái cơ cấu nguồn lực đầu tư: Cùng với việc tái cơ cấu chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, cần nghiên cứu để thực hiện tái cơ cấu nguồn lực đầu tư theo một số gợi ý:

+ Tăng cường đầu tư ngân sách và nguồn lực cho hoạt động phát triển đoàn viên và những công việc liên quan đến chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ trong QHLĐ, bao gồm cả những hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực QHLĐ cho cán bộ CĐ các cấp; Giảm bớt ngân sách và nguồn lực đầu tư cho các công việc không liên quan đến chức năng đại diện và những khoản chi hành chính hoạt động.

+ Tăng ngân sách và nguồn lực đầu tư cho CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS.

- Thay đổi cách thức hoạt động của các cấp CĐ và mối quan hệ giữa CĐ các cấp: Phương thức hoạt động và mối quan hệ giữa các cấp CĐ cần được nghiên cứu thay đổi theo hướng:

Chuyển đổi phương thức hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở từ phương thức chỉ đạo hành chính sang trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ hoặc cùng với CĐCS thực hiện những nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong QHLĐ. Cũng chính vì lý do này mà chương trình và kế hoạch công tác của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ được xây dựng trên cơ sở yêu cầu công việc của CĐCS theo cách từ dưới lên.

Chuyển đổi phương thức hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở từ phương thức chỉ đạo hành chính sang trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ hoặc cùng với CĐCS thực hiện những nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong QHLĐ. Cũng chính vì lý do này mà chương trình và kế hoạch công tác của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ được xây dựng trên cơ sở yêu cầu công việc của CĐCS theo cách từ dưới lên.

Với tất cả những sự thay đổi mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã và đang thực hiện trên đây, có thể thấy tác động của việc phê chuẩn và thực hiện CƯ 87 là tích cực vì tạo thêm động lực, hỗ trợ cho việc hiện thực hóa nhiều chủ trương, định hướng lớn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, song việc thực hiện trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Việc có thực sự biến được các chủ trương, mong muốn đó trở thành những thay đổi trên thực tiễn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả những yếu tố khách quan liên quan đến quan điểm và định hướng của Đảng, của Chính phủ, đặc điểm của lực lượng lao động, cũng như những yếu tố chủ quan liên quan đến năng lực và sự sẵn sàng của cả hệ thống CĐ ở các cấp.

Khuyến nghị đối với Công đoàn Việt NamCán bộ công đoàn và công nhân lao động tỉnh Binh Dương theo dõi chương trình "Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022" qua truyền hình trực tuyến. Ảnh: QUỐC THẮNG

2. Phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS

Việc phê chuẩn và thực hiện CƯ 87 và 98 được dự báo sẽ có tác động lớn đối với hoạt động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS của Tổng LĐLĐ Việt Nam trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó tập trung vào 3 khía cạnh chủ yếu: phương thức phát triển đoàn viên; mục đích phát triển đoàn viên; số lượng đoàn viên và CĐCS (mật độ bao phủ CĐ).

Phát triển đoàn viên theo cách từ dưới lên sẽ ngày càng trở thành xu hướng phổ biến. Việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo cách từ dưới lên, bảo đảm sự tham gia và quyền quyết định thực chất của NLĐ trong việc thành lập, gia nhập CĐ, không có sự lệ thuộc, can thiệp của NSDLĐ theo đúng tinh thần CƯ 87 và 98 thực chất đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện từ cuối năm 2010 trong khuôn khổ thí điểm ở phạm vi hẹp tại 5 tỉnh, thành phố (6). Trên cơ sở kết quả hoạt động thí điểm, Đại hội toàn quốc Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ XI năm 2013 đã thể chế hóa phương thức phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo cách từ dưới lên trong Điều lệ CĐVN bên cạnh cách làm truyền thống từ trên xuống trước đây (7). Trên cơ sở Điều lệ CĐVN, hiện nay việc phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS đang được thực hiện theo cả 2 phương pháp trên thực tế, trong đó phương pháp truyền thống từ trên xuống phổ biến hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện CƯ 87 và 98 trong bối cảnh Việt Nam thực thi các FTA thế hệ mới sẽ giúp cho việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo phương thức mới từ dưới lên sẽ ngày càng trở lên phổ biến hơn. Trong ngắn hạn, sự thay đổi này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng về số lượng đoàn viên và CĐCS, song về dài hạn nó giúp Tổng LĐLĐ Việt Nam duy trì và giữ được đoàn viên vì nó giúp tăng cường năng lực đại diện thực chất của CĐCS. Đây cũng có thể xem là một trong những tác động tích cực của việc phê chuẩn và thực hiện CƯ 87 và 98.

Mục đích của việc phát triển đoàn viên sẽ ngày càng gắn kết rõ ràng hơn với mục tiêu bảo vệ quyền lợi NLĐ thông qua TLTT và các hình thức đối thoại xã hội khác. Việc phát triển đoàn viên hiện nay có nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích để tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Tuy nhiên, cùng với việc tái cơ cấu chức năng nhiệm vụ của Tổng LĐLĐ Việt Nam như đã phân tích ở trên, mục đích chính của việc phát triển đoàn viên sẽ từng bước thay đổi, tập trung vào những hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của NLĐ trong QHLĐ thông qua TLTT và các hình thức đối thoại xã hội (ĐTXH) khác. Đây cũng là một chủ trương đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định rõ trong các kế hoạch hành động của mình (8).

Tốc độ tăng trưởng về số lượng đoàn viên và CĐCS có thể sẽ chững lại. Tốc độ phát triển đoàn viên có thể chững lại, thậm chí số lượng đoàn viên Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể giảm trong thời kỳ đầu thực hiện CƯ 87, song có thể phát triển trở lại ở giai đoạn sau tùy thuộc vào sự thành công của các đổi mới của Tổng LĐLĐ Việt Nam và hệ thống QHLĐ. Kinh nghiệm của các nước chuyển đổi từ mô hình CĐ đơn nhất sang kinh tế thị trường và/hoặc sau khi phê chuẩn CƯ 87 ở châu Âu cho thấy, số lượng đoàn viên và CĐCS thay đổi khác nhau ở những nhóm nước khác nhau là khác nhau, tùy thuộc rất nhiều vào những cải cách thực chất được thực hiện sau khi chuyển đổi. Nhìn chung, tỷ lệ bao phủ CĐ ở hầu hết các nước chuyển đổi đều giảm trong những năm đầu, song ổn định trở lại những năm sau đó. Đối với những nước Trung và Tây Âu, đây là những nước có chủ trương gia nhập Liên minh Châu Âu, nên họ phải đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của Liên minh này về tự do lập hội và những quyền tự do khác. Kết quả là tỷ lệ bao phủ CĐ của các nước này được duy trì tốt hơn so với những nước thuộc Liên bang Xô viết cũ hay các nước thuộc Nam Tư cũ là những nước không thực sự thực hiện những cải cách về tự do hiệp hội do không có sức ép về việc gia nhập Liên minh Châu Âu (9). Cho dù có sự thay đổi về đoàn viên và tỷ lệ CĐ khác nhau, song các CĐ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo, chi phối ở những nước chuyển đổi. Ở một số nơi, đôi khi có CĐ cấp DN được thành lập với sự hỗ trợ tài chính của quốc tế ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, song nhìn chung các CĐ này đều chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ và dần thu hẹp, thậm chí biến mất sau đó (10).

Một số nguyên nhân làm cho tốc độ phát triển đoàn viên và CĐCS của Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể chậm lại hoặc giảm có thể bao gồm:

- Bản thân Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt ưu tiên cao hơn cho việc phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS một cách thực chất theo cách từ dưới lên như đã phân tích ở trên (thay vì ưu tiên cho các mục tiêu phát triển về số lượng) làm cho tốc độ phát triển đoàn viên chậm lại.

- Hiện nay, điều kiện về số lượng NLĐ để thành lập CĐCS theo Điều lệ CĐVN là tương đối thấp, chỉ từ 5 NLĐ trở lên (11). Tuy nhiên, trên thực tế, sự ưu tiên chủ yếu tập trung vào các DN có quy mô lớn hơn (từ 25 NLĐ trở lên). Điều kiện về số lượng NLĐ tối thiểu để thành lập CĐCS này rất có thể sẽ được pháp luật quy định theo hướng tăng lên. Như vậy, dự báo sẽ tác động đến sự tồn tại của những CĐCS siêu nhỏ hiện hữu, có số lượng đoàn viên nhỏ hơn so với yêu cầu mới của pháp luật và ưu tiên của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Cùng với việc thực hiện CƯ 87, NLĐ có quyền thành lập, gia nhập CĐ theo sự lựa chọn của chính họ. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đánh giá đây là thách thức rất lớn. Nếu CĐ thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam hoạt động thật sự có hiệu quả, bảo vệ tốt quyền lợi của NLĐ trong QHLĐ thông qua đối thoại và TLTT, thì NLĐ sẽ gia nhập các CĐ thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ gia nhập vào Tổng LĐLĐ Việt Nam. Và như vậy, số lượng đoàn viên và CĐCS thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ được duy trì và phát triển. Ngược lại, nếu CĐ thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh hiệu quả cho quyền lợi của NLĐ thì NLĐ và các tổ chức mới của họ sẽ không gia nhập vào Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thậm chí NLĐ đang là đoàn viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng có thể sẽ rời bỏ Tổng LĐLĐ Việt Nam để thành lập hoặc gia nhập tổ chức mới của NLĐ. Và khi đó, số lượng đoàn viên và CĐCS thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể không tăng hoặc thậm chí giảm.

Khuyến nghị đối với Công đoàn Việt Nam
Ra mắt Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH thiết kế phụ kiện thời trang Việt Nam (Phú Thọ). Ảnh: LĐLĐ huyện Phù Ninh

3. VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG ĐẠI DIỆN BẢO VỆ VÀ THÚC ĐẨY QUYỀN LỢI NLĐ THÔNG QUA ĐỐI THOẠI XÃ HỘI VÀ TLTT CỦA TỔNG LĐLĐ VIỆT NAM

Như đã phân tích ở các phần trên, có nhiều cơ sở để hy vọng rằng việc phê chuẩn và thực hiện CƯ 87 và 98 sẽ có nhiều tác động theo hướng giúp Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, thúc đẩy quyền lợi NLĐ thông qua TLTT và ĐTXH ở các cấp. Tuy nhiên, tại thời điểm này, còn quá sớm và khó có thể xác định được mức độ thành công của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc thực hiện các công việc trên trên thực tế vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố còn chưa thực sự rõ ràng.

Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc phê chuẩn và thực hiện CƯ 87 và 98 dường như sẽ dẫn đến những tác động về tái cơ cấu chức năng, nhiệm vụ; cấu trúc tổ chức; phân bổ nguồn lực; và phương thức hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Nếu thành công trong những thay đổi này, thì hoàn toàn có thể hy vọng Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, thúc đẩy quyền lợi NLĐ thông qua TLTT và đối thoại xã hội ở các cấp. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng những thay đổi mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đang mong muốn thực hiện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài những yếu tố khách quan thì về chủ quan, đó là sự sẵn sàng về nhận thức và năng lực thực thi những thay đổi đó của toàn hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam ở cả 4 cấp. Dường như phải cần nhiều thời gian hơn để các cấp công đoàn từ cơ sở đến cấp Trung ương chuẩn bị và sẵn sàng cho những thay đổi nói trên (12). Và do đó, những tác động đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc thực hiện TLTT và đối thoại xã hội có lẽ không diễn ra nhanh chóng và trên diện rộng, ít nhất là trong những năm đầu của quá trình chuyển đổi.

Về các yếu tố khách quan, trước hết phải kể đến là môi trường kinh tế và những đặc điểm của thị trường lao động. Một số đặc điểm chính của những yếu tố này trong thời gian tới có ảnh hưởng lớn đối với môi trường hoạt động CĐ có lẽ sẽ vẫn là hội nhập kinh tế quốc tế, tái cơ cấu nền kinh tế và sự tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đối với thế giới việc làm… dẫn đến những tác động đối với thị trường lao động. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi các DN phải tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyền của NLĐ và thực hiện trách nhiệm xã hội DN tốt hơn. Dường như đây sẽ là yếu tố mang lại môi trường thuận lợi hơn cho việc thực hiện chức năng đại diện của CĐ thông qua TLTT và đối thoại xã hội. Tuy nhiên, sự thay đổi của thế giới việc làm từ tác động của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ; quá trình tái cấu trúc nền kinh tế với xu hướng khu vực DN nhà nước ngày càng được thu hẹp, khu vực kinh tế phục vụ xuất khẩu tiếp tục được mở rộng song chủ yếu vẫn là gia công, sử dụng nhiều lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu… rất có thể vừa có những tác động tích cực và tiêu cực. Trong khi quá trình tái cơ cấu DN nhà nước được cho là sẽ có tác động tiêu cực, khó khăn hơn cho môi trường hoạt động truyền thống của CĐ, thì tăng trưởng trong khu vực kinh tế phục vụ xuất khẩu sẽ góp phần duy trì và tạo công ăn việc làm lại được cho là có tác động tích cực đối với hoạt động TLTT và đối thoại xã hội của CĐ.

Một yếu tố khác sẽ có tác động lớn đối với việc thực hiện chức năng đại diện thông qua TLTT và đối thoại xã hội của CĐ là việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống luật pháp, thiết chế về CĐ và QHLĐ nhằm thực hiện CƯ 87 và 98. Về lý thuyết, sự hoàn thiện về luật pháp và thiết chế liên quan đến QHLĐ và CĐ trong thời gian qua (Bộ luật Lao động 2019) và trong những năm tiếp theo nhằm thực hiện CƯ 87 và 98 sẽ mang lại sự tự chủ, tự quản cao hơn cho Tổng LĐLĐ Việt Nam trong hệ thống chính trị và sự bảo vệ tốt hơn cho hệ thống CĐVN trước các hành vi phân biệt đối xử, can thiệp thao túng CĐ của NSDLĐ. Những thay đổi này được kỳ vọng cũng sẽ giúp tăng cường năng lực đại diện của hệ thống CĐVN. Và do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ thực hiện tốt hơn việc đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ thông qua đối thoại và TLTT. Trong khi những nội dung sửa đổi của Bộ luật Lao động 2019 là khá rõ ràng thì những nội dung cụ thể của những sửa đổi, hoàn thiện Luật Công đoàn cũng như năng lực thực thi các sửa đổi đó trên thực tế vẫn là một dấu hỏi tại thời điểm này. Do đó, có lẽ vẫn phải chờ thêm thời gian mới có thể có câu trả lời chính xác hơn về tác động của yếu tố này đối với hoạt động đối thoại xã hội và TLTT của hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam trong những năm tới.

Một yếu tố khác có ảnh hưởng lớn đối với việc thực hiện chức năng đại diện của CĐ không thể không kể đến là quan điểm và định hướng chính sách của Đảng đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thời gian qua, Đảng đã có nhiều định hướng, chủ trương về vấn đề này, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 12/6/2021 về “đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐVN trong tình hình mới”. Trong mọi trường hợp, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ vẫn là tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị Việt Nam. Làm thế nào để vị thế chính trị - xã hội của Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể mang lại những lợi thế cho CĐVN trong việc thực hiện tốt hơn chức năng đại diện cho NLĐ trong kinh tế thị trường là vấn đề rất quan trọng.

Tài liệu trích dẫn

(1) Trong quá trình sửa đổi Luật Công đoàn, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những hiệp hội doanh nghiệp có uy tín đã có đề nghị chính thức tới Chính phủ và Quốc hội về việc không quy định 2% kinh phí CĐ trong Luật Công đoàn sửa đổi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của hệ thống chính trị, vấn đề 2% kinh phí CĐ đã được quy định tại Luật Công đoàn 2012. Xem tại http://vasep.com.vn/Tin-Tuc/1217_18666/Lai-noichuyen-phi-cong-doan-truoc-gio-G.htm

(2) Quan sát các cuộc thảo luận trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi cho thấy Tổng LĐLĐ Việt Nam và tổ chức của NSDLĐ có quan điểm khác nhau về một số vấn đề, như nghỉ thai sản, làm thêm giờ… và trong các trường hợp đó, đề nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam thường được ủng hộ.

(3) Chỉ 17% thời gian làm việc của cán bộ CĐ cấp trên là dành cho các công việc liên quan đến QHLĐ. Để biết thêm thông tin, xem Báo cáo điều tra về thực tiễn công việc của CĐ cấp trên được Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành năm 2011 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Quan hệ lao động ILO.

(4) Lần đầu tiên, chức năng đại diện cho NLĐ được đề cập tại khẩu hiệu hành động của đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X năm 2008: “Công đoàn Việt Nam đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước”

(5) - Trả lời phỏng vấn Chương trình thời sự - VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam của ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vào lúc 12:00 ngày 19/11/2015 và trên Chuyên mục Tuần Việt Nam, Trang thông tin điện tử Vietnamnet. Xem tại http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/272397/dan-xa-lanh-neu-con-kieu-can-bo--tren-troi-roi-xuong- .html

Phát biểu của Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trong Chương trình Đối thoại chính sách, VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, ngày 2/3/2016.

- Phát biểu của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Hội thảo của Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày 02/12/2015, “Những thách thức trong việc đổi mới Tổng LĐLĐ Việt Nam để trở thành tổ chức đại diện hiệu quả của NLĐ”.

- Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng Ban Tổng LĐLĐ Việt Nam, Một số giải pháp đổi mới hệ thống công đoàn trong bối cảnh thực thi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Công ước ILO số 87, 98, tháng 12 năm 2015.

(6) Với hỗ trợ kỹ thuật của Dự án quan hệ lao động của ILO, sáng kiến thí điểm thành lập công đoàn từ dưới lên đã được thực hiện tại 5 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở 5 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương từ tháng 11/2010 đến năm 2014.

(7) Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2013, Điều 17

(8) Chú thích 116: Các báo cáo và phát biểu của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam gần đây đều thể hiện rõ: Mục đích của việc tập hợp NLĐ và thành lập CĐCS là để tiến hành thương lượng tập thể. Cấu trúc tổ chức nội bộ của CĐCS cần được xây dựng theo hướng để phục vụ cho mục tiêu thương lượng tập thể hiệu quả.

(9) David Tajgman, 2015, Tình hình CĐ một số quốc gia chuyển đổi sang kinh tế thị trường và sau khi phê chuẩn Công ước 87, Văn phòng ILO Hà Nội, 2015 (David Tajgman, 2015): Đoàn viên CĐ suy giảm đáng kể ở phần lớn các quốc gia chuyển đổi đầu những năm 1990, sau đó ổn định trở lại vào giữa những năm 1990. Số liệu cho thấy tình hình tốt nhất là ở những nước có mong muốn trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu (Nhóm 1), sau đó là nhóm nước trước đây là lãnh thổ của Nam Tư cũ (Nhóm 3) và khó xác định đối với nhóm nước thuộc Liên bang Xô viết cũ (Nhóm 2). Đoàn viên CĐ các nước Nhóm 2 được cho là suy giảm đáng kể mặc dù tỷ lệ bao phủ CĐ được duy trì ở mức cao so với chuẩn mực quốc tế (khoảng từ 25-35% dân số có tham gia hoạt động kinh tế ở Georgia, Kazakhstan and Azerbaijan; khoảng 40-60% ở Moldova, Ukraine, Russia, Armenia, Kyrgyzstan and Turkmenistan đến hơn 60% ở Uzbekistan, Tajikistan and Belarus). Các báo cáo của ILO cho thấy mật độ bao phủ CĐ tại thời điểm 2007/2008 ở Belarus là 79.7%, Georgia là 40.7%, Moldova là 40%, Kazakhstan là 26.5%, Ukraine là 34.5%. Các số liệu này càng cho thấy tầm quan trọng của của việc phân biệt giữa hai khái niệm số lượng đoàn viên và mật độ bao phủ CĐ. Ở những nơi số lượng người làm công hưởng lương suy giảm đáng kể thì có thể tỷ lệ bao phủ CĐ – thường được đặt trong mối quan hệ với số người làm việc có QHLĐ - có thể vẫn được duy trì ổn định trong khi số lượng đoàn viên thực tế bị suy giảm đáng kể.

(10) David Tajgman, 2015: Nhìn chung các CĐ từ trước quá trình chuyển đổi được cải cách thì vẫn tiếp tục duy trì vai trò chi phối trong các quốc gia được nghiên cứu. Các quan sát cho thấy có một số CĐ cấp DN được thành lập, đôi khi với sự hỗ trợ của quốc tế. Tuy nhiên, các CĐ này thường chỉ ở quy mô nhỏ. Cũng có trường hợp các CĐ này gia nhập/liên kết với các CĐ tương tự khác hoặc vẫn đứng độc lập. Cá biệt cũng có một số trường hợp, các CĐ này đại diện cho một số lượng tương đối lớn NLĐ, thường là do nó được thành lập ở những DN hoặc khu vực có quy mô lao động lớn, chứ không phải là do chúng được thành lập hoặc liên kết ở phạm vi nhiều ngành nghề.

(11) Điều lệ Công đoàn 2013, Điều 16

(12) Để biết thêm thông tin, xem Báo cáo điều tra về nhận thức, năng lực và sự sẵn sàng của các đối tác ba bên tại các cấp khác nhau trong việc thực thi Công ước số 97 và số 98, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2015.

Bài: TS. Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Đồ họa: Thu Chinh

Xem phiên bản di động