e magazine
03/06/2023 05:07
Bài 3: Hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online

03/06/2023 05:07

Đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng nhân viên thu âm lồng tiếng online mới xuất hiện, là hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online.

Hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online

Đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng nhân viên thu âm lồng tiếng online mới xuất hiện, là hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online.

Hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online

Các đối tượng lừa đảo tuyển dụng việc làm thu âm lồng tiếng online xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội - Ảnh: Ý Yên

Kịch bản cũ, cách lừa mới

Trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, Đại úy Vũ Duy Khánh - Phòng Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội (Phòng 5), A05, cho biết thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng việc làm online bắt đầu nở rộ trong thời gian Covid-19. Khi cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận diện, các đối tượng lại chuyển sang hình thức lừa đảo khác.

“Lừa đảo tuyển dụng nhân viên thu âm lồng tiếng online mới xuất hiện. Đây là hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online”, Đại úy Khánh nói.

“Về bản chất, người bị hại tiếp nhận thông tin tuyển cộng tác viên, nhân viên thu âm lồng tiếng nhưng sau khi họ làm các nhiệm vụ đơn giản đúng chuyên môn thì các đối tượng chuyển sang mô hình cũ: Vẫn là mời tham gia các nhóm kín và làm các nhiệm vụ liên quan đến chuyển tiền”.

Hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online

Người có nhu cầu tìm việc được các đối tượng lừa đảo dụ dỗ vào nhóm xét tuyển nhân viên chính thức. Từ đây, chúng tung ra các chiêu hòng "moi tiền" ứng viên - Ảnh: Ý YÊN

Đại diện Phòng 5, A05 cho biết thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo này là yêu cầu, hướng dẫn ứng viên thực hiện nhiệm vụ. Trong tình huống này, ứng viên mua các mặt hàng được cho là của các doanh nghiệp đối tác, được hứa hẹn chiết khấu hoa hồng. “Chúng sẽ cho người tham gia “ăn” một vài lần đầu tiên và làm đúng cam kết chuyển tiền hoa hồng. Rồi chúng sẽ giao nhiệm vụ liên tục, các nhiệm vụ kéo theo nhau với số tiền chuyển khoản tăng dần. Xong các nhiệm vụ này, chúng lấy lý do hệ thống bị lỗi, yêu cầu ứng viên chuyển tiền để khắc phục lỗi. Trong mọi kịch bản được đưa ra, nếu nạn nhân đơn phương dừng lại, chúng sẽ đổ lỗi cho họ”, Đại úy Vũ Duy Khánh chỉ rõ thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.

Cũng theo Đại uý Vũ Duy Khánh, tại các nhóm kín (trên telegram hoặc zalo) được lập để xét tuyển nhân viên, cộng tác viên, ngoại trừ nạn nhân, các “ứng viên” còn lại đều là “cò mồi”. Khi được giao nhiệm vụ, những đối tượng này sẽ thực hiện rất nhanh, rồi chụp ảnh lệnh chuyển tiền gửi lên nhóm. Các đối tượng tạo tâm lý thúc giục đối với nạn nhân. Lúc này, người “quản trò” – chuyên viên sẽ có động thái đề nghị các đối tượng chờ đợi để các thành viên cùng đi đến nhiệm vụ tiếp theo.

“Chúng kích động tâm lý đám đông khiến nạn nhân làm theo một cách vô thức. Thậm chí các thành viên trong nhóm còn nhắn tin nói chuyện với nạn nhân, hỏi han, làm quen để tạo sự tin tưởng”.

Thượng tá Phạm Công Hải – Phó Trưởng phòng, Phụ trách Phòng 5, A05 nói: “Khi tham gia nhóm, thấy các thành viên khác nói chuyển tiền là sẽ được hoa hồng, còn chụp cả tin nhắn nhận được tiền nên người tham gia tin theo, không đề phòng. Họ không hề nghĩ rằng chúng đều là một nhóm. Ngoài ra, tâm lý ham tiền, ham gỡ nên nhiều người càng ngày càng lấn sâu”.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Các chuyên gia về phòng, chống tội phạm trên mạng cho biết, qua những vụ việc đã được triệt phá, ghi nhận đối tượng lừa đảo có thể ở bất kỳ đâu tại Việt Nam, thậm chí có thể ở cả nước ngoài (Campuchia).

Các đối tượng trong những đường dây lừa đảo này rất đông, có những trường hợp là các nhóm nhỏ lẻ, nhưng thông thường có từ hàng chục đến hàng trăm thành viên. Chúng luôn lợi dụng cơ hội để lừa đảo, cơ quan chức năng tuyên truyền cảnh báo hình thức này thì đối tượng lại nghĩ ra hình thức khác.

“Thực ra, nếu người dân tỉnh táo thì rất dễ để phát hiện ra. Nhưng tâm lý ban đầu muốn kiếm tiền, đến khi bỏ một khoản đầu tư thì lại tiếc, muốn gỡ lại”, Đại uý Vũ Duy Khánh cho hay.

Hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online

Một nạn nhân của chiêu trò tuyển dụng việc làm thu âm lồng tiếng online - Ảnh: Ý YÊN

Cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn trong việc truy vết, xác minh các đối tượng lừa đảo kiểu này. Đơn cử, tài khoản ngân hàng của các đối tượng sử dụng để nhận tiền đều không chính chủ. Các đối tượng thường thuê mở tài khoản hoặc thông qua mua bán các tài khoản trôi nổi.

Đại diện A05 khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, khi nhận được những đề nghị liên quan đến tuyển cộng tác viên, phải hết sức cảnh giác, phải xác minh thông tin nơi tuyển dụng. Trong trường hợp đã chót gửi tiền cho các đối tượng, hoặc nghi ngờ thì phải dừng lại, không nên cố chuyển thêm tiền.

Khi rơi vào tình huống đó, nên nhanh chóng liên hệ với ngân hàng và cơ quan công an gần nhất để thông báo vụ việc, đề nghị hỗ trợ xử lý.

Thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng:

Bước 1: Tập hợp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin.

Bước 2: Trực tiếp trình báo hoặc tố giác bằng miệng hoặc bằng văn bản tới quan quan Công an có thẩm quyền. Lưu ý, chỉ có cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp quận, huyện, thị xã; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới có chức năng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Sau 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Ý YÊN

Xem phiên bản di động