e magazine
17/03/2023 16:52
Bài 3: Cán bộ công đoàn phải làm cho công nhân lao động tin mình

17/03/2023 16:52

Theo đồng chí Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, các giải pháp cốt lõi để phát triển đoàn viên là siết lại kỷ cương, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn chuyên trách. Đồng thời khơi dậy tình cảm của cán bộ công đoàn với đoàn viên, người lao động và trách nhiệm với tổ chức.
Siết lại kỷ cương, lề lối làm việc, khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của cán bộ công đoàn

Công nhân lao động tỉnh Bắc Giang tham gia chương trình mua sắm ưu đãi, "Gian hàng 0 đồng" - Ảnh: CĐ

PHÁT TRIỂN ĐOÀN VIÊN, CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ NGOÀI KHU VỰC NHÀ NƯỚC: VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP

Cán bộ công đoàn phải làm công nhân lao động tin mình

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Công đoàn tỉnh Bắc Giang đã kết nạp 142.197 đoàn viên, đạt 369,3% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Đây là địa phương được Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá có phương pháp tốt trong phát triển đoàn viên, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Thuận lợi nhưng khó khăn cũng rất nhiều

Do có sự nỗ lực cao trong công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nên đến cuối năm 2022, 13/13 chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, về đích sớm trước 01 năm. Trong đó có 12/13 chỉ tiêu vượt cao so kế hoạch như chỉ tiêu kết nạp đoàn viên đạt 142.197/38.500 đoàn viên vượt 369,3% kế hoạch; thành lập mới 434 công đoàn cơ sở (CĐCS), đạt 196,4%, trong đó có 229 có từ 25 lao động trở lên, đạt 424% kế hoạch…

Theo đồng chí Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen. Nhiều yếu tố thuận lợi để công đoàn phát triển đoàn viên như: Hệ thống công đoàn có mặt từ thành phố, huyện, khu công nghiệp đến cơ sở. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã cùng tổ chức Công đoàn tích cực triển khai thực hiện và hỗ trợ cho hoạt động công đoàn.

Sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng đã tạo thế và lực cho công đoàn thực hiện tốt mục tiêu phát triển đoàn viên, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Từ thực tế tình hình công nhân lao động và hoạt động công đoàn, LĐLĐ tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy ban hành các văn bản quan trọng về công nhân và Công đoàn, trong đó phải kể đến đó là Nghị quyết số 100-NQ/TU, ngày 19/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 19/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, đây là cơ sở chính trị quan trọng để tổ chức Công đoàn vận động công nhân gia nhập cũng như tham gia xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Siết lại kỷ cương, lề lối làm việc, khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của cán bộ công đoàn
Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang (ở giữa) trao kinh phí hỗ trợ xây sửa nhà ở "Mái ấm Công đoàn" cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CĐ

Từ hai văn bản chỉ đạo quan trọng của Tỉnh ủy và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cao để thực hiện. Tuy nhiên, khi triển khai Nghị quyết, Chỉ thị vào thực tiễn đã gặp nhiều khó khăn rất lớn như:

Lực lượng cán bộ công đoàn quá mỏng, chưa cân xứng với tốc độ phát triển kinh tế, thu hút công nghiệp ở địa phương; hiện nay toàn tỉnh có hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 305.000 lao động; trong đó các khu công nghiệp thu hút 403 doanh nghiệp với 175.000 công nhân. Theo quy hoạch của tỉnh Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Bắc Giang sẽ hình thành 29 khu công nghiệp và 63 cụm công nghiệp. Hằng năm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm khoảng 65.000 - 70.000 công nhân lao động. Nhu cầu tuyển lao động tăng cao chủ yếu ở các doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tập trung ở các một số lĩnh vực như: Điện tử, may mặc, bao bì... Số lượng doanh nghiệp và số công nhân lao động ngày càng đông hơn nhưng lực lượng cán bộ công đoàn chuyên trách ngày càng giảm. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, số cán bộ công đoàn chuyên trách của tỉnh tiếp tục giảm 5% so với hiện tại.

Bên cạnh đó, 100% số cán bộ CĐCS ở doanh nghiệp hoạt động kiêm nhiệm phụ thuộc vào giới chủ, ít có thời gian, điều kiện tham tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn nên còn bộc lộ nhiều hạn chế, non kém nghiệp vụ, ngại đấu tranh va chạm, sợ bị điều chuyển công tác khác hoặc mất việc làm. Đây là những dào cản rất lớn để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng của mình và nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở.

Về góc độ doanh nghiệp, bên cạnh chủ doanh nghiệp ủng hộ hoạt động công đoàn thì còn một số chủ doanh nghiệp chây ì, né tránh trách nhiệm, tìm cách hạn chế số người lao động (NLĐ) gia nhập tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp đã có CĐCS và cán thiệp vào quá trình tổ chức thành lập CĐCS, nhân sự tham gia Ban Chấp hành, nhất là Chủ tịch CĐCS; chưa tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất và trích chuyển kinh phí cho công đoàn hoạt động theo quy định của pháp luật, điểm hình như 3 doanh nghiệp Trung Quốc (Công ty TNHH Khải Thần Việt Nam, Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam, Công ty TNHH Khải Hồng Việt Nam) trên địa bàn huyện Lục Nam.

Từ phía công nhân lao động cũng có một số rào cản. Bắc Giang là nơi thu hút lượng lớn công nhân lao động ngoại tỉnh đến làm việc, mang theo tập quán, phong tục, nền tảng kiến thức, văn hóa khác nhau. Đa số công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có tuổi đời trẻ, xuất thân từ nông thôn, chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, do đó nhận thức của người lao động về ý thức chính trị, tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp còn hạn chế, chưa hiểu rõ về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn, chưa xác định được quyền lợi của mình khi tham gia vào tổ chức Công đoàn. "Nhiều công nhân hạn chế về phong cách ứng xử, giao tiếp, nhận thức liên quan đến quyền lợi của bản thân nên chưa hiểu rõ việc cần thiết tham gia Công đoàn. Do vậy, với đối tượng này, chúng tôi xác định phải kiên trì, bền bỉ vận động, tuyên truyền, giáo dục" - đồng chí Nguyễn Văn Cảnh cho biết.

Công nhân có tin tưởng mới gia nhập công đoàn

Thời gian qua, Công đoàn tỉnh Bắc Giang áp dụng rất nhiều biện pháp và được Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá là có phương pháp tốt trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Cụ thể, đầu Đại hội nhiệm kỳ 2018 - 2023, tổng số đoàn viên công đoàn của tỉnh là 164.130 người, đến nay đạt 251.688 người (tăng 87.558 người so với đầu nhiệm kỳ). Trong đó, đoàn viên ở khu vực doanh nghiệp đầu nhiệm kỳ là 114.014 người, đến nay là 202.124 người (tăng 88.110 người so với đầu kỳ); ở doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài đầu kỳ là 73.583 người, đến nay là 158.841 (tăng 85.258 người)… Có thể nói, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở Bắc Giang đạt kết quả tốt là nhờ dựa trên các giải pháp cốt lõi.

Trước hết, Bắc Giang coi phát triển đoàn viên là nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn. Các cấp công đoàn đã tập trung định hướng tư tưởng thông qua việc gần gũi, chia sẻ khó khăn với công nhân. Từ đó khiến các tổ chức khác (bao gồm thế lực chống phá, thù địch) không có cơ hội xâm nhập, tuyên truyền thông tin xấu độc, không có “đất” để hình thành. Ngay cả khi đã nhen nhóm thành lập cũng không có “đất” để hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Công nhân vẫn nhìn nhận rõ thủ đoạn và lựa chọn tổ chức Công đoàn Việt Nam để gia nhập.

Thiết thực hướng về cơ sở, chăm lo trực tiếp; mỗi CĐCS một cách làm sáng tạo nhằm chăm lo, đại diện, bảo vệ đoàn viên, NLĐ. Đi kèm với đó là nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, nhất là trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Công đoàn phải chiếm lĩnh trận địa, tập hợp công nhân lao động bằng kết hợp hiệu quả các giải pháp chăm lo, đại diện, bảo vệ một cách thiết thực, được công nhân và xã hội tin tưởng.

LĐLĐ tỉnh tăng cường các hoạt động thu hút công nhân như: Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao, sân chơi tạo không khí vui tươi phấn khởi, hăng say lao động… Ký kết thỏa thuận hợp tác mang lại phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ. Tuyên truyền, vận động, thu hút công nhân tham gia Công đoàn thông qua mạng xã hội, trang tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền tại chỗ và trực quan ở doanh nghiệp, khu nhà trọ, khu công nghiệp, tổ chức “Gian hàng 0 đồng” ưu đãi giảm giá cho công nhân. Các hoạt động này luôn lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để công nhân lao động tin tưởng, yên tâm làm việc. Đồng thời khẳng định hiệu quả của hoạt động công đoàn, được cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ. Đó là lợi thế rất lớn mà Công đoàn tạo dựng được.

Siết lại kỷ cương, lề lối làm việc, khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của cán bộ công đoàn

Cán bộ công đoàn tỉnh Bắc Giang phát thuốc cho công nhân lao động. Ảnh: CĐ

“Trong các giải pháp cốt lõi, chúng tôi xác định, siết lại kỷ cương, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn chuyên trách, khơi dậy tình cảm của cán bộ công đoàn với đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Cán bộ công đoàn xa rời công nhân lao động càng không thể có tình cảm của họ, thậm chí là vô cảm. Việc đi cơ sở là một phần trách nhiệm nhưng cũng là nhu cầu tự thân của tôi cũng như các cán bộ LĐLĐ tỉnh. Bởi vì nếu không gần gũi với cơ sở, với công nhân thì không được nghe họ chia sẻ. Mỗi lần đi cơ sở là một lần cán bộ công đoàn được đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của công nhân, nắm bắt tình hình, đề xuất ý tưởng chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Từ đó, NLĐ mới tin mình, nhớ đến mình.

Tôi và các cán bộ công đoàn của LĐLĐ tỉnh Bắc Giang luôn quan niệm, bất kỳ việc gì có lợi cho công nhân lao động mà không vi phạm pháp luật là làm, đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Chúng tôi luôn xác định phương châm đó, bây giờ và cả sau này vẫn vậy.

Trong tình hình mới, công tác phát triển đoàn viên sẽ thêm khó khăn, thách thức, thậm chí là cạnh tranh thu hút, tập hợp NLĐ. Chỉ có nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, quyết tâm xây dựng tổ chức vững mạnh, thực sự quan tâm NLĐ mới thu hút được đoàn viên. Cán bộ công đoàn phải có bản lĩnh, kiến nghị với chính quyền, giới chủ thực hiện tốt Luật Công đoàn; phát động các phong trào thi đua mang lại quyền lợi cho cả người sử dụng lao động và NLĐ. Từ đó được người sử dụng lao động tin tưởng, tạo điều kiện để Công đoàn hoạt động, thu hút và tập hợp đoàn viên” – đồng chí Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ.

Siết lại kỷ cương, lề lối làm việc, khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của cán bộ công đoàn
Đồng chí Ngô Đức Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang (thứ 2 từ trái qua) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Vina Dae-A nhân dịp thành lập. Ảnh: CĐ

Do có sự nỗ lực cao trong công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nên đến cuối năm 2022, 13/13 chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2018-2023 đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, về đích sớm trước 01 năm. Trong đó có 12/13 chỉ tiêu vượt cao so kế hoạch như chỉ tiêu kết nạp đoàn viên đạt 142.197/38.500 đoàn viên vượt 369,3% kế hoạch; thành lập mới 434 CĐCS, đạt 196,4%, trong đó có 229 CĐCS có từ 25 lao động trở lên, đạt 424% kế hoạch…

HÀ VY

Xem phiên bản di động